Thân mời bạn đọc Chương 3 tại đây nhé.
Site: | Earth Is My Home Land |
Course: | Địa Cầu Quê Tôi |
Book: | Thân mời bạn đọc Chương 3 tại đây nhé. |
Printed by: | Guest user |
Date: | Saturday, 19 July 2025, 2:41 AM |
Table of contents
- 1. Trang 77
- 2. Trang 78
- 3. Trang 79
- 4. Trang 80
- 5. Trang 81
- 6. Trang 82
- 7. Trang 83
- 8. Trang 84
- 9. Trang 85
- 10. Trang 86
- 11. Trang 87
- 12. Trang 88
- 13. Trang 89
- 14. Trang 90
- 15. Trang 91
- 16. Trang 92
- 17. Trang 93
- 18. Trang 94
- 19. Trang 95
- 20. Trang 96
- 21. Trang 97
- 22. Trang 98
- 23. Trang 99
- 24. Trang 100
- 25. Trang 101
- 26. Trang 102
- 27. Trang 103
- 28. Trang 104
- 29. Trang 105
- 30. Trang 106
- 31. Trang 107
- 32. Trang 108
- 33. Trang 109
- 34. Trang 110
- 35. Trang 111
- 36. Trang 112
- 37. Trang 113
1. Trang 77
Chương 3
CHỦ NGHĨA CHỦNG TỘC ARYAN,
TỘI ÁC TÀY TRỜI CỦA PHÁT XÍT
KHI CHỦ NGHĨA DÂN TỘC
TRỞ NÊN LỖI THỜI
- Hệ tư tưởng của một số nhà cầm quyền “nước lớn” dẫn họ đến việc sử dụng hình thức chiến tranh để giải quyết xung đột quốc tế.
- Huyền thoại chủng tộc Aryan và thuyết ưu sinh đã đóng góp vào thảm sát do Hitler và Đức Quốc xã thực thi ra sao?
- Lịch sử phát triển khái niệm “quốc gia” với sự lỗi thời của
“chủ nghĩa dân tộc” trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tôi không có ý định viết một quyển sách về chiến tranh.
Tôi muốn viết một quyển sách về sáng kiến hòa bình,
dù hai chương đầu đậm đặc bầu không khí của các cuộc chiến.
Nhưng sẽ không có một giải pháp khả dĩ nào cho hòa bình nếu
chúng ta không thật sự hiểu những động cơ thúc đẩy các nhà cầm
quyền phát động một cuộc chiến tranh. “Nhân chi sơ, tính bản
thiện”, từ trong đáy lòng, tôi tin rằng nếu có nhiều lựa chọn, ai
2. Trang 78
cũng sẽ chọn giải pháp không dùng vũ lực. Mỗi cuộc chiến đều có một diễn ngôn và thậm chí ẩn đằng sau đó là những nỗi đau. Ở chương 3, tôi sẽ tìm cách lý giải một đặc điểm tư tưởng chung của các nhà cầm quyền tại các xứ sở được coi là “cường quốc trên thế giới” đã dẫn họ đến việc sử dụng hình thức chiến tranh (hay tham gia một cuộc chiến) để giải quyết xung đột quốc tế và vì sao tư tưởng này cần được loại bỏ để thay thế bằng một tư tưởng khác dẫn loài người đến kỷ nguyên hòa bình bền vững.
Có thể trở lại lịch sử một chút, tôi sẽ kể một câu chuyện có ý nghĩa thức tỉnh như thế này để hiểu thêm về giá trị của Hòa bình và càng thêm sợ Chiến tranh.
Holocaust là một thảm sát diệt chủng có hệ thống do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành, dẫn đến cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái, bao gồm 3 triệu nam giới, 2 triệu phụ nữ và 1 triệu trẻ em. Chương trình khủng bố chống người Do Thái của Đức Quốc xã bắt đầu ngay sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào năm 1933.
Thực tế, ban đầu, Đức Quốc xã chỉ dùng luật pháp và tuyên
truyền ác ý để tạo ra một nền văn hóa phân biệt chủng tộc và thù
địch chứ chưa có kế hoạch giết hại người Do Thái hàng loạt. Từ
năm 1933 đến năm 1939, cuộc sống của người Do Thái ở Đức vô
cùng khốn khổ dưới sự cai trị của Đức Quốc xã. Người Do Thái
không được phép làm một số ngành nghề nhất định, họ không
được phép xuất hiện ở những nơi công cộng như quán rượu hay
công viên. Năm 1935, khi Luật chủng tộc Nuremberg có hiệu lực,
người Do Thái bị cấm kết hôn với những người không phải người
Do Thái. Họ cũng mất quyền công dân, trở thành công dân hạng
hai ở Đức. Những ngôi nhà, giáo đường Do Thái và các cửa hàng
bị phá hủy và hàng nghìn người Do Thái bị giam cầm trong các trại
tập trung. Khi Chiến tranh thế giới thứ Hai nổ ra, khoảng 250.000
người Do Thái đã bỏ trốn khỏi Đức vì bạo lực và phân biệt đối xử.
3. Trang 79
Cuộc xâm lược của Đức vào Ba Lan vào tháng 9/1939 báo trước một giai đoạn mới báo hiệu sự đàn áp người Do Thái ngày càng leo thang. Chiến tranh đã khiến cho việc di cư trở nên khó khăn. Việc Ba Lan bị chiếm đóng đồng nghĩa với việc 1,7 triệu người Do Thái Ba Lan cũng nằm dưới sự cai trị của người Đức. Trong những tháng đầu tiên chiếm đóng Ba Lan, quân Đức đã hành quyết hàng nghìn công dân Do Thái. Người Do Thái bị lao động cưỡng bức, bị bỏ đói và không được chăm sóc y tế.
Tháng 6/1941, khi Đức xâm lược Liên Xô, Hitler đã tuyên bố
một cuộc chiến hủy diệt kẻ thù ý thức hệ của nước Đức: chế độ
cộng sản. Bộ chỉ huy quân đội Đức được thông báo rằng tội ác
chiến tranh sẽ không bị trừng phạt và họ được phép hành quyết
tất cả các nghi phạm mà không cần xét xử. Các đội hành quyết di
động được gọi là Einsatzgruppen, gồm quân đội Đức Quốc xã và
các cộng tác viên địa phương, được giao nhiệm vụ giết các quan
4. Trang 80
chức cộng sản, đảng phái và đàn ông Do Thái trong độ tuổi từ 15 đến 60. Tuy nhiên, từ tháng 8/1941 trở đi, Einsatzgruppen cũng thường xuyên giết người già, phụ nữ và trẻ em. Người Do Thái ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng được báo cáo cho một điểm trung tâm, họ sẽ bị vây bắt trong các cuộc truy quét. Sau đó, Đức Quốc xã sẽ đưa họ đến một nơi xa xôi để hành quyết. Chỉ riêng trong năm 1941, gần 900.000 người Do Thái Liên Xô đã bị sát hại theo cách này.
Chiến tranh khiến việc trục xuất người Do Thái đến đảo Madagascar không thể thực hiện, đồng thời kế hoạch đẩy người Do Thái lùi xa hơn về phía đông châu Âu cũng không thành do Đức vẫn chưa thể chiến thắng Liên bang Xô Viết. Giải pháp cuối cùng cho câu hỏi về số phận người Do Thái là “hình thức diệt chủng”. Trong Hội nghị Wannsee, vào ngày 20/1/1942, Đức Quốc xã đã thảo luận về việc thực hiện kế hoạch sát hại khoảng 11 triệu người Do Thái sống ở châu Âu.
Cuối năm 1941, Đức Quốc xã chuẩn bị cho vụ sát hại hơn 2 triệu người Do Thái sống trong phần bị chiếm đóng của Ba Lan. Đức Quốc xã cũng thử nghiệm giết người hàng loạt ở các khu vực bị chiếm đóng và sáp nhập khác của Đông Âu. Ở Chelmno, họ dùng khí gas để giết người Do Thái Ba Lan, phương pháp này được cho là nhanh hơn và ít “trầm trọng hơn” so với việc bắn người. Dưới mật danh Aktion Reinhard, Đức Quốc xã đã xây dựng một số trại tiêu diệt: Belzec, Sobibor và Treblinka. Tại đây, các nạn nhân bị sát hại trong buồng hơi ngạt với khói thải của động cơ diesel. Vào tháng 11/1943, Aktion Reinhard bị chấm dứt hoạt động, các trại được tháo rời, xác của các nạn nhân được khai quật và đốt cháy. Đức Quốc xã sau đó đã trồng cây trên khu đất để tiêu hủy bằng chứng tội ác của mình. Ít nhất 1,75 triệu người Do Thái đã bị sát hại dưới thời Aktion Reinhard.
Vào giữa năm 1942, quân Đức bắt đầu trục xuất người Do
Thái khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Tây Âu. Người Do
5. Trang 81
Thái bị nhồi nhét trong những chiếc xe ngựa chở gia súc đông đúc
và được vận chuyển đến Đông Âu. Hầu hết trong số họ sẽ được
đưa đến trại Auschwitz-Birkenau. Khi đến nơi, những người Do
Thái được lựa chọn theo độ tuổi, sức khỏe và khả năng làm việc
của họ. Những người không đủ sức khỏe được “nạp khí” ngay lập
tức. Những người khác phải lao động cưỡng bức trong điều kiện dã
man: công việc vất vả, thức ăn ít ỏi, kém chất lượng, vệ sinh kém.
Do đó, chương trình này còn được gọi là “đào thải qua lao động”.
Năm 1943 và 1944, các cuộc trục xuất bắt đầu từ các vùng bị chiếm
đóng ở Ý, Hungary, Hy Lạp và Balkan. Chỉ khi quân Đồng minh
đến gần, vào cuối năm 1944 cuộc đàn áp người Do Thái mới từ
từ dừng lại. Trong những tháng cuối của cuộc chiến, hàng nghìn
người Do Thái và các tù nhân khác đã chết trong các cuộc “hành
quân tử thần” sau khi quân Đức di tản họ khỏi các trại tập trung
để ngăn chặn tù nhân rơi vào tay quân Đồng minh. Ngay cả sau
khi được giải phóng, người Do Thái vẫn tiếp tục chết vì suy dinh
dưỡng, bệnh tật và suy kiệt.
6. Trang 82
Tại sao thảm họa Holocaust lại xảy ra? Vì sao có rất nhiều người đã giúp đỡ Đức Quốc xã trong việc giết hàng triệu người Do Thái? - Đó là những câu hỏi đã tiêu tốn nửa thế kỷ nghiên cứu lịch sử, xã hội học, tâm lý học, tôn giáo và triết học của hàng trăm học giả trên thế giới trong việc cố gắng giải mã hiện tượng Holocaust.
