Thân mời bạn đọc Chương 5 tại đây nhé.

Site: Earth Is My Home Land
Course: Địa Cầu Quê Tôi
Book: Thân mời bạn đọc Chương 5 tại đây nhé.
Printed by: Guest user
Date: Saturday, 19 July 2025, 2:38 AM

1. Trang 146

Chương 5

“TRÁI ĐẤT LÀ QUÊ HƯƠNG LOÀI NGƯỜI”
CHUYỆN QUANH MỘT HỆ TƯ TƯỞNG MỚI VỀ TRÁI ĐẤT 


- Phương pháp làm nông thuận tự nhiên của Masanobu Fukuoka. 

- Tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước trên toàn thế giới dẫn đến sự ra đời của công ước Ramsar. 

- Hệ sinh thái sông, hồ, lũ lụt, đập thủy điện xung quanh dòng sông Mekong và tầm quan trọng của việc tôn trọng sự nguyên vẹn của tự nhiên. 

- Lối sống hòa thuận, tôn trọng thiên nhiên của các cộng đồng bản địa ở Việt Nam và Trung Quốc. 

- Sáng kiến “Thiên nhiên cần một nửa” của nhà sinh vật học Edward O Wilson. 

- Từ nhiều nghìn năm trước, sự đa dạng sinh học đã giúp con người sống sót sau thảm họa ra sao. Tất cả các câu chuyện của Chương 5 đều hướng đến một nhận thức: Các quốc gia phải xem sự sống còn của Ngôi nhà chung trái đất là mục tiêu chung lớn nhất để hành động.

2. Trang 147

Masanobu Fukuoka (1913 - 2008) là một nhân vật có ảnh hưởng với ngành nông nghiệp tự nhiên. Là một nông dân và triết gia người Nhật ở đảo Shikoku, Masanobu Fukuoka là người tiên phong giới thiệu phương pháp nông nghiệp “không làm gì cả” đến toàn thế giới. Kỹ thuật làm nông tự nhiên của ông không cần đến máy móc hay nhiên liệu hóa thạch, không cần tới hóa chất, chẳng cần ủ phân và thậm chí nhổ cỏ rất ít. Trên những thửa ruộng của mình, Fukuoka không cày xới đất, không tiêu diệt côn trùng, sâu bọ, vậy nhưng ông vẫn thu được sản lượng lúa bằng hoặc cao hơn so với hầu hết các nông trại hàng đầu Nhật Bản. 

Bắt đầu làm nông sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, với triết lý quay về với tự nhiên, Fukuoka đã đi ngược lại với cách làm nông hiện đại của nông dân khắp thế giới vào thời điểm ấy. Ông cho rằng loài người đang đi sai đường, phản ánh trong sự xuống cấp của môi trường là hậu quả của con đường vật chất mà loài người đã lựa chọn. “Dường như đã qua rồi cái thời cái gì càng có nhiều thì càng rẻ, khi mà ta có thể kiếm tiền đơn giản bằng cách sản xuất những gì mà người ta cần, cái thời của nền kinh tế địa phương quy mô nhỏ” ông viết trong quyển Gieo mầm trên sa mạc. Trong chuyến du ngoạn khắp châu Âu, ông nhận ra sự mất cân bằng trong giá cả nông sản và sự thao túng dòng tiền của những công ty thương mại trung gian trong ngành sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Ông gọi đó là nền kinh tế bạch tuộc hút tiền mà nằm ở trung tâm là các chính trị gia và tổ hợp quân sự - công nghiệp - chính phủ (trái tim con bạch tuộc) - những kẻ có quyền lực được tập trung hóa. “Tám cái xúc tu của con bạch tuộc là công cụ để phục vụ trong trái tim bạch tuộc đó bao gồm (1) duy trì mạng lưới vận tải bao gồm đường bộ, đường sắt và đường hàng không (2) kiểm soát các đầu mối quản lý hệ thống vận tải (3) giám sát truyền thông (4) thiết lập một mạng lưới thông tin kinh tế (5) giáo dục và cố vấn quản trị (6) kiểm soát các thiết chế tài chính (7) kiểm soát thông tin (8) kiểm

3. Trang 148

soát máy tính cá nhân và việc đăng ký của công dân”, ông viết. Tám xúc tu này kéo mọi thứ, tiền bạc và sự giàu có về phía trung tâm. “Thế rồi sự giàu có ấy lại tiếp tục được dùng để đẩy mạnh tập quyền và tăng cường vũ trang. Việc này sẽ mang lại sức mạnh quân sự và sự giàu có cho quốc gia mà nếu cứ để cho leo thang không kiểm soát, kết quả sẽ là tham vọng điên khùng muốn kiểm soát cả thế giới. Nhưng sự tự phụ luôn kéo theo sự sụp đổ, con bạch tuộc sẽ bị câu lên bởi ngư ông lọc lõi hoặc sẽ tự xơi các xúc tu và làm hại chính mình”.


4. Trang 149

“Thế thì ông hãy chỉ cho tôi một con đường tốt hơn đi?”, mọi người thường phản bác khi nghe ông nói về xã hội loài người. “Đó là văn hóa và cộng đồng thuận tự nhiên”, Fukuoka đáp. Văn hóa thuận tự nhiên là cách sống đơn giản trong đó con người với trái tim đầy tự do, leo núi, chơi đùa trên đồng cỏ, tắm trong những tia nắng ấm áp, hít thở không khí trong lành, uống thứ nước trong vắt như pha lê và trải nghiệm niềm vui sống thực sự. “Xã hội mà tôi đang mô tả là một xã hội trong đó con người sẽ tạo một cộng đồng tự do và hào phóng. Nếu loài người có thể tìm lại được quan hệ gốc gác nguyên thủy của họ với tự nhiên, chúng ta sẽ sống trong hòa bình và thịnh vượng. Chúng ta phải nhận ra rằng cả trong quá khứ lẫn hiện tại, chỉ có duy nhất một lối đi bền vững khả dĩ: chúng ta phải tìm đường quay về với tự nhiên. Chúng ta phải đặt cho mình nhiệm vụ tái sinh sự sống trên trái đất này. Tái phủ xanh trái đất, gieo những hạt mầm trên sa mạc - đấy là con đường xã hội phải tuân theo”. 

Fukuoka có quan điểm khác biệt hầu như với mọi triết lý khoa học mà thuyết tiến hóa là điển hình trong số đó. Dưới góc nhìn của ông, Đấng tạo hóa đã vê hạt giống của mọi sinh vật vào trong các viên đất sét và trao cho các thiên sứ đi rải bừa khắp nơi. Một số hạt giống được lập trình để trở nên hoạt hóa ngay sau khi đất đai hình thành. Những hạt khác được lập trình để sống tốt trong nước. Một số thì thích hợp với núi non, một số lại thích hợp với sa mạc. Các hạt giống được chỉ định thành con người thì được lập trình để chào đời trong các kỷ sau này của trái đất. Hàng triệu hạt giống được tung ra vào cùng một lúc và những sinh vật trên trái đất nhận lấy các hình dạng khác nhau. Một số trở thành vi sinh vật, một số trở thành cây xanh và một số trở thành các loài động vật biết chạy nhảy, đi lại. “Xét về mặt khoa học thì chúng ta có thể nói rằng những hạt giống này đã nảy mầm khi các điều kiện thích hợp cho sự nảy mầm của chúng đã hội tụ đủ và chỉ những loài có kiểu dáng phù hợp với môi trường sống của chúng thì mới phát triển và sống sót”.

5. Trang 150

Những hạt giống rơi xuống biển thì trở thành rong biển, san hô và quỳ thịt, số khác trở thành sò hến, tôm cua và tất cả cùng sống với nhau. Những hạt giống khác được rắc trên các vùng đầm lầy thì trở thành các loại cỏ đuôi mèo (cỏ nến), một số biến đổi thành cá da trơn hoặc lươn và trong một số trường hợp vẫn cùng hạt giống đó trở thành ếch, rắn hay rùa. Các sinh vật mang gen tương tự nhau nhưng biểu hiện ra ngoài một cách khác nhau trở thành những cây trong rừng trong khi các sinh vật khác lại trở thành những con chim sống trên những cây rừng đó. Cùng giai đoạn mà thực vật sống trên đất liền gia tăng và những cái cây lớn sinh trưởng rất nhiều, những động vật to lớn như hổ và voi xuất hiện. Các vi sinh vật, cây cối, động vật hết thảy đều là anh em về mặt di truyền nhưng mỗi loài xuất hiện trong một bộ y phục khác nhau. “Theo nghĩa nào đó, cách nhìn này có vẻ giống như đã kịch tính hóa và làm méo mó thuyết tiến hóa của Darwin. Khác biệt lớn nằm ở chỗ chúng ta nghĩ sự trôi qua của thời gian như thế nào. Trong tâm trí của tôi, hàng triệu, hàng triệu năm cũng chỉ là một cú nhảy trong khoảnh khắc. Do vậy, vô số giống loài sinh vật không khởi nguồn vào những thời điểm khác nhau ở những nơi khác nhau mà vào cùng một lúc và ở cùng một nơi”, ông viết.

Thay vì thuyết tiến hóa chọn lọc tự nhiên của Darwin, Fukuoka đề xuất thuyết pháp luân về dòng chảy của vạn vật. Dưới góc nhìn của thuyết pháp luân, tự nhiên theo Fukuoka là một cơ thể mà loài người và côn trùng là một phần của cơ thể ấy. Khi chúng ta làm hại cây cối, vi sinh vật và côn trùng thông qua nông nghiệp quy mô lớn nghĩa là chúng ta cũng đang làm hại cả nhân loại. “Vào thời điểm tạo hóa, cùng với sự ra đời phần còn lại của vũ trụ thì trái đất và mọi sinh vật trên nó cũng được sinh ra như một thể duy nhất và thống nhất, cùng chung một số mệnh. Mọi thứ liên quan đến vai trò, mục đích và hoạt động của mỗi loài được hình thành và quyết định cùng một lúc. Mọi thứ đều được thiết kế sao cho đơn cũng là đa, cá thể cũng là toàn thể và là

6. Trang 151

cái tổng thể hoàn hảo, không có sự phí phạm nào, không có cái gì gọi là vô dụng và tất cả vạn vật đều làm tốt nhất nhiệm vụ của mình”. 

Masanobu Fukuoka qua đời năm 2008, thọ 95 tuổi, sau khi đã dành 70 năm cuộc đời để sống và truyền bá phương pháp làm nông tự nhiên ở Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới. Ông tham gia nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, gặp gỡ nhiều chính trị gia, quan chức chính phủ, các nhà khoa học và những nhà nông khắp lục địa Á, Âu, Phi. Năm 1988, cựu Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi đã trao cho Fukuoka bằng danh dự cao nhất của trường đại học Visva-Bharati và tuyên bố canh tác tự nhiên là phương pháp để nuôi dưỡng chân lý. Trong cùng năm này, ông được trao giải thưởng Ramon Magsaysay cho dịch vụ công ở Philippines, đây thường được gọi là “Giải Nobel của châu Á”. Năm 1997, ông trở thành người đầu tiên nhận được giải thưởng của Hội đồng Trái đất, giải thưởng được trao cho những người đóng góp vào việc bảo tồn môi trường toàn cầu. Hai quyển sách ông viết Cuộc cách mạng của một cọng rơmGieo mầm trên sa mạc đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người quay trở về lối sống làm nông thuận tự nhiên. Hơn một thập kỷ sau khi Masanobu Fukuoka qua đời, phương pháp làm nông của ông đã trở thành xu hướng của thế giới, nông dân toàn cầu đang dần quay về tự nhiên sau khi đã quá chán ngán với các kỹ thuật canh tác nông nghiệp hiện đại gây hại cho môi trường, suy thoái đất đai. 

*** 

Điều đáng ngạc nhiên là sự quay về của Masanobu Fukuoka diễn ra khi ông còn rất trẻ, khi chỉ mới 25 tuổi. Masanobu Fukuoka từng là một người làm việc say mê trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông nghiệp Gofu ngành Bệnh học cây trồng, ông được nhận vào làm việc ở bộ phận Thanh tra cây trồng thuộc Cục Hải quan Yokohama. Công việc

7. Trang 152

chính của ông là kiểm tra các loại cây trồng được đưa tới và đưa đi để tìm các loại côn trùng mang bệnh. Công việc khá thuận lợi và ông dành thời gian rảnh để nghiên cứu các đề tài về bệnh trên cây trồng. Nhiều lần vì làm việc quá độ ông đã ngất xỉu trong phòng nghiên cứu. Hệ quả là ba năm sau khi làm việc ở Yokohama, ông bị mắc chứng viêm phổi cấp, thứ làm ông đối diện với nỗi sợ chết. Sau khi hồi phục ông bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của con người và chìm đắm trong nỗi trầm cảm ngày qua ngày. 

Vào một đêm lang thang trong vô định Fukuoka bị kiệt sức và đổ xuống dưới một gốc cây nhìn ra bến cảng. Ông ngồi đó mê mụ, ngủ thức lơ mơ cho đến hừng đông hôm sau. Đột nhiên một con diệc ăn đêm xuất hiện kêu lên một tiếng chói tai rồi bay mất về phía xa. Khoảnh khắc ấy đã khiến Fukuoka như bừng tỉnh. “Mọi hoang mang, mọi thống khổ từng ám ảnh tôi biến mất cùng với làn sương buổi sớm. Tôi thấy núi, thấy sông, thấy cỏ cây, những đóa hoa, những con chim nhỏ và những cánh bướm như thể mới lần đầu. Tôi cảm thấy nhịp đập rộn ràng của sự sống, sướng vui khi nghe thấy tiếng chim hót và âm thanh của lá cây xào xạc. Chỉ trong một phiến lá, một nhánh hoa, tôi rung động nhận thức rõ mọi hình tướng xinh đẹp của thế gian này. Cái tôi đã trông thấy đó đơn giản chỉ là màu xanh của lá cây lấp lánh trong nắng. Tôi không thấy vị thần linh nào ngoài bản thân đám cây, tôi cũng không nhìn ra một linh hồn thực vật nào ẩn trong đám cây ấy cả. Khi nhìn thế gian với một tâm trí rỗng rang, tôi đã có thể nhận thấy rằng thế giới ở trước mắt tôi là hình tướng thật của tự nhiên và là vị thần duy nhất tôi thờ phụng”. Trải nghiệm buổi sáng ngày hôm ấy đã thay đổi cuộc đời Fukuoka mãi mãi. Ông nộp đơn xin nghỉ việc, đi lang thang vô định một thời gian rồi trở về nông trại của cha mẹ ông ở đảo Shikoku, và nơi đây đã trở thành nơi làm việc và sinh sống của Fukuoka cho đến cuối đời. 

Có một chi tiết thú vị khi tôi đọc câu chuyện của Masanobu Fukuoka đó là sự xuất hiện của một con diệc phá vỡ không gian

8. Trang 153

tĩnh lặng sáng sớm đưa Fukuoka vào trạng thái thức tỉnh. Tôi quan tâm đến loài chim diệc sau khi đọc quyển sách Kinh Dịch - Di sản sáng tạo của Việt Nam của nhà nghiên cứu Nguyễn Thiều Dũng. 

