Topic outline

  • Chào mừng bạn đến với tác phẩm sách: Trái Đất Là Quê Hương Ta

  • Chương 1: CHIẾN TRANH VÀ VŨ KHÍ HẠT NHÂN


    • Vui lòng click vào icon quyển sách bên dưới, để đọc Chương 1.
      Cảm ơn quý độc giả!

    • Chương 1

      CHIẾN TRANH VÀ VŨ KHÍ HẠT NHÂN


      - Chiến tranh thế giới thứ Hai và hậu quả hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

      - Lịch sử chiến tranh thông qua sự phát triển vũ khí: xe chiến mã, súng, bom nguyên tử - sự khác biệt trong văn hóa chiến tranh ở phương Đông và phương Tây. 

      - “Chiến tranh Lạnh” thay đổi lịch sử phát triển vũ khí hạt nhân. 

      - Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và câu chuyện phát triển vũ khí hạt nhân của 9 quốc gia Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Israel. 

      - Phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân trái ngược với lượng dự trữ hạt nhân toàn cầu hiện tại.


      Xin được bắt đầu bằng những câu chuyện chiến tranh, sự khốc liệt và chết chóc kinh hoàng của nó, bom nguyên tử và các trò tàn nhẫn nhất; các bí mật ẩn sau đó, có thể làm chúng ta mất ngủ nhiều đêm, ám ảnh suốt đời. Nó sẽ là chuông nguyện cho hòa bình gióng lên thêm trong mỗi chúng ta, để cùng trăn trở, hiến kế cho phần còn lại của thế giới những giải pháp Hòa Bình.

    • Tháng 8/1945 đi vào lịch sử thế giới cùng nỗi kinh hoàng, khi Mỹ liên tiếp ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Quả bom có tên “Little Boy” nặng 5 tấn ném xuống thành phố Hiroshima, tại vị trí nhà thờ Kitô giáo lớn nhất Nhật Bản. Một vụ nổ tương đương sức công phá của 15.000 tấn thuốc nổ TNT đã khiến 10,36km2 của thành phố trở thành đống đổ nát. Ngày 9/8/1945, quả bom nguyên tử có tên Fatman ném xuống Nagasaki. 

      Ngay từ đầu, Kyoto đã được coi là mục tiêu chính. Kyoto tập trung giới trí thức khoa học, kỹ thuật và văn hóa Nhật Bản. Nếu một cuộc tấn công hạt nhân vào thành phố này thực sự xảy ra, Nhật Bản sẽ bị tụt lại rất xa về mặt văn minh, đây chính là điều mà người Mỹ cần. Điều đáng ngạc nhiên nhất là Kyoto đã thoát khỏi số phận khủng khiếp nhờ sự đa cảm của Bộ trưởng Chiến tranh Hoa Kỳ Henry Stimson. Thời trẻ, Henry Stimson đã hưởng tuần trăng mật tại đây nên ông đánh giá cao vẻ đẹp và văn hóa của Kyoto. Tướng Leslie Groves, người lãnh đạo chương trình vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ, trong cuốn sách Now You Can Tell It, kể lại rằng ông khăng khăng đòi ném bom Kyoto, nhưng ông đã bị thuyết phục bởi ý nghĩa lịch sử và văn hóa của thành phố. 

      “Little Boy” được ném xuống Hiroshima có công suất của khoảng 15-18Kt (1Kt tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), phát nổ ở độ cao 580m so với bề mặt trái đất. “Fat Man” ném xuống Nagasaki có công suất khoảng 21-23Kt và phát nổ ở độ cao 503m tính từ bề mặt trái đất. Quả cầu lửa hình thành ngay trung tâm vụ nổ có nhiệt độ 7.000 độ C. Vùng mặt đất dưới tâm nổ, nhiệt độ lên tới 4.000 độ C. Quả cầu lửa đã thiêu rụi mọi sinh vật trong bán kính 1,5km. Sau đó, một đợt xung kích có sức mạnh khủng khiếp phá hủy tất cả các tòa nhà trong bán kính đến 2km. Tất cả những người ở trong bán kính 1,2km từ vụ nổ đều bị chết do

    • bỏng. Những người sống sót được nhờ được che chắn trong bán kính 500m từ tâm nổ, “dính” một liều phóng xạ lớn.


      Trong bán kính 2km từ tâm nổ, 40% cư dân chết ngay lập tức, 56,5% chết trong vòng 4 tháng sau đó. Trong 2 tuần đầu tiên, nhiều người bị bỏng nặng và bị liều lượng lớn phóng xạ gây chết. Trong 10 ngày, nhiều người chết vì sốt, tiêu chảy và nôn ra máu - dấu hiệu phơi nhiễm phóng xạ. Những người còn sống bị rụng tóc, tổn thương thanh quản, bệnh bạch cầu. Những người sống sót tiếp tục chết trong tương lai do bị bệnh ung thư. Cơ thể của những người sống sót chi chít những vết sẹo lồi xấu xí do bỏng diện rộng. Trẻ sơ sinh bị chiếu xạ trong bụng mẹ, khi sinh ra sẽ mang các dị tật lớn. 

      Nhiều dị thường xuất hiện 20-40 năm sau vụ nổ hạt nhân. Theo nghiên cứu “Chẩn đoán hiện đại bệnh bạch cầu” của giáo sư Đại học Hiroshima Nanao Kamada, 70-100.000 trong tổng số 245.000 cư dân của thành phố Hiroshima chết trong tích tắc. Ở

    • khoảng cách lên tới 19km, tất cả các cửa sổ trong nhà đều bị vỡ; các mảnh kính xuyên qua cơ thể người với tốc độ 800km/h. Tất cả các ngôi nhà bị thiêu rụi, con người bị thiêu chết trong đau đớn. Nagasaki bị ảnh hưởng ít hơn một chút do những ngọn đồi xung quanh và một khu công nghiệp rộng lớn không có người ở. Mặc dù công suất của quả bom cao hơn, nhưng thiệt hại ít hơn, 60.000- 80.000 cư dân bị chết. 

      Vài ngày sau khi hai quả bom nguyên tử gần như hủy diệt hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, ngày 14/8/1945 Nhật hoàng Hirohito tuyên bố trên đài phát thanh rằng, Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ Hai chấm dứt. 

      Thế nhưng, có những sự thật bị vùi lấp đằng sau thất bại của Nhật Bản. Vào ngày thế giới kỷ niệm 74 năm vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, quyển sách Cuộc chiến bí mật của Nhật Bản (Japan’s Secret War) của tác giả Robert K. Willcox (xuất bản lần đầu ở Mỹ năm 1995) xuất hiện ở Nhật Bản, đặt ra một câu hỏi hóc búa “Điều gì sẽ xảy ra nếu Nhật Bản là nước đầu tiên sử dụng bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ Hai?”. 

      Một trong số những cuốn sách của tác giả Robert K. Wilcox về các bí ẩn trong lịch sử và thuyết âm mưu - Từ tấm vải liệm thành Torino đến vụ ám sát Kennedy. Trong gần 24 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên của Cuộc chiến bí mật của Nhật Bản, với lời dẫn “Làm cách nào để Nhật Bản chạy đua với thời gian để chế tạo quả bom của riêng mình”, ông tiếp tục nghiên cứu chương trình nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ Hai của Nhật Bản dựa vào các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các nhà khoa học của đất nước này làm việc trong dự án vũ khí tối thượng, nói chuyện với giới quan chức Mỹ, thu thập các tài liệu được phân loại và giải mật từ nhiều quốc gia. 

      Wilcox lưu ý rằng giới quan chức Mỹ đã giúp Nhật Bản che đậy một số tội ác chiến tranh khủng khiếp, bao gồm các thí nghiệm

    • sinh học tàn khốc với các tù nhân chiến tranh. Ông lập luận rằng chính phủ Mỹ cũng có thể đã giữ bí mật phần lớn những gì họ biết về chương trình hạt nhân của Nhật Bản. Theo Wilcox, giới lãnh đạo và các nhà khoa học Nhật Bản “đã cam kết tạo ra một thiết bị như vậy” tại một thời điểm khi họ và các quốc gia khác “chạy đua nhau tạo ra vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử. Mặc dù thất bại nhưng Nhật Bản đã tiến gần đến thành công hơn những gì mà lịch sử ghi nhận”. 

