Chương 2: XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE
Site: | Earth Is My Home Land |
Course: | CHƯƠNG 2: Trái Đất Là Quê Hương Ta |
Book: | Chương 2: XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE |
Printed by: | Guest user |
Date: | Saturday, 19 July 2025, 2:38 AM |
Chương 2
XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE
VÀ NHỮNG DẤU HỎI PHÍA SAU
MÙA ĐÔNG HẠT NHÂN VỚI NGUY CƠ
CẬN KỀ MANG TÊN "NGÀY TẬN THẾ"
- Cuộc chiến Nga - Ukraine: nguồn gốc mâu thuẫn và diễn biến cuộc chiến.
- Cuộc chiến Nga - Ukraine và bài toán còn đó về cuộc “Chiến tranh thế giới thứ ba” với nguy cơ “Mùa đông hạt nhân”!
- Bài toán về một “Ngày tận thế” thật sự.
Có người lạc quan cho rằng: cuộc chiến tranh Nga - Ukraine
chỉ là viễn cảnh về một cuộc chiến tranh hạt nhân xóa sổ
thế giới, là giả định của các chuyên gia quân sự, là nỗi lo tử tế của
các nhà khoa học và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn
thế giới. Nhưng! Quả là, những giả định và cảnh báo đầy nghiêm
túc này, dựa trên nỗi lo lắng ngày càng tăng khi chiến sự Ukraine
kéo dài, liên tục leo thang nguy hiểm. Nguy cơ cận kề về một cuộc
xung đột quân sự toàn cầu dẫn đến chiến tranh với một “mùa đông
hạt nhân” băng giá huỷ diệt toàn bộ. Cũng là nỗi lo thường trực của cả loài người khi mà kho vũ khí hạt nhân mà một số các quốc gia đang sở hữu nó đã đủ để huỷ diệt sự sống trên trái đất từ lâu.
Cũng có nhiều người trên khắp thế giới, ở xa khu vực chiến sự Nga - Ukraine, vẫn “bình chân như vại” khi cho rằng cuộc chiến này chỉ là một xung đột khu vực. Nếu nhận thức đầy đủ hơn về hậu quả chết chóc thảm khốc của một “mùa đông hạt nhân” thì có lẽ họ sẽ suy nghĩ lại. Theo tôi, đây là thời điểm từng công dân trên hành tinh trái đất phải cất lên tiếng nói cho hòa bình để chấm dứt các cuộc đối đầu quân sự kiểu như xung đột ở Ukraine; và ủng hộ phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu. Chúng ta phải coi đó như một lá phiếu có vai trò sinh tử trong bảo vệ sự an toàn của chính mình và thế hệ con cháu trong tương lai.
Bài toán Hòa bình, sự ổn định và sự sống trên hành tinh đã và đang được đặt trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, khi nghĩ về chiến tranh đang đỏ lửa với các “chảo lửa” vũ khí hạt nhân trực chờ. Không chỉ là tang thương chết chóc rồi khóc thương nữa, mà đây là một cuộc “chiến tranh” hủy diệt, không còn ai để xót xa hay oán trách! Chính vì thế, trước khi nói về giải pháp cho một thế giới hòa bình cho Quê hương Trái đất, cuốn sách này xin được phân tích kĩ hơn quanh cuộc chiến Nga - Ukraine với các vấn đề bỏng rẫy đi kèm…
Trong khi cuộc chiến chống lại Covid - 19 trên toàn cầu vẫn
chưa hạ nhiệt thì vào sáng sớm ngày 24/2/2022, người dân Ukraine
đã bị đánh thức bởi những tiếng nổ lớn sau khi Tổng thống Nga
Vladimir Putin công bố một chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào
Ukraine. Chỉ trong vòng một ngày, Nga đã phá hủy 74 mục tiêu
cơ sở hạ tầng của Ukraine. Cả thế giới sửng sốt vì điều đó. Tổng
thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong cuộc họp khẩn của
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thể hiện sự bàng hoàng khi
Nga quyết định thực hiện cuộc tấn công kể trên. Vì ông không tin
những lời đồn đoán trước đó sẽ trở thành sự thật: “Nhưng tôi đã sai và tôi không muốn sai lầm lặp lại ngày hôm nay”, ông bày tỏ: “Vì thế, nếu thực sự một chiến dịch đang được chuẩn bị, tôi chỉ có một điều duy nhất muốn nói từ đáy lòng mình: Tổng thống Putin, hãy ngăn chặn quân đội tấn công Ukranie. Hãy cho hòa bình một cơ hội. Quá nhiều người đã thiệt mạng rồi”.
Giống như Antonio Guterres, lời nguyện cầu hòa bình cho
Ukraine đã được cả thế giới chung tay kêu gọi. Hàng loạt hành
động của phương Tây và thế giới đã được thực thi để ngăn chặn
Nga thực hiện chiến dịch quân sự nghiêm trọng này. Vậy nhưng,
chiến tranh đã không dừng lại.
Cuộc trưng cầu dân ý năm 1991 về việc Urkaine độc lập khỏi
Liên bang Xô viết đã được 92,3% cử tri tán thành, ngay cả ở các
vùng nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine đa số đều ủng hộ nền
độc lập. Trong những năm cuối của Liên bang Xô viết, người nói tiếng Nga đông hơn người nói tiếng Ukraine ở hầu hết các tòa tháp phía đông Ukraine; nhưng đến năm 2001, số lượng người nói tiếng Ukraine cao hơn ở khắp mọi nơi, ngoại trừ Crimea, Donetsk và Luhansk. Ngày nay, hơn hai phần ba công dân Ukraine tuyên bố tiếng Ukraine là ngôn ngữ mẹ đẻ. Sự thay đổi này phản ánh cả trong chính sách của nhà nước, như trong giáo dục, cũng như các quyết định của cá nhân. Một đạo luật ngôn ngữ do cựu tổng thống Ukraine , ông Petro Poroshenko ký vào năm 2019 đã chỉ định: tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính thức của nhà nước và yêu cầu tất cả các phương tiện truyền thông xuất bản bằng tiếng Ukraine hứa hẹn sẽ tiếp tục “Ukraine hóa” giáo dục, truyền thông và hành chính. Tổng thống Putin đã hơn một lần bày tỏ sự cay đắng khi nói về đạo luật này.
Có một thực tế là: Gần đây, vì nhiều lý do, nền truyền thông
Ukraine đã trở nên tự do, sống động hơn. Điều này đã khiến
Yanukovych, người trở lại vị trí tổng thống thành công năm 2010,
không thể áp đặt báo chí dưới sự kiểm soát ngột ngạt của chính
phủ như thời trước năm 2004 được nữa. Dù thân Nga nhưng
Yanukovych có quan điểm trung lập đối với Ukraine, ông chủ
trương hợp tác với cả Nga, các liên minh phương Tây và cam kết
với người dân Ukraine sẽ ký Hiệp định liên kết EU - Ukraine. Nếu
không ký được Hiệp định, Yanukovych sẽ không có nhiều cơ hội
tái đắc cử vào tháng 3/2015. Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết
người Ukraine, bao gồm các tài phiệt quyền lực kiểm soát trái tim
kinh tế Ukraine đều ủng hộ mạnh mẽ liên kết với châu Âu. Thị
trường châu Âu cũng rất rộng lớn so với Liên minh Kinh tế Á - Âu
mà ông Putin đề xuất và bằng cách xích lại gần châu Âu, Ukraine sẽ
ít bị hạn chế hơn bởi chủ nghĩa bảo hộ thương mại mà chính quyền
của ông thường áp đặt.
Tiến tới, mùa xuân 2014, vụ sáp nhập thành công Crimea nhanh chóng lan đến miền đông Ukraine ở hai khu vực thân Nga khác có tên là Donetsk và Luhansk. Donetsk và Luhansk là hai bang nằm ở miền đông Ukraine, có chung đường biên giới với Nga. Luhansk là thành phố có 1,5 triệu dân, Donetsk là nơi sinh sống của 2 triệu người. Đây là hai thành phố lớn nhất ở vùng Donbas, khu vực được biết đến như trung tâm khai thác, sản xuất thép và là nơi có trữ lượng than lớn nhất ở Ukraine.