Trong quyển sách, Nguyễn Thiều Dũng cho rằng Khổng Tử - người được xem là đã soạn thảo và san định Ngũ Kinh (5 quyển sách kinh điển, nền tảng của Nho giáo: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu) - đã học Kinh Diệc từ Việt Nam, chứ không phải Kinh Dịch. Ông dẫn chứng ba bản sách Lỗ Luận ngữ, Tề Luận ngữ và Cổ Luận ngữ đều xác nhận câu nói của Khổng Tử “Gia ngã sổ niên, ngũ thập dĩ học Diệc, khả dĩ vô đại quá hỹ” (Thêm cho ta vài năm nữa, đến 50 tuổi học Diệc, thì có thể không mắc sai lầm lớn vậy). Tuy nhiên, từ Diệc trong các văn bản này đã bị đổi thành Dịch (Kinh Dịch) trong Sử ký Tư Mã Thiên - quyển sử phổ thông nổi tiếng của Trung Quốc. 

Vì sao lại là Kinh Diệc? Theo phát hiện của Nguyễn Thiều Dũng, người xưa khi dong thuyền ra biển để tế lễ hay bắt cá thường quen thuộc với hình ảnh những con cò, con diệc kiếm ăn trên bờ nước. Họ lấy kết quả của loài chim đó bắt được mồi hay không để chiêm nghiệm kết quả công việc mình làm. Chim bắt được cá họ nghĩ mình sẽ thành công, chim không bắt được cá họ liên tưởng đến thất bại, lâu ngày việc chiêm nghiệm này hình thành cách bói gọi là bói Diệc. Khi sáng tạo ra Kinh Dịch, tổ tiên người Việt gọi đó là Diệc. Khi Diệc du nhập vào Trung Hoa, có thể ban đầu đọc theo âm Diệc rồi dần dần Diệc phát triển thành âm Dịch. Chữ Dịch ( 剔) trong tiếng Hán có hình vẽ con cò, con diệc chính là thể hiện từ nguyên của Dịch chính là Diệc. 

Kinh Dịch ngày nay không chỉ là một bộ sách kinh điển của Trung Hoa mà đã trở thành di sản văn hóa chung của nhân loại, vì thế khi đọc thông tin về Kinh Diệc với tinh thần của một người không để chủ nghĩa dân tộc xen vào tư duy, tôi đã quyết định đi tìm hiểu về loài chim diệc để kiểm chứng những phát hiện của Nguyễn Thiều Dũng.

9. Trang 154



Chim diệc gồm khoảng 64 loài chim lội chân dài được phân loại trong họ Ardeidae (họ Diệc). Tên gọi phổ biến của chúng trong tiếng Việt là vạc, diệc, diệc bạch hay cò. Diệc có đặc trưng là chiếc cổ dài hình chữ S, chiếc cổ có thể rụt vào trong quá trình bay. Diệc là một họ phân bố rộng rãi trên toàn thế giới, chúng sống ở tất cả các lục địa ngoại trừ Nam cực và có mặt ở hầu hết các môi trường ngoại trừ những vùng cực lạnh nhất của Bắc cực, những ngọn núi cực cao và những sa mạc khô cằn. 

Hầu hết các loài diệc tìm thấy đều là loài chim nước, không bơi mà kiếm ăn ở ven hồ, ao, sông, vùng đầm lầy, biển. Thức ăn của diệc khá phong phú, chúng thích ăn các động vật thủy sinh khác như cá, bò sát, lưỡng cư, giáp xác, động vật thân mềm và côn trùng thủy sinh, một số loài cũng bắt những con mồi lớn hơn như chim, trứng chim, động vật gặm nhấm. Họ diệc có tính di động cao, hầu hết các loài đều di cư một phần. Các loài chim được phân tán rộng rãi sau khi sinh sản để tìm kiếm khu vực kiếm ăn mới. Các cuộc di cư thường diễn ra vào ban đêm theo nhóm nhỏ hoặc từng con.

10. Trang 155



Trong dòng chảy thông tin khoa học về loài chim diệc, tôi phát hiện ra một lưu ý quan trọng: diệc là một trong những loài chim nước được dùng làm chỉ thị sinh học trên toàn thế giới để giúp các nhà khoa học đánh giá tình trạng môi trường nơi chúng được tìm thấy. Chim nước có một số đặc điểm sinh học khiến chúng trở thành một chỉ báo tốt về chất lượng và sức khỏe môi trường sống: sống lâu, có thể tích hợp các chất ô nhiễm trên một khu vực rộng lớn, có nhiều lựa chọn về chế độ ăn uống và sử dụng môi trường sống. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc của chim nước vào nguồn tài nguyên địa phương trong quá trình di cư và sinh sản đã khiến chúng trở thành một công cụ có giá trị để theo dõi chất lượng môi trường sống đang suy giảm trên toàn thế giới. 

Các nghiên cứu về chim nước luôn đi cùng với một trong những môi trường sống quan trọng của chúng: vùng đất ngập nước. Đất ngập nước là vùng chuyển tiếp giữa vùng dưới nước và vùng trên cạn, có hệ động thực vật đa dạng và là một hệ sinh thái có năng suất sinh học cao. Có hai loại đất ngập nước chung: vùng đất

11. Trang 156

ngập nước ven biển hoặc vùng ngập triều và vùng đất ngập nước nội địa hoặc không triều. Các thực vật và động vật ở các vùng đất ngập nước ven biển chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi hoạt động của thủy triều. Độ mặn cao và sự dao động của mực nước làm cho hầu hết các sinh vật sống trong khu vực gặp khó khăn. Do đó, vùng đất ngập nước ven biển có tính đa dạng về loài thấp do nhiều loài không chịu mặn, đặc biệt là các loài thực vật. Bãi bồi và bãi cát là hai ví dụ phổ biến của đất ngập nước ven biển. Trong khi đó, đất ngập nước nội địa nằm trong vùng ven sông, nơi sông, suối, hồ và ao là nguồn nước chính cho môi trường sống. Bãi cỏ và đồng cỏ ẩm ướt là hai ví dụ. 

Trong nhiều thế kỷ, các vùng đất ngập nước được xem là vùng đất hoang, nơi thoát nước và sinh sản của muỗi, vì thế chúng thường xuyên được cải tạo mục đích sử dụng thành đất nông nghiệp và xây dựng đô thị. Điều này đã dẫn đến sự phá hủy và suy thoái nhiều hệ sinh thái đất ngập nước, theo thời gian chúng suy giảm với tốc độ nhanh chóng trên toàn cầu. Mãi cho đến sau này các nhà khoa học mới phát hiện ra tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước. Đất ngập nước hoạt động như những bộ lọc tự nhiên có thể cải thiện chất lượng nước, giảm nguy cơ phú dưỡng cũng như lưu trữ một lượng lớn trầm tích. Các vùng đầm lầy bổ sung nguồn cung cấp nước: ở các thảo nguyên băng giá phía bắc, một hecta đất ngập nước có rừng bao phủ lớp đất thấm có thể giải phóng tới 939.500 lít nước mỗi ngày vào mạch nước ngầm. Vùng đất ngập nước còn là bể chứa carbon có ý nghĩa quan trọng đối với biến đổi khí hậu toàn cầu, ví dụ, các vùng đất than bùn toàn cầu có thể lưu trữ từ 400 đến 500 gigaton carbon. Chúng cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho các sinh vật khác nhau như cá, tôm, động vật có vú và bao gồm cả chim nước (diệc, cò). Các loài chim nước nói chung đã trở thành một trong những đối tượng cư trú chính trong môi trường sống này, chúng sử dụng khu vực này để kiếm ăn, làm tổ và nếu thuận lợi

12. Trang 157

sẽ sinh sản. Sự hiện diện của cộng đồng các loài chim nước cũng là một dấu hiệu tốt cho vùng đất ngập nước mới được tạo ra vì nó có thể thu hút các loài chim đa dạng khác đến sử dụng khu vực này. Đất ngập nước cũng là địa điểm dừng chân quan trọng của các loài chim di cư. Các loài chim di cư từ Bắc bán cầu di chuyển đến Nam bán cầu để tiếp nhiên liệu, kiếm ăn và nghỉ ngơi trong các vùng đất ngập nước có sẵn trong mùa đông. 

Bất chấp tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước, chúng là một trong những hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Người ta ước tính rằng hơn 50% diện tích đất ngập nước trên thế giới đã bị mất kể từ năm 1900. Các vùng đất ngập nước cận nhiệt đới và nhiệt đới đã phải chịu áp lực ngày càng tăng kể từ những năm 1950. Đến năm 1985, ước tính có đến 65% diện tích đất ngập nước đã bị mất vào mục đích nông nghiệp ở Bắc Mỹ và châu Âu, ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, thiệt hại đất ngập nước ước tính là 27 % ở châu Á, 6% ở Nam Mỹ và 2% ở châu Phi. Sự biến mất đất ngập nước đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: mất nguồn nước ngầm dự trữ, lũ quét, phá hủy bờ biển, tích tụ các chất ô nhiễm. Nhiều loài động thực vật hữu ích phụ thuộc vào các vùng đất ngập nước đã biến mất cùng chúng.


13. Trang 158

Những người quan tâm đến việc bảo tồn chim nước và cá đã đi đầu trong việc kêu gọi ngừng phá hủy đất ngập nước. Một hành động quốc tế là cần thiết. Nhiều vùng đất ngập nước nằm trên ranh giới quốc gia hoặc có nguồn cung cấp nước từ các nước láng giềng. Sự tuần hoàn của nước trong bầu không khí thực sự mang tính quốc tế. Cá nở ra ở vùng đất ngập nước của một quốc gia này có thể được đánh bắt khi trưởng thành ở những quốc gia khác hoặc trên biển cả. Chim nước di cư hàng nghìn ki-lô-mét hai lần một năm cũng bỏ qua ranh giới và cần các vùng đất ngập nước của nhiều quốc gia để nghỉ ngơi, kiếm ăn và sinh sản. Cuối cùng, nếu các nước đang phát triển được giúp đỡ để sử dụng các vùng đất ngập nước của họ một cách khôn ngoan thì phải có các thỏa thuận quốc tế về việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính. 

Vào ngày 3/2/1971 tại thị trấn Ramsar thuộc Iran, đại diện 18 quốc gia đã ký tên vào một hiệp ước đáng chú ý. Công ước Ramsar là công cụ đầu tiên trong số các công cụ hiện đại nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trên phạm vi toàn cầu. Công ước Rasmar quan tâm đến nhóm sinh cảnh bị đe dọa nhiều nhất: các vùng đất ngập nước nơi cư trú của các loài chim nước. Đó là các vùng nước nông - hồ ao, sông và các dải ven biển - và các vùng đất nào bị nước bao phủ hoặc bão hòa thường xuyên hoặc không liên tục - xóay nước, đầm lầy, đồng bằng ngập lụt và những rạn san hô. Sau 5 thập kỷ, đến nay đã có 171 quốc gia tham gia ký kết Công ước Ramsar, đồng ý ưu tiên bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước bằng cách liệt kê các vùng đất ngập nước được đánh giá có tính quốc tế quan trọng và cam kết duy trì đặc tính sinh thái của chúng. Tính đến tháng 6/2020 đã có 2.391 khu Ramsar được thành lập trên toàn thế giới là một đóng góp ấn tượng cho việc bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu.

14. Trang 159

Cho đến khi đọc về Công ước Ramsar và nghĩ về khái niệm Kinh Diệc của Nguyễn Thiều Dũng, tôi nhận ra có thể ông có lý. Tổ tiên người Việt xưa không hề biết đến Công ước Ramsar vốn ra đời mãi ở thế kỷ 20 nhưng họ đã biết quan sát hành vi của chim diệc - một loài chim nước cư trú ở vùng đất ngập nước để dự đoán hoạt động săn bắt cá của mình. Họ xem trọng đời sống của loài chim diệc đến nỗi đưa hình ảnh của chúng lên trống đồng như một sự tôn trọng dành cho tự nhiên. Nếu chim diệc sống sót và bắt được cá thì họ cũng sẽ có đủ cá để đánh bắt và nuôi sống cộng đồng mình tương tự như các nhà nghiên cứu khoa học ngày nay đã dùng các loài chim nước như một chỉ thị sinh học cho môi trường mà chúng cư trú. Người Việt xưa hẳn cũng không phá hủy vùng đất ngập nước để lấy đất làm nông nghiệp vì họ biết đó là nơi cư trú của loài chim nước mà họ quý trọng. Trong quan niệm hồn nhiên của họ, nếu loài chim có thể sống tốt thì loài người cũng sẽ sống tốt. 

Công ước Ramsar ra đời có một ý nghĩa quan trọng trong nhận thức của con người và các quốc gia về quyền sở hữu tự nhiên. Mỗi quốc gia tham gia Công ước Ramsar không chỉ bảo vệ vùng đất ngập nước cho quyền lợi riêng của quốc gia mình mà là cho cả hành tinh trái đất. Và chỉ khi ranh giới các quốc gia bị xóa nhòa để hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ sự sống cho ngôi nhà chung của loài người thì những hành động quốc tế như Công ước Ramsar hay Hiệp định khí hậu Paris mới có thể thành công. 

*** 

Ramsar là công ước đầu tiên của thế giới con người cho thấy sự tôn trọng sự nguyên vẹn của một quần thể sinh vật trong tổng thể tự nhiên quan trọng như thế nào. Dòng sông Mekong cũng là

15. Trang 160

một thực thể tương tự các vùng đất ngập nước, cũng cần được bảo tồn thông minh bằng một nỗ lực quốc tế. Quyển sách Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ của tác giả Brian Eyler kể về hành trình xuôi dòng Mekong từ rìa dãy núi Himalaya trên lãnh thổ Trung Quốc đến đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam cho thấy toàn cảnh về một dòng sông trên bờ vực lâm nguy như thế nào bởi những ứng xử phát triển ích kỷ của các quốc gia trong khu vực và sự cần thiết phải có một sự hợp tác quốc tế thế nào để cứu dòng sông vĩ đại này. 

Hãy bắt đầu từ Campuchia, quốc gia nằm ở hạ nguồn sông Mekong. Đồng bằng sông Cửu Long được cho là nằm hoàn toàn trong lòng đất Việt Nam nhưng quá trình hình thành đồng bằng này thực sự bắt đầu ở Campuchia, ngay phía dưới Stung Treng, rất xa trước khi con sông chảy vào Việt Nam. Hơn 5000 năm trước, dòng sông này đã góp phần chính tạo điều kiện cho sự phát triển của đế quốc Khmer và nhà nước Campuchia. Khu đô thị lớn nhất Campuchia, thủ đô Phnom Penh, nằm dọc theo sông Mekong nơi hai sông Tonle Sap và Bassac gặp sông Mekong. Điểm hội tụ này, được gọi là Chaktomuk hay “bốn mặt” trong tiếng Khmer bản xứ, tạo ra bốn dòng chảy của sông Mekong (Tonle Sap, Bassac, sông Mekong thượng nguồn và sông Mekong hạ nguồn). 5000 năm trước, sông Mekong dịch chuyển về phía tây, chia đôi Tonle Sap và Bassac. Sông Mekong không chỉ kết nối với Bassac biến nó thành chi lưu chính đầu tiên của sông Mekong chảy ra biển mà còn biến Tonle Sap từ chỉ chảy một hướng thành một chi lưu thường được cho là phép lạ của tạo hóa. Trong mùa mưa, sông Tonle Sap đảo ngược dòng chảy và lấy nước từ sông Mekong. Việc đưa nước ngược lên sông Tonle Sap bất ngờ làm cho bãi bồi ven sông Mekong tăng diện tích thêm một phần ba và quan trọng hơn là tạo ra hồ Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.

