Lời Cảm Ơn Từ Tác Giả!
Site: | Earth Is My Home Land |
Course: | CHƯƠNG 1: Trái Đất Là Quê Hương Ta |
Book: | Lời Cảm Ơn Từ Tác Giả! |
Printed by: | Guest user |
Date: | Tuesday, 29 April 2025, 6:58 AM |
Trang 5
Kể từ ngày tôi hình thành ý tưởng và soạn đề cương cho cuốn sách Trái đất là quê hương ta đến nay đã hơn ba năm. Ba năm đó cũng là thời kỳ thế giới có nhiều biến cố bất ngờ đã gây ra nhiều sóng gió nhất trong cuộc đời kinh doanh của tôi. Vượt qua nhiều gian khó, lo toan trong kinh doanh đồng thời với sự trăn trở về những ý tưởng, ngôn từ của văn chương, chữ nghĩa; hôm nay, tôi rất vui mừng khi bản thảo cuốn sách đã được hoàn thành để chuẩn bị xuất bản sau nhiều lần tu chỉnh. Tuy vậy, tôi chưa hoàn toàn hài lòng vì vẫn còn một chương trong đề cương sách của tôi vẫn chưa được soạn thảo hoàn chỉnh do chưa đủ thời gian để nghiên cứu sâu hơn.
Tôi đã không thể hoàn thành cuốn sách này nếu không có sự đóng góp công sức trong việc biên soạn của những người đã cùng chia sẻ với tôi một niềm tin sắt đá và một khát vọng cháy bỏng. Chúng tôi cùng tin vào tính khả thi của một giải pháp khiến cho chiến tranh không thể tiếp tục tồn tại trên trái đất này và nhân loại sẽ thực sự được sống yên vui trong hoà bình.
Người đầu tiên tôi xin được trân trọng cảm ơn là chị Trương
Lê Na, bút danh Lê Minh. Lê Na là người được giới thiệu có nhiệm
vụ viết tiểu sử cho tôi trong cuốn sách Con người và thành tựu
Trang 6
thời kỳ đổi mới. Tôi nhận thấy đây là một cây bút rất có tâm và đã chọn để giúp tôi chấp bút cho cuốn sách này. Sau nhiều lần nói chuyện qua điện thoại và họp mặt để trực tiếp trao đổi cặn kẽ về ý tưởng tôi đã trình bày trong đề cương, Lê Na đã dần dần hiểu rõ từng vấn đề tôi đặt ra trong sách và đã đi từ sự hoài nghi về tính khả thi đến việc hoàn toàn ủng hộ những ý tưởng về giải pháp mang lại hoà bình cho thế giới của tôi. Lê Na đã cùng tôi tìm kiếm tư liệu và chấp bút soạn bản thảo đầu tiên cho cuốn sách này ngay trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn hoạ sĩ Bảo Thy do Lê Na giới thiệu đã trình bày nội dung sách với nhiều phương án trang bìa đẹp, mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, rất tiếc chỉ một mẫu trang bìa phù hợp nhất được chọn do một hoạ sĩ khác thiết kế.
Người thứ hai đã đóng góp thật nhiều công sức để hoàn thiện cuốn sách này là chị Bùi Thu Hạnh. Chị Thu Hạnh đã cùng với một nhóm nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung. Trong đó quan trọng nhất là sự đóng góp tích cực của nhà báo, nhà văn Đỗ Doãn Hoàng, người đã bổ sung, chỉnh sửa nhiều nội dung của bản thảo, Nhà biên dịch Phạm Thị Hương, người chuyển ngữ sang tiếng Anh và Hoạ sĩ Gia Long, đã có nhiều ý tưởng thiết kế mới lạ và cuối cùng có một phương án thiết kế bìa của anh đã được chọn cho bản in chính thức dùng cho việc xuất bản.