Khi Crimea sáp nhập thành công vào Nga, nguồn cảm hứng ly khai khỏi Urkaine đã lan đến khu vực Donbas. Những người ly khai thân Nga đã tràn xuống đường biểu tình chống chính phủ Ukraine. Các dân quân ly khai chiếm giữ các tòa nhà chính phủ ở một số thành phố phía đông, bao gồm cả Luhansk và Donetsk. Xung đột vũ trang tại các khu vực nhanh chóng bùng phát thành cuộc đối đầu giữa các lực lượng do Nga hậu thuẫn và quân đội Ukraine. Nga phủ nhận sự can dự của quân đội nhưng cả Ukraine và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều báo cáo việc tăng cường quân đội và thiết bị quân sự của Nga gần Donetsk và các cuộc pháo kích xuyên biên giới của Nga ngay sau khi Crimea sáp nhập.
Kể từ sau thỏa thuận Minsk, Luhansk và Donetsk đã phát triển
gần gũi hơn với Nga. Ukraine đã cắt lương chính phủ và lương hưu
cho hai khu vực này năm 2014 sau khi áp đặt lệnh tẩy chay đối
với các mỏ và nhà máy của họ, những nơi từng sản xuất phần lớn
than và thép của đất nước. Điều này khiến nền kinh tế địa phương
phụ thuộc nặng nề vào viện trợ từ Nga. Luhansk và Donetsk đã bỏ
đồng tiền Ukraine, hryvnia, để chuyển sang sử dụng đồng rúp Nga,
các trường học ở hai nơi này cũng tuân theo chương trình giảng
dạy của Nga. Khoảng 720.000 cư dân của các khu vực cũng nhận
được hộ chiếu Nga, một phần vì việc đi lại bằng hộ chiếu Cộng
hòa Nhân dân Donetsk hoặc Luhansk không dễ dàng chút nào.
Xung đột ở Donbas khiến Nga phải đối mặt với các hình phạt kinh tế ngày càng leo thang từ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu vốn đã kìm hãm nền kinh tế của nước này từ sau khi Crimea sáp nhập vào Nga. Năm 2016, NATO đã đối phó với những lo ngại của các quốc gia thành viên dọc theo biên giới Nga bằng cách tăng cường khả năng quân sự của mình ở Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Romania, đồng thời cam kết vào năm 2008 rằng Ukraine và Gruzia “sẽ trở thành thành viên NATO”.
Vào tháng 9/2017, Hoa Kỳ cũng đã triển khai hai lữ đoàn xe tăng của quân đội Hoa Kỳ đến Ba Lan để tăng cường hơn nữa sự hiện diện của NATO trong khu vực. Vào tháng 1/2018, Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với 21 cá nhân - bao gồm một số quan chức Nga - và 9 công ty có liên quan đến cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Vào tháng 3/2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt việc bán vũ khí chống tăng cho Ukraine, thương vụ bán vũ khí sát thương đầu tiên kể từ khi xung đột bắt đầu. Vào tháng 10/2018, Ukraine đã cùng với Mỹ và 7 nước NATO khác tham gia một loạt cuộc tập trận không quân quy mô lớn ở miền tây Ukraine. Các cuộc tập trận diễn ra sau khi Nga tổ chức các cuộc tập trận quân sự thường niên vào tháng 9/2018. Đây là cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Vào tháng 10/2021, nhiều tháng thu thập thông tin tình báo và quan sát cho thấy các hoạt động chuyển quân, xây dựng lực lượng và tài trợ quân sự của Nga đã lên đến đỉnh điểm, cuộc họp giao ban của Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo tình báo, quân đội và ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo về một cuộc tấn công quy mô gần của Nga nhằm vào Ukraine. Câu hỏi duy nhất còn lại là khi nào cuộc tấn công sẽ diễn ra và liệu Hoa Kỳ có thể thuyết phục các đồng minh hành động phủ đầu hay không?
Chuyện gì đến cũng phải đến, ông Putin dường như đã mất kiên nhẫn. Vào ngày 21/2/2022, Nga đã đơn phương công nhận nền độc lập của hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng
hòa Nhân dân Luhansk, mở đường cho quân đội Nga chính thức chiếm đóng cả hai khu vực trong một hành động mà Điện Kremlin gọi là “nhiệm vụ gìn giữ hòa bình”. Các nỗ lực ngoại giao cho hòa bình từ phương Tây đã thất bại và chỉ ba ngày sau đó tổng thống Putin tuyên bố bắt đầu cuộc tấn công toàn diện trên bộ, trên biển và trên không nhằm vào các tài sản quân sự và các thành phố của Ukraine trên khắp đất nước trong một chiến dịch quân sự lớn nhất kể từ khi Thế chiến thứ Hai kết thúc.
***
Chiến tranh Ukraine thật ra là cuộc chiến của ai?
Kể từ khi quyết định mở chiến dịch tấn công quân sự đặc
biệt vào Ukraine vào ngày 24/2/2022, Nga và tổng thống
Putin nhận được sự chỉ trích dữ dội của toàn thế giới. 141 trong
tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu lên
án hành động xâm lược của Nga trong một phiên họp khẩn cấp
của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 3/2022, yêu
cầu Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine. Tổng thống Hoa Kỳ
Joe Biden tuyên bố cuộc tấn công là “vô cớ và không có lý do” và
ban hành các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với các quan
chức hàng đầu của Điện Kremlin, bao gồm cả tổng thống Putin và
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, 4 ngân hàng lớn nhất của Nga và
ngành công nghiệp dầu khí của Nga. BP và Shell đã rút khỏi quan
hệ đối tác của Nga. Các tập đoàn đa quốc gia, các nền tảng hàng
đầu thế giới như PayPal, Facebook, Twitter, Netflix, McDonalds
và Coca - Cola… đã ngừng hoạt động ở Nga. Các nhà cung cấp
cáp của Mỹ cũng thành công trong việc khiến RT (Russia Today)
của Mỹ đóng cửa. Theo chân Mỹ, ngày 25/2/2022 Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải, chính sách thị thực của Nga, trong đó có biện pháp kiểm soát xuất khẩu và cấm tài trợ xuất khẩu. Vòng trừng phạt của EU bao gồm các hạn chế đối với bán nợ của Nga trên thị trường vốn phương Tây, đóng băng tài sản nước ngoài của một số nhà tài phiệt Nga và con cái của họ, hạn chế đối với các ngân hàng và các nghị sĩ Nga. Nổi bật nhất là quyết định của Đức đình chỉ việc cấp phép Dòng chảy phương Bắc 2, dự án hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga vào châu Âu. Cùng với EU, cũng trong ngày 25/2/2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga nhằm vào việc xuất khẩu chất bán dẫn và các tổ chức tài chính Nga. Trước đó, các nhà lãnh đạo của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở miền đông Ukraine và tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nghiêm khắc đối với Moscow.
Khi dường như cả thế giới chống lại việc Nga tấn công Ukraine và lên án hành động của tổng thống Putin, cũng có một số người đồng cảm với những quyết định có thể nói là vô cùng khó khăn của ông. Họ cáo buộc Mỹ và NATO là hai lực lượng đứng sau Ukraine khiêu khích Nga dẫn tới cuộc chiến tranh hiện tại. Và cuộc chiến tại Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ đứng đầu.