      Wilcox đưa ra một trường hợp Nhật Bản kích nổ thành công một thiết bị nguyên tử vào khoảng ngày 12/8/1945, tức 6 ngày sau khi Hiroshima bị ném bom nguyên tử và vài ngày sau vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki. Quyết định chấp nhận đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản vào ngày 15/8/1945, theo Wilcox, được đưa ra sau cuộc thử nghiệm bom nguyên tử của chính mình và có lẽ họ cũng nhận ra rằng đã quá muộn để trả đũa bằng cùng loại vũ khí hủy diệt. 

      Wilcox không phải là người đầu tiên phát hiện ra câu chuyện Nhật Bản chạy đua với Mỹ và Nga trong việc sản xuất bom nguyên tử. Vào mùa hè năm 1946, phóng viên David Snell đã viết về quả bom nguyên tử của phát xít Nhật một cách công khai trên tạp chí Hiến pháp Atlanta của Mỹ.  David Snell cho biết đã phỏng vấn một sĩ quan Nhật Bản phụ trách an ninh cho dự án bom nguyên tử. “Nhật Bản đã phát triển và thử nghiệm thành công một quả bom nguyên tử vào 3 ngày trước khi kết thúc chiến tranh. Thế nhưng các tài liệu bí mật và kế hoạch ném bom nguyên tử đã bị phá hủy chỉ vài giờ trước khi các đơn vị của quân đội Nga di chuyển đến Konan, nơi tiến hành dự án. Dự án sử dụng khoảng 40.000 công nhân Nhật Bản, trong đó khoảng 25.000 người là kỹ sư và nhà khoa học được đào tạo. Các công nhân bị hạn chế trong khu vực của họ. Khu biệt lập bên trong nhà máy nằm sâu trong một hang động. Ở đây chỉ có 400 chuyên gia làm việc”.

    • Bài viết của David Snell còn tóm tắt các mục tiêu chiến lược của dự án: “Khi các lực lượng đặc nhiệm mũi nhọn của Đồng minh mở rộng cuộc chiến đến gần hơn với lục địa Nhật Bản, Hải quân Nhật Bản đã tiến hành sản xuất bom nguyên tử để bảo vệ chống lại các hoạt động đổ bộ. Bom nguyên tử sẽ được sử dụng trong máy bay tự sát Kamikaze để tiêu diệt tàu của Đồng minh”

      Đến nay vẫn chưa có nhiều người biết Nhật Bản chế tạo bom nguyên tử của riêng mình và gần như thành công - nhưng đã quá muộn so với Hoa Kỳ. 

      Thực tế đã diễn ra là Nhật Bản phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử của Mỹ mà không kịp trả đũa bằng quả bom mình đã sản xuất thành công. Nhưng tôi ngờ rằng: giả sử Nhật Bản có vượt mặt Mỹ sở hữu những quả bom nguyên tử đầu tiên, họ cũng sẽ không ném bom hủy diệt một thành phố nào đó.

      Có một chi tiết thú vị thế này: 

      Người ta không biết những chiến binh cưỡi xe chiến mã ra đời ở đâu, vào lúc nào, nhưng điều có thể khẳng định người cưỡi xe chiến mã xuất phát từ dân du mục trên các vùng thảo nguyên. Khởi nguồn của chiến tranh, vì thế, có lẽ bắt đầu từ những cuộc chiến giữa dân du mục và động vật họ săn mồi. Khi con người chuyển sang thời kỳ Nông nghiệp, họ đã giảm khẩu phần thịt trong bữa ăn của con người. Ăn thịt ít hơn, người dân trồng trọt luôn tìm cách kéo dài tuổi thọ những con vật được họ thuần dưỡng để làm tăng tối đa lượng sữa của chúng cung cấp, tăng trọng lượng cơ thể hay sức mạnh cơ bắp của chúng - hơn là lựa chọn giết thịt khi chúng trưởng thành đầy đủ. Kết quả là người nông dân thiếu các kỹ năng của một đồ tể để giết thú ăn thịt và thiếu cả kỹ năng của kẻ chuyên sát hại những con thú non, nhanh nhẹn, có khả năng thoát được ý định sát hại của con người. Những người săn bắt sơ khai, tuy rất giỏi sát hại muông thú, có lẽ không có nhiều kỹ năng trong việc sát hại, họ chỉ theo dấu và dồn con mồi vào bẫy hơn là

    • giáng một đòn chính xác làm con vật chết tươi. “Trái lại, dân du mục, biết cách giết và chọn con mồi để giết. Họ phải hoàn toàn không có cảm xúc ủy mị đối với những con cừu hay dê họ nuôi; đối với họ chúng chỉ là thực phẩm biết đi: sữa và các chế phẩm từ sữa, bao gồm bơ, sữa đông, nước sữa, sữa chua, đồ uống lên men và phó mát, nhưng chủ yếu là thịt và có lẽ máu nữa”, John Keegan nhận định. “Một kế hoạch giết thịt đòi hỏi khả năng làm một con vật đang sống chết thật nhanh mà chỉ gây tổn thương tối thiểu lên thân xác và nội tạng quý giá của nó, đồng thời ít gây xáo trộn nhất cho những con khác trong bầy. Giáng một đòn chí tử, nhanh và gọn, là kỹ năng quan trọng của dân du mục, chắc chắn kỹ năng đó đã được nâng cao nhờ vào kiến thức về cơ thể động vật mà họ học được trong những lần giết thịt thường lệ”. Chính việc kiểm soát đàn gia súc, cũng như việc sát hại và xẻ thịt thú vật đã khiến cho dân du mục trở nên lão luyện đến tàn nhẫn trong việc đương đầu với cư dân nông nghiệp, định cư ở những vùng đất văn minh khi lâm chiến.


    • Tất cả các đấu pháp trên chiến trường về sau của dân du mục đều phản ánh dạng thức chăn nuôi đàn gia súc mà họ đã thành thạo trong hàng trăm năm. “Họ biết cách chia nhỏ đàn gia súc thành những nhóm dễ quản lý, họ biết cắt đường thoái lui bằng cách vòng qua bên sườn, cách dồn đàn thú tản mát thành bầy sát nhau, cách ly những con đầu đàn, chế ngự số lượng áp đảo của đàn gia súc bằng sự đe dọa, giết chọn lọc một số con trong khi khiến những con khác bất động và chịu bị kiểm soát”. Các học giả châu Âu và Trung Hoa đều cho rằng người Hung, người Thổ, người Mông Cổ - những người du mục - thường chiến đấu mà không lập nên các trận tuyến và cũng không cương quyết tấn công. Thay vì thế họ tiến đến quân địch với một đội hình vòng cung lỏng lẻo, đe dọa các đối thủ ít động cơ với cách bọc quanh hai bên sườn. Nếu bị kháng cự mạnh ở bất kỳ điểm nào, họ sẽ mở cuộc tháo lui, mục tiêu là dụ kẻ thù vào một cuộc truy đuổi sai lầm vốn sẽ phá tan đội ngũ của địch. Họ chỉ xáp vào cận chiến khi trận đánh rõ ràng có lợi cho họ và khi xáp trận như thế, họ dùng vũ khí cực kỳ sắc bén để sát thương, thường là chặt đầu hay chặt tay chân. 

      Lý lịch mờ mịt của những nhà cai trị đi xe chiến mã là một dấu hiệu về tính cách chính của họ: họ là những kẻ hủy diệt hơn là những nhà sáng tạo và trong chừng mực tự khai hóa, họ tiếp thu các cung cách, thiết chế và đức tin của các dân tộc bị họ thống trị hơn là qua việc phát triển một nền văn hóa cho chính mình. Nhà Thương của Trung Quốc có lẽ đã kế tục một nền văn hóa đã có từ trước ở miền Bắc Trung Hoa hơn là mang đến một nền văn hóa của riêng mình. Những văn bản khắc chữ cho thấy họ là những người đi săn trên xe chiến mã, giết những con mồi lớn như hổ và bò có sừng bằng cây cung đa vật liệu và họ thực hiện việc giết người để hiến tế, có lẽ người bị giết là nô lệ, mà cũng có thể là tù binh chiến tranh. Đồ tùy táng tìm thấy trong các cuộc khai quật cho thấy họ sử dụng độc quyền đồng thau, trong khi những người trồng trọt

    • là thần dân bị trị của họ vẫn dùng công cụ bằng đá. Rốt cuộc nhà Thương bị nhà Chu, một triều đại của người bản xứ ở phía Nam lật đổ vào khoảng năm 1050 - 1025 TCN, nhà Chu đã học được cách dùng ngựa và xe chiến mã từ một nguồn khác. 