16. Trang 161



Từ thời điểm này trong lịch sử địa chất sông Mekong về sau, đều đặn mỗi mùa mưa, hồ Tonle Sap bắt đầu mở rộng gấp 5 lần diện tích mùa khô của nó, tăng từ 2.500km2 lên 15.000km2 . Mực nước của hồ tăng từ sâu trung bình dưới 1 mét lên hơn 9 mét và khối lượng nước tăng hơn 60 lần so với mùa khô. Dòng nước mùa mưa cuốn theo trầm tích giàu chất dinh dưỡng, các chất hữu cơ mục nát và quan trọng nhất, vô số trứng cá, cá con và cá đã lớn đến từ những nôi sinh sản ở thượng nguồn hệ thống sông Mekong. Khi mặt hồ rộng ra, dòng chảy đưa cá và các chất này vào những vùng mới bị ngập. Sự kết hợp các chất dinh dưỡng trong đất, ánh sáng mặt trời và dòng nước trong lành đầy rẫy vi sinh vật dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái từ đáy đi lên của chuỗi thức ăn. Tảo và sinh vật phù du sinh sôi nhanh và do đó quần thể cá cũng phát triển mạnh.

17. Trang 162

Khi mùa mưa sắp kết thúc vào tháng 11 và mùa khô đến gần, nước ở những vùng ngập lụt rút đi và lực hấp dẫn sẽ đưa nước trong hồ chảy về lại dòng chính sông Mekong. Cá con di cư ra khỏi hồ Tonle Sap và tìm nơi ẩn náu ở các vực sâu khắp hệ thống sông Mekong. Những con đã lớn về lại nơi sinh sản ở xa phía thượng nguồn để đẻ trứng và chờ chu kỳ này bắt đầu lại. Lúc cao điểm, cá di cư khỏi hồ có thể hơn 30 tấn một giờ. Các thác nước tại Siphandone trên dòng chính sông Mekong gần biên giới Lào - Campuchia là một rào cản ngược dòng tự nhiên, chặn cuộc di cư của nhiều loài cá. Một số loài vượt qua các thác nước trong khi những loài khác chọn di chuyển sâu vào các khúc sông thượng nguồn của các con sông 3S (tên gọi của ba con sông Sesan, Sekong và Sreok). Quá trình tự nhiên này diễn ra nhịp nhàng hàng năm không sót một nhịp nào kể từ khi sông Mekong kết nối với hồ Tonle Sap cách đây 5 thiên niên kỷ. 

Có thể chia hệ sinh thái phức tạp ở hồ Tonle Sap thành ba khu vực là các vòng tròn đồng tâm. Khu vực trong cùng là hồ vĩnh cửu, luôn đầy nước. Tiếp theo là khu vực rừng và các đồng cỏ ngập nước bị ngập từ 5 đến 8 tháng một năm trong mùa mưa, có nhiều cây và bụi rậm. Cuối cùng, khu vực nông nghiệp là vùng bên ngoài một năm chỉ ngập vài ngày. Cho đến nay, khu rừng ngập nước rộng hơn 7.000km2 là nơi quan trọng nhất cho nghề cá ở hồ Tonle Sap và sự đa dạng sinh học chung trong hệ sinh thái hồ này và toàn bộ sông Mekong. Một số cây trong khu rừng ngập cao tới 15 mét và thích nghi để sinh tồn khi thân cây ngập trong 4 - 6 mét nước suốt 8 tháng. Khi rừng bị ngập, nước tràn vào khiến một số cây và bụi bị thối rữa, đưa chất hữu cơ vào nước. Những con cá đến sớm không sống được vì phản ứng đột ngột của chất hữu cơ làm giảm oxy của nước. Điều này được ghi nhận đã làm cá chết hàng loạt nhất là khi một cơn bão đẩy cá vào các vùng nông quá sớm trong mùa mưa. Tuy nhiên, dần dần sau vài tuần, hỗn hợp oxy cân bằng và khu rừng ngập trở nên phù hợp để sinh sống. Cá con và cá trưởng

18. Trang 163

thành tìm thấy thức ăn cực kỳ phong phú trong những khu rừng bị ngập lụt. Nhiều trứng trôi vào khu rừng ngập. Ở đây cá lớn lên, kiếm ăn và hình thành những đàn cá có hơn 150 loài rốt cuộc cũng rời bỏ khu rừng ngập này. Vào mùa khô, nhiều loài cá ra khỏi hệ thống hồ trong khi những con khác quay trở lại những chỗ sâu ở khu vực hồ vĩnh cửu. 

Các bãi bồi đưa các loại vật chất thường ở trên đất liền vào trong hệ thống của hồ. Các thứ này gồm thực vật thối rữa, cây, bụi cây, cả côn trùng và các sinh vật nhỏ hơn. Lũ lụt làm tăng mạnh các chất dinh dưỡng trong hệ thống của hồ và các sinh vật sống trong hệ thống đó. Chất dinh dưỡng càng nhiều cá càng phát triển mạnh và ngư dân bắt được càng nhiều cá. Vì vậy chừng nào còn có lụt hàng năm thì vẫn còn mối quan hệ trực tiếp giữa chiều cao của lũ và lượng cá trên hồ Tonle Sap. Lũ sớm và cao cũng đưa nhiều trầm tích vào hồ, không chỉ thúc đẩy sự phát triển của thực vật dưới đáy hồ làm tăng nguồn thức ăn sẵn có cho cá mà còn làm nhiều vùng đất thêm màu mỡ nhờ trầm tích lắng đọng khi lũ rút, điều này giúp phục hồi các khu rừng bị ngập. 

Tonle Sap là ngư trường nội địa lớn nhất thế giới. Mỗi năm người ta thu hoạch được hơn 50.000 tấn cá từ hồ này. Nghề cá được xem là sinh kế chính của 1,2 triệu người sống ở các ngôi làng bên trong hay gần khu vực rừng ngập quanh hồ Tonle Sap. Từ thập niên 1990 đến thập niên đầu thế kỷ 21, số dân sống dọc theo hồ Tonle Sap tăng ba lần. Ngư dân tăng lên khiến lượng cá đánh bắt hàng năm tăng gấp đôi. Điều này làm giảm lượng cá đánh bắt trên đầu người và xu hướng giảm sản lượng cá đánh bắt trên đầu người vẫn tiếp tục giảm đến ngày nay. Bên cạnh đó, việc đánh bắt cá quá mức và kiểu “đánh bắt cá phía dưới chuỗi thức ăn” (đánh bắt cá lớn - loài săn mồi trong chuỗi thức ăn) dẫn đến việc giảm toàn bộ các loại cá trong hồ. Ngày nay lượng cá đánh bắt được trên hồ Tonle Sap ngày càng giảm và cần có các biện pháp bảo tồn thông minh.

19. Trang 164

Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã hỗ trợ người dân địa phương sống quanh hồ Tonle Sap thành lập khu bảo tồn cá và hướng dẫn họ tự quản lý các hoạt động bảo tồn của mình. Chiến lược này đã tỏ ra hiệu quả vì hơn ai hết những ngư dân hiểu rằng sự sống còn của họ phụ thuộc vào việc bảo tồn nghề cá truyền thống. Từ khi có khu bảo tồn, cá lại xuất hiện nhiều hơn trong hồ, người dân rất ấm lòng vì nỗ lực của họ được đền đáp và quan trọng hơn là họ sẽ không phải di dời đến nơi khác sinh sống - một mối đe dọa mà trước đó nhiều người đã từng đối mặt khi lượng cá trong hồ sụt giảm nghiêm trọng.


20. Trang 165



Nhưng khu bảo tồn cá do IUCN thành lập chỉ giải quyết một phần của vấn đề. Điều khiến ngư dân lo lắng hơn chính là sự xuất hiện của các đập thủy điện nếu tiếp tục được xây ở phía thượng nguồn sông Mekong sẽ còn ảnh hưởng đến sản lượng cá trong hồ

21. Trang 166

nhiều hơn việc đánh bắt quá mức. Cần phải hiểu rằng 70% trầm tích trong hồ Tonle Sap đến từ dòng chính sông Mekong. Vì các đập thủy điện ngăn chặn trầm tích đến các dòng sông ở hạ nguồn, điều đó khiến cho việc duy trì kết nối sông giữa dòng chính sông Mekong với bãi bồi Tonle Sap cực kỳ khó khăn. Việc thiếu trầm tích không chỉ làm giảm sự phát triển của thực vật trong hệ thống sông Mekong mà còn làm giảm tỷ lệ sống sót của trứng cá chuyển đến hồ theo dòng chính. Lượng trầm tích cao làm tăng sức nổi của nước sông và giúp trứng nổi, ngược lại, không có trầm tích, trứng và các sinh vật nhỏ khác trong nước sông sẽ chìm xuống đáy và chết. Các đập trên Thượng Mekong ở Trung Quốc ước tính giữ lại ít nhất 50% lượng trầm tích của sông này. Những ngọn núi ở vùng Vân Nam và Tây Tạng về mặt địa chất cũng giàu khoáng sản nhưng không có con đập nào ở thượng Mekong trên đất Trung Quốc phù hợp với cơ chế xả trôi trầm tích, vì vậy phần lớn trầm tích đó đã bị loại bỏ khỏi hệ thống sông Mekong. Các con đập đã được xây ở hạ Mekong như hạ Sesan 2 và Xayaburi (Campuchia) cũng có tác động liên tục lên dòng trầm tích ở sông Mekong. Đập Xayaburi được lắp các cửa xả trầm tích hiện đại nhưng các chuyên gia ước tính các cửa đó cần phải mở phần lớn thời gian trong mùa mưa giúp lượng trầm tích đi qua lớn như dòng trầm tích tự nhiên. Tuy nhiên việc mở các cửa xả trầm tích sẽ làm giảm lượng nước qua các tua-bin đập, mở càng lâu điện do đập sản xuất càng ít vì thế các cơ quan vận hành không muốn mở các cổng này. Càng xây thêm đập, vấn đề này càng thêm rắc rối và đập càng gần hồ Tonle Sap, tác động tổng thể càng tệ hại. 

Nhưng các đập thủy điện không chỉ làm thay đổi sản lượng cá trong hồ Tonle Sap, ở phía cuối hạ nguồn sông Mekong, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2017, Ủy ban Sông Mekong xác định tổn thất hàng năm do lũ lụt ở đồng bằng này từ 60 đến 70 triệu đô la và lợi ích từ lũ lụt

22. Trang 167

tự nhiên khoảng 8 đến 10 tỷ đô la. Trầm tích do lũ lụt hàng năm của con sông mang lại là phần tạo lập cơ bản của đồng bằng sông Cửu Long. Không có nó, đất của đồng bằng này sẽ rã ra trong điều kiện tự nhiên và với việc khai thác nước ngầm quá mức và mực nước biển dâng cao, tình hình sẽ nhanh chóng xấu đi. Dòng trầm tích đến vùng đồng bằng cũng thật sự quan trọng trong việc giữ bờ sông và các khu vực ven biển. Khi tốc độ nước chậm lại lúc dòng sông ra đến biển, các trầm tích nặng nhất lắng đọng dọc theo bờ sông và khu vực cửa sông ven biển, tạo nên nguyên một vùng đất. Trong 3.000 năm qua, hằng năm sông Mekong đã vận chuyển khoảng 150 triệu tấn trầm tích trong hệ thống của nó đến đồng bằng này. 

Như đã đề cập, các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng Mekong giữ lại hơn một nửa trầm tích trong hệ thống sông Mekong. Nhưng tác động của các đập trên các loại trầm tích khác nhau cũng khác nhau. Chúng giữ lại các trầm tích nặng hơn kiến tạo nên vùng đồng bằng và để lại các hạt trầm tích mịn hơn trôi đi. Do các trầm tích mịn hơn thường lơ lửng trên suốt đường ra biển, nên việc giảm 50% tải lượng trầm tích sẽ làm giảm nhiều hơn 50% lượng trầm tích lắng lại được trên đồng bằng này. Nếu tất cả 11 đập trên dòng chính sông Mekong được xây, cùng với một số đập trên sông nhánh, 96% trầm tích của sông Mekong sẽ bị giữ lại sau vách các hồ chứa. Việc mất đi trầm tích không chỉ làm giảm sản lượng cá trong hệ sinh thái sông Mekong mà còn tạo ra hiện tượng “sông đói” làm xói mòn bờ sông, kéo các công trình ven bờ sụt xuống sông và xé rách thảm thực vật giữ bờ sông nguyên vẹn. Mất mát tài sản, nhà cửa, gia súc, nông cụ do xói mòn sông là hậu quả của hiện tượng sông đói. Vào cuối năm 2017, 12.000 gia đình đã được tái định cư ở vùng đồng bằng và chính quyền Việt Nam ước tính hơn 500.000 người sẽ phải chuyển khỏi các khu vực bị lở đất trong những năm tới.

23. Trang 168

Đất xói mòn do thiếu trầm tích chỉ là một phần nguyên nhân khiến người dân di cư. Các chuyên gia về phát triển bền vững sông Mekong ở Việt Nam trong một hội nghị khoa học ở Cần Thơ cho rằng các con đập của Trung Quốc đã gây ra tình trạng hạn hán ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Họ khẳng định nếu không có các con đập của Trung Quốc giữ lại lượng nước khổng lồ vào mùa khô sẽ có nhiều nước ngọt hơn, làm giảm độ xâm nhập mặn và cung cấp nhiều nước ngọt hơn cho nông nghiệp ở đồng bằng này. Do xâm nhập mặn ăn sâu vào vùng châu thổ và tần suất hạn hán ngày càng tăng, nông dân trong vùng đang lấy nước từ các tầng ngậm nước dưới đất. Khi đồng bằng này sụt lún vì khai thác nước ngầm, nhiều nước biển sẽ xâm nhập sâu hơn vào nội địa, điều này sẽ tiếp tục tăng nhu cầu khai thác nước ngầm. Vòng xoay này cứ tiếp tục không nghỉ cho đến khi người dân buộc phải rời bỏ đất đai của họ hay chính quyền can thiệp các biện pháp hạn chế việc bơm nước. “Ngay từ đầu chúng tôi cần một tổ chức bao trùm thiết lập tầm nhìn phát triển cho vùng đồng bằng. Thật không may vai trò đó lại giao cho các kỹ sư chỉ nhìn thấy ba thứ: sản xuất lúa gạo, quản lý nước ngọt và sử dụng đất đai. Như thể vùng nước ven biển thuộc trách nhiệm người khác, không nằm trong tầm nhìn của họ. Họ không xem nước lợ và nước mặn là tài nguyên. Theo quan điểm của họ, xâm nhập mặn là tai họa của vùng đồng bằng. Vì thế họ xây dựng đủ thứ hạ tầng giữ nước ngọt cho trồng lúa”, Nguyễn Hữu Thiện, nhà sinh học bảo tồn và chuyên gia phát triển bền vững bày tỏ. “Các kỹ sư nghĩ theo lối đó là bởi vì họ được dạy rằng con người là giới ưu việt. Họ được dạy rằng công nghệ có thể thay đổi thiên nhiên và bắt thiên nhiên phục vụ chúng ta. Những gì họ muốn rất hẹp hòi. Họ không tôn trọng quy luật tự nhiên và không trân trọng sự đa dạng tài nguyên ở vùng đồng bằng. Điều họ muốn là gạo nhiều hơn và nhiều gạo hơn sẽ làm cho chúng tôi giàu có hơn, đó là lý lẽ của họ”. 