“Mỹ và NATO đã giúp khơi mào chiến tranh Ukraine” (The U.S.
and NATO Helped Trigger the Ukraine War) là tiêu đề bài báo của
Ted Galen Carpenter, một thành viên cấp cao về nghiên cứu chính
sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Cato (Mỹ). Ted Galen nhận
định rằng quan điểm của tổng thống Putin về chính sách mở rộng
ảnh hưởng của NATO ở châu Âu đe dọa Nga không phải là một ý
tưởng mới. Các nhà lãnh đạo Nga và một số chuyên gia chính sách
phương Tây đã cảnh báo cách đây hơn hai thập kỷ rằng sự mở rộng
của NATO sẽ diễn biến xấu, sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới với Nga và tồi tệ nhất là một cuộc chiến tranh nóng nữa.
Ông George F. Kennan, cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, đã cảnh báo đầy nhạy bén trong một cuộc phỏng vấn trên tờ New York Time vào ngày 2/5/1998 về hậu quả của việc NATO tiến về phía đông: “Tôi nghĩ rằng đó là một sự khởi đầu cuộc Chiến tranh lạnh mới. Tôi nghĩ người Nga dần dần sẽ phản ứng khá bất lợi và nó sẽ ảnh hưởng đến các chính sách của họ. Đó là một sai lầm bi thảm”.
Khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các nhà lãnh đạo Liên Xô và NATO đã ký kết một thỏa thuận: Liên Xô sẽ chấp nhận sự tái thống nhất của Đông và Tây Đức, chấp nhận Đông Đức trở thành một phần của NATO để đổi lấy lời cam kết không bành trướng từ khối này. Sự thỏa thuận này rốt cuộc chỉ được giữ gìn trong một thời gian ngắn, vào giữa những năm 1990, chính quyền Clinton bắt đầu thúc đẩy NATO mở rộng. Vòng mở rộng đầu tiên diễn ra năm 1999, đưa Cộng hòa Séc, Hungry và Ba Lan vào NATO. Vòng mở rộng thứ hai là năm 2004 với sự gia nhập của các thành viên Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia. Moscow đã phàn nàn một cách cay đắng ngay từ đầu nhưng vào thời điểm đó nước Nga vẫn còn quá yếu ớt trong cuộc phục hồi kinh tế sau khi Liên Xô tan rã để có thể làm trật đường ray di chuyển về phía đông của NATO.
Được đà lấn tới, Mỹ và NATO tiếp tục nhìn xa hơn nữa về
phía đông. Ông George W. Bush (Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ)
bắt đầu xem Gruzia và Ukraine là những đồng minh chính trị và
quân sự có giá trị của Hoa Kỳ, tại hội nghị thượng đỉnh năm 2008
ở Bucharest, ông đã thúc ép NATO kết nạp Ukraine và Gruzia làm
thành viên. Pháp và Đức phản đối động thái này của NATO vì
sợ rằng nó sẽ gây phản cảm quá mức đối với Nga. Dù vậy, thông
cáo sau hội nghị vẫn khẳng định “Gruzia và Ukraine sẽ trở thành
thành viên của NATO”. Trong cuốn hồi ký năm 2014 của mình, Robert M. Gates, người từng là Bộ trưởng Quốc phòng trong cả chính quyền Bush và Obama, thừa nhận rằng “cố gắng đưa Gruzia và Ukraine vào NATO thực sự là hành động quá mức”. Ông kết luận: sáng kiến đó là một trường hợp “bỏ qua một cách liều lĩnh những gì mà người Nga xem là lợi ích quốc gia quan trọng của họ”.
Đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng: vẫn có một cơ hội cho hòa bình, đó là sự thay đổi quan điểm của Ukraine. “Trong một thế giới lý tưởng, sẽ thật tuyệt vời nếu người Ukraine được tự do lựa chọn hệ thống chính trị và chính sách đối ngoại của mình. Nhưng trong thế giới thực, điều này là bất khả. Người Ukraine quan tâm đặc biệt đến những gì người Nga muốn ở họ. Họ gặp rủi ro nghiêm trọng nếu xa lánh nước Nga. Nếu Nga cho rằng Ukraine là mối đe dọa hiện hữu đối với Nga vì quốc gia này đang liên kết với Mỹ và đồng minh Tây Âu thì điều này sẽ gây ra thiệt hại to lớn cho Ukraine, và đó chính xác là những gì đang xảy ra. Vì vậy, tôi cho rằng một chiến lược khôn ngoan của Ukraine là cắt đứt quan hệ thân thiết với phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ, và cố gắng hòa nhập với Nga. Nếu không có quyết định di chuyển về phía NATO, Crimea và Donbas sẽ vẫn là phần lãnh thổ của Ukraine ngày hôm nay và không có cuộc chiến tranh nào xảy ra”.
Sau thời gian dài xảy ra giao tranh giữa Nga và Ukraine, người
ta vẫn thấy có những dấu hiệu cho thấy châu Âu đang phải vật lộn
để duy trì đường đi của một cuộc chiến ngày càng tốn kém. Với
lạm phát gia tăng, cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang và nguy
cơ suy thoái ngày càng đáng sợ, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên
tiếng nhiều hơn về hậu quả kinh tế xã hội của cuộc xung đột cũng
như các tác động chính trị và địa chính trị của nó. Dù các quốc gia
EU đã đồng ý với một lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, nhưng
nó sẽ xảy ra với độ trễ thời gian cho phép Nga thích ứng. Trên
thực tế, cùng với lệnh cấm vận khí đốt của EU đối với Nga, chính
Moscow mới là “đối tác” chủ động tiến hành cắt giảm khí đốt ở
châu Âu. 6 quốc gia - Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Latvia, Ba
Lan và Hà Lan - đã bị cắt hoàn toàn khỏi nguồn cung khí đốt từ
Nga. Hơn nữa, Gazprom, công ty năng lượng quốc doanh của Nga,
đã giảm mạnh dòng khí đốt đến phần còn lại của châu Âu. Dòng
chảy phương Bắc 1 là đường ống lớn nhất đưa khí đốt của Nga đến
châu Âu đã tạm thời đóng cửa vào tháng 7 “để bảo trì”. Sau đó,
đường ống đã mở cửa trở lại, nhưng lượng khí đốt xuất khẩu đi qua
đường ống này giảm xuống chỉ còn 20% so với thỏa thuận ban đầu.
Đến ngày 3/9/2022, Nga tuyên bố sẽ đóng cửa vô thời hạn đường ống dẫn khí này. Lúc này, thay vì đồng ý về các biện pháp trừng phạt mới, EU lại tranh giành việc giải quyết các kho dự trữ xăng dầu đang cạn kiệt ở nhiều quốc gia thành viên. Để đa dạng hóa nguồn cung cấp, EU mải mê tìm kiếm các quan hệ đối tác năng lượng mới với Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Phi và khu vực Caucasus.
Khi phải đối mặt với những hậu quả kinh tế và bất ổn xã hội ngày càng gia tăng ở trong lòng châu Âu, Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận toàn châu Âu trên 10 quốc gia (8.000 người tham gia đến từ Ba Lan, Romania, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Phần Lan, Thụy Điển và Vương quốc Anh) vào tháng 6/2022 để quyết định sẽ đưa ra những phản ứng gì tiếp theo với cuộc chiến Nga - Ukraine.
“Kết quả cuộc thăm dò cho thấy dư luận châu Âu đang thay đổi và những ngày khó khăn nhất có thể đang ở phía trước (…). Cuộc khảo sát cho thấy khoảng cách ngày càng tăng giữa các quan điểm đã nêu của nhiều chính phủ châu Âu và tâm trạng của công chúng ở các quốc gia của họ. Sự chia rẽ lớn đang tồn tại giữa những người muốn kết thúc chiến tranh càng nhanh càng tốt và những người muốn tiếp tục chiến đấu cho đến khi Nga bị đánh bại”, Ivan Krastev và Mark Leonard cung cấp thông tin về cuộc khảo sát trong bài báo mang tên “Hòa bình và Công lý: Sự chia rẽ sắp tới của châu Âu vì cuộc chiến ở Ukraine” (Peace versus Justice: The coming European split over the war in Ukraine).
Trên 10 quốc gia được khảo sát, một phần ba (35%) người
được hỏi thuộc phe Hòa bình, khoảng một phần năm (22 %)
thuộc phe Công lý, 20% từ chối lựa chọn giữa Hòa bình hoặc Công
lý, nhưng phần lớn vẫn ủng hộ các hành động của EU để đối phó
với cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Sự chia rẽ lớn đang xuất hiện
giữa các nước thành viên EU.
Sự rạn nứt giữa EU và Nga là có thật và sẽ còn tồn tại trong một
thời gian nữa, bất kể chiến tranh kết thúc như thế nào và khi nào.
Tất cả các quốc gia đều ủng hộ mạnh mẽ việc cắt đứt mọi quan hệ
kinh tế với Nga, không có quốc gia nào - kể cả Ý - không đồng ý với
hành động này. Người châu Âu tin rằng cả Nga và Ukraine sẽ thua
vì cuộc chiến này. Đa số người dân châu Âu - trái ngược với cuộc
nói chuyện lạc quan ở nhiều thủ đô châu Âu, vốn coi chiến tranh là
“khoảnh khắc” của EU - tin rằng EU sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Đổi lại,
ý kiến phổ biến ở hầu hết các quốc gia được khảo sát là cuộc chiến
sẽ không có tác động đến Mỹ hoặc Trung Quốc…
Cuộc chiến Nga - Ukraine, dù thế nào thì nó cũng đã xảy ra
với những hậu quả đau lòng.
"Mùa đông hạt nhân" sẽ xóa sổ sự sống trên hành tinh?
Nhưng chiến tranh Nga - Ukraine đâu chỉ là cuộc chiến của riêng châu Âu. Nước Nga và tổng thống Putin đã sa lầy vào một cuộc chiến dai dẳng kéo dài và tình hình có thể càng nghiêm trọng hơn khi Hoa Kỳ và các đồng minh vẫn liên tục tài trợ quân sự cho Ukraine với mục tiêu giúp quốc gia này đạt được ưu thế trên bàn đàm phán hòa bình, nếu có. Nhưng nhiều người châu Âu trong khảo sát của Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại lo ngại Ukraine có thể sẽ không thành công trong việc giành lại toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ nếu không mạo hiểm sử dụng chiến tranh hạt nhân.
Kể từ cuối tháng 9 năm 2022, quân đội Ukraine đã tiến hành
một cuộc phản công thành công ở các khu vực Kharkiv, Donetsk,
Luhansk và Kherson. Sự thất bại bất ngờ của Nga trên chiến trường
đã làm gia tăng căng thẳng trong Điện Kremlin và ngay cả sau khi
Nga tấn công tên lửa vào các thành phố ở Ukraine, ngày càng có nhiều lo ngại về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả. Dẫn nguồn tin từ NATO, nhật báo The Times của Anh đưa tin Nga đang chuẩn bị các vụ thử hạt nhân ở Biển Đen. Một đoạn video đã xuất hiện trên internet cho thấy một đoàn tàu quân sự của Nga đang di chuyển về phía biên giới Ukraine, hành động được cho là có liên hệ với Tổng cục thứ 12 của Bộ Quốc phòng Nga, cơ quan chịu trách nhiệm về kho vũ khí hạt nhân của nước này. Gerhard Mangott, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Innsbruck, cho biết: nguy cơ Nga triển khai vũ khí hạt nhân là nghiêm trọng.
Ông cho rằng đoàn tàu quân sự và thực tế là tàu ngầm Belgorod (K329) đã được huy động có thể là thông điệp hạt nhân. “Giới lãnh đạo Nga đang cho Ukraine và các chính phủ phương Tây thấy rằng Nga hoàn toàn có khả năng sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân. Những hành động hiện tại chủ yếu đóng vai trò răn đe để báo hiệu rằng Ukraine không nên tiếp tục tấn công và phương Tây không nên tiếp tục hỗ trợ bằng vũ khí”. Tuy nhiên Mangott cảnh báo rằng nếu những lời đe dọa này không ngăn chặn được cuộc phản công của Ukraine, Nga có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Nga có thể thử nghiệm vũ khí hạt nhân chiến thuật trên Biển Đen hoặc Kamchatka. Mangott cho rằng Crimea có thể sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với Tổng thống Nga. “Nga chưa có nguy cơ thua thảm khốc trong cuộc chiến này. Nhưng với mỗi thất bại mà Điện Kremlin đang gánh chịu trên chiến trường, với mỗi lần quân đội Ukraine chiếm lại lãnh thổ do Nga xâm chiếm thì càng có nhiều khả năng tình hình sẽ diễn ra theo xu hướng chiến tranh hạt nhân”.
Dự đoán của nhiều chuyên gia quốc tế cũng nghiêng về hướng
ông Putin sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân dù Tổng thống Nga
từng nhiều lần ngụ ý điều đó trong các phát ngôn của mình. Trong
bài phát biểu trên truyền hình ngày 21/9/2022 sau khi quân đội
Nga tiến hành một cuộc phản công bất ngờ nhằm chiếm lại lãnh thổ xung quanh thành phố lớn thứ hai của họ, Kharkiv, ông Putin đã đưa ra lời đe dọa kín đáo về vũ khí hạt nhân. “Tôi muốn nhắc các bạn rằng đất nước của chúng tôi có nhiều phương tiện hủy diệt và khi sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị đe dọa, để bảo vệ nước Nga và người dân, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện theo ý của mình”.
Sau chuyến thăm thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan vào ngày 28/2/2023, Tổng thống Putin khi trả lời một nhà báo đề nghị làm rõ bình luận của ông về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, ông Putin cho biết: “Moskva đang xem xét áp dụng khái niệm của Washington về tấn công phủ đầu. Đầu tiên, Mỹ đã phát triển khái niệm tấn công phủ đầu. Thứ hai, họ đang phát triển một hệ thống tấn công nhằm vô hiệu hóa vũ khí kẻ thù”. Ông Putin lưu ý rằng Moskva nên nghĩ đến việc áp dụng những ý tưởng do người Mỹ phát triển để đảm bảo an ninh của chính mình.
Theo Ria Novosti ngày 21/3/2023, dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moscow sẽ có “phản ứng tương xứng” trong trường hợp phương Tây gửi “vũ khí có thành phần hạt nhân” cho Ukraine, sau khi Anh xác nhận cung cấp đạn có uranium nghèo1 cho Ukraine trong đợt chuyển giao xe tăng Challenger 2. Có vẻ như phương Tây thực sự quyết tâm chiến đấu với Nga đến người Ukraine cuối cùng”, ông Putin nói. “Tập thể phương Tây đã bắt đầu sử dụng cả vũ khí có thành phần hạt nhân”.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho
rằng, quyết định của Anh có thể đưa Moscow và phương Tây tới
gần hơn nguy cơ “va chạm hạt nhân”.
___________________________
(1) Uranium nghèo là chất thải của quá trình làm giàu uranium, tức tách đồng vị uranium -
235 khỏi uranium tự nhiên.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng đạn uranium nghèo độc hại với con người và môi trường xung quanh. Loại đạn này có thể làm phát tán bụi phóng xạ vào không khí, khiến con người dễ bị nhiễm độc kim loại nặng hoặc mắc những chứng bệnh nguy hiểm nếu hít hoặc nuốt phải bụi phóng xạ.
Tiếp đến ngày 25/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng đồng minh Belarus. Đây là lần đầu tiên Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật ra ngoài lãnh thổ kể từ năm 1996.
Bóng ma chiến tranh hạt nhân đã quay trở lại trong các vấn đề quốc tế sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, đánh dấu một bước leo thang xung đột vô cùng nguy hiểm cho nền hòa bình của nhân loại.
Tất cả những động thái này cho thấy rõ ràng kết quả của cuộc chiến Ukraine là vô cùng quan trọng không chỉ đối với Nga mà còn đối với Trung Quốc và toàn thế giới. Nga là quốc gia duy nhất mà Hoa Kỳ bình đẳng về vũ khí hạt nhân và mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Nga là yếu tố răn đe chính để Hoa Kỳ không áp dụng bất kỳ chính sách tấn công trực tiếp nào vào Trung Quốc.