      Như quy luật “ác giả ác báo”, những kẻ đi xe chiến mã bạo ngược ở mọi nơi đều vắn số. Một sự phục hưng quyền lực pharaoh dưới sự lãnh đạo của Amosis, người đặt nền móng cho Tân quốc vương, đã đánh bật người Hyksos ra khỏi Ai Cập vào năm 1567 TCN. Những tộc người sử dụng xe chiến mã khác, người Hittite xứ Anatolia - Thổ Nhĩ Kỹ hiện đại - và người xứ Mycenae của Hy Lạp hiện đại, có lẽ là chịu trách nhiệm về sự hủy diệt nền văn minh Minoan ở đảo Crete và gợi cảm hứng cho câu chuyện chiến tranh thành Troy của thi hào Homer, cả hai đều bị các dân tộc từ miền Bắc Hy Lạp là Phrygia và Dorian lật đổ vào năm 1200 TCN. “Tuy nhiên quan trọng hơn hết, những người bản xứ vùng Lưỡng Hà dưới triều vua Ashur-uballit vào năm 1365 TCN đã kết thúc một chiến dịch kéo dài chống lại các chúa tể người Hurria và tái lập vương quốc cổ của họ, ngày nay được biết với tên Assyria. Hình ảnh chúng ta có về người Assyria, rút ra từ những tác phẩm nghệ thuật đế vương rực rỡ của họ được khai quật tại Nineveh và Nimrud, là một chủng tộc dùng xe chiến mã”, John Keegan nhận định. 

      Những tưởng sức hủy diệt kinh khủng của bom nguyên tử đã khiến loài người ghê sợ và xa lánh vũ khí hạt nhân nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Andrew Futter trong quyển Vũ khí chính trị hạt nhân (The Politics of Nuclear Weapons) thống kê kể từ năm 1945 đến nay đã có 2056 vụ thử hạt nhân được tiến hành trên toàn thế giới (528 vụ thử trong khí quyển và 1.528 vụ thử trong lòng đất) với tổng sức công phá ước tính trên 500 megaton, gấp hàng nghìn lần so với sức công phá của các quả bom ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Từ chỉ một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ năm 1945, tính đến tháng 12/2020 có 9 quốc gia trên thế giới (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Israel,

    • Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên) sở hữu khoảng 13.355 đầu đạn hạt nhân. Như Andrew nhận xét, bí quyết và công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân đã ra đời từ những năm 1940 thì “rất đáng ngạc nhiên khi chỉ có một số quốc gia đã phổ biến và chế tạo bom nguyên tử”. Kể từ khi sở hữu sức mạnh của phát minh thuốc súng, phương Tây đã thống trị thế giới cho đến thế kỷ này. Một lần nữa, thái độ với thuốc súng - và sau này là bom nguyên tử - đã thay đổi cục diện Đông - Tây và John Keegan cho rằng văn hóa là yếu tố chính quyết định bản chất cuộc chiến tranh.

      Chiến tranh lạnh là một tác nhân làm thay đổi cuộc chơi hạt nhân

      Là thuật ngữ được nhà văn George Orwell tạo ra trong tác phẩm 1984, Chiến tranh lạnh được hiểu là thời kỳ căng thẳng về mặt chính trị và quân sự giữa Mỹ và Liên Xô - hai cường quốc nổi lên sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc. Giáo sư Graham Allison trong quyển Định mệnh chiến tranh: Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể thoát khỏi bẫy Thucydides? (Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap?) phân tích ngay sau chiến thắng Đức Quốc xã, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã nhận định chủ nghĩa cộng sản đang lan rộng của Liên Xô sẽ trở thành mối hiểm họa lớn và họ phải đề ra một chiến lược mới cho thế giới hậu chiến mà ở đó đồng minh một thời (Liên Xô) nay đang trỗi dậy trở thành địch thủ lớn nhất. Liên Xô đột ngột gia tăng sự can thiệp ngay sau khoảng thời gian hậu chiến đã xác nhận những phân tích đúng đắn của các chiến lược gia Mỹ. Cuộc đảo chính ở Tiệp Khắc được Liên Xô hậu thuẫn năm 1948, và cuộc vượt vĩ tuyến 38 đánh Hàn Quốc năm 1950 của Bắc Triều Tiên dưới sự bảo trợ của Liên Xô đã cho thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản đang lan rộng.

    • Năm 1949, người Liên Xô thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên, chấm dứt sự độc quyền của Mỹ với thứ vũ khí tuyệt đối này. Vũ khí hạt nhân đã thật sự thay đổi cuộc chơi. Sau quả bom đầu tiên, Liên Xô nhanh chóng phát triển một kho vũ khí hạt nhân lớn và tinh vi tới mức nước này đã tạo ra học thuyết mà các chiến lược gia hạt nhân phải công nhận là “sự hủy diệt lẫn nhau hoàn toàn” (mutual assured destruction, gọi tắt là MAD). Khái niệm này mô tả điều kiện mà trong đó cả Liên Xô và Mỹ đều không chắc chắn có thể hủy diệt được kho vũ khí của đối thủ trong một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu trước khi đối thủ có thể tấn công hạt nhân trả đũa. Dưới điều kiện như thế, quyết định của một quốc gia tiêu diệt bên còn lại cũng đồng nghĩa với một lựa chọn tự sát. 

      Sau khi Liên Xô thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên, các chiến lược gia Mỹ bắt đầu đấu tranh với suy nghĩ rằng trong cuộc cạnh tranh với Liên Xô khái niệm chiến tranh như những gì họ biết có lẽ sẽ sớm lỗi thời. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu xung đột trực tiếp giữa các lực lượng quân đội có thể khiến các quốc gia đối mặt với nguy cơ hủy diệt? Dưới những điều kiện như vậy, cần phải có những lựa chọn khác. Vì vậy họ đã sáng tạo ra khái niệm “Chiến tranh lạnh” như một phương thức tiến hành chiến tranh bằng mọi phương tiện ngoại trừ bom và súng đạn vốn thường được các đối thủ sử dụng để chống lại nhau. “Mỹ và Liên Xô đã tiến hành công kích có hệ thống và lâu dài chống lại nhau trên hầu như mọi phương diện, chỉ trừ một mặt trận: các cuộc tấn công quân sự trực tiếp. Những hành động công kích này bao gồm chiến tranh kinh tế, chiến tranh thông tin, các hoạt động bí mật và thậm chí là các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Triều Tiên, Angola và Afghanistan...”, Graham Allison viết. 

      Chiến tranh lạnh được nhiều học giả thống nhất bắt đầu vào năm 1947 khi Tổng thống Mỹ Harry S. Truman cho ra đời học thuyết Truman, khẳng định Liên Xô là địch thủ và Mỹ sẵn sàng chống lại Liên Xô cũng như trợ giúp những nơi bị Liên Xô và

    • sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản đe dọa. Năm 1948, Mỹ bắt đầu thực hiện Kế hoạch Marshall viện trợ khoảng 17 tỷ USD cho các nước Tây Âu, giúp các nước này phục hồi sau chiến tranh. Kế hoạch Marshall bao gồm các biện pháp nhằm ngăn chặn sức mạnh Liên Xô qua hai giai đoạn: tái thiết châu Âu “phi cộng sản” về mặt kinh tế chính trị, tăng khả năng để chống lại Liên Xô, đồng thời duy trì sức mạnh hạt nhân và sự tin cậy vào việc bảo vệ các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ. 

      Năm 1949, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm Mỹ và các thành viên đồng minh phương Tây, được thành lập với mục tiêu thành lập một khối các quốc gia dân chủ để giúp châu Âu chống lại sự chi phối của Liên Xô. Đáp trả, Liên Xô cùng các nước đồng minh trong phe xã hội chủ nghĩa thành lập khối Hiệp ước Vacsava vào năm 1955. Sự ra đời hai khối quân sự đã chính thức xác lập cục diện lưỡng cực và đánh dấu việc Chiến tranh lạnh đã bao trùm thế giới. Cả hai khối NATO và Vacsava đều duy trì những lực lượng quân sự lớn và các loại vũ khí hiện đại để đảm bảo khả năng đáp trả khi đối phương tấn công. 