Tôi cũng không thể không nhắc đến một người bạn tình cờ đã
gửi cho tôi một tin nhắn vào đúng ngày tôi vừa ra mắt cuốn sách
Thập kỷ vàng – Trang sử mới (ngày 25/06/2020) cuốn sách nói
về cơ hội cho Việt Nam nói chung và cho Tập đoàn Xây dựng Hoà
Bình nói riêng xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thị trường toàn
cầu. Mục đích của việc xuất khẩu này, như đã trình bày trong sách,
Trang 7
không chỉ là phát triển thị trường cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế của quốc gia mà còn mang một sứ mệnh rất quan trọng đó là đóng góp thiết thực vào việc xây dựng một môi trường hoà bình cho thế giới. Bên cạnh việc hợp tác kinh tế quốc tế tôi cũng đã nói về giải pháp để mang lại hoà bình cho thế giới chính là giáo dục trẻ em từ thuở còn thơ nhận thức về tội ác của chiến tranh và giá trị cao quý của hoà bình cùng những phẩm chất mà mỗi con người cần phải có để dễ dàng chung sống với nhau.
Thật là trùng hợp khi tin nhắn của người bạn lại có một thông điệp về hoà bình của Nhà Giáo dục Maria Montessori “Hoà Bình là điều mà con người ai cũng muốn và hoà bình có thể đến với nhân loại thông qua trẻ nhỏ”. Tôi cho rằng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà sự trùng hợp đó chính là thông điệp của một đấng thiêng liêng đã giúp tôi nhìn thấy rõ con đường dẫn đến hoà bình cho nhân loại. Chính sự trùng hợp lạ lùng đó đã khiến tôi suy nghĩ sâu hơn về vấn đề giải pháp mang lại hoà bình cho nhân loại của bà Maria Montessori và củng cố niềm tin của tôi về tính khả thi của giải pháp đó. Niềm tin đó đã giúp tôi có thêm nhiều động lực biên soạn cuốn sách này trong khi công việc kinh doanh gặp muôn vàn khó khăn. Chỉ trong khoảng một tháng tôi đã hoàn tất đề cương cho cuốn sách. Vì thế thật là thiếu sót nếu tôi không có lời cảm ơn người bạn đã nhắn tin cho tôi cùng với tờ lịch có thông điệp của bà Maria Montessori đúng vào ngày 25/06/2020, ngày tôi làm lễ ra mắt cuốn sách nói trên. Người bạn đó chính là anh Nguyễn Quốc Giới, một doanh nhân uy tín trong ngành xuất khẩu thuỷ sản.
Và cũng thật thiếu sót nếu tôi không dành lời cảm ơn sâu sắc
và chân thành nhất cho cha mẹ tôi. Cả hai người đều là Phật tử
Trang 8
thuần thành luôn thực hành trong từng hành vi đúng theo giáo lý Phật pháp trong cuộc sống đã giúp tôi cảm nhận rõ ý nghĩa và giá trị của từ bi hỷ xả cũng như cách chế ngự tham sân si. Đó chính là những phẩm chất cơ bản nhất để con người có thể chung sống với nhau trong hoà bình. Cha mẹ cũng đã giúp cho tôi hiểu sâu sắc giá trị và tình yêu đối với hoà bình cũng như lòng căm ghét đối với chiến tranh. Những gì tôi đã nhận được từ cha mẹ mình còn làm cho tôi nhận thức rõ hơn vai trò của giáo dục trả nhỏ trong việc giải quyết vấn đề xoá bỏ chiến tranh trong xã hội loài người. Đó cũng là nguyên căn khiến tôi dành nhiều tâm huyết cho khát vọng mang lại hoà bình cho thế giới và biên soạn cuốn sách Trái đất là quê hương ta này.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn những tác giả đã có sách, báo, tạp chí,… đã được tôi và đội ngũ biên soạn dùng để tham khảo, tra cứu nhằm làm sáng tỏ những luận điểm của mình.
Cuối cùng xin chân thành cảm ơn Nhà Xuất bản Văn học và tất cả những người đã đóng góp cho sự hình thành, hoàn thiện, xuất bản và phổ biến cuốn sách này ra công chúng.
Những nỗ lực của chúng ta sẽ không thể mang lại ngay hoà
bình cho thế giới nhưng tôi tin rằng với sự kiên trì, bền bỉ sau nhiều
thế hệ những nỗ lực đó sẽ mang đến những kết quả tốt đẹp cho
nhân loại.