Mein Kampf (Cuộc đấu tranh của tôi), quyển tự truyện của Hitler, được xem là văn bản có giá trị nhất để hiểu về những động lực và ý tưởng đằng sau Holocaust. Trong cuốn sách này, ý thức hệ về chủng tộc của Hitler được trình bày qua một khái niệm gọi là “nguyên tắc cơ bản của dòng máu”. Điều này có nghĩa là máu của mỗi người và mọi chủng tộc đều chứa linh hồn của một người và linh hồn của chủng tộc anh ta. Hitler tin rằng chủng tộc Aryan, chủng tộc của tất cả những người Đức “chân chính” (làn da trắng, mái tóc vàng, đôi mắt xanh), là chủng tộc có dòng máu (linh hồn) ở mức độ cao nhất. Theo Hitler, vì máu (linh hồn) của người Aryan chứa những năng lượng tinh thần cụ thể, “năng lượng văn hóa” hay “yếu tố nguyên thủy chủng tộc” nên tất cả nền văn hóa nhân loại, tất cả kết quả của nghệ thuật, khoa học và công nghệ ngày nay hầu như chỉ là sản phẩm sáng tạo của người Aryan.
Văn hóa và nền văn minh của con người trên trái đất không
thể tách rời khỏi sự hiện diện của người Aryan, nếu anh ta chết
hoặc suy tàn, bức màn đen tối của một thời đại không có văn hóa
sẽ phủ xuống địa cầu này. Thật vậy, sự mất mát của nước Đức trong
Chiến tranh thế giới thứ Nhất và các vấn đề kinh tế sau đó là bằng
chứng đương thời, theo góc nhìn của Hitler, cho thấy sự suy tàn
của người Ayran. Sự suy tàn này xảy ra là bởi sự ô nhiễm máu (linh
hồn) của người Aryan bởi một chủng tộc thấp kém hơn. “Người
Aryan đã từ bỏ sự tinh khiết dòng máu của mình và vì thế mất đi
chuyến lưu trú trong thiên đường mà anh đã tạo ra cho chính mình.
Người Aryan trở nên chìm ngập trong hỗn hợp chủng tộc, và dần dần
càng ngày càng mất đi khả năng kiến tạo văn hóa. Hỗn hợp máu và
7. Trang 83
sự sụt giảm cấp độ chủng tộc là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự chết dần chết mòn của các nền văn hóa cũ; vì con người không bị diệt vong vì chiến tranh mà là do mất đi sức đề kháng vốn chỉ có trong dòng máu thuần khiết. Tất cả những ai không thuộc chủng tộc tốt trên thế giới này đều là kẻ xấu”.
Sự tiến hóa đóng một vai trò trung tâm trong chương sách “Quốc gia và chủng tộc” của tác phẩm Mein Kampf. Trong chương này, Hitler giải thích lý do tại sao sự pha trộn chủng tộc lại vi phạm các nguyên tắc tiến hóa: “Bất kỳ sự giao phối nào của hai sinh vật không ở cùng một cấp độ đều tạo ra mức trung bình giữa cấp độ của hai bậc cha mẹ. Điều này có nghĩa là: con cái có thể sẽ đứng cao hơn bố mẹ thấp hơn về chủng tộc, nhưng không cao bằng con cao hơn. Sự giao phối như vậy là trái với ý muốn của tự nhiên về sự sinh sôi nảy nở cao hơn của tất cả sự sống. Điều kiện tiên quyết cho điều này không nằm ở việc liên kết cấp trên và cấp dưới, mà là ở chiến thắng toàn diện của người đi trước. Kẻ mạnh hơn phải thống trị và không được hòa trộn với kẻ yếu hơn. [...] Trong cuộc đấu tranh giành miếng cơm manh áo hàng ngày, tất cả những ai yếu ớt, ốm yếu hoặc kém quyết tâm đều bị khuất phục, trong khi cuộc đấu tranh của những người đàn ông dành cho những người đàn bà chỉ là trao quyền hoặc cơ hội để tạo ra cho những người khỏe mạnh nhất. Đấu tranh luôn là một phương tiện để cải thiện sức khỏe và sức đề kháng của một loài, và vì thế là nguyên nhân của sự tiến hóa cao hơn”.
Theo Hitler, “con rắn” đã làm ô nhiễm dòng máu Aryan thuần
khiết chính là người Do Thái, một chủng tộc thấp kém hơn chủng
tộc Aryan và có mong muốn thống trị thế giới. Hitler cáo buộc
người Do Thái thực hiện một âm mưu quốc tế nhằm kiểm soát tài
chính thế giới, kiểm soát báo chí, phát minh ra nền dân chủ tự do
cũng như Chủ nghĩa Mác. “Người Do Thái đi theo con đường của
hắn, căn bệnh xâm nhập vào các quốc gia khác và đào thải chúng, và
hắn chiến đấu bằng vũ khí quen thuộc của mình, với những lời nói dối
8. Trang 84
và vu khống, ô nhiễm và gây tan rã, leo thang thành cuộc đấu tranh để tiêu diệt đẫm máu những kẻ thù đáng ghét của hắn”, Hitler viết. Hitler nhấn mạnh rằng người Do Thái, như một loại ký sinh trùng vĩnh cửu có thể giết chết vật chủ của nó, đã luôn luôn tìm cách thống trị thế giới bằng cách phá hoại các dân tộc khác từ bên trong suốt nhiều thế kỷ, Chủ nghĩa cộng sản Nga chỉ là trang mới nhất trong lịch sử đen tối này. Những niềm tin này đã khiến Hitler phát động hai cuộc diệt chủng chống lại Liên Xô (dẫn đến cái chết của hàng triệu công dân Liên Xô) và người Do Thái (thảm sát Holocaust).
Jackson Spielvogel và David Redles trong chuyên đề “Tư
tưởng chủng tộc của Hitler: Nội dung và nguồn gốc huyền bí” (Hitler’s
Racial Ideology: Content and Occult Sources) cho rằng với tư tưởng
phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái, Hitler thường nói
về một “sứ mệnh lịch sử” của dân tộc Đức, thành phần ưu tú nhất
của chủng tộc Aryan. Người Aryan, theo Hitler, đã từng là những
người cai trị trái đất, những người duy nhất có khả năng tạo ra một
nền văn minh cao hơn ở trái đất nhưng vì dòng máu bị nhiễm độc,
họ đã mất đi vị trí thống trị của mình. Tuy nhiên, với “sứ mệnh cao
cả”, dân tộc Đức đã được định đoạt sẽ giành lại vị trí này cho chủng
tộc Aryan. Để làm được như vậy, nước Đức phải cơ cấu lại nền tảng
chính trị và xã hội, tạo ra một nhà nước có chức năng là thúc đẩy
nền văn hóa Aryan, tạo ra “các yếu tố tinh thần” tồn tại trong huyết
thống của chủng tộc Đức. Nhưng nếu định mệnh này được thực
hiện, Hitler tin rằng, một trở ngại lớn phải được giải quyết: đó là
người Do Thái. Người Do Thái là kẻ đầu độc linh hồn của chủng
tộc Aryan, vì thế sứ mệnh thiêng liêng của Hitler là tạo ra một
phong trào tinh thần Aryan để chống lại người Do Thái. “Trong
một bức thư ngày 16/9/1919, được xem là tác phẩm đầu tiên trong sự
nghiệp chính trị của Hitler, Hitler đã bày tỏ khá rõ ràng về động cơ của
mình: mục tiêu cuối cùng của một chủ nghĩa kháng huyết thống hợp
lý nhất định phải là loại bỏ hoàn toàn người Do Thái. Một khi người
9. Trang 85
Do Thái bị thanh trừng khỏi châu Âu, nước Đức có thể sẽ sản sinh ra những người Aryan thuần chủng, những người hoàn thiện về thể chất và tinh thần. Một trật tự thế giới mới sẽ được thiết lập bởi những người Aryan thuần chủng, những người ra quyết định cuối cùng và vĩ đại nhất trên trái đất”, Jackson và David phân tích tư tưởng của Hitler.
Theo Jackson và David, “chủng tộc Aryan ưu việt” không phải là ý tưởng của Hitler, có thể ông đã vay mượn nó từ những nhóm triết học chủng tộc huyền bí tồn tại ở các vùng đất nói tiếng Đức từ những năm 1890 đến 1920. “Thông thiên học” (Trí tuệ của các vị thần) của Helena Blavatsky, một nhà bí truyền người Nga, là một trong những trường phái tư tưởng có ảnh hưởng nhất thời đó. Triết lý này, theo Blavatsky, là sự hồi sinh một kiến thức huyền bí cổ xưa có nguồn gốc từ một nền văn minh tiên tiến trước đó, vốn đã biết đến sự thống nhất giữa khoa học và tôn giáo.
Trong các tác phẩm bí truyền của mình, đặc biệt là quyển Học thuyết bí mật (The Secret Doctrine) xuất bản lần đầu năm 1888, Blavatsky nhấn mạnh khái niệm chủng tộc là tối quan trọng trong sự phát triển của lịch sử nhân loại. Theo Blavatsky, có bảy chủng tộc gốc của nhân loại, mỗi chủng tộc gốc chứa bảy chủng tộc con. Chủng tộc gốc hiện tại là chủng tộc thứ năm, người Aryan, tiến hóa từ chủng tộc phụ thứ năm của người Atlantis. Theo Blavatsky chủng tộc Aryan sinh ra và phát triển ở vùng cực Bắc, mặc dù sau khi lục địa Atlantis bị đánh chìm, các bộ lạc của họ đã di cư xa hơn về phía nam vào châu Á. Người Aryan, theo một mô hình di cư đi về phía nam và phía tây từ châu Á, cuối cùng đã tạo ra các nền văn hóa lớn của Ấn Độ giáo, Ba Tư, Greco-La Mã và châu Âu sau này.
Mỗi chủng tộc gốc rễ được Blavatsky xem là được cấu tạo khác
nhau theo nghĩa vật chất và tinh thần. Trong thời kỳ đầu tiên, con
người hoàn toàn là tinh thần, sau đó, tại một thời điểm, tinh thần
này nhập vào và hoạt động hóa vật chất. Blavatsky cho rằng thực tế
con người đã từng được ban tặng sức mạnh tâm linh, thông qua thứ
10. Trang 86
bà gọi là “mắt Cyclopean”. Với “mắt Cyclopean”, con người đã có thị giác và khả năng nhận thức thế giới tâm linh, từ đó có thể nhìn thấy tương lai và đọc được suy nghĩ. Khi con người tiến hóa về vật chất và trí tuệ, “con mắt thứ ba” này đã bị teo đi thành tuyến tùng và con người hầu như mất đi siêu năng lực của mình. Blavatsky khẳng định chủng tộc gốc thứ sáu và thứ bảy sẽ chứng kiến sự trở lại trạng thái ban đầu, con người một lần nữa sẽ có cái nhìn sâu sắc về tâm linh và hòa hợp với các lực lượng tự nhiên. “Việc Hitler rất thông thạo những đặc thù chủng tộc này được chứng minh trong một cuộc trò chuyện của nhà sử học Hermann Rauschning về Hitler: Có được “cái nhìn ma thuật” rõ ràng là ý tưởng của Hitler về mục tiêu tiến bộ của loài người. Một nhà bác học ở Munich đã nói với Hitler về một số thứ gây tò mò về thế giới thời tiền sử, về các dạng nhận thức và sức mạnh siêu nhiên; về sự hiện diện của mắt Cyclopean, cơ quan nhận thức ma thuật của Vô hạn, giờ đây đã giảm thành một tuyến tùng thô sơ. Những câu chuyện huyền bí này hoàn toàn cuốn hút Hitler. Hitler xem sự nghiệp nổi bật của mình là sự xác nhận về sức mạnh tiềm ẩn. Hitler thấy mình là người được chọn cho những nhiệm vụ siêu phàm và là nhà tiên tri về sự tái sinh của con người trong một hình dạng mới”, Jackson và David dẫn chứng.