Vì đồng bằng của Việt Nam nằm ở cuối hạ nguồn sông Mekong, ảnh hưởng qua lại của các tác động từ thượng nguồn và

24. Trang 169

biến đổi khí hậu là mạnh mẽ và phức tạp nhất. Đồng bằng này lại là khu vực đông dân nhất của sông Mekong. Tuy nhiên dân số ngày càng tăng ở Lào, Campuchia và Thái Lan sẽ tiếp tục gây áp lực lên việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và nước. Chính phủ Lào muốn xây dựng hơn 140 đập trong phần lưu vực sông Mekong ở nước này. Trong mắt nhà nước Lào, sự hấp dẫn của việc xây đập thủy điện nằm ở chỗ người dân vùng cao sẽ phải xuống khỏi vùng đồi núi tham gia vào thị trường lao động quốc gia. Nhưng hơn thế, chính quyền Lào từ giữa những năm 1990 đã muốn định vị nước này là “Nguồn điện Đông Nam Á”, chiến lược mà nhiều người từ lâu mong muốn là vũ khí quyền năng sẽ mang lại cho Lào ngoại tệ mạnh cần có để cuối cùng được xếp vào hàng ngũ các nước hùng mạnh, thống nhất và về mặt chiến lược bảo vệ mình trước các nước láng giềng. 

Theo Brian Eyler, cơn sốt xây đập ở Lào cũng như chính sách ưu tiên lúa của Việt Nam là những ý tưởng có thể dẫn đến sự phá hủy sinh kế và nền tảng tài nguyên thiên nhiên hạ nguồn sông Mekong và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thay vào đó, Brian Eyler cho rằng có một giải pháp tốt hơn khi cả Lào và Campuchia đều có tiềm năng năng lượng mặt trời và gió. Nếu Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của mình bằng cách đầu tư vào một loạt dự án sản xuất năng lượng lớn ở Lào và Campuchia - một danh mục đầu tư tối đa hóa năng lượng mặt trời, gió, sinh khối và giảm tối đa thủy điện - thì sẽ mở ra một tương lai kinh tế và hệ sinh thái tươi sáng cho toàn bộ khu vực. “Việt Nam có thể cân bằng kế hoạch hỗn hợp năng lượng của mình bằng cách giúp các nước láng giềng phát triển sản xuất năng lượng mặt trời, gió và sinh khối, đồng thời nhập khẩu điện từ những nguồn đó thay vì từ các con đập. Đó là giải pháp đôi bên cùng thắng, bảo vệ được hệ sinh thái cốt lõi và điều kiện tự nhiên của dòng sông vì nó sẽ loại bỏ các con đập có tác động mạnh nhất ra khỏi danh sách dự án”, Brian Eyler kết luận.

25. Trang 170

Dẫu vậy, ở phía bên kia, Trung Quốc vẫn không thay đổi. Các nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng hăm hở trong việc đưa các sáng tạo công nghệ - đập, đường bộ, đường sắt, sản phẩm tiên tiến, máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo - vốn sẽ làm giảm dân số ở vùng núi đồi hay ràng buộc hơn những người ở lại đó vào hệ thống kinh tế đồng bằng. Dòng chảy đầu tư hạ tầng, sự thâm nhập thị trường, lao động và du khách Trung Quốc đang làm thay đổi bối cảnh kinh tế, xã hội và môi trường sống ở sông Mekong với tốc độ chưa từng có trước đây bởi bất kỳ cường quốc bên ngoài nào. Nếu chất lượng của việc thay đổi khác đi, điều đó chỉ có thể được thực hiện bởi chính các đối tác Trung Quốc khi họ có trách nhiệm hơn và có ý thức hơn với các phẩm chất độc đáo của khu vực sông Mekong. Ngoài ra, các đối tác ở hạ nguồn có thể cùng nhau hợp tác tích cực với Trung Quốc để thực hiện tiến trình thay đổi. “Dòng sông tự nó không có thượng hay hạ Mekong. Cả hệ thống này là một. Không có phần thượng Mekong thì cũng không có vùng đồng bằng. Không có hoạt động dọc theo dòng sông, đi qua Lào, qua Thái Lan đến Campuchia thì sẽ không có sự đa dạng sinh học của dòng Mekong. Tôi thích so sánh dòng sông với cây. Thân cây không tự phát triển một mình. Nó phát triển từ tán, lá, rễ. Khi nghĩ về dòng Mekong, anh nên nghĩ nó giống như một cây xanh. Nếu nó chỉ là thân cây, thì dân ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia hay Việt Nam nghĩ rằng phần thuộc về họ là phần quan trọng nhất. Nhưng không phải vậy. Nếu người ta cắt rễ của cây, thân cây sẽ chết. Vì thế nếu chúng ta muốn bảo tồn dòng Mekong hùng vĩ này, chúng ta phải nhìn vào tất cả các phần của dòng sông vốn được kết nối thành một hệ thống”, nhà sinh thái học đồng bằng sông Cửu Long Dương Văn Ni nói với Brian Eyler trước chia tay anh như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của tính kết nối khi nhìn về sông Mekong mà còn là cách các quốc gia nên hướng về khi sử dụng nguồn tài nguyên chung của dòng sông. “Khi kết nối là điểm khởi đầu để suy nghĩ về cách để quản lý và bảo tồn hệ thống sông, các dòng chảy môi trường luôn là phần

26. Trang 171

quan trọng nhất trong bất kỳ cuộc thảo luận nào. Kết nối không chỉ là một cách nghĩ về dòng Mekong mà còn là một mô hình hiệu quả cao để suy nghĩ về việc bảo tồn bất kỳ các dòng sông lớn nhỏ nào của thế giới”, Brian Eyler kết thúc quyển sách bằng một dự đoán. “Nếu ngày hôm nay chúng ta - các quốc gia Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam - không xem dòng sông và cảnh quan xung quanh như một hệ thống kết nối và cùng nhau hành động để bảo tồn, ngày tàn của dòng Mekong hùng vĩ đã đến”. 

Trong phần đầu của quyển sách, Brian Eyler có một lưu ý rằng anh không thành kiến với Trung Quốc và thấu hiểu được thế lưỡng nan trong phát triển của Trung Quốc và 4 quốc gia hạ Mekong. “Nếu cuốn sách này chống lại điều gì thì đó chính là mô hình phát triển mà Trung Quốc đã sao chép của phương Tây. Mô hình này được xác lập bởi chủ nghĩa tư bản chú trọng đầu tư và tăng trưởng kinh tế vĩ mô, đánh đổi bằng thiệt hại trong việc bảo vệ các cộng đồng và đa dạng sinh học tự nhiên”, Brian Eyler viết. Một trong những cộng đồng mà Brian nhắc đến trong quyển sách chính là ngôi làng Nanpenzhong thuộc tộc người Akha, một sắc tộc từng được các nhà nhân chủng Trung Quốc thời Mao Trạch Đông xem là một trong những sắc tộc “nguyên thủy” và “lạc hậu” nhất Trung Quốc. Hơn 2 triệu người Akha sống trên cao ở vùng núi phía nam Vân Nam, đông Myanmar, vùng đồi núi phía bắc Thái Lan, Lào và Việt Nam. Nhà nhân chủng học Patricia Pelley cho biết theo quan điểm của dân đồng bằng châu Á “càng cao càng man rợ” và không ai sống ở nơi cao hơn người Akha. 

Người Akha sống bán du cư, liên tục di chuyển chỗ ở và đi xa về phía nam để tìm kiếm các nguồn thức ăn. Họ giống như nhiều nhóm sắc tộc Zomia chiếm giữ các sườn dốc ở vùng cao tây nam Trung Quốc và lục địa Trung Quốc, đốt nương phát rẫy để trồng trọt. Hầu hết dân đồng bằng cho rằng việc đốt nương phát rẫy không ngớt tạo ra những sườn núi khô cằn nhưng điều này không

27. Trang 172

có cơ sở thực tế. Canh tác đốt nương phát rẫy thường luân phiên sử dụng các mảnh đất cố định để trồng lúa, khoai hay các loại cây trồng tự cung tự cấp khác. Ở vùng quanh nơi ở cộng đồng, đất để trồng trọt được chọn theo độ màu mỡ, vị trí và độ dày thảm thực vật. Sườn đồi sau đó được dọn sạch cây và bụi rậm rồi đốt để tạo ra phân hữu cơ trước khi trồng trọt. Tùy vào chất lượng của đất trên đồi, nó có thể sử dụng trong thời gian khoảng từ 2 đến 10 năm trước khi mưa và các loại cây trồng lấy đi hết chất dinh dưỡng. Khi đã cạn kiệt chất dinh dưỡng, nương rẫy đó được để yên không trồng trọt trong khoảng 10 năm để phục hồi và quá trình đó sẽ được lặp lại trên sườn dốc bên cạnh. Cộng đồng càng nhỏ, số nương rẫy canh tác càng ít. 

Phần lớn những người chê trách mô hình “đốt nương làm rẫy” không nhận ra quá trình này chỉ chọn một số mảnh đất cố định, đồng thời những dải rừng rộng lớn bao quanh nơi trồng trọt được giữ nguyên và bảo vệ. Các nhà nghiên cứu cho rằng trồng trọt kiểu đốt nương phát rẫy là hoạt động cần thiết giúp dân vùng cao như người Akha duy trì một bản sắc độc đáo và tách biệt hẳn với cơ chế của nhà nước vùng xuôi. Trồng trọt phát nương đốt rẫy là một “đặc điểm ngăn trở nhà nước” mang lại dư dả lương thực và không để những người miền ngược như Akha bị đánh thuế như những thần dân của triều đình. Hơn nữa, phát rẫy đốt nương khi kết hợp với các nghi lễ trồng lúa theo lịch của người Akha, thúc đẩy việc tiếp cận cởi mở và bình đẳng đối với các nguồn tài nguyên cơ bản, sở hữu chung đất đai và các ranh giới mở là điều kiện vật chất tạo nên nền tảng chủ nghĩa bình quân của người Akha. 

Thu hoạch từ canh tác nương rẫy thường không đủ để duy trì đời sống, vì vậy những người sống ở vùng cao cũng cần phải vào các khu rừng xung quanh tìm trái cây, săn thú vật và các thứ khác như nấm và măng để thêm vào bữa ăn của họ. Duy trì sự cân bằng này giữa trồng trọt và săn tìm thức ăn có nghĩa rằng việc bảo vệ

28. Trang 173

rừng là điều tối quan trọng để tồn tại và theo truyền thống người Akha, điều đó được thực hiện thông qua việc tuân thủ nghiêm ngặt các điều cấm kỵ về văn hóa. Văn hóa người Akha mô tả các khu rừng ngoài làng là vùng đất của những linh hồn tự do rong ruổi và những con vật hoang dã mạnh mẽ do những linh hồn đó làm chủ. Người Akha chỉ có thể tiếp cận không gian đó để săn những loài thú hoang an toàn và có nhiều như lợn rừng, hươu và gấu. Chỉ thấy thôi, chưa nói đến chuyện giết, các động vật hoang dã quý hiếm như trâu rừng, báo hay tê giác, là người đó và gia đình anh ta sẽ gặp bất hạnh lớn. Tương tự, cây từ khu rừng cấm không bị đốn hạ vì chúng cũng có linh hồn chiếm hữu. Gỗ xây nhà và làm củi chỉ có thể được thu nhặt từ các rừng cộng đồng gần làng. Các khu rừng cộng đồng đóng vai trò lớp đệm giúp duy trì nguồn tài nguyên có thể sử dụng giữa làng và khu vực cấm bao quanh làng. 

Câu chuyện của tộc người Akha khiến tôi liên tưởng đến đời sống của người Ê đê được Anne de Hauteclocque-Howe đề cập trong quyển sách Người Ê đê - Một xã hội mẫu quyền.

Người Ê đê cư trú ở tỉnh Đắk Lắk - vùng đất được tưới tiêu bằng nhánh sông chính của dòng Srê Pok (một chi lưu của sông Mekong) và nhiều nhánh phụ của nó. Đời sống ở Đắk Lắk tuân theo nhịp điệu của việc canh tác lúa, vốn là nền tảng của lương thực. Nhịp điệu này phụ thuộc vào chế độ gió mùa và một năm gồm hai kỳ: một thời kỳ canh tác trùng với mùa mưa, từ tháng Năm đến tháng Mười một; và một thời kỳ trong đó các hoạt động nông nghiệp trở thành thứ yếu, dành ưu tiên cho các công việc thủ công, nhất là các hoạt động xã hội và tôn giáo, tương ứng với mùa khô. 

Người Ê đê là những người trồng trọt canh tác bán du cư. Phương thức canh tác chủ yếu là khai hoang một vạt rừng làm rẫy. Thân và cành sau khi đã được phơi nắng, được đốt đi. Những thứ còn sót lại sau lần đốt thứ nhất được cào và gom lại cho lần đốt thứ hai rồi chỗ tro đó được cào rải lần nữa. Vào những cơn mưa

29. Trang 174

đầu mùa cuối tháng Tư, người ta có thể gieo đủ loại lúa giống trộn chung với các hạt rau quả: bầu bí, đậu bắp, lạc, khoai lang, đôi khi là bông vải. Suốt thời kỳ tăng trưởng của lúa, rẫy được chăm sóc bằng việc làm cỏ liên tục. Rẫy được dọn như vậy có thể được canh tác từ ba đến sáu năm liên tiếp tùy theo vùng. Hai năm đầu người ta chỉ gieo các loại lúa được thu hoạch bằng cách suốt bằng tay gọi là mdiê diâo, lúa sớm như hdrô hoặc bla hay lúa trễ như… Sau đó người ta gieo trên một phần rẫy các loại lúa nửa nếp nửa tẻ gặt bằng liềm: kê, san. Những năm cuối cùng người ta chỉ gieo những giống gọi là mdiê hliê luôn đi cùng một ít nếp vốn cũng có nhiều chủng loại. Rẫy được bỏ hóa ngay sau khi năng suất trở nên quá kém. Để đền bù vào khoảng năng suất bị mất đi do đất cằn kiệt, rẫy được mở rộng hàng năm bằng cách khai hoang một khoảnh rừng hay bãi tranh kế cận. Như vậy, nơi trồng trọt cứ di chuyển hàng năm và quay lại mảnh đất cũ theo một chu kỳ từ 10 đến 20 năm sau khi đã đi khắp lãnh thổ của làng. 

Diện tích rẫy không phải bao giờ cũng tỷ lệ với số thành viên trong gia đình mà nó phải cung cấp. Ít khi một rẫy vượt qua hai hecta. Khi nào rẫy không còn cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ cả gia đình, người ta phải làm rẫy thứ hai. Do chế độ đổi công, thường có khi chỉ một cặp vợ chồng có thể canh tác cả một cái rẫy lớn bằng rẫy của một gia đình sáu người, đương nhiên họ phải đi làm lại cho các gia đình láng giềng đã đến giúp họ, nhưng số thóc sản xuất dư so với mức tiêu thụ của hai vợ chồng có thể được “bán” để lấy trâu bò, tiền hay của cải có giá trị như chum ché hoặc cồng chiêng… của một gia đình đông người không tự cung ứng nổi nhu cầu. 

Mỗi gia đình trong làng của người Ê đê sở hữu một số gia súc được nuôi vì mục đích nghi lễ hơn là kinh tế: voi, trâu, bò, lợn và gia cầm. Voi rừng được người Mnong bắt và thuần dưỡng và được người Ê đê mua lại để sử dụng. Voi thường là của cải của người giàu và là nguồn phục vụ vô giá trong việc chuyên chở vật liệu xây dựng

30. Trang 175

trong làng. Những người không có voi đến mượn nhà họ hàng hay thông gia giàu hơn và trước khi đem trả cúng cho con vật một quả trứng và một ché rượu. Voi là một sinh linh rất gần gũi với người Ê đê, nó có một tên riêng, có quyền hưởng ma chay chôn cất và người chủ mới thủ đắc nó phải tiến hành các lễ hiến sinh quan trọng và tuân thủ các điều kiêng cữ liên quan đến thực phẩm và một số cử chỉ mà về sau con vật có thể bắt chước. 

Trâu là con vật đại diện cho mùa màng nông nghiệp dù người Ê đê không canh tác lúa nước được tưới tiêu như người Mnong và Bih. Trâu thường được dùng để cúng hoặc trong một lễ hiến sinh mà gia chủ đã hứa với các Thần bảo mệnh của mình hoặc cúng mộ người chết trong gia đình hoặc có khi bên gia đình cô gái cúng cho mẹ hay chị em của chồng mình lúc trao hồi môn hay đính hôn hoặc cuối cùng khi cần thiết để cầu cho một người ốm trong gia đình giàu có khỏi bệnh. Người ta hiếm khi bán trâu - nếu không phải là trường hợp cần thiết - nhưng chúng có thể được nhượng làm của hồi môn cho hôn nhân của một cô gái hay trao đổi để lấy những vật có giá trị như ché, chiêng. 

Lợn, gà có rất nhiều cũng được nuôi để cúng. Nhà nào cũng có ít nhất vài con gà để dùng cho nhiều lễ hiến sinh và “thui gà” là một phần trong các nghi thức đón khách, khi ấy, chẳng cần cao lương mỹ vị gì khác, con gà là món hảo hạng trong bữa cơm dành cho vị khách mà người ta muốn tôn vinh. Cuối cùng, có thể nhắc đến một vài con dê hiếm hoi hay chó lúc cần kíp để cúng cho Y Briêng, Thần tai nạn. 

Môi trường thiên nhiên cung cấp cho người Ê đê những nguồn thực phẩm khá phong phú: các loại củ dại, măng, nấm, củ hủ, cây cọ, nhiều loại lá và quả khác nhau. Họ cũng săn bắn hay đặt bẫy nai, heo rừng, nhím, hoẵng, chuột, cầy, chim cộng thêm côn trùng, ấu trùng, cá tôm và cua nhỏ bắt được ở vô vàn dòng suối hay đầm ao.

31. Trang 176



Người Ê đê rất xem trọng thiên nhiên và đất đai của họ, họ tin rằng có sự tồn tại một thế giới siêu nhiên của các yang. Thiên nhiên và môi trường là lãnh địa của vô số yang. Các yang quan trọng nhất và được thừa nhận rộng rãi nhất là Thần nước, yang ea, và Thần lúa, yang mdiê, đối tượng của nhiều nghi lễ vào thời kỳ canh tác. Nếu mọi cây cối đều được thừa nhận là nơi trú ngụ của một yang mà họ phải làm lễ hiến sinh khi muốn đốn cây thì một số cây đặc biệt là nơi ở của một vị thần được cá nhân hóa, thông thường sau một giấc mộng, có khả năng can thiệp vào định mệnh con người và đôi khi phù hộ cho người được bảo trợ của mình sự giàu có, cũng như Thần ong và Thần mối được xem là Thần ác. Các đồ vật chế tạo, ngay sau khi hoàn tất, cũng được phong cho một yang, cho nên phải sử dụng chúng một cách đúng đắn: do

32. Trang 177

đó mới có Thần cầu thang nhà, Thần các cây cột, Thần chiếc ghế dài trong ngôi nhà chung, Thần nỏ, Thần chày và Thần cối, ngay cả một số ché cổ dù là những thứ ngoại nhập cũng được coi là m’yang. Các thần thuần túy độc ác là Y Briêng, được coi là gắn với mọi tai nạn và chết dữ và Aê Mdao chịu trách nhiệm các dịch bệnh. Họ là đối tượng của các lễ hiến sinh khá đặc biệt: dành cho Y Briêng người ta làm lễ hiến sinh khi giết một con chó hay dê và cúng ở cuối làng do sợ nguy cơ xâm phạm. Về phần Aê Mdao người ta chỉ cúng những gia súc trắng và nếu là cúng cho cả làng thì phải làm ngoài làng. 

Đất đai, lăn, theo tiếng Ê đê là một khái niệm đa nghĩa bao gồm cả đất và những gì nó được cấu thành, là đất nguyên liệu song cũng còn là một địa hình rõ rệt nơi các con suối, các đầm lầy, một số tảng đá, cây cối và bụi rậm đều có một cái tên và là nơi cư trú của một vị thần. Đất đai trong ý nghĩa đó cũng gồm cả sông suối cũng như thực vật bao phủ nó. 

Vị trí của làng được giới hạn và cô lập với bên ngoài bằng một hàng rào tre - đặc biệt quan trọng về mặt xã hội tôn giáo với tư cách là nơi trú ngụ của các Thần thổ địa của làng, các yang ala buôn có trách nhiệm về sự bình an và thịnh vượng của cộng đồng cư dân trong làng cũng như sức khỏe và sự an khang của mỗi cá nhân trong đó, đến mức một người đàn ông đã lấy vợ ở một làng khác với làng gốc của mình sẽ có thể phải trở về làng gốc của mình trong trường hợp đau ốm dai dẳng để được các thần ở đấy bảo bọc cho. Các thần này được tôn vinh bằng những cuộc rưới rượu được thực hiện ở hàng rào vào các lễ hiến sinh hàng năm cũng như các bến nước của làng. 

Cũng như Thần nước, yang ea, có bao nhiêu sông suối ao hồ thì tự cá biệt hóa mình thành bấy nhiêu vị thần. Sự cá biệt hóa được đẩy xa đến mức được gán cho cả một giới tính và một cấp độ quyền lực tương ứng, đất đai mà người ta tôn trọng và khi bị làm

33. Trang 178

ô uế hay xúc phạm thì người ta phải tạ lỗi. Đất đai của một thị tộc - người Ê đê theo chế độ hôn nhân thị tộc - và sự phì nhiêu của nó gắn liền trực tiếp với cách xử sự của những người mà nó nuôi sống, đặc biệt là cách xử sự của họ về quan niệm tính dục (những hành vi nghiêm trọng và gây nguy cơ cho sự phì nhiêu của đất trước hết là tội loạn luân trong nội bộ thị tộc hay giữa các thị tộc thông gian), một số động tác nhại lại các nghi lễ tang chế với một ý định xấu như chôn cơm nguội trong rẫy người khác hay đắp một nấm mộ giữa rẫy, cả hai hành động này đều làm ô uế đất, còn gây ra sự suy thoái đến mức hủy diệt dòng họ của người chủ sở hữu đám rẫy. 

Pô lăn là thuật ngữ người Ê đê dùng để chỉ người chủ sở hữu đất. Pô lăn chịu trách nhiệm về sự phì nhiêu và phồn vinh trên đất đai của mình, những thứ này tùy thuộc chủ yếu vào sự phong phú và phân bố đều của lượng mưa. Giữ gìn cho đất được màu mỡ đòi hỏi người pô lăn phải có kiến thức chính xác về biên giới lãnh địa của mình được hình thành bởi các điểm mốc thiên nhiên như suối, đầm, đá tảng, các bụi tre và ngay cả một vài cây cối nào đó, theo luật tục, pô lăn phải đi thăm khắp lượt 7 năm một lần. Chính kiến thức này làm nền tảng cho quyền sở hữu đất. 

Người Ê đê và Akha sống ở hai quốc gia khác nhau, lịch sử và ngôn ngữ của họ rõ ràng khác biệt nhưng khi nhìn vào văn hóa của họ, điều chúng ta dễ dàng nhận ra điểm chung chính là họ rất tôn trọng tự nhiên. Họ khai thác rừng nhưng không làm cho rừng kiệt quệ. Họ làm rẫy, trồng lúa nhưng họ không bao giờ để cho đất đai thoái hóa, bạc màu vì hóa chất. Việc thần thánh hóa từng gốc cây, con suối trong văn hóa của người Ê đê có thể dễ khiến người ta quy cho họ là những kẻ “mê tín dị đoan”, nhưng chính sự kính trọng họ dành cho thiên nhiên đã giúp cho đời sống của họ yên bình, đủ đầy và được thiên nhiên bảo bọc. 

Còn thêm một điểm chung giữa làng Nanpenzhong (Vân Nam, Trung Quốc) và những ngôi làng của người Ê đê sống ở Đắk

34. Trang 179

Lắk (Tây Nguyên, Việt Nam) chính là quy mô dân số nhỏ và đời sống tự cấp tự túc của làng. Làng có thể sản xuất mọi thứ thiết yếu cho nhu cầu của dân làng, vì vậy có rất ít tiền mặt được lưu thông do hàng hóa thường được mua về bằng hình thức trao đổi. Chính vì sống trong một quần thể có quy mô nhỏ con người không có nhiều nhu cầu lớn để gây áp lực lên đất đai dẫn đến những tổn thất môi trường nghiêm trọng. Sống hòa hợp và tôn trọng với thiên nhiên cũng là một trong những đặc điểm khiến những người bản địa như người Akha, Ê đê rất phù hợp với Half Earth - một chiến lược đề xuất để ngăn chặn sự tuyệt chủng loài hàng loạt đang xảy ra trên toàn cầu. 

Half Earth hay Nature Needs Half (Thiên nhiên cần một nửa) là sáng kiến của nhà sinh vật học Edward O Wilson đưa ra trong quyển sách Một nửa trái đất - Cuộc chiến giành sự sống của hành tinh chúng ta (Half Earth - Our planet’s Fight for Life) xuất bản năm 2006. Wilson lập luận rằng đã có 5 đợt đại tuyệt chủng trong lịch sử địa chất quá khứ, đợt gần đây nhất là cách đây 65 triệu năm. Đỉnh cao của đa dạng sinh học có thể trùng với thời điểm con người hiện đại rời châu Phi và lan rộng ra toàn cầu 60.000 năm trước. “Khi con người đi đến đâu các loài khác chùn bước rồi biến mất từ từ và giờ đây tốc độ các loài biến mất nhanh đến nỗi tôi e rằng sắp có một sự “thảm sát sinh học” xảy ra, một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu, một sự kiện không phải do một trận đại hồng thủy nào đó mà do chính loài người gây ra”, Wilson nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí National Geographic. 

Hãy nhìn lại 5 cuộc tuyệt chủng của trái đất mà Wilson đang nhắc đến. Lần tuyệt chủng đầu tiên Ordovic - Silurian xảy ra cách đây 444 triệu năm. Vào thời điểm này, thế giới là một nơi rất khác so với ngày nay, hầu hết các lục địa kề sát nhau thành một siêu lục địa duy nhất có tên Gondwana. Các nhà khoa học cho rằng sự hạ nhiệt toàn cầu có thể bắt đầu bởi sự trỗi dậy của dãy núi Appalachian ở

35. Trang 180

Bắc Mỹ, từ đó hút carbon dioxide khỏi bầu khí quyển, làm lạnh hành tinh và dẫn đến mực nước biển giảm hàng chục mét. Sự biến đổi khí hậu này đã xóa sổ 85% sự sống trên toàn trái đất. 

Cuộc tuyệt chủng thứ hai diễn ra cuối kỷ Devon, cách đây 383 - 359 triệu năm trước, một loạt các xung đột đến nồng độ oxy trong đại dương giảm mạnh và cuối cùng khiến 75% các loài trên trái đất biến mất trong khoảng thời gian 20 triệu năm. Có khá nhiều giả thuyết liên quan đến sự tuyệt chủng này. Một khu vực đá núi lửa lớn ngày này gọi là “Bẫy Siberia” đã phun trào ra 380.000 mét khối dung nham và giải phóng khí sulfur dioxide vào khí quyển, gây ra mưa acid có thể đã dẫn đến cuộc tuyệt chủng. Thực vật quá phát triển cũng có thể góp phần. Các nhà khoa học cho rằng khi các loài thực vật trở nên lớn hơn, rễ chúng sâu hơn và làm tăng tốc độ phong hóa đá. Quá trình này làm cho các dinh dưỡng dư thừa chảy từ đất liền vào đại dương nhiều hơn, gây ra sự phát triển của tảo nhưng cũng dẫn đến sự hình thành vùng chết trong nước của trái đất vì khi tảo chết đi, nó sẽ lấy đi oxy từ các đại dương. Không chỉ thực vật bị bệnh mà sự lan rộng của cây cối cũng sẽ hút carbon dioxide ra khỏi bầu khí quyển và điều này có thể gây ra hiện tượng nguội lạnh toàn cầu. 

Một vụ phun trào núi lửa lớn giải phóng các chất hóa học đã tước bỏ tầng ozon của trái đất, khiến các sinh vật sống tiếp xúc trực tiếp với bức xạ chết chóc của mặt trời, được cho là đã gây ra cuộc tuyệt chủng thứ ba - cuộc tuyệt chủng kỷ Permi - Trias xảy ra vào 252 triệu năm trước. Đây là sự kiện lớn nhất mà trái đất phải đối mặt, 97% các loài (để lại hóa thạch) đã biến mất vĩnh viễn. Tất cả sự sống trên trái đất ngày nay chỉ là (có) nguồn gốc của khoảng 10% động vật, thực vật và vi sinh vật sống sót sau cuộc đại tuyệt chủng kỷ Permi. 

Sau khi hồi phục từ cuộc “đại diệt vong”, sự sống một lần nữa tiếp tục phát triển và đa dạng hóa nhưng lại hứng chịu một bước

36. Trang 181

lùi khác vào khoảng 201 triệu năm trước vào thời điểm cuộc tuyệt chủng hàng loạt thứ 4 xảy ra vào cuối kỷ Trias. Một vụ phun trào quy mô lớn ở mảng Magma Trung Đại Tây Dương đã dẫn đến quá trình acid hóa đại dương, khiến nhiệt độ trái đất tăng lên và 80% các loài sinh vật biển và đất liền bị xóa sổ. 

Vào khoảng 66 triệu năm trước, tiểu hành tinh Chicxulub rộng khoảng 12km đã đâm vào trái đất ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Yucatan của Mexico ngày nay với vận tốc ước tính 70.000 km/h gây ra cuộc tuyệt chủng kỷ Phấn trắng - Paleogen. Vụ va chạm này không chỉ để lại một miệng núi lửa rộng lớn hơn 190km mà còn gây ra một trận sóng thần khổng lồ và đốt cháy mọi cánh rừng trên bất kỳ vùng đất nào trong vòng gần 1.500km sau vụ va chạm. Bụi và các mảnh rác phun ra bầu khí quyển dẫn đến sự nguội lạnh toàn cầu, khiến các hệ sinh thái gần như sụp đổ ngay lập tức, 76% số loài sinh vật trên thế giới, bao gồm loài khủng long, đã bị xóa sổ. 

Giờ đây, trái đất có thể đang đối diện với một đợt tuyệt chủng thứ sáu, nhưng không giống các sự kiện tuyệt chủng trước đây do các hiện tượng tự nhiên gây ra, lần đại tuyệt chủng này được các nhà khoa học quy cho hoạt động của con người. Trong 500 triệu năm qua đã có 5 lần các loài bị tuyệt chủng hàng loạt với tỷ lệ từ 75 - 90% loài. Tuy nhiên một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong quá khứ thường kéo dài khoảng 2.8 triệu năm. Trong khi đó, số lượng loài và tốc độ loài tuyệt chủng hiện nay diễn biến rất bất thường. Dữ liệu thu thập được trong báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho thấy có hơn 400 loài động vật có xương sống đã tuyệt chủng trong 100 năm qua, một con số có thể mất khoảng 10.000 năm mới đạt được theo quá trình tiến hóa thông thường. Điều này gợi ra một cuộc tuyệt chủng hàng loạt sắp xảy ra trong tương lai gần, có thể gây ra hậu quả thảm khốc với hệ sinh thái tự nhiên. Phân tích của IUCN cho thấy 388 loài động vật có xương sống trên cạn có số lượng dưới 5000 và 84% trong số này chủ yếu được tìm thấy ở các vùng có số lượng dưới 1.000.

37. Trang 182



Sự tuyệt chủng của các loài là một cảnh báo nguy cơ cho môi trường của trái đất và con người bởi vì các loài không tồn tại biệt lập mà có kết nối với nhau. Một loài đơn lẻ tương tác với nhiều loài khác theo những cách cụ thể mang lại lợi ích cho con người, như không khí sạch, nước sạch và đất lành để sản xuất lương thực hiệu quả. Khi một loài tuyệt chủng trong hệ sinh thái hoặc số lượng quần thể của chúng suy giảm đáng kể đến mức không thể duy trì chức năng quan trọng của mình, các loài khác sẽ bị ảnh hưởng, tác động đến cách thức hoạt động của hệ sinh thái và những lợi ích mà hệ sinh thái mang lại. Sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng các loài là một dấu hiệu cho thấy hệ sinh thái đang bị phá vỡ, cảnh báo về một sự cố hệ thống lớn hơn. 

Đứng trước nguy cơ nhân loại bước vào cuộc tuyệt chủng thứ 6, Wilson đề xuất một giải pháp táo bạo: dành một nửa hành tinh

38. Trang 183

(Half Earth) để bảo tồn 10 triệu loài sinh vật sống ở đất liền và biển cả, và khi làm như vậy chúng ta sẽ cứu được 80 - 90% tất cả các loài. “Hãy bắt đầu với đại dương. Hiện tại, 3% đại dương đã được dành cho các khu bảo tồn. Trữ lượng thường nằm dọc theo bờ biển của các quốc gia ven biển và chúng tôi muốn con số đó lên đến 50%. Điều đó dường như không thể. Nhưng hai nghiên cứu độc lập của các chuyên gia về sinh vật biển cho thấy rằng nếu chúng ta có thể dành toàn bộ vùng nước xanh bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển và cấm đánh bắt cá trên khắp vùng biển mở, chúng ta thực sự sẽ tăng chứ không giảm tăng trưởng toàn cầu của thủy sản. Sẽ có nhiều nghề cá phong phú hơn và tăng trưởng nhanh hơn ở các khu vực đánh bắt ven biển”, Wilson phân tích ý tưởng của ông. Theo Wilshon, sự thiếu hiểu biết về đa dạng sinh học là một tai tiếng lớn trong ngành khoa học sinh học và ước tính có khoảng 80% các loài sinh vật trên trái đất vẫn chưa được khám phá. Cùng với ý tưởng Half Earth, Wilson và các cộng sự đang tiến hành thành lập các bản đồ đa dạng sinh học trên trái đất để phát hiện và bảo vệ những khu vực bảo tồn đa dạng sinh học cao nhất ở mức quốc tế và quốc gia. 

Ý tưởng táo bạo của Wilson nhận được nhiều sự ủng hộ cũng như chỉ trích. Nghị viện châu Âu năm 2019 đã thông qua nghị quyết bảo vệ 50% hệ sinh thái của Liên minh châu Âu vào năm 2050. Half Earth cũng được Ủy ban EAT - Lancet đưa vào giải pháp hành động để hiện thực hóa cuộc vận động chuyển đổi lương thực toàn cầu. Trong khi đó ở phía bên kia, các nhà phê bình phản đối vì cho rằng sáng kiến này sẽ mang lại khó khăn cho những người sống gần các khu bảo tồn và khó khả thi với nền kinh tế tăng trưởng là động cơ chính của sự tàn phá sinh thái toàn cầu. Thay vì bảo vệ thiên nhiên quy mô lớn, các nhà phê bình cho rằng nhân loại phải quản lý và phân bổ thế giới tự nhiên để phục vụ tất cả mọi người một cách công bằng như ý kiến của Bram Büscher “Chúng tôi thúc đẩy các chương trình phối hợp, rộng rãi về quy định và phân

39. Trang 184

phối lại để cân bằng việc sử dụng và kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên còn lại […] Đề xuất của chúng tôi là tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu đồng thời được quản lý trong các nền kinh tế địa phương hoặc vùng sinh học tập trung vào công bằng sinh thái xã hội”. Những người ủng hộ Wilson có lý lẽ của riêng họ. 16 nhà khoa học ở Mỹ và châu Âu đã cùng nhau thực hiện một bài báo có tên Bảo vệ nửa hành tinh và chuyển đổi hệ thống con người là những mục tiêu bổ sung (Protecting Half the Planet and Transforming Human Systems Are Complementary Goals) để bổ sung cho ý tưởng ban đầu của Wilson. 

Đồng quan điểm với Wilson, các nhà khoa học cho rằng trước tình hình xấu đi của trái đất, loài người cần có hành động táo bạo. “Chúng tôi đề xuất hành động quốc tế kết hợp các nỗ lực trên hai mặt: bảo tồn thiên nhiên quy mô lớn và giảm quy mô các hệ thống kinh tế, nhân khẩu học và sản xuất lương thực của con người. Chúng tôi lập luận rằng cách tiếp cận kết hợp này có thể ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt đang diễn ra, ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Phương pháp tiếp cận theo hai hướng mà chúng tôi ủng hộ cũng vạch ra một lộ trình hướng tới việc xác định lại mối quan hệ của nhân loại với trái đất theo cách hỗ trợ công lý cho cả con người và những sinh vật không phải con người”. Bài báo dẫn thông tin hiện nay khoảng 15% bề mặt trái đất và chỉ hơn 5% đại dương toàn cầu được bảo vệ với các chỉ định từ bảo vệ nghiêm ngặt đến sử dụng bền vững, nhưng mức bảo vệ này không đủ để duy trì một hành tinh giàu đa dạng sinh học hay ngăn chặn các thảm họa dự đoán trước. “Bất chấp việc mở rộng các khu bảo tồn trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ tuyệt chủng cao vẫn tồn tại. Tuy nhiên sự xói mòn đối với đa dạng sinh học trái đất không chứng tỏ các biện pháp bảo tồn là không hiệu quả, vì nếu không có mức độ bảo vệ hiện tại, tổn thất sinh thái sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Chúng ta có thể rút ra hai kết luận từ sự suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra: (1) Nền tảng

40. Trang 185

Half Earth đang hướng chúng ta đến quy mô bảo vệ cần thiết và hiệu quả hơn nữa và (2) Các hệ thống của con người phải được thu nhỏ và chuyển đổi để đảo ngược áp lực gia tăng các nhu cầu của con người và sản lượng chất thải để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn đa dạng sinh học”. 

Các nhà khoa học cho rằng tầm nhìn của Nature Needs Half là táo bạo nhưng không quá xa vời. Theo họ, tất cả các lục địa đều có những khu vực rộng lớn vẫn còn xa nền văn minh và phần lớn nằm dưới lớp đất tự nhiên. Hầu hết các sinh cảnh rừng Taiga và lãnh nguyên ở Bắc Mỹ, Âu-Á cũng như nhiều sinh cảnh rừng nhiệt đới Nam Mỹ, Trung Phi và Đông Nam Á vẫn chưa có đường sá. Nhiều khu vực trong số này đang bị tấn công từ các ngành công nghiệp khai thác nhưng vẫn chưa quá muộn để bảo tồn phần lớn các khu vực. Một số quốc gia, như Canada và Hoa Kỳ, có hàng trăm triệu hecta đất thuộc sở hữu của chính phủ và bộ lạc có thể được bảo vệ. “Điều quan trọng không kém nếu chúng ta muốn ngăn chặn cuộc khủng hoảng tuyệt chủng là bảo vệ và kết nối các khu vực sinh sống nhỏ hơn nằm trong các cảnh quan do con người thống trị. Chính ở những khu vực như vậy, phần lớn đa dạng sinh học thường tập trung và là nơi có nguy cơ tuyệt chủng. Những địa điểm nhỏ hơn này vẫn giữ được mức độ hoang dã khác nhau, cung cấp nơi trú ẩn cho cuộc sống bị đe dọa và giúp nuôi dưỡng hạnh phúc của con người”. 

Đáp lại các lời chỉ trích về việc việc bảo tồn nửa hành tinh sẽ gây khó khăn cho những người sống gần khu bảo tồn, các nhà khoa học bảo vệ sáng kiến Half Earth cho rằng việc bảo tồn phải hợp tác với cộng đồng bản địa và địa phương gần các khu bảo tồn. Chính những người bản địa là những người bảo vệ quyền trái đất mạnh mẽ nhất và hơn một phần ba diện tích tự nhiên còn lại là đất của người bản địa. “Các sáng kiến bảo tồn phải tôn trọng kiến thức bản địa về đất đai và cộng tác với các cộng đồng lân cận để đảm bảo họ hưởng lợi từ các hoạt động bảo tồn”.

41. Trang 186

Tuy nhiên để Nature Needs Half khả thi hơn, các nhà khoa học cho rằng cần bổ sung thêm hệ thống con người vẫn còn thiếu trong phần lớn tài liệu về Nature Needs Half. Họ cho rằng bên cạnh việc mở rộng bảo vệ thiên nhiên, loài người cũng cần giảm quy mô và trang bị lại đời sống kinh tế, giảm dần dân số toàn cầu và chuyển đổi hệ thống lương thực. Giảm quy mô doanh nghiệp con người sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn quy mô lớn bằng cách giảm bớt nhu cầu của con người đối với thiên nhiên và giảm lượng chất thải. Những thay đổi được đề xuất cho đời sống kinh tế bền vững bao gồm rút ngắn tuần làm việc, giảm thương mại toàn cầu, thúc đẩy nền kinh tế địa phương, giảm sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật, sản xuất hàng hóa bền vững và có thể tái chế, đồng thời tạo ra văn hóa sửa chữa, tái sử dụng vật chất. Các quốc gia giàu có cũng cần dẫn đầu quá trình chuyển đổi khỏi các nền kinh tế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ thế giới đang phát triển bằng cách chuyển giao năng lượng tái tạo, xóa nợ và đầu tư tài trợ vào các điều kiện sống khả thi, chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình và giáo dục cho tất cả mọi người. “Những chuyển đổi kinh tế như vậy chắc chắn sẽ là một thách thức, nhưng những lợi ích của một hành tinh sống và sự bình đẳng hơn của con người sẽ vượt xa cái giá phải trả”, bài báo viết. 

Half Earth đề xuất một sự thay đổi sâu sắc trong thực hành bảo tồn. Bảo tồn sẽ không còn là duy trì sự chắp vá của các khu vực tự nhiên hoặc “các hòn đảo” trong hành tinh do con người thống trị, một cách tiếp cận không ngăn chặn sự tuyệt chủng. Thay vào đó, thiên nhiên được bảo vệ trên quy mô lớn sẽ chi phối các hệ thống của trái đất với một hệ thống nhân loại giảm thiểu được biến đổi thành một hệ thống con bền vững. Do đó, việc lựa chọn bảo vệ và khôi phục một nửa hành tinh xác định một bối cảnh mới cho cuộc sống của con người. “Nói một cách ngắn gọn, chúng ta có thể bảo tồn tất cả và chỉ định các khu vực “sử dụng” thay vì ngược lại”.

42. Trang 187

Cuối cùng là vấn đề đạo đức. Các nhà khoa học ủng hộ Wilsson cho rằng những lời phê bình hướng tới việc biến tài nguyên thiên nhiên thành một loại hàng hóa công cộng toàn cầu thể hiện sự ích kỷ của con người trong bối cảnh nhân loại đã đạt được những tiến bộ về đạo đức. “Trong quá trình lịch sử, loài người chúng ta đã dần dần mở rộng cộng đồng đạo đức, đầu tiên là từ những nhóm nhỏ người và cuối cùng về lý thuyết ít nhất là cho tất cả mọi người khi Liên hợp quốc khẳng định Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948. Kể từ đó, chúng ta đã và đang nỗ lực mở rộng quan niệm về tính người và quyền đối với các sinh vật không phải con người, thậm chí cả các thực thể tự nhiên như sông, núi và toàn bộ hệ sinh thái và đôi khi những nỗ lực này đã thành công. Triết lý ngày càng có ảnh hưởng của Luật học Trái đất ủng hộ sự biến đổi sâu sắc của các hệ thống luật pháp và quản trị trên cơ sở rằng con người là một loài của một cộng đồng rộng lớn hơn và hạnh phúc của tất cả loài phụ thuộc vào hạnh phúc của trái đất nói chung. Các từ khóa ngày nay thúc đẩy nhân loại hướng tới việc mở rộng vòng tròn đạo đức - bao gồm công lý, quyền tự nhiên, tái tạo, khu dân cư sinh thái, Luật học Trái đất và các khu bảo tồn bản địa - phản ánh sự phù hợp về ý thức đang nổi lên với tất cả cư dân trái đất. Nature Needs Half mang đến một viễn cảnh xã hội sinh thái vừa thực dụng vừa có tầm nhìn xa. Bảo vệ một nửa trong số tất cả các hệ sinh thái là rất quan trọng để ngăn chặn các thảm họa sinh thái và thảm họa xã hội. Đồng thời, quy mô bảo vệ như vậy sẽ tái tạo mối quan hệ của chúng ta với thế giới phi con người trên cơ sở tôn trọng và chung sống bình đẳng”. 

*** 

Nền tảng của Half Earth chính là duy trì sự đa dạng sinh học trong bầu sinh quyển và rõ ràng tự nhiên luôn ưu tiên sự đa dạng. Hãy quay trở lại câu chuyện hàng triệu người dân Ireland đã phải di cư vì “nạn đói khoai tây” tôi đã kể trong Chương 4. Jack Weatherford trong quyển Những món quà của người da đỏ nhận

43. Trang 188

định khoai tây là một món quà đặc biệt mà người nông dân da đỏ ở Andes đã trao tặng các quốc gia phương Tây, cứu các nước này khỏi nạn đói triền miên và sự sụt giảm dân số trong hàng thập kỷ. Tuy nhiên, khi “món quà” này đến châu Âu, những người phương Tây chỉ mới học được một nửa bài học sử dụng nó. “Nếu như người Ireland chịu tuân theo kỹ thuật của người da đỏ trồng nhiều loại khoai tây khác nhau thay vì chỉ vài loại giống, cuộc sống của họ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến mức phải rời bỏ quê hương như vậy”, Jack Weatherford bình luận. 

Là một quyển sách hiếm hoi khai thác cuộc sống và di sản của người bản địa châu Mỹ, Những món quà của người da đỏ kể về hàng loạt những thành tựu của người da đỏ trong nông nghiệp, ẩm thực, y học, tổ chức chính phủ, kiến trúc và quy hoạch đô thị… đã được các cường quốc phương Tây vay mượn rồi chiếm đoạt. Khoai tây cùng nhiều loài cây lương thực phổ biến khác như bắp, khoai lang, khoai mì xuất hiện trong chương sách Jack Waetherford đề cập đến công nghệ trong nông nghiệp của người da đỏ. Hệ thống nông nghiệp truyền thống của Bắc và Trung Mỹ tập trung vào cánh đồng nhỏ gọi là milpa, không canh tác bằng cách hay trồng thành hàng gọn gàng. Người nông dân da đỏ đã làm một cánh đồng gồm những ụ đất nhỏ trên đó để trồng bắp. Trái với các luống cày, ụ đất nhỏ mất ít đất hơn để thoát nước mưa và do đó giúp ổn định đất. Người ta dễ dàng nhìn thấy những nguyên tắc này được đưa vào thực hành ở nhiều khu nông trại của người Maya tại Yucatan ngày nay. Nông trại không giống những gì chúng ta có thể hình dung mà trông giống như một khu vực bị bỏ hoang sau vụ cháy rừng. Cánh đồng trông như một vệt mực chảy qua vùng đất. Những thân cây và gốc cây bị cháy nham nhở nổi bật giữa lớp đất cháy đen, cây bắp, bí và nhiều loại đậu khác nhau dường như đang mọc lên một cách ngẫu nhiên. Chỉ sau khi trò chuyện với người nông dân, người ta mới thấy được kế hoạch phức tạp đang thực

44. Trang 189

hiện trên cánh đồng này. Những chiếc lá rộng bản của cây bắp chắc khỏe sẽ che cho những cây đậu mỏng manh khỏi ánh mặt trời gay gắt và thân bắp mạnh mẽ sẽ là những cây cọc sống để đậu và những dây bí quấn lên. Những dây bí uốn lượn khắp mặt đất giữa những cây bắp và cây đậu, cung cấp lớp phủ rất tốt cho đất, nhờ đó đảm bảo thu được tối đa lượng mưa và hạn chế thấp nhất sự xói mòn đất do gió hoặc nước gây ra. Đồng thời, những chiếc lá rộng và dây leo dài của cây bí che phủ mặt đất hiệu quả đến mức chúng còn ngăn chặn những loại cây không mong đợi mọc lên, điều này giúp giảm bớt nhu cầu giẫy cỏ. Những cây đậu giúp cố định lượng nitơ trong đất giúp bắp và bí phát triển. 

Các nhà khoa học ngày nay đã phát hiện sự kết hợp của bắp, bí và đậu trong phương pháp canh tác milpa đã giúp hạn chế động vật ăn cỏ hay sự phá hoại cây cối của côn trùng và các loài gây hại khác. Những loài cây này thu hút côn trùng săn mồi làm mồi cho các loài gây hại, điều này hạn chế thất thoát bắp mà không cần sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Các loại cây thoạt nhìn cứ tưởng là cỏ dại mọc quanh rìa vườn cũng thu hút các loài gây hại tránh xa cây trồng. Các nghiên cứu khoa học ở Mexico hiện đại đã chỉ ra rằng phương pháp xen canh truyền thống này đã giúp tăng năng suất đến 50% so với độc canh. 

Một trong những cải tiến khác mà những người định cư châu Âu học hỏi từ người da đỏ: đó là việc chuyển từ gieo hạt giống sang trồng từng hạt. Hầu hết các loại ngũ cốc truyền thống ở Cựu thế giới đều có hạt rất nhỏ và nông dân trồng bằng cách tung từng nắm hạt lên đất đã cày xới sẵn. Nhưng người nông dân châu Mỹ biết rằng bắp chỉ có thể trồng bằng cách đặt từng hạt cố định vào trong đất. Người da đỏ chọn từng hạt giống để trồng thay vì bốc đại một nắm hạt ngẫu nhiên trong một cái túi và vãi tung ra. Quá trình chọn lọc hạt giống này cho phép người da đỏ phát triển hàng trăm giống của mỗi loại cây mà họ trồng. Trong khi các loại ngũ

45. Trang 190

cốc ở Cựu thế giới chỉ có một vài dạng thì người da đỏ có nhiều dạng bắp: bắp lõm, bắp ngọt, bắp nổ, bắp đá và hàng trăm loại khác nữa. Chúng có nhiều màu, từ vàng và đỏ đến xanh và tím. Một số chỉ cần 60 ngày là chín, một số giống khác thì phải mất vài tháng. Một số giống mọc ở những khu vực rất ẩm như Florida còn những giống khác lại mọc ở sa mạc phía tây nam Hoa Kỳ. Bắp có thể mọc trên dãy Andes cũng như ở các đồng bằng ven biển, từ Canada xuống đến tận Nam Mỹ. 

Người da đỏ sống ở dãy Andes cũng đánh giá cao sự đa dạng cây trồng. Họ tìm cách phát triển những dạng khác nhau của một loại cây trong mọi điều kiện đất đai, ánh sáng mặt trời và độ ẩm. Họ muốn khoai tây có nhiều kích cỡ, cấu tạo và màu sắc khác nhau, từ vàng và trắng cho đến tím, đỏ, cam và nâu. Một số có vị ngọt và một số lại đắng đến mức mọi người không ăn nổi, nhưng có thể làm thức ăn cho gia súc. Họ tìm kiếm sự đa dạng này không chỉ đơn thuần để thỏa mãn thẩm mỹ mà vì lý do thiết thực là những biến thể ngoại hình khoai tây cũng đồng nghĩa với sự biến đổi ở các đặc tính khác, khó thấy hơn. Có giống khoai tây chín nhanh, có giống chín chậm, một điều rất quan trọng ở quốc gia mà mùa sinh trưởng biến đổi lớn theo độ cao. Có giống khoai tây cần rất nhiều nước, có giống lại không cần nhiều, giúp cho chúng thích nghi hơn với những cơn mưa biến thiên lớn ở các thung lũng khác nhau. Có giống khoai tây dễ dàng trữ kho trong thời gian dài, có giống lại là thức ăn rất tốt cho gia súc. Người da đỏ ở Andes đã trồng khoai tây trên các sườn núi và trong các thung lũng của họ ít nhất trong 4.000 năm qua. Vào thời điểm bị người Tây Ban Nha xâm lược, nông dân Andes đã tạo ra được khoảng 3.000 loại khoai tây khác nhau. Thật ngược đời hiện nay ở Bắc Mỹ chỉ trồng được khoảng 250 loại, trong đó chưa đến 20 loại chiếm tới 3/4 tổng sản lượng khoai tây ở Hoa Kỳ ngày nay. 

Ngày nay cuộc thử nghiệm nông nghiệp của người da đỏ Andes vẫn đang tiếp tục tại Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP) nằm ở

46. Trang 191

ngoại ô Lima, Peru. Được thành lập vào năm 1971 với sự tài trợ bởi nhiều cơ quan quốc tế khác nhau, CIP đóng vai trò như một ngân hàng lưu trữ quỹ gen cho khoảng 10.000 giống khoai tây thuần hóa và hoang dã được tìm thấy ở Andes. Khoai tây được trồng ở trung tâm giống như những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp của Machu Picchu - một thị trấn được người Inca xây dựng vào khoảng thế kỷ 15 nay trở thành một di tích nằm bên sườn Cordillera đông của dãy Andes miền nam Peru. Trong những chiếc thùng đặt quanh những luống khoai, người ta nhìn thấy những củ khoai tây màu vàng, đỏ, tím, trắng, xanh dương, xanh lá cây, đen và nâu. Một số có hình tròn hoặc hình bầu dục, số khác có hình như cái sừng hoặc hình quả bí. Nhưng dù đẹp hay xấu thế nào thì các củ khoai tây ở đây đều được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận vì “kho báu” mà nó có thể dành tặng cho thế giới trong tương lai. 

Khi chứng kiến công nghệ trồng khoai tây và bắp của người da đỏ châu Mỹ cổ xưa, các nhà khoa học hiện đại có lẽ sẽ cảm thấy nhọc nhằn vì quá trình quan sát các biến dạng di truyền phải dài đến hàng thế kỷ. Bộ giống khổng lồ người da đỏ sở hữu có lẽ đã được tích lũy chỉ đơn giản bằng phương pháp quan sát, thử sai trong nhiều thế hệ. Sự tiến bộ của di truyền học và công nghệ sinh học ngày nay cho phép các nhà khoa học có thể kiểm tra nhanh kiểu gen, kiểu hình của từng giống cây chỉ trong vòng vài ngày, vài tháng. Nhưng có lẽ vì đạt được mục tiêu quá nhanh, các nhà khoa học và nông dân hiện đại có xu hướng kiểm soát sự tiến hóa của cây trồng theo hướng có lợi (trong thời gian ngắn hạn) cho mục đích sử dụng của con người. Cách người nông dân trồng khoai tây ở châu Âu thế kỷ 18 hay lúa mì ở Ấn Độ trong Cách mạng Xanh không khác gì một áp lực “cưỡng bức chọn lọc” của con người trên một vài phẩm chất vượt trội của cây trồng dẫn đến sự gia tăng đột ngột của một vài loài giống trước hàng nghìn biến dị đa dạng trong tự nhiên. Rốt cuộc thì khi con người xuất hiện ở vương quốc thực

47. Trang 192

vật, họ cũng áp dụng tư duy chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ, thế giới Nga, giấc mơ Trung Hoa hay chủ nghĩa chủng tộc Ayran để nâng cao vị thế thống trị của một vài loài (giống) cây trồng mà họ ưa thích. Nếu lúa mì năng suất cao có lợi cho nạn đói trước mắt, họ sẽ ra lệnh trồng nó khắp vương quốc. Nếu họ yêu thích màu vàng, khoai tây đỏ, xanh, tím sẽ phải biến mất, nhường ngôi vị bá chủ vùng đất cho khoai tây vàng. Hệ quả của sự độc canh, như đã trình bày trong Chương 4, là thảm khốc. Đất đai thoái hóa, cây cối bị nhiễm bệnh và chỉ cần một trận dịch bệnh do các loài thiên địch gây hại cũng có thể tàn phá mùa màng chỉ trong nháy mắt. 

Chính sự đa dạng sinh học đã giúp các loài động thực vật lưu trữ nguồn gen đề kháng với mọi biến động, nếu có, của môi trường. Quy luật này cũng đúng với xã hội loài người. Sự trỗi dậy và suy tàn của nền văn minh Thung lũng Indus vào giữa thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên là một câu chuyện sống động minh chứng sự đa dạng sinh thái đã giúp con người thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào. 

Nền văn minh Thung lũng Indus, hay nền văn minh Harappa, xuất hiện trên tiểu lục địa Ấn Độ cách đây gần 5.000 năm cùng thời với các nền văn minh Ai Cập và Lưỡng Hà. Với diện tích khoảng 1 triệu kilomet vuông (386.000 dặm vuông) và trải dài khắp tây bắc Ấn Độ, Pakistan và một số vùng của Afghanistan, Harappa được cho là nền văn minh có phạm vi địa lý lớn nhất Cựu thế giới. Nền văn minh Thung lũng Indus phát triển theo ba giai đoạn: giai đoạn đầu chủ yếu là nông nghiệp, tập trung vào các làng mạc, giai đoạn giữa đặc trưng bởi sự phát triển của đô thị và các khu định cư, giai đoạn cuối cùng là khi các thành phố bị bỏ hoang, người dân di cư trở về nông thôn, thành lập những cộng đồng nông nghiệp ở chân núi Himalaya và phần phía tây của lưu vực sông Hằng. 

Giai đoạn đô thị của Nền văn minh Thung lũng Indus còn được đặt tên là thời kỳ Harappa trưởng thành - là một trong những trường

48. Trang 193

hợp đô thị định cư sớm nhất trên toàn thế giới. Đến năm 2600 TCN, các cộng đồng nhỏ Harappa sơ khai đã trở thành các trung tâm đô thị lớn. Các thành phố này bao gồm Harappa, Ganeriwala và Mohenjo-Daro ở Pakistan ngày nay, và Dholavira, Kalibangan, Rakhigarhi, Rupar và Lothal ở Ấn Độ ngày nay. Tổng cộng có hơn 1.052 thành phố và khu định cư đã được tìm thấy sau các cuộc khai quật khảo cổ, chủ yếu ở khu vực chung của sông Indus và các phụ lưu của nó. Các thành phố thuộc nền văn minh Harappa đặc trưng bởi quy hoạch đô thị phức tạp bao gồm hệ thống kiểm soát nước và các khu dân cư tập trung vào lưới điện, với các con đường và ngõ hẻm được bố trí theo các hướng chính. Nhiều con đường rộng rãi được lát bằng gạch nung với hệ thống thoát nước công phu. Các di tích khảo cổ cho thấy cư dân Harappa là những người yêu chuộng hòa bình, sống bằng nghề nông và nhiều nghề thủ công như làm gốm, luyện kim, làm gạch. Các bến cảng và kênh đào ở thành phố cổ Lothal (nằm ở Ấn Độ hiện đại) là bằng chứng cho thấy nền văn minh Harappa đã chế tạo thuyền và tham gia vào mạng lưới thương mại hàng hải rộng lớn. Thương mại tập trung vào nhập khẩu nguyên liệu thô, bao gồm khoáng sản từ Iran và Afghanistan, chì và đồng từ các vùng khác của Ấn Độ, ngọc bích từ Trung Quốc và gỗ tuyết tùng từ Himalayas và Kashmir. Các mặt hàng thương mại khác bao gồm nồi đất nung, vàng, bạc, kim loại, hạt cườm, đá lửa để chế tạo công cụ, vỏ sò, ngọc trai và đá quý màu chẳng hạn như lapis lazuli và ngọc lam. Người Harappa có hệ thống chữ viết riêng gọi là Indus Script, thành thạo trong việc khắc con dấu và sử dụng các con dấu đặc biệt để nhận dạng tài sản và đóng dấu đất sét lên hàng hóa thương mại. Những con dấu Harappa và đồ trang sức được tìm thấy tại các địa điểm khảo cổ ở các vùng của Lưỡng Hà, bao gồm Iraq, Kuwait và một phần của Syria ngày nay, chứng tỏ có sự tồn tại một mạng lưới thương mại hàng hải rộng lớn từng hoạt động giữa các nền văn minh Harappa và Lưỡng Hà. Dân số của nền văn minh Thung lũng Indus đã từng lên tới năm triệu người.

49. Trang 194

Theo truyền thống, các nền văn minh sơ khai được xếp hạng theo mức độ quan trọng của mức độ tinh vi trong việc phát triển và sử dụng chữ viết, nông nghiệp, đô thị hóa, kiến trúc và thương mại. Với tất cả những thước đo này, nền văn minh Harappa phải được xếp hạng là một trong những nền văn minh tiên tiến nhất. Tuy nhiên vào giữa năm 1900 đến năm 1500 TCN, các thành phố ở Thung lũng Indus dần bị bỏ hoang, chữ viết Indus không còn được sử dụng và nhiều yếu tố đặc trưng cho văn hóa vật chất Harappa trưởng thành dần biến mất. 

Sự suy tàn của nền văn minh Thung lũng Indus đến nay vẫn là một bí ẩn lớn nhất của thế giới cổ đại và đến nay vẫn là chủ đề được nhiều nhà sử học và khoa học giải mã. Nhiều nhà sử học ngày nay thường đồng ý rằng sự suy tàn của nền văn minh Indus có lẽ không phải do một sự kiện kịch tính nào đó gây ra mà là sự kết hợp các điều kiện tự nhiên và việc sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong một nghiên cứu công bố năm 1986, nhà nghiên cứu Shereen Ratnagar thuộc Đại học Jawaharlal Nehru nhận định rằng nhu cầu về nước của các khu định cư Harappa bị điều hòa bởi sự biến động của sông Indus. Do lượng mưa thất thường và nguồn nước chính của khu vực bị cạn kiệt, cư dân Harappa vì thế buộc phải tồn tại bằng thủy lợi và chính công cụ tưới tiêu này có thể đã trở thành nguyên nhân dẫn đến sự tàn lụi của nền văn minh này. 

Ratnagar cho rằng không giống như sông Nile và sông Euphrates, những con sông đã thúc đẩy sự phát triển của các nền văn minh cổ đại khác, sông Indus là một con sông không thể đoán trước và có sức hủy diệt lớn. Trong khi lưu lượng hàng năm của sông Nile là 83 tỷ mét khối và sông Euphrates là 24-30 tỷ mét khối, thì sông Indus thải ra 207 tỷ mét khối nước nhưng với lưu lượng rất khác nhau. Lượng xả thấp nhất của con sông là 20.000 cusec (566,3m3 /s) vào tháng 3 và đạt đỉnh vào tháng 8 là 400.000 cusec (11.326,8m3 /s). Trong thời kỳ gió mùa, một lượng lớn nước

50. Trang 195

chảy vào sông Indus từ năm con sông khác (Sutlej, Ravi, Chenab, Jhelum và Beas) khiến sông Indus bắt đầu thay đổi dòng chảy của nó một cách khó lường. Không giống như lũ lụt của sông Nile, lặp lại đều đặn như kim đồng hồ, không có sự đồng nhất với lũ lụt của Indus. Lũ lụt của sông Indus nhẹ nhàng trong một số năm nhưng có thể cuốn trôi mùa màng trong những trận lũ lụt kinh hoàng ở những năm khác. Tất cả những điều này khiến cư dân Harappa không thể phụ thuộc vào con sông Indus “bất thường và khó kiểm soát” để chăm sóc mùa màng của mình. 

Tuy nhiên hình thức tưới tiêu của người Harappa hoàn toàn khác biệt với các hệ thống thủy lợi của người Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại. Việc tưới tiêu cực kỳ tốn nhiều công sức và phụ thuộc nhiều vào sức của động vật vì thế không chỉ hạn chế diện tích canh tác cây trồng mà còn tiêu tốn nhiều thức ăn để nuôi gia súc. Để nuôi đủ lượng gia súc cần cho nông nghiệp, người Harappa chỉ có thể cho phép gia súc ăn cây keo, cây kandi (tên của cây Prosopis cineraria trong tiếng Sindhi) và cây dương được trồng ở ngoại ô các khu định cư hoặc bằng thức ăn gia súc trồng trên một phần đất nông nghiệp. Mô hình sản xuất nông nghiệp của người Harappa vì thế phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các khu định cư thông qua việc khai thác quá mức các lớp phủ thực vật. Chăn nuôi dê cừu với số lượng lớn cũng dẫn đến việc chăn thả quá mức. Việc mở rộng quá mức các giới hạn tự nhiên như vậy là điềm báo trước cho sự tan rã các khu định cư Harappa. 

Điều thú vị là do phạm vi địa lý của nền văn minh Thung lũng Indus quá rộng lớn, những phát hiện về cấu trúc xã hội, tổ chức kinh tế và văn hóa của người Harappa chỉ được khám phá từng mảnh một qua các đợt khảo cổ trên một số khu vực rời rạc. Mỗi cuộc khảo cổ đem đến một góc nhìn mới mẻ về cuộc sống bí ẩn và đầy thú vị của người Harappa cổ xưa, thậm chí có nghiên cứu phủ định hoàn toàn kết luận của những nghiên cứu trước đó. Năm

51. Trang 196

2017, một nhóm nghiên cứu quốc tế - dẫn đầu là nhà khảo cổ học Cameron Petrie của Đại học Cambridge - với dự án Đất, nước và định cư ở tây bắc Ấn Độ đã nghiên cứu các khu định cư Harappa trong khu vực từ năm 2007 đến năm 2014, xem xét mọi khía cạnh cuộc sống của người Harappa từ hệ thống nước, di tích thực vật đến nghệ thuật, đồ gốm. Công bố của họ “Thích ứng với môi trường thay đổi, Khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu: Nghiên cứu đất đai, nước và khu định cư Indus ở tây bắc Ấn Độ” (Adaptation to Variable Environments, Resilience to Climate Change: Investigating Land, Water and Settlement in Indus Northwest India) đăng trên tạp chí Current Anthropology đã lật ngược mọi hiểu biết phổ biến về người Harappa và cách họ đã sống như thế nào. 

Cameron Petrie và nhóm nghiên cứu của ông phát hiện ra rằng các khu định cư ở Thung lũng Indus không đại diện cho một nền văn hóa thống nhất dù rõ ràng chúng có nhiều điểm chung. Một số biểu tượng và phong cách đồ gốm được tìm thấy trong hàng trăm khu định cư, nhưng nhiều nơi thì không. Khi nói đến các hoạt động canh tác nông nghiệp và quản lý nước, mỗi khu định cư Harappa dường như có những cách hoạt động riêng. 

Khu vực Thung lũng sông Indus nằm ở ngã tư môi trường được đặc trưng bởi một vùng chồng lấn giữa hệ thống mưa mùa đông và mùa hè và độ dốc mưa cho cả hai hệ thống. Một hệ quả quan trọng của bối cảnh môi trường này là nước có sẵn từ các nguồn khác nhau vào các thời điểm khác nhau trong năm, bao gồm mưa mùa đông (tháng 12 - tháng 2), mưa từ gió mùa mùa hè Ấn Độ (tháng 6 - tháng 9), mưa tuyết từ dãy Himalaya. Ngoài lượng mưa, rất nhiều sông suối lâu năm phân phối lại nước đến từ các trận mưa mùa đông, tuyết tan và gió mùa mùa hè, tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến hệ thống thủy văn của thung lũng Indus. Sự thay đổi trong nguồn cung cấp nước kết hợp với sự thay đổi đáng kể về thủy văn và đất đã tạo ra một khu vực rộng lớn bao gồm nhiều hốc

52. Trang 197

sinh thái, vì thế các thành phố và thị trấn của Harappa đã thích nghi với các môi trường đa dạng mà họ sinh sống, đặc biệt là về các thực hành thích nghi với tài nguyên nước. Một số nơi sử dụng mưa gió mùa để tưới cây, một số nơi khác chờ các con sông địa phương ngập để dẫn nước ngập ruộng, trong khi nhiều khu định cư thì xây dựng hồ chứa để duy trì nguồn cung cấp nước quanh năm. Các thành phố lớn nhất của Indus như Mohenjo-daro và Harappa nổi tiếng với hệ thống cấp nước phức tạp và tiên tiến hơn nhiều so với các thành phố lớn của Lưỡng Hà.



Sau đó, ở thời kỳ đỉnh cao đô thị hóa Indus khi các thành phố trong khu vực đang phát triển rực rỡ nhất thì thảm họa khí hậu đã xảy ra. Các đợt gió mùa mang lại sự sống bắt đầu suy yếu vào khoảng năm 2200 TCN. Hạn hán len lỏi đến một số vùng. Tuy nhiên, các khu định cư của người Indus vẫn tồn tại trong nhiều thế kỷ sau thảm họa. 

Một trong những khám phá hấp dẫn nhất của dự án Đất, nước và định cư là nền văn minh Thung lũng Indus dường như có đầy

53. Trang 198

đủ điều kiện để đối phó với khủng hoảng khí hậu. Nền văn minh Thung lũng Indus trải dài trên một khu vực rộng lớn và đa dạng về môi trường, vì thế khó có khả năng biến đổi khí hậu sẽ có những tác động giống nhau ở tất cả các vùng. Tương tự, sự thay đổi thủy văn tàn phá một khu vực có thể không có tác động trực tiếp đến những khu vực khác hoặc thậm chí có thể có lợi. Ngay cả trước khi các cơn mưa gió mùa ngừng lại, mỗi khu định cư của Indus đã được sử dụng để thích nghi nhanh chóng với các kiểu thời tiết mới. Ít nhất, họ đã đối phó với một mùa lũ lụt và một mùa hạn hán hàng năm. Các quần thể định cư phải di động tương đối để tồn tại trong môi trường thủy văn liên tục thay đổi và có thể đã có sự di chuyển dân số cao giữa các khu vực định cư. Các gia đình hoặc nhóm họ hàng riêng lẻ có khả năng đã di chuyển giữa nhiều khu định cư để tiếp cận nguồn nước sẵn có trong thời gian thiếu hụt hoặc căng thẳng. Các bằng chứng cho thấy các trung tâm dân cư Harappa đã di chuyển từ tây sang đông trong khoảng thời gian khoảng 1.500 năm cho đến khi cuối cùng mọi người từ bỏ hoàn toàn các thành phố của họ và quay trở lại lối sống nông thôn. 

Người Indus không chỉ thay đổi địa điểm sinh sống, họ cũng thay đổi nguồn thức ăn. Các bằng chứng cho thấy họ đã trồng những loại cây trồng mới, tùy thuộc vào điều kiện môi trường có thể hỗ trợ. Các loại cây vụ đông như lúa mì rabi, lúa mạch, đậu lăng và đậu xanh có thể được chuyển đổi sang các loại cây trồng mùa hè như kê, lúa và các loại đậu nhiệt đới. Các bằng chứng khảo cổ cho thấy nhiều nơi có sự kết hợp giữa các loại cây trồng mùa đông và mùa hè như thể cư dân Indus đang thử nghiệm để tìm ra loại cây nào phát triển tốt nhất và vào thời điểm nào. 

Các thành phố và làng mạc của Indus đã sản sinh ra các phương thức canh tác độc đáo của riêng họ cũng như các phong cách nghệ thuật độc đáo. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy “phong cách gốm đặc trưng của vùng” trong các làng, không giống như

54. Trang 199

đồ gốm được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác, xen lẫn với “chất liệu đặc trưng Indus” như vòng đeo tay và hạt màu xanh lam, được tìm thấy khắp vùng Indus. Điều này cho thấy bản sắc địa phương mạnh mẽ đã bổ sung cho một nền văn hóa Indus rộng lớn hơn. Việc di cư giữa các ngôi làng và thành phố là phổ biến, vì vậy có khả năng người dân ở thung lũng Indus xem mình như một phần của nền văn minh bao trùm. Nhưng bằng chứng cho thấy rõ ràng đó là một xã hội đa văn hóa, nghĩa là cũng có rất nhiều sự khác biệt về văn hóa ở cấp địa phương. “Có lẽ chính khía cạnh đa văn hóa này đã giúp cư dân Indus tồn tại và sống sót trước biến đổi khí hậu. Thay vì phụ thuộc vào một loại hệ thống quản lý nước hoặc một vài loại cây trồng chủ lực, nền văn minh Thung lũng Indus được xây dựng dựa trên các thực hành đa dạng. Các quần thể Indus ở một số vùng đã thích nghi tốt với việc sống trong các điều kiện môi trường và sinh thái đa dạng do đó có đủ khả năng để đưa ra các quyết định linh hoạt khi đối mặt với sự thay đổi của môi trường”, các nhà nghiên cứu kết luận trong công bố khoa học trên tạp chí Current Anthropology. 

***

Nếu có một điều tôi muốn ngụ ý xuyên suốt các câu chuyện ở Chương 5, từ cách làm nông thuận tự nhiên của lão nông Masanobu Fukuoka, công ước Ramsar về chim nước và vùng đất ngập nước, dòng sông Mekong đến sáng kiến Half Earth của Wilson, thì đó chính là nhận thức trái đất là ngôi nhà chung của muôn loài mà loài người chỉ là một loài trong hàng triệu loài sinh vật sống trong ấy. Sự sống trên trái đất là một thể thống nhất toàn vẹn, mỗi sinh vật xuất hiện - như lời Masanobu Fukuoka - đều có sứ mệnh của riêng mình. Khi nhìn vào thành tựu của Công ước Ramsar, thách thức của các quốc gia trên dòng sông Mekong hay những sáng kiến như Half Earth, điều chúng ta nhận ra là các quốc gia phải từ bỏ khái

55. Trang 200

niệm ranh giới lãnh thổ đồng thời xem sự sống còn của trái đất là mục tiêu chung để hành động. 

Câu chuyện những cư dân Harappa thích ứng với biến đổi khí hậu trong thế giới cổ đại để lại cho chúng ta nhiều bài học quý. Một là biến đổi khí hậu không phải là một câu chuyện mới. Hai là, con người có thể thích ứng với khủng hoảng khí hậu bằng những thực hành đa dạng trong môi trường sống. Sự tôn trọng tính đa dạng sinh học trong lĩnh vực cây trồng của người da đỏ châu Mỹ là một bài học tốt có thể áp dụng trong xã hội loài người, cũng như chính sự đa dạng sinh thái trong địa lý Thung lũng Indus đã là một yếu tố giúp cư dân Harappa tích lũy và thực hành những kỹ năng trồng trọt phong phú trước sự biến động liên tục của các điều kiện môi trường. Sau cùng, di cư do khủng hoảng khí hậu là một hiện tượng quen thuộc với con người từ kỷ Holocene.


56. Trang 201

Tuy nhiên điều khác biệt lớn nhất là việc di cư trong thời cổ đại dễ dàng hơn rất nhiều so với thế giới hiện đại. Dân số trái đất giờ đây đã đạt 8 tỷ người, đất đai thuộc quyền sở hữu của các quốc gia, những người di cư buộc phải vượt qua hàng rào các biên giới để đến những vùng đất có thể sinh sống được mà không phải vùng lãnh thổ nào cũng sẵn sàng mở cửa chào đón họ. Dù vậy, áp lực của biến đổi khí hậu ngày càng khiến làn sóng di cư trên toàn cầu tăng cao hơn bao giờ hết. Một thống kê của Liên hợp quốc năm 2020 cho thấy số người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì các sự kiện liên quan đến khủng hoảng khí hậu trong 11 năm qua đã lên đến con số 21,5 triệu người. Viện Kinh tế và Hòa bình ước tính rằng đến năm 2050 sẽ có 1,2 tỷ người phải di dời trên khắp thế giới do biến đổi khí hậu và các thảm họa liên quan. Nếu dân số toàn cầu đạt 9,9 tỷ người vào năm 2050, như dự đoán, điều đó có nghĩa là 12% dân số thế giới sẽ là những người di cư khí hậu. 

Tôi cho rằng chính trong bối cảnh này, nhận thức “Trái đất này là quê hương loài người” trở nên quan trọng. Nếu toàn nhân loại xem trái đất là quê hương mình thay vì chỉ nhìn vào quyền lợi của từng quốc gia, sự sống ở hành tinh này sẽ thay đổi. Con người cần phải nhận ra biên giới quốc gia chỉ là một khái niệm tưởng tượng do con người đặt ra và mỗi vùng địa lý trên khắp quả địa cầu đều thuộc một ngôi nhà chung chính là trái đất. Chính sự đa dạng sinh thái của những vùng địa lý khác nhau đã tạo nên những nền văn hóa và kỹ năng sinh tồn khác biệt trên mỗi vùng đất để từ đó loài người có thể thích nghi với mọi môi trường sống, từ ôn hòa đến khắc nghiệt. Tự nhiên ưu tiên sự đa dạng, khi nhận thức được những điều này, sự phân biệt chủng tộc hay màu da trở nên vô nghĩa. Khi nhận thức được trái đất là ngôi nhà chung, khi con người không còn phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, sự đoàn kết và chia sẻ kinh nghiệm sống ở mỗi vùng địa lý khác nhau sẽ

57. Trang 202

giúp loài người sống sót và thích ứng với những thảm họa hành tinh. Khi nhận thức được trái đất là quê hương của loài người, sự sống trên hành tinh này dù ở bất kỳ dạng sống nào cũng sẽ trở thành niềm vui chung, bởi chúng ta biết rằng khi nào vẫn còn những vùng đất màu mỡ, những con sông đầy nước, những cánh rừng bạt ngàn, những đại dương ngập tràn cá tôm thì sự sống tươi đẹp của con người ở trái đất sẽ vẫn còn tiếp diễn.