      Cuộc chạy đua vũ trang lớn nhất lịch sử thế giới bắt đầu trên các lĩnh vực tên lửa liên lục địa, công nghệ vũ trụ (vệ tinh nhân tạo, khinh khí cầu gián điệp…) và quan trọng hơn cả là vũ khí hạt nhân. Trong cuộc chạy đua hạt nhân, hai bên đã nỗ lực chế tạo những quả bom hạt nhân với kích thước ngày càng lớn cho đến kho dự trữ vũ khí hạt nhân đạt đỉnh vào cuối những năm 1960. Vào thời điểm này, Mỹ có tổng cộng 31.255 đầu đạn hạt nhân, còn Liên Xô có khoảng 40.159. 

      Một trong những quả bom hạt nhân lớn nhất của Liên Xô là Bom Sa hoàng (Tsar Bomba) được thử nghiệm vào năm 1961 tại quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Băng Dương, có sức công phá ước tính khoảng 50-58 megaton, gấp 1.400 lần so với sức công phá hai quả bom ném xuống Nhật Bản cộng lại. Đến nay, đó vẫn là

    • quả bom hạt nhân mạnh nhất từng được con người thử nghiệm trong lịch sử thế giới. Vụ thử Tsar Bomba dẫn đến nỗi lo sợ việc thử nghiệm hạt nhân vượt ngoài tầm kiểm soát là nguyên nhân dẫn đến việc ra đời Hiệp ước năm 1963, cấm thử nghiệm hạt nhân trong tất cả các khu vực ngoài lòng đất (PTBT). Nỗi sợ này cũng thúc đẩy thỏa thuận của Hiệp ước về ngưỡng cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân năm 1974, trong đó giới hạn quy mô các vụ thử hạt nhân ở mức không quá 150 kiloton.



      Một hệ quả kéo theo cuộc chạy đua hạt nhân của Mỹ và Liên Xô là ba quốc gia Anh, Pháp và Trung Quốc cũng tham gia phát triển vũ khí hạt nhân trong những năm đầu Chiến tranh lạnh. Năm 1952, Vương quốc Anh trở thành quốc gia thứ ba sở hữu vũ khí hạt nhân khi phát nổ một quả bom nguyên tử có năng suất 25 kiloton trong Chiến dịch Bão. Pháp trở thành quốc gia thứ tư sở hữu vũ khí hạt nhân vào năm 1960, khi thử nghiệm quả bom nguyên tử

    • Gerboise Bleue thành công tại Algeria, khi nước này vẫn là thuộc địa Pháp. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trở thành cường quốc hạt nhân thứ năm, vào năm 1964, khi quốc gia này kích nổ quả bom Urani-235 25 kiloton trong thử nghiệm có tên mã 596 tại La Bố Hạc (Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương, Trung Quốc). 

      Đỉnh điểm của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân Mỹ - Xô chính là Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962 khi cả hai gần như tiến sát đến một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn. Cuba đứng giữa cuộc đối đầu Mỹ - Xô có nguyên nhân khởi nguồn từ sự đối đầu ý thức hệ tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. 

      Sau Cách mạng Cuba thắng lợi, vào ngày 3/7/1960, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã tuyên bố Cuba sẽ là một bộ phận của khối chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Hành động này khiến Mỹ vô cùng tức giận và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba vào tháng 1/1961, đồng thời thực hiện nhiều hành động chống phá chính quyền Fidel Castro. Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô thời bấy giờ là Nikita Khrushchev cho rằng: nếu Cuba sụp đổ, các nước Mỹ Latinh khác sẽ rời bỏ Liên Xô, làm sụt giảm nghiêm trọng vị thế Liên Xô trên trường quốc tế, đã quyết định biến Cuba thành một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa. Bằng cách bố trí tên lửa hạt nhân ở Cuba, chỉ cách bờ biển Florida của Mỹ chỉ gần một trăm dặm, Liên Xô không chỉ có thể khống chế hành động quân sự của Mỹ nhắm vào Cuba mà còn giúp tạo thế cân bằng hạt nhân giữa Moscow và Washington. Hành động của Liên Xô đã khiến chính quyền John F. Kennedy choáng váng vì trước đó người Mỹ tin rằng Liên Xô sẽ không bao giờ đưa vũ khí hạt nhân vào khu vực Tây bán cầu. 

      Khủng hoảng Tên lửa Cuba diễn ra trong 13 ngày (14/10/1962 - 29/10/1962) dưới sự hồi hộp của toàn thế giới. Rạng sáng ngày 14/10/1962, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đệ trình Tổng thống Kennedy những bức không ảnh do máy bay do thám U-2 chụp, phát hiện dấu vết đầu tiên về sự có mặt của một căn cứ

    • tên lửa tầm trung của Liên Xô tại Saint Kristoban (Cuba). Ủy ban điều hành hội đồng An ninh quốc gia Mỹ ngay lập tức đã tổ chức cuộc họp kín để xem xét động thái của Liên Xô và dự tính những hành động đáp trả của Mỹ. Cuộc họp kéo dài cả tuần lễ với hai phương án đối phó trái ngược nhau: phe diều hâu chọn phương án không kích và xâm lược, trong khi phe bồ câu chọn phương án phong tỏa và thương thuyết. 

      Phong tỏa đường biển theo luật pháp quốc tế tự bản thân nó đã là một hành động chiến tranh, vì thế vào ngày 22/10/1962, Tổng thống Kennedy chỉ tuyên bố cách ly đường biển Cuba. Theo đó, hải quân Mỹ sẽ tuần tra khu vực xung quanh Cuba 500 hải lý nhằm “ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí đến hòn đảo này”. Cùng ngày hôm đó, Kennedy đã gửi một lá thư cho Khrushchev tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không cho phép Liên Xô chuyển giao vũ khí tấn công cho Cuba, yêu cầu Liên Xô dỡ bỏ các căn cứ tên lửa đã xây dựng và trả lại tất cả vũ khí tấn công cho Hoa Kỳ. Ông cũng lên truyền hình quốc gia để thông báo cho công chúng về những diễn biến ở Cuba, quyết định của tổng thống về việc khởi xướng và thực thi lệnh cách ly cũng như những hậu quả toàn cầu có thể xảy ra nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục leo thang. 

      Vào ngày 24/10/1962, Khrushchev đã phản hồi thông điệp của Kennedy bằng một tuyên bố rằng hành vi của Hoa Kỳ là một hành động xâm lược và các tàu của Liên Xô đi đến Cuba sẽ lên đường. Tuy nhiên trong hai ngày 24 và 25/10, một số tàu Liên Xô đã quay lại tuyến cách ly. Trong khi đó các chuyến bay do thám của Mỹ qua Cuba tiếp tục cho thấy các địa điểm tên lửa của Liên Xô đang trong trạng thái sẵn sàng hoạt động. Vào ngày 26/10, Kennedy nói với các cố vấn của mình rằng dường như chỉ có một cuộc tấn công toàn diện vào Cuba mới có thể loại bỏ được tên lửa Liên Xô nhưng ông khẳng định sẽ dành cho kênh ngoại giao thêm một chút thời gian.

    • Những tưởng cuộc khủng hoảng đã đi vào bế tắc nhưng tình thế đã đảo ngược một cách ngoạn mục. Tối ngày 26/10, Khrushchev đã gửi cho Kennedy một tin nhắn, một thông điệp dài đầy cảm xúc về bóng ma thảm sát hạt nhân và đưa ra một giải pháp gợi ý Liên Xô sẽ loại bỏ tên lửa của họ khỏi Cuba nếu Hoa Kỳ hứa không xâm lược hòn đảo nào. Ngày hôm sau, 27/10 Khrushchev gửi một thông điệp khác cho Kennedy nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào ở Cuba được đề xuất với Liên Xô đều phải bao gồm việc loại bỏ tên lửa Jupiter của Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Dù ngày hôm đó một máy bay phản lực trinh sát U-2 của Mỹ đã bị bắn rơi trên bầu trời Cuba nhưng Kennedy đã nhượng bộ Khrushchev khi đêm đó đã hồi đáp thông điệp rằng Hoa Kỳ đảm bảo sẽ không tấn công Cuba nếu Liên Xô loại bỏ hệ thống tên lửa khỏi Cuba dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. 

      Cuộc khủng hoảng đi đến hồi kết một cách êm đẹp. Sáng ngày 28/10, Khrushchev tuyên bố công khai rằng các tên lửa của Liên Xô sẽ được tháo dỡ và đưa ra khỏi Cuba. Hai bên đều giữ lời hứa của mình. Liên Xô loại bỏ máy bay ném bom IL-28 của họ khỏi Cuba vào ngày 20/11/1962, trong khi đó tên lửa Jupiter của Hoa Kỳ được đưa ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4/1963. 

      Khủng hoảng tên lửa Cuba đóng vai trò quan trọng trong việc tác động đến diễn biến của cuộc Chiến tranh lạnh. Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Liên Xô trong cuộc khủng hoảng đã khiến thế giới và hai siêu cường lo sợ về một cuộc chiến tranh hạt nhân thật sự sẽ xảy ra. Chính điều này đã thúc đẩy hai bên bước vào giai đoạn hòa hoãn cuối thập niên 1960 và tăng cường tiến hành các cuộc đàm phán giải trừ quân bị. 

      *** 

      Trên thực tế, ngay sau khi làm chủ được công nghệ phát triển vũ khí hạt nhân, cả Mỹ và Liên Xô đều nỗ lực tìm cách kiềm chế

    • các quốc gia khác không phát triển thứ vũ khí hủy diệt này. Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân một phần (PTBT) cam kết sẽ không tiến hành các cuộc thử hạt nhân trong khí quyển, vũ trụ và dưới nước được ký năm 1963 giữa Liên Xô, Mỹ và Anh là minh chứng cho nỗ lực này. Dẫu vậy, sau khi Pháp và Trung Quốc gia nhập “các nước cường quốc hạt nhân” vào các năm 1960 và 1964 thì các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân đã đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ về quyền của mình, đòi hỏi sự đền bù cho việc không sở hữu vũ khí hạt nhân. Đó là tiền đề cho sự ra đời của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1968. 

      NPT công nhận quyền hợp pháp của 5 quốc gia Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân và thường được gọi là Quốc gia có vũ khí hạt nhân (NWS), trong khi các nước còn lại được xem là “các quốc gia không có vũ khí hạt nhân”. NPT là văn bản pháp lý góp phần tạo dựng nên một hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu với ba trụ cột chính. Một là, tất cả các quốc gia (có vũ khí hạt nhân và không có vũ khí hạt nhân) cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nghĩa là các quốc gia cam kết không chuyển giao và nhận sự chuyển giao bất kỳ vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị gây nổ hạt nhân nào, không khuyến khích, xúi giục sản xuất, không trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát vũ khí hạt nhân và thiết bị gây nổ hạt nhân. Hai là, NPT cho phép các quốc gia hợp tác trong các hoạt động liên quan đến hạt nhân hòa bình, bao gồm trao đổi quốc tế về nguyên liệu, thiết bị hạt nhân để chế tạo và sản xuất nguyên liệu hạt nhân vì mục đích hòa bình. Ba là, theo điều VI của Hiệp ước, mỗi bên tham gia NPT cam kết theo đuổi các cuộc đàm phán chân thành nhằm đạt được các biện pháp hiệu quả nhất để sớm chấm dứt cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó NPT cũng quy định nghĩa vụ của các quốc gia không có vũ khí hạt

    • nhân đối với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) là chấp nhận sự thanh sát của cơ quan này nhằm ngăn chặn việc sử dụng sai năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. 

      Có hiệu lực chính thức từ năm 1970, Hiệp ước NPT đến nay đã có 191 quốc gia tham gia, chứng tỏ phần nào sức mạnh và hiệu quả của hiệp ước. Trên thực tế, sau những năm 1970, cả Mỹ và Liên Xô đều thực hiện cam kết giải trừ hạt nhân, tỷ lệ lượng dự trữ hạt nhân toàn cầu giảm sút đáng kể từ năm 1975 - 1995, đặc biệt sau khi Liên Xô sụp đổ và Chiến tranh lạnh kết thúc. Trong bối cảnh đầy lạc quan này lẽ ra thế giới đã tiến đến viễn cảnh không còn vũ khí hạt nhân vậy nhưng tại sao 4 quốc gia Ấn Độ, Pakistan, Israel, Triều Tiên lại gia nhập “câu lạc bộ hạt nhân” nâng tổng số quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân lên con số 9? 

      Đây quả là bài toán hóc búa cho khát vọng hòa bình của nhân loại. 

      “Có một niềm tin mạnh mẽ rằng việc phát minh ra vũ khí hạt nhân đã mở ra một cuộc cách mạng chính trị quốc tế và đặc biệt là trong cách mà các quốc gia suy nghĩ và lập kế hoạch cho chiến tranh. Về cơ bản, sở hữu vũ khí hạt nhân có nghĩa là một quốc gia có thể ngăn chặn hành động gây hấn của một quốc gia khác bằng cách đe dọa đáp trả với mức độ thiệt hại không thể chấp nhận được”, Andrew Futter viết trong Vũ khí Chính trị hạt nhân. “Bất chấp hậu quả hai quả bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng chức năng chính của vũ khí hạt nhân là răn đe. Các quốc gia chế tạo vũ khí hạt nhân để ngăn chặn quốc gia khác sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào quốc gia mình”. 

      Nhưng để có thể răn đe, một quốc gia phải thuyết phục được kẻ tấn công tiềm tàng rằng quốc gia có vũ trang hạt nhân sẽ chọn trả đũa bằng lực lượng áp đảo và các lực lượng hạt nhân đủ mạnh sẽ sống sót sau một cuộc tấn công phủ đầu bất ngờ để thực hiện điều này. “Do đó, việc ngăn chặn các mối đe dọa thông qua sở hữu và

    • ý định sử dụng vũ khí hạt nhân có uy lực là nền tảng của cơ chế răn đe hạt nhân. Như vậy, nghịch lý bao trùm của thời đại hạt nhân là các quốc gia chủ yếu chế tạo vũ khí hạt nhân và lên kế hoạch sử dụng chúng với hy vọng rằng khi làm như vậy họ sẽ không bao giờ sử dụng chúng”. 

      5 quốc gia NWS dù đã có những nỗ lực để giải trừ hạt nhân nhưng họ chưa bao giờ thật sự từ bỏ vũ khí hạt nhân. Từ sau Chiến tranh lạnh, dù đã cắt giảm đáng kể lượng dự trữ vũ khí hạt nhân, Mỹ vẫn luôn là cường quốc hạt nhân lớn nhất toàn cầu. Các nhà lãnh đạo Mỹ không che giấu quan điểm của mình. Tổng thống Obama phát biểu năm 2008: “Tôi đã nói rằng nước Mỹ sẽ không giải trừ vũ khí hạt nhân đơn phương. Thật vậy, chừng nào các quốc gia còn giữ lại vũ khí hạt nhân, thì nước Mỹ sẽ duy trì lực lượng răn đe hạt nhân mạnh mẽ, an toàn, bảo đảm và đáng tin cậy”. Hồi sinh mạnh mẽ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, nước Nga cũng không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình, thay vào đó họ ngày càng hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân và mở rộng vai trò của lực lượng này trong chính sách an ninh quốc gia. Bằng việc bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong Học thuyết quân sự Nga năm 2010, Nga một lần nữa khẳng định vũ khí hạt nhân là chìa khóa cho vị thế cường quốc và là biểu tượng cho ảnh hưởng toàn cầu của Nga. 

      Vương quốc Anh được xem là một quốc gia tiến gần nhất tới mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân trong nhóm NWS, dẫu vậy Anh vẫn duy trì chính sách ra tay sử dụng hạt nhân trước nếu nhà nước Anh phải đối mặt với nguy cơ diệt vong. Tương tự, vũ khí hạt nhân từ lâu vẫn là trọng tâm đối với uy tín của Pháp. Giới quan chức Pháp phản ứng với chủ trương phi hạt nhân hóa hoàn toàn bằng lập luận rằng răn đe hạt nhân là cách tốt nhất để đối phó với phổ biến vũ khí hạt nhân và nó vẫn sẽ là vấn đề cốt lõi của an ninh Pháp trong tương lai gần. 

      Trung Quốc là quốc gia thứ 5 tham gia câu lạc bộ hạt nhân vào năm 1964 và là quốc gia cuối cùng làm như vậy trước khi Hiệp

    • ước NPT ban hành. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc tỏ ra bằng lòng với việc duy trì một kho vũ khí hạt nhân nhỏ nhưng hiệu quả, cam kết không ra tay sử dụng vũ khí hạt nhân trước, đồng thời có động thái ủng hộ cho mục tiêu giải trừ hạt nhân hoàn toàn. Dẫu vậy, càng về sau, Trung Quốc càng hiện đại hóa các hệ thống mạng phóng vũ khí hạt nhân của mình, chủ yếu để đáp lại các động thái và đặc biệt là việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ. “Chừng nào Trung Quốc còn cảm thấy Mỹ đe dọa, hoặc ít nhất là nguy cơ bị cưỡng ép, và trong khi Mỹ và Nga duy trì các lực lượng hạt nhân lớn hơn nhiều thì Trung Quốc sẽ không hứng thú với ý tưởng giải trừ hạt nhân”, Andrew Futter phân tích. 

      NPT rõ ràng có lỗ hổng. Nhiều người chỉ trích Hiệp ước NPT dù có điều khoản cam kết giải trừ hạt nhân nhưng không có bất kỳ cơ chế thực sự nào để tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân. Lỗ hổng thứ hai là điều khoản sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình của Hiệp ước NPT cho phép các quốc gia đi đến đạt ngưỡng vũ khí hạt nhân. 

      Sự phức tạp của ngưỡng vũ khí hạt nhân bắt nguồn từ thực tế là công nghệ cần thiết cho chương trình điện hạt nhân dân sự rất giống với công nghệ cần thiết để sản xuất vật liệu phân hạch cho bom nguyên tử cũng như một số phần cứng quân sự được thiết kế cho các hệ thống vũ khí phi hạt nhân có thể được sửa đổi để mang phóng vũ khí hạt nhân. Điều này dẫn đến một thực tế rằng nếu một quốc gia sở hữu chương trình hạt nhân dân sự, bao gồm khả năng sản xuất uranium hoặc plutonium 239 được làm giàu cao và có cơ sở hạ tầng quân sự tương đối tiên tiến có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân. Mặc dù những quốc gia này không thể chế tạo một quả bom nguyên tử trong một đêm (hoặc hoàn toàn bí mật) nhưng họ có thể làm như vậy trong một khoảng thời gian tương đối ngắn nếu họ quyết tâm. Các quốc gia này được gọi là các quốc gia vũ khí hạt nhân ảo hoặc quốc gia ngưỡng vũ khí hạt nhân, có khả năng tiến gần đến khả năng đột phá hạt nhân mà

    • không thực sự làm suy yếu Hiệp ước NPT hoặc vi phạm luật pháp quốc tế. Với hàng trăm cơ sở hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động ở hàng chục quốc gia trên toàn thế giới, thách thức ngưỡng hạt nhân luôn hiện hữu và thường trực. 

      Khi công nghệ hạt nhân không phải là điều bí mật và những lỗ hổng của Hiệp ước NPT cho phép các quốc gia đạt đến ngưỡng vũ khí hạt nhân, lựa chọn chế tạo bom nguyên tử hay không rõ ràng tùy thuộc vào ý thức và thiện chí của từng quốc gia. Và trong khi hàng trăm quốc gia chọn nói “Không” với vũ khí hạt nhân thì Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Isarel lại có lý lẽ riêng của họ. 

      Ấn Độ thực tế không phải là một quốc gia theo đuổi giấc mộng bom nguyên tử ngay từ đầu. Vào những năm 1948, chương trình hạt nhân của Ấn Độ chủ yếu quan tâm đến việc phát triển năng lượng hạt nhân hơn là vũ khí. Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru gọi bom nguyên tử là “biểu tượng của cái ác” đã cương quyết khẳng định Ấn Độ chỉ theo đuổi các ứng dụng hạt nhân hòa bình. 

      Nhưng tình hình sau đó đã thay đổi. Dù căng thẳng với Pakistan là một yếu tố góp phần vào chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ nhưng thực tế chính xung đột với Trung Quốc đã thúc đẩy Ấn Độ chế tạo bom nguyên tử. Vào tháng 10/1962, chiến tranh đã nổ ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc vì bất đồng liên quan đến biên giới Himalaya, Ấn Độ đã kêu gọi cả Liên Xô và Hoa Kỳ hỗ trợ nhưng hai siêu cường vào thời điểm đó đang bị phân tâm vào Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Chiến tranh Trung - Ấn kéo dài một tháng đã kết thúc với chiến thắng cho Trung Quốc và nỗi nhục nhã cho Ấn Độ. Việc Trung Quốc thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên của họ vào tháng 10/1964 đã khiến giới quan chức Ấn Độ lo ngại và thúc giục chính phủ Ấn Độ phê duyệt chương trình bom nguyên tử. Cho đến lúc này, Thủ tướng Ấn Độ Lal Bahadur Shastri vẫn giữ nguyên chính sách thời Nehru: Ấn Độ sẽ không chế tạo bom nguyên tử.

    • Năm 1966 chứng kiến những thay đổi đáng kể trong chương trình hạt nhân của Ấn Độ. Thủ tướng Shastri qua đời vì một cơn đau tim và Indira Gandhi, con gái của cựu Thủ tướng Jawaharlal Nehru, lên thay thế vị trí của ông. Indira Gandhi là người ủng hộ mạnh mẽ vũ khí hạt nhân và là tác nhân gây nên cuộc tranh cãi quốc tế khi Ấn Độ từ chối ký Hiệp ước NPT năm 1968. 

      Vào tháng 9/1972, Thủ tướng Gandhi chính thức phê duyệt một vụ thử hạt nhân sau khi đi thăm Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Bhabha (BARC, Ấn Độ). Nhà vật lý học Raja Ramanna, người đứng đầu BARC, đã dẫn đầu một nhóm 75 nhà khoa học thực hiện vụ nổ hạt nhân bí mật tại bãi thử nghiệm Pokhran, cách thủ đô New Delhi khoảng 300km về phía tây nam. Vào ngày 18/5/1974, vụ nổ hạt nhân “Smiling Buddha” (Đức Phật mỉm cười) diễn ra thành công. Smiling Buddha được xem là một vụ nổ hạt nhân hòa bình nhưng sau đó chính Ramanna đã thừa nhận vụ thử hạt nhân Pokan là một quả bom nguyên tử. Canada đã rút lại sự ủng hộ với chương trình hạt nhân của Ấn Độ ngay sau đó. Hoa Kỳ cũng xem vụ thử nghiệm là vi phạm chương trình Nguyên tử vì hòa bình và đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt chống lại Ấn Độ. Ngoại trưởng Henry Kissinger khẳng định “Vụ nổ hạt nhân ở Ấn Độ làm dấy lên một lần nữa bóng ma về một kỷ nguyên dồi dào vũ khí hạt nhân, trong đó bất kỳ cuộc xung đột nào cũng có nguy cơ bùng nổ thành một vụ tàn sát hạt nhân”

      Sau khi thử quả bom đầu tiên vào năm 1974, Ấn Độ đã mất hơn hai thập kỷ để xây dựng kho vũ khí hạt nhân dưới áp lực thiếu nguyên liệu hạt nhân trong một thị trường quốc tế bất ngờ thay đổi thái độ thù địch. Từ năm 1989 đến 1998, chương trình hạt nhân của Ấn Độ là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ. Trong giai đoạn hỗn loạn chính trị này, New Delhi chứng kiến sự xuất hiện của bảy vị thủ tướng khác nhau. Tất cả họ đều có hồ sơ hạt nhân bí mật trên bàn và không một lời nào bị tiết lộ cho báo chí.

    • Trong hai thập kỷ tương đối yên bình, Ấn Độ dù nhiều lần từng đưa ra quyết định thử bom hạt nhân nhưng đã dừng lại. Quan điểm của Ấn Độ thay đổi vào năm 1995 khi Mỹ và các cường quốc hạt nhân khác gia hạn vô thời hạn Hiệp ước NPT, điều này có nghĩa là kéo dài sự tồn tại của vũ khí hạt nhân trong 5 quốc gia NWS trong khi các quốc gia khác sẽ không có cơ hội phát triển vũ khí hạt nhân cho riêng họ. Năm 1996, Ấn Độ cũng là một trong ba quốc gia bỏ phiếu chống lại Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Toàn diện (CTBT) tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 3/1998 đã tuyên bố “Ấn Độ sẽ đánh giá lại chính sách hạt nhân và lựa chọn chế tạo vũ khí hạt nhân”. Tình hình an ninh căng thẳng giữa Pakistan - Ấn Độ từ những năm 1980 đã thúc đẩy lựa chọn của Vajpayee, nhưng đối với Ấn Độ việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân cũng là điều cần thiết để theo đuổi vị thế cường quốc. Với góc nhìn của Vajpayee, việc tiến hành một vụ thử hạt nhân là điều cần thiết nếu Ấn Độ muốn được thế giới xem trọng. 