Lê Viết Hải
Trang 9
Lời Tựa
Có nhiều sự trùng hợp lạ kỳ thôi thúc tôi viết cuốn sách về đề tài hoà bình này dù việc kinh doanh thời hậu Covid khiến tôi gặp muôn vàn khó khăn và rất căng thẳng!
Làm thế nào để không còn chiến tranh là vấn đề làm tôi trăn
trở từ thuở còn thơ bởi ám ảnh về những nỗi khổ đau tột cùng
của chiến tranh mà tôi đã từng chứng kiến. Không phải hàng
trăm, hàng ngàn, hàng vạn, hàng trăm ngàn mà lên đến hàng
triệu người Việt Nam đã chết trong chiến tranh trong thời đại
của tôi và bất hạnh hơn khi có hàng triệu người khác chết dần
chết mòn trong đau khổ do thương tật, do mất mát một phần
thân thể hoặc bị dị tật bẩm sinh bởi những hoá chất độc hại của
chiến tranh. Nỗi đau tột cùng của cả dân tộc đó không phải kéo
dài một tháng, một năm mà hàng chục năm và dai dẳng từ thế
hệ này đến thế hệ khác, cho đến nay vẫn chưa dứt. Đó là nỗi đau
đã ăn sâu trong tôi đến tận tim gan và xương tuỷ. Tôi đã không
hề ngừng nghĩ suy tư về những giải pháp mang lại hoà bình cho
người dân Việt Nam và cho toàn nhân loại. Từ lúc học lớp 8 tôi
đã ngây thơ mơ ước sẽ làm sứ giả hoà bình để chiến tranh được
Trang 10
chấm dứt trên quê hương mình. Đó là năm 1972, lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang trong giai đoạn ác liệt nhất.
Dù nhân loại đã có nhiều sáng kiến và nhiều hoạt động góp phần duy trì hoà bình trên thế giới nhưng ngọn lửa chiến tranh vẫn không hề tắt. Những sáng kiến và hoạt động quan trọng góp phần gìn giữ và mang lại hoà bình có thể kể đến đó là:
1. Tích cực đối thoại để tìm giải pháp chấm dứt một cuộc chiến
Tôi cho rằng chỉ cần mọi người đều biết tôn trọng công lý và khi đối thoại biết đứng trên quan điểm của đối phương để có sự cảm thông và bằng tất cả thiện chí cùng sự nhường nhịn các bên cùng tìm giải pháp dung hoà quyền lợi với nhau để không cần dùng đến vũ lực hoặc hăm dọa sử dụng vũ lực để tranh giành. Các bên nhất định đều cần phải hiểu rõ rằng chiến tranh không mang lại điều gì tốt đẹp cho ai cả, chỉ có chết chóc, đổ nát, đau thương và mất mát mà thôi. Các bên đều cần có thực tâm mong muốn tìm đến một nền hoà bình bền vững. Không một bên nào có ý đồ sử dụng hoà đàm để củng cố lực lượng cho một cuộc chiến ác liệt hơn.
2. Tăng cường hợp tác văn hóa, khoa học, y tế, giáo dục giữa các quốc gia
Việc hợp tác trong các lĩnh vực này sẽ nảy sinh tình hữu
nghị giữa các nhà cầm quyền và người dân để dần dần xoá nhoà
khoảng cách và sự khác biệt giữa các quốc gia, dân tộc. Khi có
sự hiểu biết và có cả quan hệ máu mủ giữa các dân tộc sẽ làm
phong phú hơn những hiểu biết của con người bởi con người
có khuynh hướng học hỏi những điều hay của nhau và từ đó sẽ
Trang 11
có những sự pha trộn huyết thống, văn hoá làm phong phú hơn cuộc sống và làm tăng giá trị của của mỗi bên hơn. Sự hợp tác đó sẽ tăng thêm sự hoà hợp thân thiện giữa các quốc gia, dân tộc và sẽ góp phần đẩy lùi những ý đồ tranh giành quyền lợi bằng vũ lực.