Trong khi Blavatsky nói về sự xuất hiện hai chủng tộc gốc mới,
Hitler tin rằng nhân loại sẽ phát triển thành hai loại riêng biệt, tách
ra khỏi nhau. “Một loại sẽ chìm xuống dưới loài người và loại còn lại
vượt xa con người ngày nay. Tôi có thể gọi hai giống này là thần và
động vật đại chúng. Thần Aryan mới, giống như thần thánh, sẽ thống
trị các chủng tộc thấp kém hơn, những động vật quần chúng”. Đối với
Hitler, sứ mệnh thiêng liêng của phong trào Quốc xã là mang lại
điều này: “Những ai thấy trong Chủ nghĩa xã hội quốc gia không hơn
gì một phong trào chính trị hầu như không biết bất cứ điều gì về nó, vì
nó thậm chí còn hơn cả một tôn giáo: đó là ý chí tạo ra loài người mới”.
Nếu nhiệm vụ của Đức Quốc xã là dẫn dắt chủng tộc Aryan trở lại
11. Trang 87
hình dạng thuần khiết, Hitler phải loại bỏ những yếu tố khiến nó đi lạc ngay từ đầu: đó là chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa vật chất, và máu không tinh khiết. Theo suy nghĩ của Hitler, sự tồn tại của những yếu tố này không phải là một tai nạn của quá trình tiến hóa Aryan mà là kết quả của những hành động âm mưu của người Do Thái.
“Điều quan trọng cần quan sát là cũng có một số khác biệt nổi bật giữa triết lý của Blavatsky và những ý tưởng về chủng tộc sau này của Hitler. Bản thân Blavatsky không xác định chủng tộc Aryan với dân tộc Đức, và dù học thuyết của bà đòi hỏi niềm tin vào khái niệm chủng tộc cao hơn và thấp hơn, bà không nhấn mạnh đến sự thống trị của chủng tộc này so với chủng tộc khác”, Jackson và David bình luận. “Tuy nhiên, trong công việc của mình, Blavatsky đã giúp thúc đẩy chủ nghĩa bài Do Thái. Bà phân biệt rõ ràng tôn giáo của người Aryan và người Do Thái. Theo đó, người Aryan là những người tâm linh nhất trên trái đất, còn tôn giáo của người Do Thái được đặt trên cơ sở tính toán đơn thuần. Người Do Thái có một tôn giáo của sự căm ghét và ác ý đối với mọi người và mọi thứ bên ngoài chính nó”.
Chủ nghĩa duy vật và ích kỷ của người Do Thái tương phản
mạnh mẽ với tâm linh và lòng vị tha của người Aryan về sau đã
được Hitler lặp lại nhiều lần trong các bài phát biểu của mình. “Hai
thế giới đối mặt với nhau - người của Chúa và người của Satan. Người
Do Thái là kẻ chống lại con người, là tạo vật của một vị thần khác.
Hắn đến từ một nguồn gốc khác của loài người. Tôi đặt người Aryan
và người Do Thái chống lại nhau, và nếu tôi gọi một trong số họ là con
người, tôi phải gọi người kia là một cái gì đó khác. Hai người tách biệt
nhau như người và thú. Tôi sẽ không gọi người Do Thái là một con
thú, hắn ở xa các con thú hơn nhiều so với người Aryan. Hắn là một
sinh vật bên ngoài thiên nhiên và xa lạ với tự nhiên”. Chủ nghĩa nhị
nguyên của Hitler, không giống như Blavatsky, được hình dung
đơn giản như một cuộc xung đột giữa hai chủng tộc: “Cuộc đấu
12. Trang 88
tranh giành quyền thống trị thế giới sẽ diễn ra hoàn toàn giữa chúng ta, giữa người Đức và người Do Thái”.
Sau khi phân tích những điểm tương đồng giữa tư tưởng bí truyền của Blavatsky và tư tưởng chủng tộc của Hitler, Jackson và David nhận định rằng Hitler có thể đã tiếp cận Thông Thiên học thông qua Ariosophy - một phong trào kết hợp giữa thuyết huyền bí, chủ nghĩa dân tộc Volkisch, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa phản huyết thống - qua hai nhà huyền bí người Áo, Guido von List và Lanz von Liebenfels.
Guido von List (1848-1919) là một tác giả tự do chuyên viết
về chủ đề huyền bí. Trong quyển Tôn giáo của người Ario - Đức
(Die Religio der Ario-Germanen) List đã thiết lập những niềm tin
cơ bản của Ariosophy. Có một sức sống lan tỏa khắp vũ trụ và sự
bí ẩn của nó chỉ có thể được nắm bắt bởi những người gần gũi với
thiên nhiên. Chỉ những người Ario - Đức mới có khả năng nhận
được sức mạnh này vì họ là những người bị loại bỏ nhiều nhất
khỏi xã hội hiện đại duy lý và duy vật. Trong khi đó người Do Thái
được xem là một ví dụ điển hình của các chủng tộc thấp hơn vì
họ tham gia nhiều vào chủ nghĩa duy lý và duy vật. Trong quyển
“Đẳng cấp Armanen của người Ario - Đức” (Die Armanenschaft
der Ario-Germanen) List đưa ra những đề xuất cho một nhà
nước Ario - Đức, dựa trên sự thừa nhận tính ưu việt của các dân
tộc Aryan và sự cần thiết phải có chủng tộc thấp hơn cho phục
vụ chủng tộc cao hơn. Chỉ những người Đức gốc Ario mới có
thể nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong nhà nước, trường học, công
nghiệp và ngân hàng, báo chí, sân khấu và nghệ thuật. Luật chủng
tộc sẽ duy trì sự thuần khiết của chủng tộc Ario - Đức bằng cách
cấm kết hôn giữa các chủng tộc và bằng cách bảo lưu quyền công
dân cho người Ario - Đức. Một hệ thống trường học mới dựa trên
các cấp độ sẽ dành cấp độ cao nhất cho “Armanen”, những nhà
lãnh đạo Aryan, những người được phân biệt bởi khả năng sử
13. Trang 89
dụng sức mạnh huyền bí của linh hồn để nhận biết những bí mật của sự khôn ngoan - tôn giáo cổ đại. Cơ cấu nhà nước Ario - Đức rất tương đồng với những đặc điểm của tổ chức Đức Quốc xã là một bằng chứng cho thấy có thể Hitler đã tiếp cận với những tác phẩm của Guido von List, từ đó tham khảo những ý tưởng của List để xây dựng nhà nước của mình.
Lanz von Liebenfels (1874-1954) tự mô tả nghề nghiệp của
mình là nhà nghiên cứu chủng tộc, nhà triết học tôn giáo và nhà
thần bí tình dục. Thuật ngữ “Ariosophy” có nghĩa là “trí tuệ của
người Aryan”, được Lanz von Liebenfels phát minh vào năm 1915,
và trong những năm 1920, nó trở thành tên học thuyết của ông.
Triết lý chính trong các tác phẩm chính của Lanz von Liebenfels,
giống như Guido von List, dựa trên tính ưu việt của người Đức -
Ario. Người Aryan là một sinh vật tinh thần cao quý, là hóa thân
hoàn chỉnh nhất của Chúa và Thần. Người Do Thái, cũng như các
chủng tộc thấp kém khác, được đặc tả là “người động vật”, những
người một ngày nào đó phải bị loại bỏ bằng cách chọn lọc di truyền,
triệt sản, trục xuất, cưỡng bức lao động và thậm chí “thanh lý trực
tiếp”. Việc loại bỏ “người động vật” có thể khiến “một con người
cao cấp hơn” xuất hiện. Những hoạt động bài trừ người Do Thái
của Đức Quốc xã về sau rất có thể đã tham khảo những ý tưởng
của Lanz von Liebenfels đề ra trong triết lý Ariosophy của ông.
“Cuộc khảo sát của chúng tôi về triết lý của Blavatsky, Guido von List
và Lanz von Liebenfels đã mô tả những kênh thông tin khả thi mà các
tư tưởng Thần học có thể đến được với Hitler, từ đó giúp định hình tư
tưởng chủng tộc của chính ông ta. Rõ ràng là tư tưởng của Hitler thiếu
sự sáng tạo, nhưng điểm độc đáo thực sự là Hitler có khả năng biến
các ý tưởng thành hiện thực. Tư tưởng chủng tộc của Hitler, một phần
xuất phát từ sự hoang đường của các tư tưởng bí truyền, rốt cuộc đã trở
thành tội ác diệt chủng kinh khủng nhất thời đại”, Jackson và David
kết luận.
14. Trang 90
Huyền thoại về người Aryan, rốt cuộc, cũng là một câu chuyện
được sáng tạo. Johann Chapoutot trong quyển sách Người Hy
Lạp, La Mã, Đức: Cách Đức Quốc xã chiếm đoạt quá khứ cổ điển
của châu Âu (Greeks, Romans, Germans: How the Nazis Usurped
Europe’s Classical Past) đã phân tích cách Đức Quốc xã đã phát
triển một huyền thoại nhất quán và cung cấp cho người dân Đức
một tổ tiên xuất sắc vì họ muốn tôn vinh một nước Đức bị sỉ nhục
nặng nề vào năm 1918 sau khi Chiến tranh thế giới thứ Nhất kết
thúc. Huyền thoại Aryan là câu chuyện mà Đức Quốc xã đã chiếm
đoạt từ quá khứ chung của các quốc gia châu Âu. Trở lại thế kỷ
17 các huyền thoại nguồn gốc dân tộc được các quốc gia châu Âu
dựa trên một nguồn chung: câu chuyện về Sáng thế ký. Thần thoại
của mỗi quốc gia cố gắng tổng hợp sự mặc khải trong Kinh thánh
với lịch sử cổ đại và thần thoại cổ điển trong một bức bích họa duy
nhất toàn bộ lịch sử loài người kể từ thời Adam. Tuy nhiên, những
thần thoại này gặp phải một vấn đề lớn vào thế kỷ 18, vì câu chuyện
Sáng thế ký đề cập đến cả Do Thái giáo và Cơ đốc giáo. Tính Do
Thái trong câu chuyện Adam đi ngược lại với chủ nghĩa bài Do Thái
đang thịnh hành ở châu Âu thời bấy giờ. Vì vậy thế kỷ 18 đã chứng
15. Trang 91
kiến một cuộc tìm kiếm giải pháp thay thế huyền thoại nguồn gốc các quốc gia châu Âu. Cái nôi của nhân loại sẽ không còn được tìm thấy ở Adam hay Palestine nữa mà là ở Ấn Độ - một giả thuyết nhận được nhiều sự ủng hộ, trong đó đáng chú ý nhất là nhà khai sáng Voltaire. Đây là ý tưởng khai sinh ra huyền thoại Aryan, sau này được nhà sử học người Pháp gốc Nga Léon Poliakov nghiên cứu rất sâu.
Sự quan tâm đến Ấn Độ ngày càng tăng vào thời điểm đó do kết quả của cuộc thám hiểm và chinh phục của người Anh. Những câu chuyện du lịch từ nhiều nhà thám hiểm khác nhau kể về những điều kỳ diệu của văn hóa Ấn Độ. Môi trường chung của văn hóa Anglophile (yêu mến văn hóa Anh) đã giúp những ý tưởng này lan rộng khắp các trường học ở châu Âu. Cũng trong khoảng thời gian này, các nhà địa lý bắt đầu suy đoán rằng phần bên trong của tiểu lục địa Ấn Độ không giống bất kỳ vùng đất nào khác trên trái đất. Sự hiện diện của vỏ sò khắp vùng đất này đã chứng thực huyền thoại về trận Đại hồng thủy. Ý tưởng loài người đến từ Ấn Độ đã làm hài lòng những tín đồ Cơ đốc nhiệt thành nhất. Rốt cuộc, Vườn Địa Đàng được cho là nằm ở một nơi nào đó ở phía đông và các kỳ quan của Ấn Độ rất giống với thiên đường trần gian đã được săn lùng ráo riết từ thời Trung cổ. Hơn nữa, dãy núi Ararat, nơi Noah và con tàu của ông dừng chân, rất có thể nằm giữa dãy Himalaya.
Thuyết Out-of-India cũng được khẳng định lại bởi nghiên cứu
mới về ngôn ngữ học so sánh. Năm 1788, thẩm phán người Anh
William Jones tuyên bố đã tìm thấy mối liên hệ giữa tiếng Phạn -
ngôn ngữ cổ nhất trên thế giới - với các ngôn ngữ cổ đại và hiện đại
của châu Âu: tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Đức, tiếng Anh và
tiếng Pháp. Trích dẫn một số cấu trúc ngữ pháp tương đồng và các
quan hệ từ vựng, William Jones kết luận rằng tiếng Phạn là tiếng
mẹ đẻ ban đầu của tất cả các ngôn ngữ châu Âu hiện đại. Kết luận
16. Trang 92
thứ hai của ông là chỉ có một con đường để tiếng Phạn đến được châu Âu là người dân Ấn Độ đã di cư về phía tây, chiếm đóng và sau đó sinh sống ở châu Âu. Người phương Tây hiện đại là hậu duệ trực tiếp của những kẻ xâm lược da đỏ này, những người sau đó vào thế kỷ 19 được gọi là người Ấn-Âu: một bộ tộc ưu việt của các dân tộc da trắng, những người tạo ra mọi nền văn hóa, những người đã rời khỏi quê hương của họ vào một ngày đẹp trời để lang thang và chinh phục thế giới, từ đó tạo nên tất cả nền văn minh.
Các nghiên cứu Ấn-Âu được tạo ra và phát triển như một khoa học về tổ tiên. Năm 1808, nhà văn, nhà sử học và nhà triết học người Đức Friedrich Schlegel đã xuất bản tiểu luận Về ngôn ngữ và trí tuệ của người da đỏ (On the Language and Wisdom of the Indians) trở thành nhà nghiên cứu Ấn-Âu đầu tiên. Cũng chính Schlegel trong một bài luận khác xuất bản năm 1819, đã đưa từ Arier vào tiếng Đức để mô tả những người di cư chinh phục đã khai sinh ngôn ngữ, dân tộc và văn hóa của châu Âu hiện đại. Arier, theo tiếng Phạn Arya, có nghĩa là “cao quý”, lấy từ gốc tiếng Đức Ehre, nghĩa là “danh dự”.
Người Đức rất vui vẻ với câu chuyện huyền thoại nguồn gốc
này và tự hào về phả hệ Aryan của họ. Thậm chí ngoài từ Aryan,
họ còn đặt ra thuật ngữ Indogermanisch (Indo-Germanic) để mô
tả không chỉ những tổ tiên vinh quang mà còn cả những hậu duệ
đương thời của họ, những người đã lưu giữ dấu vết của sự tinh
khiết vượt thời gian của tổ tiên họ trên nước Đức thiêng liêng. Sự
liên hệ trực tiếp bằng ngôn ngữ củng cố thêm tuyên bố của người
Đức về quan hệ họ hàng chủng tộc. Sau đó, ở Đức, Indomania
được chuyển thành Germannomania. Người da đỏ đã gieo trồng
trên vùng đất Đức màu mỡ và đưa vào thế giới một dân tộc đồng
thời là người Đức, người Ấn-Đức và người Ayran. “Cần lưu ý rằng
nước Đức vào buổi bình minh của thế kỷ 19 đang ở giữa một cuộc
khủng hoảng bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh này, huyền thoại Aryan
17. Trang 93
đã mang lại cho nước Đức một ý thức thống nhất và bất khả chiến bại đối với tất cả các quốc gia khác. Người Đức tin rằng đất nước của họ là vùng đất được chọn bởi những kẻ xâm lược châu Âu - Aryan. Nhưng nếu ban đầu người Đức bằng lòng xem Ấn Độ là quê hương tổ tiên của người Aryan, về sau họ dần dần chuyển cái nôi của nền văn minh nhân loại xa hơn về phía tây và thay vào là vùng đất Đức - Scandinavia ngày nay”, Johann Chapoutot bình luận. Huyền thoại về nguồn gốc Bắc Âu trở thành nền tảng tư tưởng cho các phong trào dân tộc chủ nghĩa và phân biệt chủng tộc ở khắp Đức và Áo vào nửa sau thế kỷ 19 mà Guido von List và Lanz von Liebenfels là hai nhân vật trong số ấy. Tư tưởng này cho rằng người Bắc Âu hoặc người Ấn-Đức là những người sáng tạo duy nhất trên thế giới, tất cả văn hóa phương Tây đều đến từ chủng tộc chiến binh sung mãn từ phương Bắc này, nơi đã sinh ra các nền văn minh vĩ đại trên thế giới.
Bên cạnh huyền thoại Aryan, thuyết ưu sinh cũng góp phần lớn vào tư tưởng chủ nghĩa chủng tộc của Hitler. Hãy quay ngược thời gian để hiểu về phong trào ưu sinh đã ra đời như thế nào. Tất cả bắt đầu từ thuyết tiến hóa của Darwin.
Năm 1859, trong quyển sách Nguồn gốc các loài nổi tiếng,
Darwin đã công bố thuyết tiến hóa, trong đó cho rằng mọi loài
sinh vật xuất hiện và phát triển nhờ quá trình chọn lọc tự nhiên.
Trong quá trình này, những cá thể biến dị (hay còn gọi là biến dị
di truyền) nào thích nghi nhất với môi trường mới có thể tồn tại
để sinh sản và chuyển gen của chúng cho thế hệ tiếp theo. Thuyết
tiến hóa của Darwin là một lý thuyết khoa học tập trung vào việc
giải thích những quan sát của ông về sự đa dạng sinh học và tại sao
các loài thực vật và động vật trông lại khác nhau. Tuy nhiên, trong
nỗ lực truyền đạt ý tưởng khoa học của mình đến công chúng Anh,
Darwin đã vay mượn các thuật ngữ phổ biến như “sự sống sót của
những người khỏe nhất” từ nhà xã hội học Herbert Spencer và
“đấu tranh cho sự tồn tại” từ nhà kinh tế học Thomas Malthus.
18. Trang 94
Sau khi Darwin công bố thuyết tiến hóa, Herbert Spencer
ngược lại đã rút ra những điểm tương đồng giữa các lý thuyết kinh
tế của ông và các nguyên tắc khoa học của Darwin. Spencer đã áp
dụng ý tưởng về “sự sống còn của những người khỏe mạnh nhất”
cho khái niệm chủ nghĩa tư bản tự do hay chủ nghĩa tư bản không
bị kiềm chế trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, trong đó các
doanh nghiệp được phép hoạt động với rất ít quy định từ chính
phủ. Không giống như Darwin, Spencer tin rằng con người có thể
di truyền những phẩm chất có thể học được, chẳng hạn như tiết
kiệm và đạo đức, cho con cái của họ. Spencer phản đối bất kỳ luật
nào giúp đỡ người nghèo và những người mà ông cho là yếu kém
về mặt di truyền. Ông lập luận rằng những luật như vậy sẽ đi ngược
lại sự tiến hóa của nền văn minh bằng cách trì hoãn sự tuyệt chủng
của “những kẻ không thích hợp”. Herbert Spencer được xem là
một trong những người dẫn đầu học thuyết Darwin xã hội khi
19. Trang 95
ứng dụng méo mó thuyết tiến hóa của Darwin vào các quan điểm chính trị, xã hội hay kinh tế vì mục tiêu cá nhân.
Học thuyết Darwin xã hội trở thành một hệ tư tưởng phổ biến
ở Anh, châu Âu và Mỹ, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Học
thuyết Darwin xã hội không tin vào nguyên tắc bình đẳng của tất
cả con người mà cho rằng có một số người vượt trội hơn những
người khác, về mặt sinh học. Vì thế, sự sống sót của những người
khỏe mạnh nhất không chỉ được xem là điều tự nhiên mà còn đúng
về mặt đạo đức. Các quốc gia công nghiệp “văn minh da trắng” có
vũ khí công nghệ tiên tiến có quyền đạo đức để chinh phục và
“văn minh hóa” “người da đen man rợ” trên thế giới. Học thuyết
Darwin xã hội được sử dụng để hợp lý hóa chủ nghĩa đế quốc, chủ
nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc và giàu nghèo.
Khi học thuyết Darwin xã hội trở nên phổ biến, khi sự bất
bình đẳng giàu nghèo đã có chỗ đứng vững chắc trong xã hội, một
số người bắt đầu rao giảng về câu chuyện những người yếu kém,
20. Trang 96
nghèo hèn nên bị loại bỏ khỏi xã hội. Nổi tiếng nhất trong phong trào này là sự ra đời thuyết ưu sinh của Francis Galton, em trai của Darwin. Trong học thuyết công bố năm 1863, Galton đưa ra ý tưởng cải thiện loài người thông qua giao phối có chọn lọc bằng cách tạo ra một hệ thống các cuộc hôn nhân sắp đặt giữa những người đàn ông tinh hoa và những phụ nữ giàu có để tạo ra một “chủng tộc tài năng”. Ở chiều ngược lại, Galton cho rằng cần can thiệp một cách có ý thức để tránh sự lai tạo quá mức của những thành viên kém phù hợp với xã hội. Theo quan điểm của Galton, các thể chế xã hội như phúc lợi và trại tâm thần đang cho phép những người “thấp kém” tồn tại và sinh sản nhanh hơn những người “cao cấp” hơn trong xã hội đáng kính và nếu không sớm sửa chữa điều này xã hội sẽ bị vùi dập bởi “những kẻ kém cỏi”.
Điều trớ trêu là những ý tưởng của Francis Galton chưa bao giờ được triển khai ở Anh nhưng chúng đã bén rễ thành công khi du nhập vào Hoa Kỳ. Edwin Black trong chuyên đề Nguồn gốc kinh hoàng của người Mỹ đối với thuyết ưu sinh của Đức Quốc xã (The Horrifying American Roots of Nazi Eugenics) nhận định thuyết ưu sinh trở thành một phong trào xã hội phổ biến ở Hoa Kỳ đỉnh điểm vào những năm 1920 và 1930. Với một nước Mỹ đang quay cuồng về nhân khẩu học với biến động nhập cư và bị xé nát bởi xung đột chủng tộc diễn ra khắp nơi vào đầu thế kỷ 20, những người theo chủ nghĩa Elitic (những người tin rằng xã hội nên được lãnh đạo bởi một tầng lớp ưu tú) đã hợp nhất nỗi sợ hãi âm ỉ về chủng tộc và thành kiến giai cấp với mong muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Họ đã phát minh lại thuyết ưu sinh của Galton thành một hệ tư tưởng đàn áp và phân biệt chủng tộc.
Những nhà ưu sinh Hoa Kỳ khao khát kiểu người Bắc Âu tóc
vàng, mắt xanh, họ tin rằng chỉ riêng nhóm này là đủ để kế thừa trái
đất. Trong quá trình chọn lọc, phong trào ưu sinh loại bỏ những
người da đen, lao động châu Á nhập cư, người da đỏ, người gốc Tây
21. Trang 97
Ban Nha, người Đông Âu, người Do Thái, người nghèo, người ốm yếu và bất kỳ ai được phân loại ngoài dòng gen ưu tú do các nhà chủng tộc người Mỹ vẽ ra. Bằng cách xác định cây phả hệ gia đình “khiếm khuyết” và đưa nhóm người này vào các chương trình cách ly và triệt sản, kế hoạch của các nhà ưu sinh Hoa Kỳ là vô hiệu hóa khả năng sinh tồn của nhóm người được phân loại kể trên (khoảng 10% dân số Mỹ) trong một chiến dịch càn quét lớn cho đến khi chỉ còn những người ưu tú tồn tại. Có 18 giải pháp đã được khám phá trong “Báo cáo của Bộ phận ưu sinh Hiệp hội Ưu sinh Hoa Kỳ nghiên cứu về những phương tiện tốt nhất để loại bỏ những mầm bệnh trong quần thể người”, trong đó phương pháp diệt ưu sinh phổ biến nhất ở Mỹ là “buồng gây chết người” (các buồng hơi ngạt) được vận hành công khai tại địa phương.
Các nhà ưu sinh cho rằng xã hội Mỹ chưa sẵn sàng thực hiện
một giải pháp giết người có tổ chức, nhưng nhiều cơ sở tâm thần
và bác sĩ đã tự mình thực hành các biện pháp gây chết người ngẫu
hứng trong y tế và chế độ chết thụ động. Một viện tâm thần ở
Lincoln, Illinois đã cho bệnh nhân uống sữa từ những con bò có
khối u vì tin rằng những cá thể mạnh mẽ vượt trội sẽ được miễn
dịch, dẫn đến cái chết của hơn 1/3 bệnh nhân sau khi uống sữa.
Những bác sĩ khác bỏ bê việc chăm sóc khiến bệnh nhân tử vong.
Dù vậy, giải pháp chính áp dụng cho số lượng lớn người là các
biện pháp cưỡng bức cách ly và triệt sản. Bang California dẫn đầu
nước Mỹ, thực hiện gần như tất cả các thủ tục triệt sản với ít hoặc
không đúng quy trình. Trong 25 năm đầu tiên áp dụng luật ưu
sinh, California đã triệt sản 9.782 người, chủ yếu là phụ nữ. Nhiều
người bị phân loại là “gái hư” hoặc “dâm đãng”. Tại Sonoma (một
quận của bang California), một số phụ nữ đã phải triệt sản vì lý do
môi âm hộ lớn bất thường. Ngay cả Tòa án tối cao Hoa Kỳ cũng
tán thành các ý tưởng của thuyết ưu sinh. Trong quyết định đầy tai
tiếng năm 1927, thẩm phán Tòa án tối cao Oliver Wendell Holmes
22. Trang 98
đã viết “Sẽ tốt hơn cho tất cả thế giới thay vì chờ đợi để xử tử những đứa con thoái hóa vì tội phạm, hoặc để chúng chết đói vì sự vô liêm sỉ, xã hội có thể ngăn chặn những kẻ rõ ràng không thích hợp với việc tiếp tục sống cùng đồng loại của họ”. Tuyên bố này đã dẫn đến việc hàng ngàn người bị cưỡng bức triệt sản trên toàn nước Mỹ.
Chỉ sau khi thuyết ưu sinh phổ biến ở Hoa Kỳ, phong trào này mới được truyền sang Đức thông qua các bản tin ưu sinh phân biệt chủng tộc như Eugenical News và Eugenics. Trong thập niên 1920, các nhà khoa học ưu sinh của Viện Carnegie đã xây dựng mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp sâu sắc với các nhà ưu sinh phát xít Đức. Những người theo chủ nghĩa ưu sinh trên khắp nước Mỹ hoan nghênh các kế hoạch của Hitler như là sự hoàn thành hợp lý cho nhiều thập kỷ nghiên cứu và nỗ lực của chính họ. Ở Đức, thuyết ưu sinh chuyển thành phong trào “vệ sinh chủng tộc”. Đến năm 1934, phong trào triệt sản ở Đức đã tăng đến 5.000 ca mỗi tháng.
Không chỉ tuyên truyền tài liệu khoa học, Mỹ còn tài trợ cho
các tổ chức ưu sinh của Đức. Năm 1926, Rockefeller đã quyên góp
khoảng 410.000 đô la cho hàng trăm nhà nghiên cứu người Đức.
Vào tháng 5/1926, Rockefeller đã trao 250.000 đô la cho Viện
Tâm thần Đức thuộc Viện Kaiser Wilhelm, sau này trở thành Viện
Tâm thần Kaiser Wilhelm. Trong số các bác sĩ tâm thần hàng đầu
tại Viện Tâm thần Kaiser Wilhelm có Ernst Rüdin, người sau này
trở thành giám đốc và là kiến trúc sư của cuộc đàn áp y tế có hệ
thống của Hitler. Một cơ quan khác trong tổ hợp ưu sinh của Viện
Kaiser Wilhelm là Viện Nghiên cứu Não bộ. Năm 1929, khoản
tài trợ trị giá 317.000 đô la của Quỹ Rockefeller cho phép Viện
Nghiên cứu Não bộ xây dựng một tòa nhà lớn và trở thành trung
tâm sinh học chủng tộc Đức. Lãnh đạo Viện, một lần nữa, là Ernst
Rüdin. Ernst Rüdin đã kết hợp tư tưởng về “vệ sinh chủng tộc” với
những lập luận về lòng nhân ái để biện minh cho việc giết hại có hệ
thống hơn 70.000 người tàn tật và có khiếm khuyết về thần kinh.
23. Trang 99
Đức Quốc xã gọi chính sách này một cách hoa mỹ là euthanasia - an tử (cái chết nhân đạo). Các bác sĩ của viện đã đánh giá các bệnh nhân và bất cứ ai mà họ phát hiện có vấn đề thần kinh hoặc không có khả năng làm việc sẽ được chuyển đến một cơ sở giết người và bị sát hại. Các nhà khoa học thần kinh sau đó đã sử dụng não của những bệnh nhân bị sát hại trong các nghiên cứu của họ.
Eugen Fischer là một nhân vật quan trọng khác, ông là giám đốc Viện Nhân chủng học, Di truyền con người và Ưu sinh của Viện Kaiser Wilhelm. Năm 1921, Eugen Fischer cùng hai nhà ưu sinh hàng đầu của Đức là Erwin Baur và Fritz Lenz xuất bản quyển sách Các nguyên tắc di truyền con người và Vệ sinh chủng tộc (Principles of Human Heredity and Race Hygiene). Đây là một cuốn sách rất nổi tiếng ở Đức, được tái bản 5 lần từ năm 1921 đến năm 1940 và hầu hết các đánh giá đều tích cực. Những ý tưởng của Eugen Fischer không chỉ ảnh hưởng đến quyển tự truyện của Hitler trong việc sử dụng thuyết ưu sinh để “thanh lọc” chủng tộc Aryan mà còn là trọng tâm trong Luật Nuremberg chống người Do Thái năm 1935 - hành động pháp lý đầu tiên của Đức Quốc xã dẫn đến thảm họa Holocaust.
Eugen Fischer chỉ là một trong số nhiều nhà nhân chủng học
hàng đầu ở Đức được chính quyền Hitler thu nhận. Hơn 90% các
nhà nhân chủng học và ưu sinh Đức đã gia nhập Đảng Quốc xã.
Chế độ Đức Quốc xã không chỉ phong hàm giáo sư cho những nhà
nhân chủng và ưu sinh này mà còn tuyển dụng họ vào làm công
việc diễn giả, thuyết trình, quảng bá các ấn phẩm tuyên truyền và
giảng dạy trong các khóa học đào tạo về tư tưởng chủng tộc của
Đức Quốc xã. Các nhà nhân chủng học đã giúp hình thành các
chính sách phân biệt chủng tộc của Đức Quốc xã, trực tiếp hoặc
gián tiếp. Vào cuối những năm 1930, các mục tiêu và hoạt động
của những người theo chủ nghĩa ưu sinh chuyên nghiệp gần giống
với những luận điệu và chính sách phân biệt chủng tộc của Đức
24. Trang 100
Quốc xã. Một trong những nguyên tắc cơ bản của Đức Quốc xã là tính bất biến của vật chất di truyền người - xuất phát từ biên niên sử của khoa học chủng tộc. Tuy nhiên, khi khoa học chủng tộc được tuyên bố là người bảo đảm cho phúc lợi của con người và bằng cách mở rộng phúc lợi của nhà nước, nó chắc chắn trở thành chủ đề quan trọng của việc ra quyết định chính trị. Biểu hiện rõ ràng của mối liên kết đó là việc bổ nhiệm Heinrich Himmler làm Ủy viên Quốc hội vào tháng 10/1939 để củng cố Đức Quốc xã. Sau cùng Himmler đã giành được quyền kiểm soát hầu như mọi tổ chức liên quan đến chính sách chủng tộc và khủng bố có tổ chức cũng như vai trò kiến trúc sư trưởng trong thảm sát Holocaust.
Vì sao Hitler ghét người Do Thái? là một câu hỏi rất khó lý giải,
nhưng có một sự thật là thành kiến chống người Do Thái đã là một
hiện tượng phức tạp tồn tại giữa tất cả các dân tộc châu Âu từ rất
lâu trước khi Adolf Hitler và Đức Quốc xã ra đời. Nhà sử học người
Đức Klaus Fischer kể rằng người Do Thái là một dân tộc có nền
văn hóa cổ đại, những người đã thực hành tôn kính học tập và tư
duy triết học hàng thế kỷ trước khi có sự tồn tại của các thành bang
Hy Lạp sơ khai hoặc nước cộng hòa La Mã. Khi người Do Thái
du nhập vào châu Âu với số lượng lớn trong thời Trung cổ, người
phương Tây nhận thấy họ bị thua kém những người Do Thái với
trí thông minh vượt trội và khả năng nhạy bén trong kinh doanh,
cảm giác tự ti này dần dần biến thành sự ganh tị, ghen ghét. Người
Do Thái vì thế đã sống tách biệt với phần còn lại của châu Âu - một
phần do lựa chọn để bảo vệ niềm tin và tôn giáo của chính họ, một
phần là do luật pháp và quy định ngăn cản họ tham gia vào nhiều
bộ phận của xã hội châu Âu - họ trở thành “vật tế thần” thuận tiện
trong các thời kỳ khủng hoảng. Trong đại dịch đậu mùa (Cái chết
đen) vào thế kỷ 14, người Do Thái bị tàn sát hàng loạt vì nhiều
người tin rằng họ đã đầu độc hàng nghìn cái giếng trên khắp lục
địa gây ra dịch bệnh.
25. Trang 101
Vào thế kỷ 19, ngày càng có nhiều người Do Thái bắt đầu tham gia vào xu hướng chính của xã hội châu Âu. Để đổi lấy các quyền cao hơn và được xã hội chấp nhận nhiều hơn, người Do Thái ở Pháp, Anh, Đức và những nơi khác đã tự nguyện từ bỏ nhiều phong tục cũ của họ. Trớ trêu thay, sự “đồng hóa” này đã làm nảy sinh một hình thức mới của thành kiến chống người Do Thái. Wilhelm Marr, một nhà văn người Đức, có lẽ là người đầu tiên khai sinh thuật ngữ “bài Do Thái” (anti-Semitism) trong cuốn sách Chiến thắng của đạo Do Thái trước người Đức (The Victory of Judaism over Germandom). Marr lập luận rằng những người Do Thái tiếp biến văn hóa cuối cùng sẽ phá hủy nền văn hóa truyền thống của Đức, họ sẽ làm hỏng tất cả các tiêu chuẩn của Đức, thống trị thương mại và chiếm dụng hết các vị trí trong nhà nước. Với nền kinh tế gặp nhiều khó khăn ở châu Âu vào giữa những năm 1870, hàng nghìn người nghèo và những chủ doanh nghiệp nhỏ lo lắng về tương lai đã bị tác động mạnh mẽ bởi quan điểm “bài Do Thái” của Marr.
Thập niên 1920, người Do Thái trở thành nhân vật chính của
“huyền thoại đâm sau lưng” - một thuyết âm mưu được phổ biến
rộng rãi trong giới cánh hữu Đức sau năm 1918. Cụm từ “đâm sau
lưng” do Tổng tư lệnh quân đội Đức, tướng Paul von Hindenburg
tạo ra khi ông trả lời thẩm vấn của Ủy ban điều tra quốc hội về
lý do vì sao Đức thua trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất “Như
một vị tướng Anh đã nói, quân đội Đức đã bị đâm sau lưng”. Hàng
nghìn người Đức không muốn tin thất bại của quân đội Đức là
điều không thể tránh khỏi đã sẵn sàng đón nhận huyền thoại
đâm sau lưng: thất bại của Đức và Áo trong Thế chiến thứ Nhất
là do những kẻ phản bội nội bộ hoạt động vì lợi ích của nước
ngoài, trong đó chủ yếu là người Do Thái và những người cộng
sản. Những người ủng hộ thuyết âm mưu tố cáo các nhà lãnh đạo
chính phủ Đức đã ký Hiệp định đình chiến vào ngày 11 tháng 11
26. Trang 102
năm 1918 là “Tội phạm tháng 11”. Khi Đảng Quốc xã lên cầm
quyền năm 1933, họ đã biến “huyền thoại đâm sau lưng” thành
một phần không thể thiếu trong lịch sử chính thức trong những
năm 1920, miêu tả Cộng hòa Weimar là tác phẩm của “những tên
tội phạm tháng 11” đã đâm sau lưng đất nước. Tuyên truyền của
Đức Quốc xã mô tả Weimar là “một lũ tham nhũng, suy thoái, sỉ
nhục dân tộc, đàn áp tàn nhẫn đối với phe đối lập quốc gia trung
thực - 14 năm cai trị của người Do Thái, những người theo chủ nghĩa
Mác và người theo văn hóa Bolshevik đã bị quét sạch bởi phong trào
Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia dưới thời Adolf Hitler và thắng lợi cuối
cùng của cuộc cách mạng dân tộc năm 1933”. Bằng cách lan truyền
câu chuyện huyền thoại hoang đường và đổ lỗi cho “những nhà
cách mạng Do Thái Mác - xít”, Hitler càng khiến một bộ phận lớn
người Đức thù ghét và chống lại Liên Xô.
Khi Hitler quyết định giết không chỉ người Do Thái ở Liên Xô
mà còn là toàn bộ người Do Thái ở châu Âu, ông ta nhận thấy rằng
giới tinh hoa dân sự Đức sẵn sàng tham gia cùng các đối tác quân
sự của họ thực hiện kế hoạch. Nếu không có sự giúp đỡ của hàng
chục nghìn công chức, các chuyên gia ở trường đại học, các nhà
27. Trang 103
quản lý doanh nghiệp và một số học giả thì Holocaust sẽ không thể xảy ra. Nhiều trí thức Đức đã chia sẻ lý tưởng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Đức Quốc xã và chủ nghĩa bài Do Thái để nhìn nhận các vụ giết người Do Thái là chính đáng về mặt đạo đức hoặc ít nhất là có thể chấp nhận được. Giáo sư Thần kinh học và Tâm thần học tại Đại học Y khoa Vienna, Viktor E. Frankl đã đánh giá ảnh hưởng sâu sắc của các nhà nhân chủng học hiện đại và các học giả khác trong việc hỗ trợ cho hành động tàn bạo của Đức Quốc xã “Các phòng hơi ngạt của trại Auschwitz là hệ quả cuối cùng của lý thuyết cho rằng con người không là gì khác ngoài sản phẩm của di truyền và môi trường - hay nói như Đức Quốc xã là “Máu và Đất”. Tôi hoàn toàn tin rằng những phòng hơi ngạt của Auschwitz, Treblinka và Majdanek không được chuẩn bị ở một Bộ nào khác ở Berlin mà là ở bàn làm việc và trong giảng đường của các nhà khoa học và triết học hư vô”.
Holocaust cũng sẽ không thể tiến hành ở quy mô lớn nếu
không có sự hợp tác của các nước châu Âu. Anton Weiss-Wendt
và Rory Yeomans trong chuyên đề Khoa học về chủng tộc ở châu Âu
mới của Hitler, 1938-1945 (Racial Science in Hitler’s New Europe,
1938-1945) nhận định phong trào ưu sinh không chỉ phát triển ở
Đức mà đã lan rộng khắp Đông Trung Âu. Các tổ chức tương tự
Hiệp hội Vệ sinh chủng tộc Đức đã được thành lập ở các quốc gia
Áo, Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan, Romania, Estonia và Bulgaria.
Nghiên cứu so sánh về thuyết ưu sinh do nhà ưu sinh người Thụy
Sĩ Marie Thérèse Nisot thực hiện năm 1926 cho biết trong suốt
thời kỳ chiến tranh ở châu Âu, các nhà nhân chủng học và ưu sinh
là một lực lượng quan trọng đóng góp vào việc kiến tạo các quốc
gia - nhà nước hiện đại. Phụ thuộc vào tài trợ của nhà nước, các
phong trào ưu sinh phát triển cùng lợi ích của nhà nước. Thuyết
ưu sinh tuyên bố quyền giám hộ “thủ đô sinh học” của quốc gia,
một “chính trị gia có cơ thể khỏe mạnh” cần thiết cho một quốc
28. Trang 104
gia - dân tộc mạnh. Đồng thời, những người theo chủ nghĩa ưu sinh Đông Âu đã thúc đẩy một chương trình tái tạo quốc gia nhằm ngăn chặn sự gia tăng của “những người kém cỏi về mặt di truyền”.
Từ cuối những năm 1920 trở đi, thuyết ưu sinh ở Đông Trung Âu ngày càng được truyền cảm hứng bởi phong trào “vệ sinh chủng tộc” của người Đức. Đối với một số quốc gia, luật triệt sản của Đức Quốc xã năm 1933 vừa là mô hình vừa là cơ sở khẳng định sức sống của phong trào ưu sinh. Sự thống trị của truyền thống học thuật Đức là lý do tại sao phần lớn những người theo chủ nghĩa ưu sinh ở Đông Âu đã được đào tạo ở Đức và Áo. Vào giữa những năm 1930, nền tảng tư tưởng của thuyết ưu sinh chuyển động thậm chí còn trở nên rõ rệt hơn. Thông điệp năm 1930 của giáo hoàng chống lại luật ưu sinh và sự chỉ trích của Stalin về nghiên cứu ưu sinh ở Liên Xô năm 1936 - 1937 đã đẩy Đức Quốc xã lên vị trí trung tâm của “khoa học chủng tộc”. Sự khởi đầu của chủ nghĩa chuyên chế ở Đông Trung Âu đã củng cố sự độc quyền nhà nước và thúc đẩy chủ nghĩa tập thể. Diễn ngôn tiếp theo đã nâng cao ý tưởng về nền kinh tế kế hoạch liên quan đến chính sách y tế được đưa ra vì lợi ích của một quốc gia sở hữu nền văn hóa cao. Như vào cuối thời kỳ Weimar ở Đức, thuyết ưu sinh mang theo lời hứa hẹn về hiệu quả kinh tế và năng khiếu văn hóa. Trong ngắn hạn, đây dường như là một phương tiện khoa học để giải quyết các vấn đề xã hội và chính trị.
Hàng trăm nhà khoa học và những người theo chủ nghĩa hiếu
chiến ở các quốc gia bị chiếm đóng ở châu Âu đã làm việc hết
mình để thực hiện kế hoạch phân biệt chủng tộc của Hitler, dù với
động cơ là lợi ích chính quốc gia của họ. Sau khi Chiến tranh thế
giới thứ Nhất kết thúc, những người theo chủ nghĩa ưu sinh và chủ
nghĩa dân tộc chủng tộc ở Đông Trung Âu đã tranh luận về vấn
đề dân tộc thiểu số, đề xuất nhiều giải pháp khác nhau, từ kiểm
soát sinh sản, triệt sản đến di dân. Họ dựa vào nhân trắc học để
29. Trang 105
xác định “nguồn gốc chủng tộc” của các nhóm dân tộc khác nhau. Sự tập trung vào Đức Quốc xã đã dấy lên quan điểm cho rằng các chính sách chủng tộc buộc phải thi hành ở các quốc gia bị quân đội của Hitler chiếm đóng. Chiến dịch giết người hàng loạt cùng khái niệm người Aryan ưu việt do Đức Quốc xã tiến hành ở Đông Trung Âu đã khiến bất kỳ đề xuất nào của nhà nước bản địa đều có vẻ đặc biệt hoặc phóng đại. Mặc dù không hoàn toàn sai nhưng quan điểm này dường như bỏ qua các động lực cục bộ có nguồn gốc vững chắc trong lịch sử của nhiều quốc gia Đông Âu. “Không phải ngẫu nhiên, chiến tranh là yếu tố củng cố cho lĩnh vực ưu sinh. Chiến tranh thế giới thứ Nhất đã khiến những người theo chủ nghĩa ưu sinh thay đổi nhận thức của họ rằng chiến tranh như một quá trình chọn lọc tự nhiên mang lại lợi ích cho họ. Quan điểm của Đức Quốc xã về chiến tranh chủng tộc tái hiện trong Chiến tranh thế giới thứ Hai như một bài tập khoa học cơ bản được thực hiện bằng các biện pháp bạo lực. Bất chấp tình trạng chiếm đóng quân sự, một cách bán chính thức, chính quyền chiếm đóng của Đức Quốc xã đã tán thành các nghiên cứu học thuật và khoa học địa phương có thể đã ngẫu nhiên nâng cao các mục tiêu địa chính trị của Đức Quốc xã”, Anton WeissWendt và Rory Yeomans kết luận.
Barbara Lambauer trong chuyên đề Hợp tác ở châu Âu, 1939 -
1945 (Collaboration in Europe, 1939-1945) đã nhận định rằng Đức
Quốc xã đã dựa vào các quốc gia bị chiếm đóng, các quốc gia vệ
tinh và đồng minh để duy trì nỗ lực chiến tranh. Thông qua việc
tuân thủ các quan điểm của Đức Quốc xã, các chính phủ hợp tác
đã góp phần hợp pháp hóa các chính sách xâm lược, đàn áp và
bắt bớ. Đổi lại, các quốc gia hợp tác sẽ giành được một vị trí danh
dự hơn trong trật tự châu Âu mới dưới sự thống trị của Đức. Để
khuyến khích sự hợp tác, Berlin đã thuê nhiều đặc vụ chính thức
và không chính thức ở nước ngoài, những người có nhiệm vụ tăng
cường các phong trào chống Cộng và bài Do Thái, đồng thời thể
30. Trang 106
hiện chế độ toàn trị của Đức như một hình mẫu của sự hiện đại và tiến bộ xã hội.
Kể từ cuối những năm 1930, các nhà ngoại giao Đức tại các thành phố thủ đô châu Âu được giao nhiệm vụ truyền thông về các biện pháp bài Do Thái với các chính phủ châu Âu nhằm mang lại sự đồng nhất của các chính sách. Khi làm như vậy, Berlin đã khuếch đại các phong trào bài Do Thái tồn tại ở châu Âu từ cuối thế kỷ 19. Tại một số vùng lãnh thổ Đức Quốc xã chiếm đóng từ mùa hè năm 1941 trở đi, các lực lượng chính trị địa phương đã tham gia vào các cuộc tấn công, có hoặc không có sự kích động của Đức. Berlin cũng tìm cách sử dụng sự hợp tác như vậy để tăng cường tuyên truyền quốc tế, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ: hợp pháp hóa việc đàn áp một bộ phận dân cư bằng cách trình bày nó như một phần của xu hướng chung được nhiều quốc gia châu Âu đồng thuận. Nếu quốc gia nào có vẻ thận trọng trong việc khởi xướng hoặc phối hợp chính sách bài Do Thái, Berlin sẽ cử các chuyên gia từ đoàn tùy tùng của Adolf Eichmann - bao gồm Theodor Dannecker, người tổ chức các vụ trục xuất đầu tiên ở Pháp và sau đó là ở Sofia, Rome và Budapest - đến địa phương để tổ chức các cuộc đàn áp. “Trên thực tế, nhiều chính phủ và những người cai trị sẵn sàng giao nộp người Do Thái từ lãnh thổ của họ cho Đức Quốc xã, do đó đã đóng góp đáng kể trong việc mở rộng quy mô Holocaust trên khắp châu Âu. Việc loại trừ người Do Thái, bắt giam họ và trục xuất họ đến các trại tiêu diệt của Đức là một trong những tội ác chính của sự hợp tác châu Âu với Đức Quốc xã. Chỉ với sự hỗ trợ của các chính phủ và cá nhân, tội phạm ở quy mô lớn như vậy mới có thể xảy ra”, Barbara Lambauer kết luận.
Sau chiến tranh, thuyết ưu sinh bị tuyên bố là tội ác chống
lại loài người - một hành động diệt chủng. Rất nhiều giáo sư,
nhà khoa học và bác sĩ đã được đưa ra xét xử tại một phiên tòa
Nuremberg thứ hai (tổ chức vào tháng 12/1946) về tội ác chiến
tranh liên quan đến việc áp dụng học thuyết Darwin xã hội trên
31. Trang 107
người. Trong số 23 bác sĩ và nhà khoa học của Đức Quốc xã, chỉ có một phụ nữ bị xét xử, bác sĩ Herta Oberheuser, người đã thực hiện các thí nghiệm y tế khủng khiếp trên các tù nhân trong trại tử thần. Herta Oberheuser chỉ nhận một bản án nhẹ 20 năm tù, sau đó giảm xuống còn 5 năm. Có khoảng 20 người nhận án tử hình trong tất cả các phiên tòa Nuremberg. Phần lớn những nỗ lực ưu sinh ở Mỹ như triệt sản cưỡng bức đã không bị trừng phạt, dù một số bang đã đề nghị bồi thường cho các nạn nhân và những người sống sót. Tuy nhiên, với toàn bộ thế giới, phong trào ưu sinh đã trở thành một vết nhơ lớn trong lịch sử nước Mỹ cũng như không có số tiền nào có thể bù đắp được sự tàn phá khủng khiếp của các chương trình ưu sinh ở Đức dưới thời Hitler.
***
Xuyên suốt chương 3, tôi đã trình bày tư tưởng cốt lõi của một số nhà lãnh đạo các quốc gia Nga, Mỹ, Trung Quốc, Đức. Tất cả tư tưởng của họ - từ Thế giới Nga, Chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ, Nước Mỹ trên hết hay Chủ nghĩa chủng tộc Aryan... - dù được truyền thông dưới những hình thức khác nhau nhưng đều là các biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc - chủ nghĩa quốc gia. Tư tưởng “quyền lợi quốc gia là trên hết, lợi ích của dân tộc là thiêng liêng nhất” sẽ còn được tìm thấy ở Anh, Nhật, Israel và nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới. Theo tôi đây là một trong những nguyên nhân dẫn nhân loại đến chiến tranh.
Đầu tiên cần phải nói rằng chủ nghĩa dân tộc là một khái niệm
tương đối mới, có nguồn gốc từ châu Âu vào thế kỷ 17. Trước đó,
châu Âu là một bàn cờ của các tiểu bang, thành phố và các liên
minh thống nhất bởi tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử và chính trị. Khái
niệm về các quốc gia thường được cho là bắt đầu vào năm 1648
khi Hòa ước Westphalia ra đời. Hòa ước Westphalia đã chấm dứt
Chiến tranh Tám mươi năm giữa Tây Ban Nha và Hà Lan cũng
32. Trang 108
như Chiến tranh Ba mươi năm của Đức và Đế quốc La Mã. Hòa ước công nhận nền độc lập của Thụy Sĩ và Hà Lan. Nước Đức bị chia cắt thành 300 tiểu vương quốc, mỗi quốc gia thành viên được công nhận đầy đủ chủ quyền lãnh thổ. 300 hoàng tử Đức được trao quyền ký kết các hiệp ước và trở thành người có chủ quyền tuyệt đối trong quốc gia của họ.
Hòa ước Westphalia được đánh giá là văn bản đầu tiên xác nhận chủ thể trong quan hệ quốc tế là quốc gia. Khái niệm quốc gia - dân tộc (nation - state) cũng bước đầu được xác định và Hòa ước được xem là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại. Một số nguyên tắc quan trọng trong Hòa ước Westphalia về sau đã tạo ra cơ sở để hình thành nền luật pháp và chính trị của mối quan hệ hiện đại giữa các quốc gia. Hòa ước công nhận nguyên tắc về chủ quyền, góp phần định hình một xã hội của các quốc gia - dân tộc dựa trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia là tối thượng, xác nhận sự độc lập của các quốc gia và nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia có quyền lực nhất định mà các quốc gia khác phải tôn trọng. Hòa ước cũng công nhận tính hợp pháp của tất cả các hình thức chính thể và thừa nhận quan điểm về tự do tôn giáo. Cụ thể các bên thừa nhận nguyên tắc “vương quốc của ai, tôn giáo của người đó”. Theo đó, các đấng quân vương được toàn quyền quyết định tôn giáo cho quốc gia và thần dân của mình, dù cho đó là Thiên chúa giáo, Tin lành hay đạo Calvin.
Cách mạng Pháp có tầm quan trọng to lớn trong việc phát
triển và truyền bá chủ nghĩa dân tộc. Sau khi nhà cai trị Pháp
Napoléon Bonaparte lên nắm quyền vào năm 1799, ông đã mở
rộng chính quyền trung ương của Pháp tới tất cả các nước mà ông
chinh phục khắp châu Âu. Những chiến thắng quân sự của Pháp
đã giúp tạo nên cảm nhận chung về lịch sử và bản sắc, làm cho
chủ nghĩa dân tộc trở nên mạnh mẽ ở Pháp. Điều thú vị là khi chủ
33. Trang 109
nghĩa dân tộc ở Pháp phát triển, các quốc gia bị Pháp đánh chiếm
đều đồng ý rằng quyền tự quyết quốc gia là một con đường đúng
đắn. Đoàn kết chống lại kẻ thống trị Pháp đã tạo ra một cảm giác
về vận mệnh chung - một ý thức về chủ nghĩa dân tộc. Napoléon
đã vô tình dẫn dắt người châu Âu chuyển đổi từ chế độ quân chủ
sang chế độ quốc gia với công dân và quốc hội.
Cần lưu ý rằng dân tộc trong chủ nghĩa dân tộc (nationalism)
được đề cập ở đây là quốc gia dân tộc (nation-state hay country),
không phải là những sắc tộc cụ thể (ethnicity). Vì vậy, chủ nghĩa
dân tộc cũng được gọi là chủ nghĩa quốc gia. Là một khái niệm
phức tạp, chủ nghĩa dân tộc được nhìn nhận và định nghĩa dưới
những góc nhìn khá đa dạng. Theo Từ điển Bách khoa của Viện
Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc là “hệ
tư tưởng chính trị và biểu hiện tâm lý đòi hỏi quyền lợi độc lập, tự chủ
34. Trang 110
và phát triển của cộng đồng quốc gia dân tộc”. Trong khi đó Atlas thế giới cho rằng chủ nghĩa dân tộc là một ý thức hệ chính trị “đề cập đến cảm xúc mạnh mẽ về lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc” của một cộng đồng người trong một quốc gia cùng chia sẻ những đặc điểm về văn hóa, ý thức hệ, tôn giáo hoặc tộc người. Chủ nghĩa dân tộc trong hai định nghĩa trên mang hàm ý tích cực, phản ánh sự gắn kết của cộng đồng dân cư trong một quốc gia dân tộc dựa trên lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và lợi ích dân tộc chung, đồng thời cũng phản ánh ý thức chính trị, tâm lý của một dân tộc đối với các quyền cơ bản, chính đáng của quốc gia dân tộc mình. Chủ nghĩa dân tộc theo nghĩa tích cực là đặc trưng cơ bản và là một động lực quan trọng của phong trào đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh chống lại thực dân đế quốc và bảo vệ độc lập dân tộc trong thế kỷ 20.
Ngược lại, Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ quốc tế định nghĩa chủ nghĩa dân tộc “là xu hướng tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, đặt dân tộc mình ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, đi đến chỗ khoa trương, bài ngoại, tự phụ, coi dân tộc mình cao hơn tất cả và gây thiệt hại cho dân tộc khác”. Từ điển Bách khoa MerriamWebster nhìn nhận chủ nghĩa dân tộc là “sự tự hào, lòng trung thành và hiến dâng đối với quốc gia, là việc đề cao quốc gia dân tộc mình trên hết thảy những quốc gia khác và nhấn mạnh vào việc thúc đẩy văn hóa và lợi ích của quốc gia mình trái ngược với văn hóa và lợi ích của các dân tộc và các thực thể siêu quốc gia khác” dựa trên niềm tin rằng nó tốt hơn và quan trọng hơn của các quốc gia khác. Các định nghĩa này tập trung vào thái độ của những người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đối với mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc và phản ánh ý nghĩa tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc.
Khía cạnh tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc phân biệt nó với
chủ nghĩa yêu nước. Trong khi chủ nghĩa yêu nước được đặc trưng
bởi tình cảm gắn bó, lòng trung thành và sẵn sàng bảo vệ đất nước
35. Trang 111
của một người, chủ nghĩa dân tộc đẩy tình yêu nước đến mức kiêu ngạo, tự phụ, tự hào thái quá với dân tộc mình mà xem thường các dân tộc khác. Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tin rằng sự ưu việt của đất nước mình đem lại cho họ quyền thống trị các quốc gia khác. Adolf Hitler đã lợi dụng tình cảm chủ nghĩa dân tộc để tập hợp người dân Đức nhằm hợp lý hóa các chiến thuật của ông ta về quyền tối cao của sắc tộc Aryan vì lợi ích tốt nhất của nước Đức. Điều trớ trêu là chủ nghĩa dân tộc sinh ra từ một hiệp ước hòa bình giờ đây lại trở thành một trong những tác nhân thúc đẩy các cuộc giao tranh.
Nói như Tim Marshall, tác giả quyển sách Chia rẽ - Tại sao
chúng ta đang sống trong những bức tường, quốc gia - nhà nước
đã thành công một cách ấn tượng trong việc đưa con người lại gần
nhau, trong nhiều trường hợp tạo ra sự thống nhất từ sự phân tán
những bộ lạc khổng lồ cấu thành từ những ngôi làng, thị trấn và
vùng để tạo ra thế giới hiện đại. Tựa đề quyển sách của Hillary
Clinton Cần cả một ngôi làng (It takes A Village) mượn từ một câu
ngạn ngữ châu Phi “Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”.
Trách nhiệm nuôi dạy một đứa trẻ là một nỗ lực cộng đồng được
chia sẻ với “gia đình” lớn hơn - quả thật cần cả một ngôi làng, một
thị trấn, một vùng và một quốc gia để tạo ra một nền văn hóa trong
đó mọi người đều có trách nhiệm. “Ý tưởng xem quốc gia nhà nước
là một “gia đình” đã gây ra những vấn đề của nó. Nó có thể dẫn tới
chủ nghĩa dân tộc hoành hành, nhất là những ai tin vào ý tưởng “Đất
nước tôi, dù đúng dù sai”. Tác giả địa chính trị George Friedman mô
tả “tình yêu của một người với dân tộc mình” là “vấn đề nằm ở trung
tâm của bất cứ hiểu biết nào về cách con người cư xử và liệu hành vi đó
có tiên đoán được không”. Friedman lập luận rằng tình yêu của một
người với dân tộc mình là phần không thể tách rời của việc làm
người. Theo một số nghĩa, chủ nghĩa dân tộc dựa trên cảm xúc này
vốn giải thích tại sao nó đôi khi bị nghi ngờ và bị coi là điều tiêu cực.
36. Trang 112
Tôi đồng ý với George Friedman, tình yêu quốc gia, dân tộc là cảm xúc tự nhiên của con người và là một tình cảm vô cùng chính đáng. Tuy nhiên nếu tình yêu nước mù quáng dẫn đến việc hy sinh tất cả, dùng mọi thủ đoạn để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc thì đó là một hành động không hợp lẽ. Chủ nghĩa dân tộc có thể từng là sứ mệnh cao quý trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở thế kỷ trước nhưng nếu tư tưởng “quyền lợi quốc gia là trên hết, lợi ích của dân tộc là thiêng liêng nhất” vẫn còn được chấp nhận ở thời đại ngày nay sẽ là một bước lùi trong tiến trình văn minh của nhân loại.
Ngược về quá khứ nghìn năm trước, thế giới là một nơi rất
mênh mông, rộng lớn. Mỗi quốc gia - hay nói đúng hơn là các
thành phố, thị trấn, tiểu bang, khi khái niệm quốc gia còn chưa
ra đời - chỉ biết mỗi khu vực mình sinh sống. Các quốc gia châu
Âu thậm chí còn chưa biết đến châu Mỹ xa xôi bên kia đại dương.
Chiến tranh nếu xảy ra sẽ chỉ là chuyện của hai quốc gia kế cận
nhau. Dịch bệnh nếu có cũng sẽ chỉ ảnh hưởng sự sống còn của
một địa phương nhất định. Nhưng rồi, thế giới đã thay đổi. Khát
vọng chinh phục và nỗ lực tìm kiếm nguồn lương thực mới, có lẽ,
đã khiến con người tìm cách xuyên qua các đại dương, khám phá
mọi châu lục và lan tỏa khắp quả địa cầu. Nhu cầu phát triển kinh
tế và mở rộng lãnh thổ đã thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa từ thế
kỷ 15. Những thay đổi trên thế giới đã biến các mối quan hệ xã
hội, kinh tế và chính trị giữa các quốc gia thành các quá trình hữu
cơ, liên kết nhau chặt chẽ, tạo ra các dòng chảy và mạng lưới hoạt
động xuyên lục địa hoặc liên khu vực. Ngày nay, các quốc gia sống
gần nhau như thể chúng ta đang sống chung trong một ngôi nhà
chung, là trái đất - và hành tinh này đang phải gánh chịu những
thảm họa gây ra do chính sự phát triển quá mức của loài người.
Trong bối cảnh này, chủ nghĩa dân tộc sẽ không thể giải quyết
37. Trang 113
được những thách thức toàn cầu. Thảm họa hành tinh không vận hành theo nguyên tắc của “chủ nghĩa ngoại lệ”. Không khí sạch không bị giới hạn bởi các biên giới quốc gia, chiến tranh hạt nhân có khả năng làm ô nhiễm toàn bộ bầu khí quyển, nhiệt độ toàn cầu nóng lên không loại trừ tác động đến bất kỳ quốc gia nào. Đại dịch Covid-19 đã chứng minh Coronoavirus không có hộ chiếu.
Con người không thể tách dân tộc, quốc gia mình ra khỏi môi
trường sống trên trái đất vì không có một biên giới nào có thể bảo
vệ người dân của một quốc gia khỏi thảm họa chung của hành
tinh. Trái đất không sinh ra với biên giới, hàng rào hay những bức
tường, nó được tạo ra bởi núi, đại dương, thung lũng và sự sống của
vô vàn các loài động, thực vật, trong đó có con người. Ý thức nguy
hiểm về chủ nghĩa dân tộc khiến con người quên rằng chúng ta
không thuộc về đất nước nào mà thuộc về trái đất, chúng ta không
thuộc về bất kỳ quốc gia cụ thể nào mà là về nhân loại nói chung.
Đại dịch Covid-19 đã thành công trong việc nhắc nhớ con người
giống nhau ra sao bất kể chúng ta giàu nghèo, đen trắng hay sinh
ra ở vùng đất nào. Tôi cho rằng đại dịch Covid-19 là cột mốc quan
trọng thúc đẩy nền văn minh loài người chuyển sang kỷ nguyên
mới với một hệ tư tưởng mới, thay thế tư tưởng chủ nghĩa dân tộc
đã lỗi thời. Tư tưởng đó khởi đầu từ tình yêu trái đất, tình yêu nhân
loại. Con người cần đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng, lợi ích của
toàn nhân loại lên trên lợi ích của từng quốc gia. Con người cần
nhận thức rõ sự sống trên trái đất đang bị đe dọa nghiêm trọng và
có thể bị hủy diệt hoàn toàn. Khi môi trường sống bị hủy hoại, sự
sống sẽ không tồn tại. Sự sống không tồn tại thì dân tộc không còn,
quốc gia cũng tiêu vong. Khi và chỉ khi tư tưởng này được giáo dục
và lan tỏa trên toàn thế giới, trái đất mới có cơ hội được hồi sinh,
chiến tranh sẽ lùi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho hòa bình và sự
sống của muôn loài.