      Vào ngày 11 và 13 tháng 5 năm 1998, Ấn Độ đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất trong Chiến dịch Shakti - còn gọi là Pokhran II - và ngay sau đó Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee tuyên bố Ấn Độ chính thức trở thành một quốc gia hạt nhân. 

      Sau vụ nổ hạt nhân ở Ấn Độ, các nhà ngoại giao Mỹ đã cố gắng ngăn cản Pakistan làm theo nhưng nỗ lực bất thành. Ấn Độ và Pakistan có mối liên hệ với nhau trong lịch sử từ sự phân chia của Ấn Độ thuộc Anh vào năm 1947. Sự chia rẽ của hai quốc gia phần lớn là do tôn giáo: Pakistan phần lớn là người Hồi giáo, trong khi Ấn Độ phần lớn là người theo đạo Hindu. Sự tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan nằm ở vùng đất Kashmir, một khu vực nằm trên dãy Himalaya. Theo kế hoạch phân vùng của Đạo luật Độc lập Ấn Độ năm 1947, Kashmir với đa số người Hồi giáo được tự do gia


    • nhập Ấn Độ hoặc Pakistan. Tuy nhiên, Hari Sigh, một người cai trị địa phương, đã không cho phép người dân lựa chọn, chính điều này đã biến Kashmir rơi vào tình trạng lấp lửng về địa chính trị và có biên giới tranh chấp. Kể từ đó Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành hàng loạt cuộc chiến tranh xoay quanh khu vực Kashmir.



      Mười lăm ngày sau các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ, Pakistan đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất tại bãi thử Chaghi và

    • Kharan. Dù bộ trưởng Ngoại giao Pakistan (sau này là thủ tướng) Zulfikar Ali Bhutto đã có tuyên bố nổi tiếng vào năm 1965: “Nếu Ấn Độ chế tạo bom nguyên tử thì ngay cả khi chúng ta phải ăn cỏ và lá cây - hoặc ngay cả khi chúng ta phải chết đói, chúng ta sẽ sản xuất bom nguyên tử”; song mãi đến cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan năm 1971 (khi Đông Pakistan ly khai và trở thành Bangladesh) thì Pakistan mới đưa ra quyết định về việc chế tạo vũ khí hạt nhân. 

      Hành động của Ấn Độ và Pakistan khiến cả thế giới choáng váng. Chính quyền Clinton đã lên án các cuộc thử nghiệm và sau đó đã áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Ấn Độ. Anh thể hiện sự “mất tinh thần”, Đức gọi đó là “cái tát vào mặt” đối với các nước phê chuẩn Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Toàn diện (CTBT) và Tổng thư ký Liên hợp quốc lúc bấy giờ là ông Kofi Annan đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ sự “hối tiếc sâu sắc”. 

      Kể từ vụ thử hạt nhân năm 1998, Ấn Độ và Pakistan đã đưa Nam Á trở thành điểm nóng hạt nhân của thế giới. Hai thập kỷ sau đó, quá trình phát triển vũ khí hạt nhân của hai quốc gia bị xóay vào nhau, song hành và so kè từng bước một. Khi Ấn Độ khởi xướng chương trình tên lửa đạn đạo, Pakistan theo chân Ấn Độ. Khi Ấn Độ theo đuổi học thuyết chiến tranh hạn chế tích cực (còn gọi là Khởi đầu lạnh), Pakistan đã phản ứng bằng cách phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ấn Độ và Pakistan là một trong số rất ít các quốc gia chưa ký Hiệp ước NPT. Năm 2005, Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Ấn Độ, mở đường cho các cường quốc khác ký kết các thỏa thuận hạt nhân tương tự. Do đó, Ấn Độ hiện được công nhận là một quốc gia có vũ khí hạt nhân nhưng trên thực tế vẫn nằm ngoài NPT và do đó không tuân theo các nghĩa vụ thông thường của hiệp ước này. 

      Cho đến nay, đã có 5 cuộc khủng hoảng lớn giữa Ấn Độ và Pakistan dưới cái bóng của vũ khí hạt nhân. Sau cuộc tấn công

    • quân sự xuyên biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan vào cuối năm 2019 bởi một cuộc tấn công khủng bố ở Kashmir do Ấn Độ chiếm đóng, các chuyên gia ước tính rằng một cuộc đụng độ hạt nhân giữa hai quốc gia châu Á sẽ dẫn đến 125 triệu người thương vong - gấp đôi con số người thiệt mạng trong Thế chiến thứ Hai. Tương lai Ấn Độ - Pakistan vẫn sẽ có thể bị mắc kẹt ở vũng lầy Kashmir. 

      “Sẽ không bao giờ chúng tôi có tuyên bố về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân hoặc phi hạt nhân hóa. Chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại trên trái đất và chủ nghĩa đế quốc vẫn còn, con đường hướng tới tăng cường năng lượng hạt nhân của chúng tôi sẽ không dừng lại”, trên đây là tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 8/2022. Một tháng sau đó, Quốc hội Triều Tiên đã thông qua Luật Quản lý sử dụng vũ khí hạt nhân đưa ra những điều kiện Triều Tiên sẽ có xu hướng tăng cường vũ khí hạt nhân. Luật mới cho phép Triều Tiên tấn công hạt nhân phủ đầu nếu họ phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào “các mục tiêu chiến lược” của Triều Tiên, trong đó có giới lãnh đạo của nước này. Luật cũng khẳng định Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn “một cuộc khủng hoảng thảm khốc” không xác định đối với chính phủ và người dân của họ, một định nghĩa khá lỏng lẻo mà các chuyên gia cho rằng: điều này phản ánh học thuyết hạt nhân leo thang có thể tạo ra mối quan ngại lớn cho các nước láng giềng. Cheong Seong Chang, nhà phân tích cấp cao tại Viện Sejong của Hàn Quốc, cho biết: bình luận của ông Kim và luật mới của Triều Tiên đưa ra lời cảnh báo rằng nước này sẽ tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân ngay lập tức vào Hoa Kỳ và Hàn Quốc nếu họ cố gắng hạ gục các nhà lãnh đạo của Bình Nhưỡng. Andrei Lankov, giáo sư lịch sử tại Đại học Kookmin ở Seoul và là một chuyên gia nổi tiếng về Triều Tiên, cho biết: Thông điệp của ông Kim có nghĩa là: “Chúng tôi có vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ giữ chúng mãi và sẽ sử dụng chúng khi thấy phù hợp”.

    • Kể từ lúc lên nắm quyền vào năm 2012, Kim Jong Un đã tập trung vào việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và gọi đây là “thanh gươm quý báu” giúp bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược của nước ngoài, đặc biệt là mối đe dọa quân sự từ nước Mỹ. Dưới thời Kim Jong Un, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất và nhiều vụ phóng tên lửa, trong đó có những vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế. Năm 2018, Triều Tiên đã tạm ngừng tất cả vụ thử hạt nhân và ICBM để tạo tiền đề cho các cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump.



      Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc và không có thỏa thuận nào về việc loại bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nỗ lực của Washington trong gần ba thập kỷ nhằm cô lập Triều Tiên cho đến khi nước này chịu từ bỏ chương trình hạt nhân đã thất bại khi Luật Quản lý sử dụng vũ khí hạt nhân mới của Triều Tiên được thông qua. Nói như Tiến sĩ Sico van de Meer trong chuyên đề “Vì sao Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân?” (Why North Korea will never give up its nuclear weapons?): dù nỗ lực thay đổi chính sách ở Triều Tiên trong dài

    • hạn là điều cần thiết, thế giới có rất ít lựa chọn ngoài việc chấp nhận tình trạng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên một cách không chính thức. “Nỗ lực quốc tế hiện tại nên tập trung vào việc ngăn chặn việc vô ý sử dụng kho vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên. Các cuộc đàm phán ngoại giao là rất quan trọng để ngăn chặn các cuộc xung đột leo thang thành khủng hoảng hạt nhân. Vậy nhưng, bức tranh Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân sẽ chỉ là điều viễn tưởng”

      Chính phủ Israel chưa bao giờ xác nhận hay phủ nhận việc sở hữu vũ khí hạt nhân dù có sự chấp nhận rộng rãi rằng Israel đã là một phần của câu lạc bộ hạt nhân từ cuối những năm 1960 và hiện có cơ sở hạ tầng và năng lực vũ khí hạt nhân tinh vi. Việc làm rõ các chính sách và khả năng hạt nhân của Israel là rất khó do chính sách của nước này không rõ ràng. Kể từ năm 1963, chính phủ Israel tuyên bố: “Israel sẽ không phải là quốc gia đầu tiên giới thiệu vũ khí hạt nhân vào Trung Đông”. Điều này được hiểu theo nghĩa rộng là Israel sẽ không thử nghiệm hoặc tuyên bố công khai về sự tồn tại kho vũ khí hạt nhân của mình. Chính sách mập mờ hạt nhân này có nghĩa là Israel là quốc gia duy nhất trong 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân không công khai thừa nhận có vũ khí hạt nhân. Israel không ký Hiệp ước NPT và cũng phản đối hiệp ước cắt đứt nguyên liệu phân hạch trên cơ sở điều này sẽ làm suy yếu lập trường chính thức của Israel về sự mơ hồ vũ khí hạt nhân. Tương tự các quốc gia có vũ khí hạt nhân, Israel cũng không ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân 2017. 

      Theo phân tích của Andrew Futter trong Vũ khí chính trị hạt nhân, thảm họa diệt chủng mà Đức Quốc xã gây cho người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ Hai đã khiến nhà nước Israel non trẻ có lý do để chế tạo bom nguyên tử. Vũ khí hạt nhân mang lại cho Israel sự tự chủ về an ninh, không phải dựa vào bất kỳ chủ thể nào để đảm bảo sự sống còn của mình.

    • Như trên đã phân tích, thực tế, con người và các cộng đồng đã vận động chống lại vũ khí hạt nhân ngay cả trước khi quả bom đầu tiên được chế tạo. Ngay từ năm 1914, tác giả H. G. Wells đã gợi ý trong quyển tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Thế giới được trả tự do (The Word Set Free) rằng chỉ có chính phủ thế giới mới có đủ sức vượt qua sức mạnh hủy diệt tiềm tàng khổng lồ của năng lượng hạt nhân. Dẫu vậy phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu chỉ thật sự nổi lên mạnh mẽ sau khi hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản. 

      Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) được thành lập năm 1946 bởi các nhà khoa học từng làm việc trong dự án Manhattan (dự án chế tạo bom nguyên tử Mỹ) - với mục đích giáo dục về các vấn đề hạt nhân và thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân - là tổ chức đầu tiên trên thế giới vận động giải trừ vũ khí hạt nhân. Lần lượt sau đó là sự ra đời đông đảo các chiến dịch, tổ chức, hội nhóm hướng đến mục tiêu một thế giới không vũ khí hạt nhân, như tổ chức Pugwash (ra đời năm 1957) thường tổ chức các hội nghị thường niên trên toàn thế giới để giải quyết các mối đe dọa an ninh toàn cầu, bao gồm giải trừ vũ khí hạt nhân; tổ chức Hòa bình xanh (Greenplace, ra đời năm 1969/1971) được thành lập sau khi Mỹ công bố kế hoạch tiến hành các “vụ thử hạt nhân hòa bình” ở đảo Amichitka, Alaska; Diễn đàn giải trừ vũ khí hạt nhân châu Âu (END, hoạt động năm 1983 - 1993); Chiến dịch quốc tế bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN, ra đời năm 2007)… 

      Phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân thế giới trải qua hai thập kỷ phát triển đã có một vị thế vững chắc trong các chương trình nghị sự quốc tế và cuộc tranh luận của giới học giả toàn cầu. Vị thế vững mạnh này mà nhân loại có được, một phần nhờ công của bốn cựu quan chức cấp cao của Mỹ: Henry Kissinger, Sam Nunn, William Perry và George Shultz đã thực hiện một bài báo xã luận phản biện đầy ấn tượng đăng trên tờ Washington Post vào tháng 1/2007 kêu

    • gọi “một thế giới không có vũ khí hạt nhân”. “Ngoài mối đe dọa khủng bố, nếu không có các hành động mới khẩn cấp, nước Mỹ sẽ sớm buộc phải bước vào một kỷ nguyên hạt nhân mới, một kỷ nguyên sẽ bấp bênh hơn, mất phương hướng về mặt tâm lý và thậm chí còn tốn kém hơn về kinh tế so với thời kỳ Chiến tranh lạnh. (…) Liệu trong 50 năm tới, các quốc gia hạt nhân mới và thế giới có được may mắn như chúng ta trong Chiến tranh lạnh hay không?”. 

      Bất chấp những tiến bộ trong việc giảm kho vũ khí hạt nhân kể từ Chiến tranh lạnh, tổng số đầu đạn hạt nhân toàn cầu vẫn ở mức rất cao: theo thống kê của FAS, 9 quốc gia hạt nhân sở hữu khoảng 12.700 đầu đạn tính đến đầu năm 2022. 

      Khoảng 90% tổng số đầu đạn hạt nhân thuộc sở hữu của Nga và Hoa Kỳ, mỗi nước có khoảng 5.000 đầu đạn trong kho dự trữ quân sự của mình. Bảy quốc gia còn lại đang phát triển hoặc triển khai các hệ thống vũ khí mới, hoặc đã công bố ý định làm như vậy. Trung Quốc đang trong giai đoạn mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy quốc gia này đang xây dựng hơn 300 hầm chứa tên lửa mới. 

      Trong số 12.700 đầu đạn hạt nhân của thế giới, hơn 9.400 đầu đạn đang nằm trong kho dự trữ quân sự để sử dụng cho tên lửa, máy bay, tàu và tàu ngầm. Trong số 9.440 đầu đạn có trong kho dự trữ của quân đội, khoảng 3.730 đầu đạn được triển khai cho các lực lượng tác chiến (trên các căn cứ tên lửa hoặc máy bay ném bom). Trong số đó, khoảng 2.000 đầu đạn của Mỹ, Nga, Anh và Pháp đang trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng sử dụng trong thời gian ngắn. 

      Năm 2021 - 2022 chứng kiến nhiều cột mốc ngoại giao hạt nhân quan trọng. Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) có hiệu lực vào tháng 1/2021 đã được 66 quốc gia phê chuẩn, Iran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong năm 2021, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và 5 quốc gia NPW Trung Quốc, Pháp, Nga,

    • Anh, Mỹ cũng đã đàm phán và đưa ra một tuyên bố chung khẳng định rằng “chiến tranh hạt nhân không thể chiến thắng và không bao giờ nên chiến đấu”. 

      Mặc dù vậy, tất cả các thành viên NPW đều tiếp tục mở rộng hoặc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và dường như đang tăng cường khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong các chiến lược quân sự của họ. Nhìn vào con số vũ khí hạt nhân đang được các quốc gia tàng trữ, chúng ta nhận ra trái đất đang đứng trước một bờ vực mong manh thế nào. Một viên pháo có thể làm nổ cả phong pháo. Khi xung đột thương mại hay một căng thẳng trong mặt trận quân sự leo thang, tất cả đều có thể trở thành que diêm đốt cháy cả một rừng cây. Chiến tranh thế giới trong thời đại mới có thể dẫn đến sự hủy diệt cả nền văn minh của nhân loại bởi bom nguyên tử. 

      Và quả thật có một que diêm nằm bên trong kho vũ khí hạt nhân toàn cầu đang chực chờ được châm mồi lửa thông qua các cuộc giao tranh vẫn “đỏ lửa” diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới - mà trong đó xung đột giữa Nga và Ukraine là một ví dụ tiêu biểu. Xung đột đã leo thang nguy hiểm, bất ngờ, ngọn khói nhỏ đã thành đám cháy lớn, với một cuộc chiến tranh toàn diện khiến nhân loại tiến bộ lo sợ thật sự. Đó cũng là lý do, trước khi viết kĩ hơn về “sáng kiến Hòa bình” để bảo vệ Quê hương ta - Trái đất ở phần cuối cuốn sách, chương tiếp theo, tôi xin đề cập đến các góc khuất, các nhận định đáng sợ từ cuộc đối đầu Nga - Ukraine.