3. Khuyến khích các hoạt động du lịch
Du lịch giúp các dân tộc khám phá vẻ đẹp của những con người, những vùng đất xa lạ tạo nên sự yêu thích, tình thân ái; xoá đi sự kỳ thị, dị ứng với những điều khác lạ. Cũng như việc hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, y tế, giáo dục; sự giao lưu trong lĩnh vực du lịch này cũng giúp loài người tạo nên một thế giới thân thiện, hoà hợp giữa các dân tộc dù có ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, phong tục tập quán, chế độ chính trị hay ý thức hệ khác nhau. Từ đó ngày càng ít đi sự mâu thuẫn giữa các quốc gia, dân tộc. Rất tiếc do đại dịch Covid và chiến tranh ngành du lịch đã bị tổn thương rất nặng nề và đến nay vẫn chưa hồi phục! Chúng ta cần nỗ lực khôi phục hoạt động du lịch này. Hãy thường xuyên thăm viếng nhau bằng tiếng hát, nụ cười và tình thân ái chứ đừng thăm viếng nhau bằng tiếng súng, nước mắt và lòng thù hận.
4. Tăng cường hợp tác kinh tế, đẩy mạnh tiến trình toàn cầu hóa
Tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư, trao đổi lực lượng
lao động và các nguồn lực sản xuất, kiến tạo một thế giới cộng
sinh, có sự gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau về mọi mặt. Khuyến
khích xoá bỏ các hang rào thuế quan, tự do giao thương, đi lại,
làm việc trong từng khối, từng khu vực, từng vùng lãnh thổ để
Trang 12
dần dần tạo nên những điều kiện thuận lợi dẫn đến hợp nhất từng châu lục và toàn cầu. Rất tiếc hiện nay nhiều chính phủ vì quyền lợi quốc gia hẹp hòi đã có những hành động đi ngược lại với xu thế toàn cầu hoá này.
5. Thực tâm ngăn chặn việc nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh kho vũ khí hạt nhân của những cường quốc đã tăng lên nhanh chóng và đã đủ để hủy diệt toàn bộ sự sống trên trái đất này không chỉ một lần mà lên đến hàng chục lần. Người ta đã hoảng hốt khi nhận ra sự nguy hiểm của kho vũ khí hủy diệt này và một hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân đã ra đời. Rất tiếc cho đến nay hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân này đã không được tất cả các quốc gia tham gia hoặc tham gia nhưng nay đã rút khỏi hiệp ước hoặc vẫn còn tham gia nhưng không nghiêm túc tuân thủ. Có giải pháp gì để mọi quốc gia đều tự nguyện tham gia hiệp ước này để loài người loại trừ được hiểm hoạ diệt vong bởi chiến tranh hạt nhân hay không?
6. Nỗ lực hoàn thiện bộ luật quốc tế về bảo vệ hoà bình
Cần có một tổ chức uy tín đại diện cho các quốc gia với
những chuyên gia xuất sắc nhất nghiên cứu soạn thảo một bộ
luật quốc tế về vấn đề gìn giữ hoà bình. Bộ luật cần dựa trên
công lý, khoa học, hết sức rõ ràng dễ hiểu, dễ áp dụng và được
Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Bộ luật cần có quy định
chi tiết, không có vùng xám và vùng cấm để có thể chỉ ra được
giải pháp xử lý tranh chấp trong mọi trường hợp. Mặt khác, bộ
luật cần đủ điều kiện số hoá để có thể áp dụng AI. Như vậy sẽ
Trang 13
tránh những phán quyết được đưa ra theo cảm tính hoặc có sự thiên vị. Kết quả xét xử tranh chấp cần được tôn trọng và có biện pháp cưỡng chế để thực thi.
Còn có một cách chấm dứt cuộc chiến mà người ta thường áp dụng đó là leo thang chiến tranh bằng tất cả khả năng của mỗi bên. Họ sử dụng toàn bộ binh lính, khí tài thậm chí bắn đến viên đạn cuối cùng, đẩy ra trận chiến đến người lính cuối cùng để phân định một bên thắng, một bên thua.