Lịch sử cho thấy rõ ràng rằng: Hoa Kỳ đã chuẩn bị để thực hiện một cuộc tấn công quân sự cực kỳ bạo lực đến mức sẵn sàng tiêu diệt cơ bản cơ sở hạ tầng của một quốc gia với học thuyết “tấn công phủ đầu”, một hình thức tấn công trước nhằm phá hủy khả năng đáp trả của đối phương.
Một trong nhiều ví dụ, trong Chiến tranh Triều Tiên, Hoa
Kỳ đã phá hủy gần như tất cả các thành phố và thị trấn của Triều
Tiên, bao gồm khoảng 85% các tòa nhà của họ. Cuộc ném bom
của Mỹ ở Đông Dương trong Chiến tranh Việt Nam thậm chí
còn có quy mô lớn hơn, dùng máy bay B52 đánh bom rải thảm,
sử dụng cả thiết bị nổ và vũ khí hóa học, chẳng hạn như chất độc
da cam khét tiếng, tạo ra những biến dạng kinh hoàng trên cơ thể
các nạn nhân và cả thế hệ con cháu của họ nữa! Từ năm 1964 đến
ngày 15/8/1973, Không quân Hoa Kỳ đã thả hơn 6 triệu tấn bom
xuống Đông Dương, trong khi các máy bay của Hải quân và Thủy
quân lục chiến Hoa Kỳ thả thêm 1,5 triệu tấn bom ở Đông Nam Á.
Để so sánh mức thiệt hại, hai quả bom nguyên tử được thả xuống
Hiroshima và Nagasaki có sức công phá khoảng 15.000 và 20.000
tấn TNT, tổng số bom Mỹ ném xuống Đông Dương tương đương
100 lần tác động tổng hợp của hai quả bom nguyên tử kể trên.
Mùa đông hạt nhân là một mô hình được một nhóm các nhà
khoa học khí quyển ở cả Hoa Kỳ và Liên Xô đưa ra vào năm 1983
trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Ronald Reagan đang tích
lũy hạt nhân thông qua Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (hay còn
gọi là Chiến tranh giữa các vì sao). Mô hình xuất hiện trên hàng loạt
các tạp chí khoa học lớn dự đoán rằng “một cuộc chiến tranh hạt
nhân sẽ dẫn đến một mùa đông hạt nhân”. Kết quả của sự trao đổi
nhiệt hạch toàn cầu sẽ dẫn đến những vụ cháy lớn ở khoảng 100 thành phố trở lên, có thể làm giảm đáng kể nhiệt độ trung bình của trái đất bằng cách đẩy muội và khói vào bầu khí quyển và ngăn chặn bức xạ mặt trời. Khí hậu sẽ bị thay đổi đột ngột theo hướng ngược lại với sự nóng lên toàn cầu, sự lạnh toàn cầu nhanh chóng sẽ khiến nhiệt độ giảm vài độ hoặc thậm chí vài chục độ C trên toàn thế giới (hoặc ít nhất là trên toàn bán cầu) trong khoảng một tháng dẫn đến những hậu quả khủng khiếp đối với sự sống trên trái đất.
Do đó, dù hàng trăm triệu người, thậm chí một tỷ người hoặc nhiều hơn, sẽ bị giết chết bởi tác động trực tiếp của sự trao đổi nhiệt hạch toàn cầu, nhưng các tác động gián tiếp sẽ tồi tệ hơn nhiều, dẫn đến việc giết gần hết dân số trên hành tinh, những người thoát chết khỏi tác động trực tiếp của bom lửa hạt nhân - do nạn đói. Luận điểm về “mùa đông hạt nhân” có tác động mạnh mẽ đến cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đang diễn ra vào thời điểm đó và góp phần vào việc đưa chính phủ Hoa Kỳ và Liên Xô rút lui khỏi bờ vực chiến tranh hạt nhân.
“Tuy nhiên giới tinh hoa quyền lực ở Mỹ xem mô hình “Mùa đông hạt nhân” là một cuộc tấn công trực tiếp vào ngành vũ khí hạt nhân và Lầu Năm Góc, nhằm vào chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” nói riêng. Vì thế, “mùa đông hạt nhân” đã trở thành một trong những tranh cãi khoa học lớn nhất mọi thời đại, dù thực tế các tranh cãi mang tính chính trị hơn là khoa học vì các kết quả khoa học chưa bao giờ bị nghi ngờ”, John Bellamy Foster viết trong chuyên đề “Ghi chú về Chủ nghĩa diệt vong” với các diễn biến Hòa bình và Sinh thái trong thế kỷ 21 (“Notes on Exterminism” for the Twenty - First - Century Ecology and Peace Movements).
Theo John Bellamy Foster, nếu phản ứng ban đầu của công
chúng và các nhà lãnh đạo chính trị đối với các nghiên cứu về “mùa
đông hạt nhân” đã giúp tạo ra một phong trào mạnh mẽ nhằm giải
trừ vũ khí hạt nhân, góp phần kiểm soát vũ khí hạt nhân và chấm dứt Chiến tranh lạnh thì mô hình này đã sớm bị phản công bởi các lực lượng quân sự, chính trị mạnh mẽ và lợi ích kinh tế đằng sau cỗ máy chiến tranh hạt nhân của Hoa Kỳ. Kể từ đó, các phương tiện truyền thông doanh nghiệp cùng các lực lượng chính trị đã phát động nhiều chiến dịch khác nhau nhằm làm mất uy tín của luận điểm về “mùa đông hạt nhân”.
Năm 2000, tạp chí khoa học nổi tiếng Discover đã liệt kê “mùa đông hạt nhân” là 1 trong “20 sai lầm khoa học lớn nhất lớn nhất trong 20 năm qua”. Cơ sở để Discover đưa ra khẳng định mạnh mẽ này là các nhà khoa học chính đứng sau nghiên cứu về “mùa đông hạt nhân” vào năm 1999 đã tuyên bố sự giảm nhiệt trung bình do trao đổi hạt nhân toàn cầu được ước tính hơi nhỏ hơn so với hình dung ban đầu và nhiều nhất mới tạo thành nhiệt độ trung bình giảm 36° F (20° C) ở Bắc bán cầu. Chính sự phủ nhận này đã khiến công chúng và quân đội tin rằng những phát hiện khoa học về “mùa đông hạt nhân” đã quá phóng đại thiệt hại của một cuộc chiến tranh hạt nhân giả định. Cho đến nay, “cáo buộc phóng đại” vẫn được giới cầm quyền một số quốc gia sử dụng trong nhiều thập kỷ để giảm thiểu tác động của chiến tranh hạt nhân. “Trong logic chủ nghĩa tư bản Lầu Năm Góc, sự phủ nhận này rõ ràng được thúc đẩy bởi thực tế nếu các kết quả khoa học về “mùa đông hạt nhân” được phép tồn tại thì việc lập kế hoạch chiến lược nhằm chống lại một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể chiến thắng”, John B. Foster diễn giải.
Ở một khía cạnh khác, những tác động thảm khốc của chiến
tranh hạt nhân luôn bị các nhà hoạch định hạt nhân xem thường.
Daniel Ellsberg, chuyên viên phân tích của Quân đội Hoa Kỳ nổi
tiếng với tài liệu nghiên cứu Hồ sơ Lầu Năm Góc, trong quyển
sách Cỗ máy Ngày tận thế - Lời tự thú của một nhà hoạch định chiến
tranh hạt nhân (The Doomsday Machine: Confessions of a Nuclear
War Planner) cho rằng số người chết ước tính do chiến tranh hạt
nhân tổng lực mà các nhà phân tích chiến lược của Hoa Kỳ cung cấp luôn là một con số thấp hơn thực tế rất nhiều, vì họ cố tính bỏ qua bão lửa ở các thành phố do các vụ nổ hạt nhân - có tác dụng lớn nhất đến dân số đô thị nói chung - với lý do đáng ngờ là mức độ tàn phá quá khó ước tính. “Tuy nhiên, ngay cả trong những năm 60, những cơn bão lửa do vũ khí nhiệt hạch gây ra đã được dự đoán là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hơn nữa, điều mà không ai có thể nhận ra cho đến khi các nghiên cứu về mùa đông hạt nhân đầu tiên xuất hiện khoảng 21 năm sau Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba là những tác động gián tiếp của cuộc tấn công đầu tiên theo kế hoạch của chúng ta đã đe dọa nghiêm trọng đến 2/3 nhân loại còn lại. Những ảnh hưởng này phát sinh từ một hệ quả khác bị bỏ quên của các cuộc tấn công của chúng ta vào các thành phố: khói. Trên thực tế, khi bỏ qua lửa, các tham mưu trưởng và những người lập kế hoạch của họ đã bỏ qua thực tế là ở đâu có lửa thì ở đó có khói. Nhưng điều nguy hiểm đối với sự sống còn của con người không phải là khói từ những đám cháy thông thường, mà là khói được đẩy lên tầng khí quyển phía trên từ những cơn bão lửa mà vũ khí hạt nhân đã tạo ở các thành phố mà chúng ta đã nhắm mục tiêu”, Daniel Ellsberg viết về tác hại của khói từ những đám cháy lớn được tạo ra từ cuộc trao đổi nhiệt hạch.
“Các luồng gió hung dữ từ nhiều cơn bão lửa này sẽ cuốn hàng
triệu tấn khói và bồ hóng vào tầng bình lưu, nơi chúng sẽ không thể
thoát ra ngoài và sẽ nhanh chóng bao vây địa cầu, tạo thành một tấm
chăn ngăn chặn hầu hết ánh sáng mặt trời xung quanh trái đất trong
một thập kỷ trở lên. Chính điều này sẽ làm giảm ánh sáng mặt trời
và hạ nhiệt độ trên toàn thế giới đến mức sẽ loại bỏ tất cả các vụ mùa
thu hoạch dẫn đến sự chết vì đói - nạn nhân không phải tất cả mà gần
như tất cả con người và các động vật khác sống dựa vào thảm thực vật
để làm thực phẩm. Từ đó, dân số của Nam bán cầu - nơi tưởng là hầu
như không bị ảnh hưởng trực tiếp từ các vụ nổ hạt nhân, thậm chí từ
bụi phóng xạ - sẽ vẫn gần như bị tiêu diệt giống như ở khu vực Âu - Á, châu Phi và Bắc Mỹ”.
Chủ nghĩa phủ nhận kể trên được xây dựng trong cỗ máy ngày
tận thế càng có ý nghĩa hơn khi không chỉ các nghiên cứu về “mùa
đông hạt nhân” ban đầu được công nhận mà các nghiên cứu mới
vào thế kỷ 21 - dựa trên các mô hình máy tính hiện đại hơn, tinh vi
hơn so với đầu những năm 1980 - đã thêm một lần chứng tỏ rằng
“mùa đông hạt nhân” là vấn đề cực kỳ trầm trọng. Tầm quan trọng
của những nghiên cứu mới này đã được tạp chí Discover tái công
nhận vào năm 2007, khi cho đăng một bài báo có tựa đề “Sự trở lại
của mùa đông hạt nhân” (The Return of Nuclear Winter), về cơ bản
bác bỏ những luận điểm chủ quan đưa ra trong bài báo phủ nhận
“mùa đông hạt nhân là 1 trong 20 sai lầm khoa học” 7 năm trước đó.
Các nghiên cứu gần đây, đã chứng minh rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân giả định giữa Ấn Độ và Pakistan với 100 quả bom nguyên tử 15 kiloton (tương đương sức công phá của quả bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima) có thể gây ra tử vong trực tiếp tương đương với tất cả các trường hợp tử vong trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Các vụ nổ nguyên tử sẽ ngay lập tức gây ra những cơn bão lửa có diện tích có thể đến 13km2 . Các thành phố đang bốc cháy sẽ giải phóng khoảng 5 triệu tấn khói vào tầng bình lưu, bay vòng quanh trái đất trong vòng hai tuần và có thể tồn tại trong hơn một thập kỷ. Bằng cách ngăn chặn ánh sáng mặt trời, điều này sẽ làm giảm sản lượng lương thực trên toàn cầu từ 20 đến 40%. Lớp khói ở tầng bình lưu sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời ấm lên, làm nóng khói đến nhiệt độ gần nhiệt độ sôi của nước, dẫn đến giảm tầng ôzôn từ 20 đến 50% gần các khu vực đông dân cư và khiến những người da trắng có thể bị cháy nắng nghiêm trọng trong khoảng 6 phút và mức độ ung thư da sẽ tăng vọt qua khỏi hầu hết mọi bảng xếp hạng. Trong khi đó, ước tính có tới 2 tỷ người sẽ chết vì nạn đói.
Loạt nghiên cứu về “mùa đông hạt nhân” mới, được công bố trên các tạp chí khoa học lớn từ năm 2007 và tiếp tục cho đến nay, không dừng lại ở đó. Các nhà khoa học cũng xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu có một cuộc trao đổi nhiệt hạch toàn cầu với sự tham gia của 5 cường quốc hạt nhân hàng đầu: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. Chỉ riêng Hoa Kỳ và Nga, hai quốc gia chiếm phần lớn kho vũ khí hạt nhân trên thế giới có hàng nghìn vũ khí hạt nhân chiến lược với sức công phá từ 7 đến 80 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Từ những năm 1960, khi Moscow đạt được sự ngang bằng về
hạt nhân với Washington, cho đến khi Liên Xô tan rã, chiến lược
hạt nhân thống trị trong Chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô
dựa trên khái niệm về Sự hủy diệt được đảm bảo lẫn nhau (MAD).
Nguyên tắc này đề cập đến khả năng bị tàn phá hoàn toàn ở cả hai phía, bao gồm cái chết của hàng trăm triệu người, được chuyển tương đương thành hạt nhân một cách hiệu quả. Tuy nhiên, các nghiên cứu về “mùa đông hạt nhân” đã cảnh báo, hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện sẽ vượt xa hơn cả hậu quả thảm khốc trên, kéo dài đến sự hủy diệt gần như toàn bộ sự sống của con người (cũng như hầu hết các loài khác) trên toàn bộ hành tinh.
Ngoài việc giới thiệu khái niệm cỗ máy ngày tận thế, Herman Kahn, với tư cách là một trong những nhà hoạch định chiến lược hàng đầu của Hoa Kỳ, cũng đặt ra các thuật ngữ phản giá trị (countervalue) và phản lực (counterforce). Trong học thuyết quân sự, phản giá trị là việc nhắm vào các tài sản của đối thủ có giá trị nhưng không thực sự là mối đe dọa quân sự, chẳng hạn như các thành phố, dân thường và nền kinh tế của kẻ thù, nhằm mục đích tiêu diệt hoàn toàn. Trong chiến lược hạt nhân, mục tiêu phản lực là mục tiêu có giá trị quân sự, những cơ sở vũ khí hạt nhân của đối phương (chẳng hạn như hầm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, căn cứ không quân nơi đóng quân của máy bay ném bom vũ trang hạt nhân, sân nhà cho tàu ngầm tên lửa đạn đạo hoặc cơ sở chỉ huy và điều khiển) để ngăn chặn sự trả đũa.
Khi chiến lược đối kháng ban đầu được Robert McNamara,
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ trong chính quyền của John F.
Kennedy, đưa ra, nó được coi là một chiến lược “không có thành
phố” sẽ tấn công vũ khí hạt nhân của đối thủ chứ không phải là dân
thường. Tuy nhiên, McNamara đã sớm nhận ra những sai sót trong
chiến lược này, cụ thể là nó sẽ kích động một cuộc chạy đua vũ
trang hạt nhân nhằm đạt được (hoặc phủ nhận) ưu thế hạt nhân.
Hơn nữa, quan điểm cho rằng một cuộc tấn công “phủ đầu” không
liên quan đến các cuộc tấn công vào các thành phố là không chính
xác ngay từ đầu vì các mục tiêu bao gồm các trung tâm chỉ huy hạt
nhân thường ở trong các thành phố. Do đó, McNamara đã từ bỏ
nỗ lực ngay sau đó để ủng hộ chiến lược răn đe hạt nhân.
Còn trong chính quyền sau đó của Hoa Kỳ, dưới thời ông Ronald Reagan, Washington đã áp dụng chiến lược đối kháng toàn lực. Chính quyền Reagan đã giới thiệu Chiến tranh giữa các vì sao, nhằm phát triển một hệ thống tên lửa đạn đạo toàn diện có khả năng bảo vệ Hoa Kỳ. Mặc dù điều này sau đó đã bị loại bỏ vì không thực tế nhưng nó vẫn dẫn đến việc phát triển các hệ thống tên lửa chống đạn đạo khác trong các chính quyền sau này. Dưới thời chính quyền của Tổng thống Reagan, Hoa Kỳ cũng đã phát triển tên lửa MX, được xem như một vũ khí đối kháng có khả năng tiêu diệt các tên lửa của Liên Xô trước khi chúng được phóng đi. Chính ở đây, trong vũ khí đối kháng, Hoa Kỳ có lợi thế về công nghệ. Sự tích tụ vũ khí hạt nhân ngày càng lớn bắt đầu từ năm 1979 với việc triển khai kế hoạch ở châu Âu các hệ thống phân phối tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đã tạo ra các cuộc phản đối chiến tranh hạt nhân lớn trong những năm 1980 ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng như sự phê phán của nhà sử học Edward Palmer Thompson về chủ nghĩa tiêu diệt và nghiên cứu khoa học về “mùa đông hạt nhân”.
Với ưu thế về hạt nhân là mục tiêu đặt ra ở Washington, Hoa
Kỳ bắt đầu đơn phương rút khỏi một số hiệp ước hạt nhân chính
được thiết lập trong Chiến tranh lạnh. Năm 2002, dưới thời chính
quyền Tổng thống George W. Bush, Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi
Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo. Năm 2019, dưới thời chính quyền
Tổng thống Donald Trump, Washington rút khỏi Hiệp ước Các
lực lượng Hạt nhân Tầm trung, vì cho rằng Nga đã vi phạm Hiệp
ước. Năm 2020, một lần nữa dưới thời Tổng thống Trump, Hoa
Kỳ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở (đặt giới hạn cho các chuyến
bay do thám qua các quốc gia khác), dẫn đến hành động rút lui
của Nga khỏi hiệp ước này vào năm 2021. Với thực tế này, tư thế
hạt nhân của Hoa Kỳ, dựa trên quan điểm chiếm ưu thế trong một
cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, là đặc biệt nguy hiểm vì nó
phủ nhận vai trò của bão lửa trong các thành phố dẫn đến ảnh
hưởng của khói sẽ bốc lên phía trên bầu khí quyển và ngăn chặn hầu hết các tia nắng mặt trời.
“Hy vọng tránh được sự hủy diệt lẫn nhau thành công bằng một cuộc tấn công chặn đầu luôn là điều vô cùng viển vông. Kết luận thực tế là một cuộc trao đổi hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Liên Xô hay người Nga đều chắc chắn dẫn đến một thảm họa không thể giải quyết được, không chỉ đối với hai bên mà còn đối với thế giới. Các nhà hoạch định chính sách đã chọn hành động như thể họ tin, và có lẽ thực sự tin, rằng mối đe dọa như vậy là không thể: một tư thế sẵn sàng chấp nhận để kích hoạt cơ chế tự sát toàn cầu”, Daniel Ellsberg viết trong Cỗ máy Ngày tận thế.
Dù gặp rất nhiều phản đối, chiến lược ưu thế hạt nhân, hay đe dọa tấn công hạt nhân đầu tiên, luôn được Hoa Kỳ sử dụng để gây áp lực với các quốc gia sở hữu hạt nhân và phi hạt nhân để đạt được mục tiêu đế quốc của họ. Chỉ riêng từ năm 1945 đến năm 1996 đã có 25 trường hợp đe dọa hạt nhân trên toàn thế giới được ghi nhận. Theo nghĩa này, việc sử dụng chiến tranh hạt nhân trở thành một mối đe dọa được xây dựng trong chiến lược của Hoa Kỳ. Việc phát triển ưu thế hạt nhân thông qua vũ khí đối kháng cũng có khả năng thực hiện những mối đe dọa hạt nhân tương tự nhắm vào các cường quốc hạt nhân lớn như Nga và Trung Quốc. Toàn bộ cách tiếp cận này là một trò chơi “Con gà hạt nhân”, tiêu đề bài báo do Harry Magdoff và Paul M. Sweezy xuất bản trên tạp chí Monthly Review năm 1982, trong đó, dường như ai cũng đã biết bên nào hiếu chiến nhất.
Trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc chiến tranh nhiệt hạch
toàn cầu giữa các cường quốc hạt nhân hàng đầu hiện nay lớn hơn
bất kỳ thời điểm nào trong thế giới hậu Chiến tranh lạnh, nghiên
cứu mới nhất về mùa đông hạt nhân do các nhà khoa học tại Đại
học Rutgers dẫn đầu công bố một cuộc chiến tranh hạt nhân liên
quan đến khoảng dưới 3% kho dự trữ hạt nhân toàn cầu có thể
giết chết 1/3 dân số thế giới trong hai năm. Trong nghiên cứu của
Đại học Rutgers công bố trên tạp chí Nature Food vào giữa tháng
8/2022, họ thực hiện các mô hình khí hậu mô phỏng 6 kịch bản
chiến tranh hạt nhân khác nhau. Nhóm nghiên cứu ước tính tác
động của từng kịch bản đối với mùa màng, cá tự nhiên, các nguồn
thực phẩm khác - và sau cùng là số nhân mạng chết vì nạn đói. Các
nhà nghiên cứu tính toán rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân kéo
dài một tuần - giữa Ấn Độ và Pakistan chẳng hạn - có thể giết chết
hơn 2 tỷ người trên toàn thế giới. Và trong khi những quả bom có
thể giết chết hàng triệu người ngay lập tức, phần lớn số người thiệt
mạng trong con số 2 tỷ sẽ đến hai năm sau đó, do nạn đói. Hậu quả
thảm khốc nhất đến từ kịch bản cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện
giữa Nga với Hoa Kỳ ước tính sẽ khiến 5 tỷ người chết vì đói.
Nghiên cứu của Đại học Rutgers bổ sung thêm một góc nhìn sâu sắc về hậu quả thảm khốc của chiến tranh hạt nhân và dựa trên những lời cảnh báo hàng thập kỷ trước từ các nhà khoa học, những người đã khẳng định rằng ngay cả một cuộc trao đổi hạt nhân hạn chế cũng có thể phá hủy toàn bộ hành tinh. Các mô hình cho thấy mùa đông hạt nhân sẽ gây ra nạn đói trên diện rộng cũng như sự thay đổi mạnh mẽ của hóa học đại dương - gây tử vong cho các hệ sinh thái biển như rạn san hô - có thể đẩy thế giới vào một kỷ băng hà mới.
“Nếu vũ khí hạt nhân còn tồn tại, chúng luôn có thể được sử dụng. Thế giới đã tiến gần đến chiến tranh hạt nhân vài lần”, Alan Robock, Giáo sư Khoa học Khí hậu tại Đại học Rutgers ở New Jersey, một đồng tác giả nghiên cứu bày tỏ. “Cấm vũ khí hạt nhân là giải pháp lâu dài duy nhất. Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc [cấm phát triển, thử nghiệm, sản xuất, dự trữ, chuyển giao, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân] đã được 66 quốc gia phê chuẩn nhưng thật đáng tiếc không có quốc gia nào trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đồng thuận. Nghiên cứu của chúng tôi làm rõ một điều rằng đã đến lúc 9 quốc gia nên lắng nghe tiếng nói của giới khoa học cùng phần còn lại của thế giới và ký hiệp ước này”.
Viết đến đây, tôi thật sự thấy hoảng sợ vì những nguy cơ và
hiểm họa nhãn tiền mà loài người đang phải đối mặt. Ngày tận
thế là có thật, nếu thảm họa hạt nhân bùng phát trên các lò lửa
trực chờ mà ở các phần trên đây đã đề cập. Sự phá huỷ môi trường
khiến Mẹ Trái đất nổi giận, thiên nhiên vùng lên cắn trả con người
thông qua thảm họa băng tan, nước biển dâng, dịch bệnh hoành
hành, thiên tai bão lũ hạn hán tràn lan giết chết vô số sinh linh vô
tội. Hoặc, đơn giản hơn, chỉ nhìn từ một cuộc xung đột kéo dài mà
không ít người chủ quan cho rằng nó chỉ là “nhất thời” và ở một
góc địa cầu không liên quan đến họ (!): Nga - Ukraine. Phía sau
cuộc chiến này là cả một hệ thống các quốc gia, các thế lực, sự xúi bẩy và những cái bẫy nham hiểm. Khi danh dự bị xúc phạm, khi lòng ích kỷ và tàn nhẫn không được kiểm soát, họ có thể tung ra vũ khí nguy hiểm nhất, chết chóc nhất của họ: vũ khí hạt nhân. Lúc đó, ngày tận thế sẽ đến, không có bên thắng bên thua, mà cơ bản sự sống trên địa cầu bị xóa sổ. Không chỉ con người mà muôn loài cũng tận diệt.
Vậy, lương tâm thời đại để ở đâu, sau những toan tính vị kỷ, những sự vô thiên vô pháp của các thế lực đang đội lên đầu ngọn lửa hận mà quên đi lẽ nhân ái? Lúc này, thậm chí, sự im lặng, thái độ trung lập, cũng có thể là tội lỗi…
Nếu chỉ nhìn vào cuộc chiến ở Nga - Ukraine, đã có thể thấy, chiến tranh đôi khi không chỉ đến từ mâu thuẫn giữa hai vùng lãnh thổ, hai chính quyền cụ thể nào đó. Mà nó còn là cuộc “chiến tranh uỷ nhiệm”, là sự đối đầu âm thầm và nham hiểm giữa các thế lực lớn hơn, nhiều “chủ thể” phức tạp hơn.
Nhiều tài liệu thường được trích dẫn cho thấy: Giới tài phiệt
nào đó, vì lợi ích nhóm đã đưa các phần tử chống phá vào, bơm
số tiền khổng lồ kèm với vũ khí hạng nặng vào để thúc đẩy chiến
tranh. Thậm chí, cao tay hơn, họ còn “tẩy não” giới trẻ ở vùng mà
họ biết chắc sẽ trở thành vùng chiến sự khốc liệt với các nạn nhân
vô tội trong tương lai, thông qua việc sửa sách giáo khoa, gieo rắc
tư tưởng bài trừ các sắc tộc và chính thể vốn sống yên bình với
nhau từ nhiều năm trước. Thậm chí, họ can thiệp các giao dịch
thương mại chủ chốt trên toàn cầu đến mức phải dùng một loại
tiền tệ mới thay vì đồng đô la Mỹ truyền thống, khơi mào cho
một cuộc Chiến tranh tiền tệ. Tất cả, nhằm tạo ra một thế hệ hiếu
chiến, đem trong mình ngọn lửa chiến tranh và bài trừ lẫn nhau.
Những mâu thuẫn vốn âm ỉ từ lâu, hai bên cùng hiếu chiến, ngọn
bấc xung đột được khơi nguồn, đổ thêm dầu từ các âm mưu trên,
chiến tranh từ đó bùng lên như một điều không thể khác.
Ở đây, cho chúng ta thấy nhiều bài toán buồn và thống thiết về cái cách mà loài người đôi khi quá nhẫn tâm để châm ngòi cho các cuộc chiến tranh giết chết nhiều sinh linh và huỷ hoại vô số tài sản. Lắm lúc, cuộc chiến còn bị đẩy đến bờ vực xóa sổ cả một nền văn minh nhiều nghìn năm tuổi. Quan trọng hơn, nó thổi bùng lên ngọn lửa căm thù, để người ta có thể sẵn sàng tự sát và giết chết kẻ thù, giết chết cả trái đất 8 tỷ người (dân số địa cầu ở thời điểm tôi viết cuốn sách này) cùng lúc bằng vũ khí hạt nhân.
Mấu chốt là câu chuyện giáo dục, giáo dục một cách bài bản và hiệu quả. Để làm sao kẻ gieo điều ác không nỡ xuống tay “uỷ nhiệm” cả một cuộc chiến, tẩy não cả nhiều thế hệ trẻ thơ ngây rồi ném họ vào lò lửa chiến tranh. Giáo dục để làm sao các cộng đồng “lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân” khi đối mặt với các thế lực muốn thay sách giáo khoa, muốn đổi ý thức hệ, muốn bài trừ văn hóa của cộng đồng mình từng gắn bó để rồi gieo lửa hận thù ngùn ngụt. Tư tưởng nước lớn ở đây cũng là do giáo dục mà ra. Tại sao ai đó lại cho mình cái quyền vô cớ gây xung đột; rồi cho mình cái quyền đem quân đội xâm nhập nhằm “xử lý” những kẻ không chịu “vâng lời” mình. Họ tự ý đi “giải quyết việc nhà người khác”, bất chấp sự lên án gay gắt của nhân loại tiến bộ.
Vâng, nếu ai cũng biết nghĩ về sự bình yên chung cho cộng đồng, ai cũng bằng mọi giá không phát động, không tham chiến, không gây hấn và kích hoạt vũ khí nguy hiểm, thì dĩ nhiên trái đất không có chiến tranh. Nhưng, điều này không dễ để thực hiện, nếu chúng ta không bắt đầu một cách thực sự từ bây giờ, thông qua giáo dục một cách hiệu quả, với sự tham gia của những tổ chức có vai trò, quy mô, uy tín đủ lớn như Liên hợp quốc.
“Cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng”, giả dụ một bên trong
cuộc chiến Nga - Ukraine muốn “dừng”, và giả dụ chắc chắn một
bên bằng mọi giá không muốn chiến tranh. Thì bên còn lại có chấp
nhận giải pháp hòa bình không? Quốc tế có đủ mạnh để can thiệp và bảo vệ an toàn cho phía Hòa bình không? Bài toán này chỉ có thể giải được khi chúng ta có một nền giáo dục trên quy mô trái đất khi các thành viên đều thượng tôn hòa bình và sẵn sàng cho bên hiếu chiến nào đó một sự trừng phạt thích đáng (không thông qua chiến tranh), đủ để họ hạ hỏa các bộ não và gân cốt đang hừng hực muốn châm ngòi, kích hoạt các kho vũ khí nguy hiểm và huỷ diệt kia!
Đó là lý do, tôi (Lê Viết Hải) mạnh dạn viết cuốn sách này.
Thông qua các phân tích thời cuộc, thời sự, tôi muốn nói kĩ hơn về
chủ thuyết Hòa bình, Trái đất là quê hương chung của tất cả chúng
ta. Chúng ta phải có trách nhiệm gác lại các tham vọng cá nhân để
giữ gìn sự sum vầy và thịnh vượng của Mái nhà chung này một cách
bền vững. Tôi cũng khao khát đưa ra kiến nghị, giải pháp để Hòa
bình không bị nướng trong lò lửa hạt nhân, lò lửa vũ khí huỷ diệt
và các thảm họa thiên nhiên tàn khốc…