Có thể nói qua nhiều hình thái phát triển của xã hội loài người đây là phương thức kết thúc chiến tranh thuận với tự nhiên nhất. Nhưng rõ ràng đó không phải là giải pháp có thể chấp nhận được trong thời đại này khi mà kho vũ khí ở cả hai phía tham chiến (như cuộc chiến đang diễn ra ở Đông Âu và dải Gaza đều còn rất lớn, lớn đủ để hủy hoại hoàn toàn môi trường sống trên trái đất, không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Rõ ràng cách thức chấm dứt chiến tranh này dẫn đến hậu quả thật bi thảm vì sẽ không có một bên thắng cuộc mà cả hai cùng thua và chắc chắn loài người trên toàn thế giới sẽ cùng gánh chịu hậu quả vô cùng khủng khiếp!
Chắc chắn vẫn còn hàng ngàn, hàng triệu người đưa ra nhiều sáng kiến, nhiều giải pháp mang lại hoà bình cho nhân loại nhưng đâu là chìa khoá có thể mở được cánh cửa hoà bình vĩnh cữu cho nhân loại?
Trước khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta cũng
cần đặt vấn đề: Có nên tìm kiếm một giải pháp nhằm xoá bỏ
hoàn toàn và vĩnh viễn chiến tranh hay không? Xoá bỏ chiến
tranh phải chăng chúng ta đi ngược với một quy luật của tự
Trang 14
nhiên? Học thuyết Darwin cho rằng sự phong phú và hoàn thiện của muôn loài là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên qua đấu tranh sinh tồn. Với quan niệm này phải chăng chúng ta không cần phải tìm kiếm giải pháp mang lại hoà bình bởi nó đi ngược với quy luật tiến hóa của tự nhiên? Và như thế có phải sẽ làm kìm hãm sự phát triển của xã hội?
Có thể nào chứng minh được rằng chiến tranh trong thời đại này không còn là một hình thái vận động của tự nhiên mà đã bị con người can thiệp một cách thô bạo? Đó không phải là một hình thái phát triển tất yếu và tự nhiên của xã hội loài người nữa mà ngược lại chiến tranh sẽ là nguyên nhân làm sụp đổ nền văn minh của nhân loại?
Nếu điều đó là đúng thì vấn đề còn lại đặt ra cho chúng ta là có hay không một giải pháp xoá bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn chiến tranh? Có hay không một sáng kiến đem lại hoà bình vĩnh viễn cho nhân loại? Phải chăng xoá bỏ chiến tranh trong xã hội loài người không chỉ là một điều không nên làm mà còn là điều mà bao nhiêu đời nay người ta đều cho rằng không thể thực hiện được. Hoà bình chỉ là một giấc mơ của loài người từ thế hệ này đến thế hệ khác, là điều ước của tôn giáo này đến tôn giáo khác mà thôi. Chỉ có những người rất ngây thơ mới có niềm tin đó là điều có thể làm được.
Chúng ta cần phân tích như thế nào để đưa ra được lời giải
cho vấn đề này? Đâu là cơ sở mang tính khoa học, biện chứng
cho việc lựa chọn con đường mang đến hoà bình vĩnh cửu cho
nhân loại? Thế giới ngày nay đã có những thay đổi như thế nào
so với những thời đại trước và vì sao trong kỷ nguyên mới này
Trang 15
cần thiết phải xoá bỏ chiến tranh? Thực sự có giải pháp gì giúp loài người xa lánh được chiến tranh vĩnh viễn hay không?
Tôi khẳng định đó là điều có thể và đó là con đường tất yếu mà loài người phải thực hiện. Nếu không thực hiện chúng ta sẽ không thể nào bảo vệ được môi trường sống lành mạnh trên trái đất, không thể nào bảo vệ được nền văn minh của nhân loại.
Hy vọng cuốn sách này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề đặt ra và giải pháp mà chúng ta cần thực hiện để có được hoà bình vĩnh viễn cho nhân loại.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01/01/2024
Kiến trúc sư LÊ VIẾT HẢI
Chủ tịch và Nhà Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình