Thân mời bạn đọc Chương 7 tại đây nhé.
Site: | Earth Is My Home Land |
Course: | Địa Cầu Quê Tôi |
Book: | Thân mời bạn đọc Chương 7 tại đây nhé. |
Printed by: | Guest user |
Date: | Saturday, 19 July 2025, 2:41 AM |
Table of contents
- 1. Trang 280
- 2. Trang 281
- 3. Trang 282
- 4. Trang 283
- 5. Trang 284
- 6. Trang 285
- 7. Trang 286
- 8. Trang 287
- 9. Trang 288
- 10. Trang 289
- 11. Trang 290
- 12. Trang 291
- 13. Trang 292
- 14. Trang 293
- 15. Trang 294
- 16. Trang 295
- 17. Trang 296
- 18. Trang 297
- 19. Trang 298
- 20. Trang 299
- 21. Trang 300
- 22. Trang 301
- 23. Trang 302
- 24. Trang 303
- 25. Trang 304
- 26. Trang 305
- 27. Trang 306
- 28. Trang 307
- 29. Trang 308
- 30. Trang 309
- 31. Trang 310
- 32. Trang 311
- 33. Trang 312
- 34. Trang 313
- 35. Trang 314
- 36. Trang 315
- 37. Trang 316
1. Trang 280
Chương 7
TƯƠNG LAI THUỘC VỀ HÒA BÌNH
- Từ truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” đến công trình nghiên cứu nguồn gốc loài người thông qua DNA ti thể của Giáo sư di truyền học Người Bryan Sykes.
- Lịch sử nghiên cứu về loài người thông qua hai mô hình “rời khỏi châu Phi”, “tiến hóa đa vùng” và những phát hiện mới về tổ tiên của chúng ta.
- Các nghiên cứu về gen cho thấy 99,9% thông tin di truyền trong DNA bộ gen người là chung cho tất cả mọi người ở mọi châu lục. Ngôn ngữ chính là đặc điểm khiến con người khác biệt với các loài động vật khác.
- Đối thoại là con đường dẫn đến hòa bình và công cụ mạnh mẽ nhất được sử dụng chính là ngôn ngữ. Vua Trần Nhân Tông và chính sách hòa giải nổi tiếng trong lịch sử.
- Bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh là một phương
thức ngoại giao mà chúng ta đã kế thừa từ di sản vua Trần
Nhân Tông.
2. Trang 281
Trẻ em Việt Nam lớn lên với truyền thuyết Con rồng cháu tiên, một phiên bản rút gọn từ truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp - tập sách ghi chép những truyền thuyết và truyện cổ tích của Việt Nam ra đời vào cuối thời nhà Trần (1226 – 1400).
“Cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần thú phương Nam, tới miền Ngũ Lĩnh, gặp con gái bà Vụ Tiên, đem lòng yêu thích, lấy về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, sớm tỏ ra thông minh nhanh nhẹn. Đế Minh thấy thế, lấy làm lạ, cho nối ngôi vua, nhưng Lộc Tục cố nhường cho anh là Đế Nghi, không dám vâng mệnh. Đế Minh vì vậy lập Đế Nghi thay mình cai trị đất Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài xuống Thủy Phủ, lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm, ấy là Lạc Long Quân, thay cha trị nước. Còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu.
Lạc Long Quân dạy cho dân cày cấy, ăn mặc; trong nước từ đó mới có thứ tự quân thần, tôn ti; mới có luân thường giữa cha con, chồng vợ. Có lúc Long Quân trở về Thủy Phủ mà trăm họ vẫn yên vui. Hễ dân có việc, cứ gọi Lạc Long Quân rằng: “Cha ơi, sao không về để cứu chúng con” (người Việt gọi “phụ” là “cha” hoặc “bố,” gọi “quân” là “vua” chính là vậy), Long Quân liền về ngay. Sự oai linh cảm ứng của Long Quân người ta không tài nào lường được.
Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Nhân khi phương Bắc vô
sự, nhớ đến chuyện ông mình là Đế Minh đi tuần thú phương Nam gặp
được tiên nữ, Đế Lai bèn bảo kẻ bề tôi thân cận là Xuy Vưu, thay mình
giữ nước, rồi đi tuần du nước Xích Quỷ ở phương Nam. Đến nơi, Đế
Lai thấy Lạc Long Quân đã về Thủy Phủ, trong nước vô chủ, bèn để
cho ái nữ Âu Cơ và những kẻ hầu hạ ở lại nơi hành tại, còn mình thì
đi dạo chơi trong thiên hạ. Thấy những hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú,
3. Trang 282
tê tượng đồi mồi, bạc vàng châu ngọc, tiêu quế nhũ hương, trầm đàn
các vị, cùng sơn hào hải vật không thiếu một thứ nào, bốn mùa khí hậu
lại không lạnh không nóng, Đế Lai lòng yêu thích, quên cả chuyện về.
Nhân dân nước Nam khổ vì cảnh phiền nhiễu, không được yên
lành như xưa, ngày đêm mong Long Quân trở lại, bèn cùng nhau cất
tiếng gọi rằng: “Cha ở nơi nao, hãy mau về cứu chúng con”. Long Quân
thoát nhiên trở về, thấy Âu Cơ đang một mình, dung mạo tuyệt mỹ.
Long Quân lấy làm yêu thích, bèn hóa thành một chàng trai hình dáng
xinh đẹp, tả hữu trước sau có đông đảo kẻ hầu người hạ, tiếng ca tiếng
nhạc vang lừng đến nơi hành tại. Âu Cơ thấy Long Quân, lòng cũng
xiêu xiêu. Long Quân đón Âu Cơ về ở động Long Trang. Đến lúc Đế
Lai trở về, không thấy Âu Cơ bèn sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ.
4. Trang 283
Long Quân có phép thần, biến hóa ra trăm hình vạn trạng, yêu tinh, quỷ sứ rồng rắn hổ voi, làm cho kẻ đi tìm sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai đành phải trở về. Đế Lai truyền ngôi cho đến Đế Du Võng thì đánh nhau với Hoàng Đế ở Phản tuyền, không thắng mà được chết, họ Thần Nông đến đây thì hết.
Long Quân và Âu Cơ sống với nhau chừng một năm thì sinh được một cái bọc, cho là điềm không lành nên đem vứt ra ngoài đồng. Qua bảy ngày, cái bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một người con trai. Long Quân liền đón về nuôi, không cần bú mớm, các con tự lớn, người nào cũng trí dũng song toàn, ai ai trông thấy đều kính phục, cho là chuyện phi thường. Long Quân ở lâu nơi Thuỷ Phủ, làm cho mẹ Âu Cơ phải sống lẻ loi, muốn về đất Bắc. Khi đi tới biên giới, Hoàng Đế nghe tin lấy làm lo sợ, bèn chia quân ra ngăn giữ ngoài cửa ải. Mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Long Quân rằng: “Cha ở nơi nao, làm mẹ con tôi phải buồn đau”.
Long Quân bỗng nhiên tới, cùng gặp nhau ở Tương Dã. Âu Cơ vừa khóc vừa nói rằng: “Thiếp nguyên người đất Bắc, cùng chàng ăn ở với nhau, sinh được trăm đứa con trai không biết dựa vào đâu nuôi nấng, vậy xin theo chàng; mong chàng đừng ruồng bỏ, làm cho mẹ con thiếp hóa ra những kẻ không chồng không cha, chỉ riêng mình đau khổ thôi”. Long Quân nói: “Ta là giống Rồng, đứng đầu thủy tộc; nàng là giống Tiên, người ở trên đất, vốn không đoàn tụ được với nhau, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh con, nhưng dòng giống tương khắc như nước với lửa, khó bề ở lâu với nhau được. Nay phải chia ly, ta sẽ mang năm mươi con trai về Thủy Phủ, chia trị các nơi, còn năm mươi đứa sẽ theo nàng ở trên đất, chia nước ra mà cai trị. Những lúc lên non, xuống nước có việc cùng gắn bó đừng bỏ rơi nhau”. Trăm người con trai nghe theo, rồi cùng nhau từ biệt.
Âu Cơ và năm mươi người con trai đến ở đất Phong Châu (nay
thuộc tỉnh Phú Thọ), cùng tôn người anh cả lên làm vua, hiệu là Hùng
5. Trang 284
Vương, lấy tên nước là Văn Lang. Nước ấy, đông giáp Nam Hải, tây giáp Ba Thục, bắc đến Động Đình, nam đến nước Hồ Tôn (nay chính là nước Chiêm Thành). Chia nước ra làm mười lăm bộ, là Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, (nay chính là tỉnh Nam Ninh), Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Y Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em chia nhau cai trị. Dưới vua, có đặt ra các chức tướng văn tướng võ. Tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mỵ nương. Tư mã gọi là Bồ chính. Nô bộc gọi là Trâu, nô tỳ gọi là Tinh, các quan gọi là Khối. Đời đời cha truyền con nối gọi là Phụ đạo. Các vua truyền ngôi cho nhau lấy hiệu là Hùng Vương mà không thay đổi.
Thời bấy giờ, dân ở miền núi xuống đánh cá ở dưới nước thường bị loài giao xà gây thương tổn, bèn tỏ bày việc ấy với vua. Vua nói: “Giống sơn man khác với giống thủy tộc; giống thủy tộc vốn ưa những cái giống mình và ghét những cái khác mình, cho nên ta bị chúng gây hại”. Bèn ra lệnh cho ai nấy đều lấy mực xăm vào người thành hình thủy quái, từ đó không còn lo xà long cắn bị thương nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu từ đấy.
Vào buổi đầu dựng nước, đồ dùng của dân chưa đủ, phải lấy vỏ
cây làm áo, dệt cỏ ống làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quáng
lang làm thức ăn, lấy cây tung lư làm giường nằm, lấy cầm thú cá tôm
làm mắm, lấy củ gừng làm muối. Cày bằng dao, trồng bằng lửa. Đất
sản xuất nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi gạo ấy. Gác gỗ làm nhà để
tránh hổ lang làm hại. Cắt tóc ngắn để tiện vào rừng. Con mới đẻ ra,
lấy lá chuối lót cho nằm. Có người chết thì giã cối cho láng giềng nghe
tiếng để kéo nhau đến cứu giúp. Con trai con gái khi hôn thú, trước
hết lấy gói muối làm lễ hỏi, rồi sau đó mới giết trâu giết dê để thành
vợ thành chồng. Đem cơm nếp vào buồng cùng ăn xong, vợ chồng mới
thành thân. Vì hồi bấy giờ trầu cau chưa có. Trăm người con trai chính
là tổ tiên của dân Bách Việt vậy”.
6. Trang 285
Câu chuyện bà Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng nở ra trăm con, 50 người con lên rừng 50 người con xuống biển trong truyện Họ Hồng Bàng mang ý nghĩa giải thích về nguồn gốc anh em của dân Bách Việt, chính là người Việt Nam ngày nay. Truyền thuyết ấy ngụ ý rằng: dù trăm người con sinh sống ở những vùng đất khác nhau, kẻ sống miền núi, người ở đồng bằng nhưng tất thảy đều là anh em cùng một mẹ sinh ra, chúng ta phải biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
Đứng về mặt khoa học, chuyện bà Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm
trứng rồi trăm trứng nở ra trăm người con quả là chuyện hoang
đường chỉ có trong truyền thuyết. Vậy nhưng, có một nhà khoa
học ở phương Tây đã có công trình nghiên cứu chứng minh việc cả
nghìn người con có chung nguồn gốc một mẹ là có thật. Người mẹ
ấy có tên là thị tổ và công trình nghiên cứu ấy xuất phát từ một vật
liệu di truyền chỉ truyền từ mẹ sang con, đó là DNA ti thể.
7. Trang 286
Bryan Sykes là giáo sư di truyền học Người của Đại học Oxford chuyên nghiên cứu về nguồn gốc các bệnh di truyền về xương và là người đầu tiên chiết xuất DNA từ bộ xương cổ đại. Với tên tuổi là người đầu tiên chiết xuất được DNA từ bộ xương người cổ đại, Bryan Sykes thường xuyên được tiếp cận những bộ xương cổ đại như Người Băng (hóa thạch có niên đại khoảng 5000 - 5350 năm trước dựa theo tuổi carbon) hay cụ Cheddar để rồi từ đó dẫn ông đến công trình nghiên cứu về nguồn gốc loài người mà ông đã trình bày rất sống động trong quyển sách Bảy người con gái của Eva. Từ sự trùng khớp chuỗi DNA giữa Người Băng với một người phụ nữ hiện đại có tên Marie Moseley sống ở Dorset miền Nam nước Anh đã trở thành nguồn cảm hứng để Bryan Sykes bắt đầu thu thập rất nhiều DNA trên các hóa thạch cổ đại và DNA của người hiện đại để tìm ra mối quan hệ giữa chúng rồi từ đó tìm ra nguồn gốc và tổ tiên loài người ngày nay.
Bryan Sykes quan tâm đến DNA ti thể khi tiếp cận công trình
nghiên cứu của A C Wilson DNA ti thể và tiến hóa của nhân loại
(Mitochondrial DNA and human evolution), trong đó chỉ ra rằng
nếu hai người có DNA ti thể rất giống nhau thì họ sẽ có mối quan
hệ gần nhau hơn về mặt di truyền so với hai người có DNA ti thể
khác nhau. Những người có DNA ti thể khác nhau thì có cùng
một tổ tiên lâu hơn và được nối với nhau bởi những nhánh dài
hơn trong bản đồ gen. Lần đầu tiên, bằng bản đồ cây “gen ti thể”
loài người đã có được phương pháp đo thời gian chứng tỏ rằng “tổ
tiên chung của loài người xét về mặt ti thể của toàn bộ nhân loại
hiện đại sống chỉ cách đây 150.000 năm” điều này rất phù hợp với
lý thuyết “rời khỏi châu Phi” mà rất nhiều nhà nghiên cứu đang
ủng hộ, nhưng cũng gây tranh cãi với những người thuộc trường
phái đa vùng miền về nguồn gốc loài người. Dù công trình của A
C Wilson gây ra một sự thích thú lẫn tranh cãi trong cộng đồng
khoa học trong một thời gian dài, nhưng DNA ti thể đã chiến
8. Trang 287
thắng và trở thành một mô hình nền tảng để diễn dịch quá khứ của nhân loại; còn Bryan Sykes thì đã có trong tay một công cụ phân tử mà ông cần để giải quyết bài toán đang theo đuổi.
Không giống như những DNA trong nhân tế bào vốn được thừa hưởng từ cả mẹ và bố, DNA ti thể được thừa hưởng chỉ từ một người là mẹ mà thôi. Điều đó có nghĩa là: dù cả nam và nữ đều có ti thể trong tế bào nhưng chỉ phụ nữ mới truyền ti thể cho con cái của mình. Người cha truyền DNA nhân cho thế hệ tiếp theo nhưng DNA ti thể của họ sẽ không đi xa được nữa. Bên cạnh đó, DNA ti thể có tỷ lệ đột biến cao hơn DNA nhân, đặc tính này giúp chúng trở thành một công cụ đắc lực trong nghiên cứu tiến hóa.
Điều đặc biệt, nghiên cứu của Wilson còn chỉ ra các đột biến của DNA ti thể thường xuyên xảy ra ở một vùng 500 nucleotide gọi là vùng điều khiển. Phát hiện này giúp Bryan Sykes có thể phân tích đột biến DNA ti thể của một lượng lớn mẫu DNA với thời gian nhanh chóng hơn nhiều (rõ ràng việc đọc chuỗi 500 nucleotide của vùng điều khiển sẽ nhanh và rẻ hơn rất nhiều so với việc đọc toàn bộ DNA ti thể với chiều dài lên đến 16.000 nucleotide).
Để kiểm chứng cho giả thuyết có một số lượng lớn người hiện
đại là hậu duệ theo dòng mẹ từ một người phụ nữ duy nhất bằng
phân tích DNA ti thể, Bryan Sykes đã tìm thấy vận may của mình
từ một câu chuyện ông đọc được trong cuốn bách khoa toàn thư
dành cho trẻ em rằng tất cả những con chuột đồng vàng (chuột
đồng Syria) nuôi trong nhà trên thế giới này đều là hậu duệ của
một con chuột cái duy nhất. Sau một vòng nhờ sự giúp đỡ của
các đồng nghiệp, ông đã kết nối được với chuyên gia nuôi chuột
đồng và thu thập 35 mẫu DNA. DNA ti thể trong vùng điều khiển
của 35 mẫu DNA chuột đều giống nhau, ông đã chứng minh được
những con chuột đồng nuôi từ khắp thế giới thật sự xuất phát từ
một con chuột mẹ duy nhất.
9. Trang 288
Tiếp nối thành công từ chuột đồng Syria, Bryan Sykes tiến hành nghiên cứu mối quan hệ di truyền của những cư dân trên đảo Polynesia trước khi đến với một số lượng lớn rất nhiều mẫu DNA những người châu Âu - nghiên cứu chính mà ông công bố trong quyển Bảy người con gái của Eva. Bất lực trong việc hệ thống hóa các mẫu DNA thành một cây di truyền đơn nhất, Bryan Sykes đã tiến hành vẽ tay, nối các mẫu DNA có mối quan hệ với nhau thành từng nhóm. Kết quả là ông đã có một sơ đồ 7 mạng lưới - 7 nhóm gen chính của những người châu Âu. Theo tính toán của Bryan, bảy nhóm này có độ tuổi từ 45.000 - 10.000 năm và chuỗi cơ sở đơn nhất ở gốc của mỗi bảy nhóm được mang trong mình của duy nhất một người phụ nữ, gọi là thị tổ. Chính 7 thị tổ - được Bryan lần lượt đặt tên là Ursula, Xenia, Helena, Velda, Tara, Katrine và Jasmine - là bảy người phụ nữ đã sản sinh ra toàn thể quần thể người châu Âu hiện đại.
Theo Bryan, một người phụ nữ cần thỏa mãn vài yêu cầu để trở thành một thị tổ. Yêu cầu tiên quyết là bà phải có con gái. Điều này rất rõ ràng vì DNA ti thể được truyền từ mẹ sang con gái và tiếp tục được truyền đi. Một người phụ nữ chỉ có con trai không thể nào trở thành thị tổ bởi vì con của bà sẽ không thể tiếp tục truyền đi DNA ti thể mà bà truyền cho. Điều kiện thứ hai là bà phải có ít nhất hai con gái để có thể tạo thành hai nhánh của một thị tộc và cứ thế lan dần thành một dòng liên tục. Thị tổ không cần là nữ hoàng hay đế vương, xinh đẹp hay ưu tú, họ hoàn toàn bình thường và chỉ cần có hai con gái đều có khả năng trở thành một thị tổ. Một thị tổ không nhất thiết (và chắc chắn là không) phải là một người phụ nữ duy nhất ở thời điểm bà đang sống. Nhưng bà là người duy nhất có được mối dây liên hệ theo dòng mẹ liên tục đến tận ngày nay.
Bằng trí tưởng tượng của mình, Bryan đã dựng lại cuộc sống
của 7 thị tổ Ursula, Xenia, Helena, Velda, Tara, Katrine và Jasmine.
10. Trang 289
Trong hành trình trở về quá khứ ấy, độc giả ít nhiều biết về đời sống của người tiền sử thông qua góc nhìn của người phụ nữ là thị tổ trước khi họ tiến hóa thành loài người hiện đại như ngày nay. Đó là cuộc sống của những đoàn người săn bắt hái lượm, phải sống đời di cư từ năm này sang tháng khác để kiếm cái ăn trong cái đói thường xuyên và cái lạnh thường trực. Người phụ nữ trong thế giới tiền sử có tuổi thọ ngắn, họ chỉ sống khoảng 30 - 40 tuổi là qua đời sau khi đã sinh ra những đứa con. Cuộc sống khắc nghiệt của đoàn người di cư khiến những đứa bé luôn là gánh nặng của cuộc hành trình nên chỉ khi nào đứa bé có thể đi bộ kịp đoàn người và không phải bế nữa thì người mẹ của nó mới có thể thụ thai lần nữa. Người phụ nữ thời xưa mang thai cách nhau ít nhất 3 năm. Khắc nghiệt hơn, nếu tình cờ sinh đôi như bà thị tổ Xenia, một trong hai đứa trẻ có thể bị giết ngay lập tức. May mắn trong câu chuyện của Xenia, cha mẹ bà đã tìm thấy một người phụ nữ ở đoàn người láng giềng vừa mất con nên đã bí mật chuyển đứa bé đến lán trại của họ, để rồi từ đó hai cô con gái của Xenia vẫn sống và tạo thành hai nòi giống kéo dài đến tận châu Âu và châu Mỹ ngày nay. Theo thứ tự thời gian, cuộc sống tưởng tượng của bảy thị tổ cũng lần lượt đi qua những cột mốc quan trọng của lịch sử loài người: thuần hóa chó, cuộc Cách mạng Nông nghiệp, sự bùng phát dân số khi nguồn lương thực nuôi sống loài người đã có thể tự sản xuất và nuôi trồng.
Từ nghiên cứu về thị tổ trong quần thể người châu Âu, nhiều
nghiên cứu tiếp theo đã tiến hành phân tích DNA ti thể của các
quần thể người khác trên toàn thế giới. Theo số liệu cung cấp của
Bryan, các nghiên cứu mới này đã phát hiện thêm 26 thị tộc khác
trên các vùng khác, nâng tổng số thị tổ trên toàn thế giới lên con số
33. Khi phân tích ngược về quá khứ, lần lượt các thị tộc hợp nhất
lại với nhau cho tới khi chỉ còn lại duy nhất một mẫu tổ, đó là thị tổ
của tất cả các thị tộc ở châu Phi cũng như toàn thế giới. Sự tồn tại
của bà đã được tiên đoán trước trong bài báo khoa học DNA ti thể
11. Trang 290
và tiến hóa nhân loại của A C Wilson xuất bản vào năm 1987. Khi ấy, bà được đặt cho tên gọi là “Eve ti thể” bà là thị tổ của mọi thị tổ của tất cả 6 tỷ người trên trái đất. Dù rằng, theo logic phải có một người khác là thị tổ của thị tổ Eve nhưng có lẽ như Bryan đã kết luận, chúng ta chỉ cần ngược dòng thời gian đến Eve ti thể là đủ.
Điều thú vị trong nghiên cứu của Bryan Sykes chính là bằng DNA ti thể ông có thể chứng minh sự gắn kết di truyền giữa hai con người tưởng chừng như rất xa lạ nhau về mặt địa lý. Trong rất nhiều hồ sơ mà Bryan tiếp nhận để tìm ra họ hàng bằng DNA, ông đã khám phá ra nhiều chuỗi DNA giống nhau ở các quốc gia cách xa nhau hàng nghìn ki-lô-mét. Chuỗi Bồ Đào Nha phù hợp với vài chuỗi ở Nam Mỹ, chuỗi Phần Lan lại gần với nhiều chuỗi tìm thấy ở Siberi nơi ông tìm thấy chuỗi gốc của các chuỗi Nam Mỹ. “Như vậy hai ngư dân này thực sự đã có liên hệ với nhau, nhưng chỉ qua một mẫu tổ chung ở Siberi. Vậy là có hai dòng di truyền xuất phát từ mẫu tổ này rồi đi ra theo hai hướng ngược nhau. Dòng thứ nhất hướng sang tây, và họ có thể đã đi trên một chiếc tàu Viking dọc theo bờ biển Bắc Băng Dương đến Scandinavi rồi tiếp tục đến miền tây Scotland. Dòng còn lại hướng sang phía đông đi vào châu Mỹ thông qua eo biển Bering rồi xuống Brazil. Ở một thời gian nào đó, có thể là sau khi Brazil đã thành thuộc địa của Bồ Đào Nha, có một người phụ nữ mang đoạn DNA này băng qua Đại Tây Dương đến Bồ Đào Nha, rồi từ nơi đó bằng cách nào đó mẫu DNA nãy đã tìm đường lên bờ biển Đại Tây Dương tới phía tây Scotland. Hai chuyến hành trình này đã kết thúc trên cùng một hòn đảo nhỏ sau khi đã xuất phát theo hai hướng ngược nhau trên trái đất. Thật kỳ diệu”, Bryan viết.
Những câu chuyện tương tự thế này đã lên tiếng chống lại
những cuộc phân biệt, chia rẽ chủng tộc. Bằng DNA ti thể, Bryan
Sykes đã chứng minh loài người dù đang sinh sống ở những vùng
đất khác nhau, màu da và sắc tộc khác nhau nhưng chúng ta lại có
mối quan hệ anh em mật thiết như thế nào về mặt di truyền. Khi
12. Trang 291
nhắc đến DNA ti thể, chúng ta lại nhớ đến tầm quan trọng của người phụ nữ và quá trình sinh nở. Như Bryan đã đặt ra câu hỏi: “Vậy thì cái gì chính là cái chúng ta có cùng với những thành viên khác trong cùng thị tộc của mình?”.
Đó là một mẫu DNA giống hệt nhau được truyền từ những tổ mẫu xa xưa. Chúng ta sử dụng nó liên tục. Nhưng tuyến đường mà thông qua đó những gen này đến được với chúng ta lại có tầm quan trọng riêng của nó, bởi vì đó chính là sự gắn kết giữa người mẹ và người con. “Đây là một nhân chứng sống cho chu trình mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng và yêu thương bền bỉ vốn lại bắt đầu mỗi lần một đứa trẻ ra đời. Nó lặng lẽ ẩn sâu bản chất bí ẩn của nữ giới qua hàng ngàn thế hệ. Đây là một phép màu vĩ đại kết nối tất cả mọi người trong cùng một thị tộc”.
***
Công trình nghiên cứu của Bryan Sykes ra đời trong thập niên năm 1980 khi DNA ti thể và nhiễm sắc thể Y là hai công cụ phân tích di truyền mạnh mẽ để nghiên cứu về nguồn gốc loài người. Vào thời điểm ấy, nghiên cứu khoa học về nguồn gốc loài người đang tồn tại một cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai phe đối lập: mô hình tiến hóa “rời khỏi châu Phi” và mô hình tiến hóa đa vùng.
Theo mô hình “rời khỏi châu Phi” con người hiện đại về mặt
giải phẫu đã hình thành một loài mới (Homo sapiens) ở châu Phi
từ 150.000 đến 200.000 năm trước. Khoảng 50.000- 60.000 năm
trước, quần thể của loài mới này bắt đầu mở rộng khắp Thế giới
cũ, thay thế các loài người cổ xưa tồn tại bên ngoài châu Phi. Theo
mô hình này, hầu như không có đầu vào di truyền từ các quần thể
người cổ xưa khác loài Homo sapiens. Vì vậy, tất cả con người sống
thời hiện đại có thể truy tìm tất cả tổ tiên của mình vào 200.000
năm trước từ châu Phi. Mô hình tiến hóa đa vùng đưa ra một cách
13. Trang 292
giải thích khác về nguồn gốc loài người hiện đại. Theo những người ủng hộ mô hình tiến hóa đa vùng, không có thời gian hay địa điểm nào gắn liền với nguồn gốc của loài người hiện đại. Họ cho rằng những thay đổi về giải phẫu và di truyền dẫn đến con người hiện đại diễn ra từng phần trong Thế giới cũ và con người hiện đại cuối cùng là kết quả của sự hợp nhất khu vực của những thay đổi này do dòng gen giữa các quần thể.
Mặc dù cuộc tranh luận về nguồn gốc loài người hiện đại thường xuyên được thảo luận theo những quan điểm cực đoan về hai mô hình được mô tả ở trên, nhưng trên thực tế, một số nhà nhân chủng học đã tranh luận về các mô hình kết hợp giữa nguồn gốc châu Phi ban đầu của người hiện đại với các mức độ gen khác nhau, dòng chảy diễn ra giữa loài người hiện đại phân tán ra khỏi châu Phi và các quần thể người trước đó bên ngoài châu Phi. Vào thời điểm nghiên cứu của Cann và A C Wilson DNA ti thể và tiến hóa của nhân loại công bố năm 1987 rằng: họ tìm thấy bằng chứng về một tổ tiên chung gần nhất đã sống ở châu Phi khoảng 200.000 năm trước, nó đã trở thành một bằng chứng mạnh mẽ về cả vị trí lẫn niên đại ủng hộ cho mô hình tiến hóa “rời khỏi châu Phi” và xu hướng chấp nhận mô hình này đã kéo dài trong khoảng hai thập kỷ.
Vào những năm đầu thế kỷ 21, khi công nghệ phân tích DNA
và các kỹ thuật nhận dạng hóa thạch tiến bộ hơn cùng với sự kết
hợp nghiên cứu đa ngành trong việc khám phá nguồn gốc loài
người đã làm rõ hơn câu chuyện tiến hóa “rời khỏi châu Phi”. Các
tác giả ở Viện Max Planck và Đại học Hawaii trong nghiên cứu hợp
tác công bố trên tạp chí Science năm 2017 đã tập hợp các phát hiện
từ nhiều nghiên cứu gần đây để hoàn thiện bức tranh về sự phân
tán của loài người ra khỏi châu Phi. Trong khi các nhà khoa học
từng nghĩ rằng con người lần đầu tiên rời châu Phi trong một làn
sóng di cư cách đây khoảng 60.000 năm, các nghiên cứu gần đây
14. Trang 293
đã xác định các hóa thạch người hiện đại ở những vùng xa xôi của châu Á có khả năng lâu đời hơn nhiều. Ví dụ, di tích Homo sapiens đã được tìm thấy ở nhiều địa điểm miền Nam và Trung của Trung Quốc có niên đại từ 70.000 đến 120.000 năm trước. Các phát hiện bổ sung chỉ ra rằng con người hiện đại đã đến Đông Nam Á và Australia trước 60.000 năm trước.
Các nghiên cứu gần đây đều xác nhận rằng không phải tất cả dân số châu Phi ngày nay đều tách ra từ một nhóm tổ tiên duy nhất ở châu Phi khoảng 60.000 năm trước. Điều này có thể chỉ ra rằng đã có nhiều cuộc phân tán nhỏ hơn của con người đã ra khỏi châu Phi bắt đầu từ 120.000 năm trước và tiếp theo là một cuộc phân tán lớn cách đây 60.000 năm. “Những cuộc phân tán ban đầu ra khỏi châu Phi trước 60.000 năm trước có khả năng là do những nhóm nhỏ người đi kiếm ăn và ít nhất một số cuộc phân tán ban đầu này đã để lại dấu vết di truyền cấp thấp trong các quần thể người hiện đại” Michael Petraglia, tác giả nghiên cứu giải thích.
Nghiên cứu di truyền gần đây cũng đã giải quyết được câu
hỏi: liệu con người hiện đại có lai tạo với các hominin cổ đại khác
hay không? Câu trả lời là họ chắc chắn đã làm điều đó.
15. Trang 294
Homo neanderthalis, hay còn gọi là người Neanderthal, là một loài người đã tuyệt chủng, từng sống rộng rãi ở châu Âu thời kỳ băng hà và Tây Á từ 250.000 đến 28.000 năm trước. Họ có đặc điểm là có phần trán lõm xuống và các đường viền trên lông mày nổi rõ. Năm 1856, hóa thạch Neanderthal đầu tiên được phát hiện ở Thung lũng Neander gần Düsseldorf ở Đức. Kể từ đó, các nhà nghiên cứu đã cố gắng khám phá ra vị trí của Homo neanderthalis trong quá trình tiến hóa của loài người hiện đại. Homo neanderthalis xuất hiện ở châu Âu khoảng 250.000 năm trước và lan rộng vào Cận Đông và Trung Á. Họ đã biến mất khỏi hồ sơ hóa thạch khoảng 28.000 năm trước. Sự biến mất của người Neanderthal là do sự cạnh tranh của con người hiện đại, những người đã rời khỏi châu Phi ít nhất 125.000 năm trước cho thấy có một thời kỳ có sự tồn tại của đồng thời hai loài.
Homo neanderthalis và Homo sapiens có giao phối với nhau hay không? Các nghiên cứu ban đầu về DNA ti thể cho thấy DNA ti thể của Homo neanderthalis trông khá khác so với DNA ti thể của người hiện đại, điều này ngụ ý rằng Homo neanderthalis và Homo sapiens không giao phối với nhau. Nhưng sự tiến bộ về công nghệ giải trình tự DNA đã thay đổi kết quả ấy. Năm 2010, các nhà khoa học từ Đức và Mỹ lần đầu tiên giải mã trình tự DNA toàn bộ bộ gen của người Neanderthal. Kết quả so sánh trình tự DNA hai bộ gen cho thấy DNA của người Neanderthal chiếm khoảng 2% bộ gen của những người ngày nay không phải là người gốc Phi là kết quả của quá trình giao phối giữa hai loài xảy ra trên khắp lục địa Á Âu từ 50.000 - 60.000 năm trước.
Nhưng Homo neanderthalis không phải là loài duy nhất mà
Homo sapiens giao phối trong quá khứ. Người Denisovan là một
trường hợp điển hình. Là một loài cổ xưa của con người, người
Denisovan cùng tồn tại với người hiện đại và người Neanderthal
về mặt giải phẫu và giao phối với cả hai trước khi tuyệt chủng. Bằng
16. Trang 295
chứng đầu tiên về sự tồn tại của Denisovan được đưa ra vào năm 2008 khi một xương ngón tay được phát hiện trong hang Denisova ở dãy núi Altai xa xôi ở miền nam Siberia. Ban đầu, xương được cho là của người Neanderthal vì trong hang có bằng chứng về sự có mặt của loài này. Do đó, mẫu xương nằm trong ngăn kéo bảo tàng ở Leipzig (Đức) trong nhiều năm trước khi được phân tích. Kết quả đã làm các nhà nghiên cứu sửng sốt. Mẫu xương ấy không phải của người Neanderthal - mà là một dạng người cổ đại chưa được biết đến cho đến nay. “Người Denisovan là loài đầu tiên từng được xác định trực tiếp từ DNA của họ chứ không phải từ dữ liệu hóa thạch” Joshua Akey, nhà nghiên cứu đến từ Viện Max Planck cho biết. Joshua Akey và các đồng nghiệp đã tiếp tục công việc truy vết di truyền và đã xác định những họ hàng gần nhất còn sống của người Denisovan là người Melanesia hiện đại, cư dân của các đảo Melanesian ở tây Thái Bình Dương - những nơi như New Guinea, Vanuatu, quần đảo Solomon và Fiji. Những quần thể này mang từ 4 - 6% gen Denisovan, mặc dù họ cũng mang gen Neanderthal.
Do mới vừa được phát hiện nên các nhà khoa học có khá ít thông tin về người Denisovan và cách di chuyển của họ nhưng các nghiên cứu đến hiện tại cho thấy con người hiện đại đã giao phối với họ ở châu Á và Australia từ 50.000 đến 15.000 năm trước. Một nghiên cứu năm 2018 đã cung cấp thêm một mảnh thông tin về người Denisovan. Có khả năng người Denisovan đã tách khỏi họ hàng Neanderthal của họ ít nhất 400.000 năm trước. Và trong khi người Neanderthal lan rộng khắp châu Âu và Trung Đông, người Denisovan lan rộng qua châu Á và cuối cùng giao phối với tổ tiên của người hiện đại gốc châu Á. Bằng cách đó, người Denisovan đã để lại dấu vân tay di truyền của họ trong người Homo sapiens trong nhiều thế hệ sau - cung cấp thêm manh mối để tìm hiểu về đồng loại của họ.
Dù vậy, thông tin về việc loài người hiện đại từng giao phối với
hai người anh em họ hàng Neanderthal và Denisovan cũng không
17. Trang 296
làm mờ đi sự thật: Homo sapiens là loài người cuối cùng và duy
nhất còn tồn tại đến ngày hôm nay. Những nghiên cứu về nguồn
gốc loài người trong quá khứ thường mô tả hệ DNA người có cùng
một tổ tiên chung nhưng những tiến bộ khoa học mới đã giúp
chúng ta có cái nhìn chi tiết và sâu sắc hơn về sự tiến hóa của loài
người. Trong khi các nhà nghiên cứu tiếp tục giải trình tự DNA từ
các mảnh xương cũ để khám phá xem liệu con người có giao phối
với các loài khác thuộc giống Homo hay không thì các nhà nghiên
cứu khác đang áp dụng các phân tích DNA trên toàn bộ bộ gen
để xem những đặc điểm di truyền nào được kiểm soát đã thay đổi
thông qua sự trôi dạt di truyền (đột biến ngẫu nhiên) và chọn lọc
tự nhiên khi những người di cư thích nghi với ngôi nhà mới của họ.
Một loạt các nghiên cứu đã tìm kiếm những biến đổi gen xảy ra kể
từ khi con người rời châu Phi hoặc làm nông nghiệp và dường như
hữu ích để tồn tại trong những hoàn cảnh mới. “Dẫu vậy, những gì
chúng tôi thấy từ quan điểm di truyền học là không có sự khác biệt rõ
ràng giữa người châu Âu và châu Á. Từ Ireland đến Nhật Bản, không
có ranh giới rõ ràng nào chứng tỏ có điều gì đó xảy ra đã làm thay đổi
hoàn toàn bộ gen” Quintana - Murci, một nhà khoa học thuộc Viện
Pasteur Paris cho biết.
18. Trang 297
Các nghiên cứu về gen cho thấy: 99,9% thông tin di truyền trong DNA bộ gen người là chung cho tất cả mọi người ở mọi châu lục; 0,01% còn lại là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về tóc, mắt, màu da, chiều cao và xu hướng mắc một số bệnh. Tuy nhiên, từ lâu các nhà khoa học đều tin rằng tất cả sự sống đều tiến hóa từ một tổ tiên chung nên con người cũng chia sẻ trình tự DNA với tất cả các sinh vật sống khác. Nghiên cứu năm 2012 của Viện Max Planck cung cấp thông tin về hai loài vượn có quan hệ họ hàng gần với con người: tinh tinh lùn bonobos (Pan paniscus) và loài tinh tinh thông thường (Pan troglodytes) - cả hai đều chia sẻ 98,7% DNA với con người. Số phần trăm DNA chung mà loài người chia sẻ với các loài khác thường có tỷ lệ rất cao: loài khỉ chia sẻ 93% DNA, loài mèo chia sẻ 90% DNA và loài chuột chia sẻ 85% DNA với loài người.
Nếu như con người chia sẻ trình tự DNA chung với các loài khác với tỷ lệ cao như vậy, điều gì khiến loài người khác biệt với các loài động vật khác? Hay nói cách khác, điều gì khiến cho loài người là độc đáo và duy nhất trên hành tinh này?
Kích thước bộ não lớn, đi trên hai chân hay biết sử dụng công cụ từng được cho là những điểm khác biệt giữa con người và các loài động vật khác. Nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy đây không phải là những điểm độc đáo chỉ có riêng ở con người. Cá voi có bộ não lớn hơn bộ não người. Một số loài lông vũ và chim cũng đi bằng hai chân. Sử dụng công cụ rõ ràng là một thành tựu của con người nhưng các loài động vật khác cũng làm được việc ấy. Tinh tinh sử dụng lá cây làm ô hay giấy vệ sinh. Quạ Caledonian rất thành thạo trong việc chế tạo các công cụ bằng lá cây hoặc que để lấy thức ăn.
Sau cùng, quan điểm ngôn ngữ chính là đặc điểm khiến con
người khác biệt với các loài động vật được nhiều nhà khoa học
đồng tình nhất. Có ngôn ngữ, con người có khả năng truyền đạt
những ý tưởng phức tạp và trừu tượng. Thông qua ngôn ngữ và
19. Trang 298
sau đó là chữ viết, con người xây dựng nên các nền văn minh, phát triển khoa học, y học, triết học và các câu chuyện truyền thuyết, cổ tích, tôn giáo và lịch sử. Chính nhờ có ngôn ngữ, xã hội loài người mới tích lũy được khối tri thức khổng lồ trong hàng nghìn năm và cứ thế phát triển vượt xa các loài khác.
Từ những năm 2002, nhà di truyền học Svante Pääbo tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck (Leipzig, Đức) đã xác định được gen liên quan đến ngôn ngữ có tên FOXP2 trong một công bố khoa học đăng trên tạp chí Nature.
Svante Pääbo và các cộng sự đã tiến hành truy vết lịch sử tiến hóa của gen FOXP2 bằng cách giải trình tự gen FOXP2 của một số loài linh trưởng (tinh tinh, khỉ đột, đười ươi, khỉ đuôi dài) cũng như của chuột và so sánh chúng với trình tự của con người. Kết quả cho thấy kể từ tổ tiên chung cuối cùng của con người và chuột, sống cách đây khoảng 70 - 80 triệu năm, chỉ có 3 lần thay đổi trong chuỗi axit amin của protein (nghĩa là protein FOXP2 của người khác chuột 3 axit amin). Và 2 trong số những thay đổi này đã xảy ra ở dòng dõi con người kể từ khi nó tách ra từ loài tinh tinh khoảng 6 triệu năm trước (protein FOXP2 của người khác tinh tinh 2 axit amin). Khi xem xét sự biến đổi di truyền xung quanh những đột biến này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu hiệu của một “quá trình quét chọn lọc” - nghĩa là một đột biến có lợi nhanh chóng trở nên phổ biến trong một quần thể. Họ đã ước tính sự cố định của gen FOXP2 trong quần thể người có thể đã xảy ra cách đây không quá 200.000 năm.
Ngôn ngữ - đặc điểm quan trọng tách con người khỏi các loài
động vật khác - từ lâu luôn là bài toán khó với các nhà sinh học
tiến hóa. Vì thế, sự phát hiện gen FOXP2 đã mở ra những hướng đi
mới để họ tìm kiếm nguồn gốc tiến hóa của ngôn ngữ loài người.
FOXP2 tham gia vào quá trình học giọng ở chim biết hót và những
người bị đột biến gen có các vấn đề về ngôn ngữ và giọng nói.
20. Trang 299
Nhiều nhà nghiên cứu ban đầu nghĩ rằng sự hoán đổi axit amin là thứ giúp con người nói được. Lời nói sẽ giúp con người vượt lên trước sự cạnh tranh từ người Neanderthal và các loài Hominids cổ đại khác. Quan điểm này đã giúp FOXP2 trở thành một ví dụ trong sách giáo khoa về quá trình quét chọn lọc.
Lý thuyết “quét chọn lọc FOXP2” lần đầu tiên gặp rắc rối vào năm 2008 khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng người Neanderthal cũng có hai điều chỉnh axit amin như trên gen FOXP2 của loài người. Điều đó có nghĩa là hai đột biến này đã xảy ra ít nhất 700.000 năm trước, trước khi con người và người Neanderthal trở thành các nhánh riêng biệt của cây phả hệ Hominid. Sau đó, vào năm 2009, một số thành viên của nhóm năm 2002 ban đầu báo cáo về quá trình quét chọn lọc đã đưa ra bằng chứng mới cho thấy sự thay đổi hai axit amin sau cùng không phải là thứ dẫn đến sự nổi bật về mặt tiến hóa.
Năm 2018, nhà di truyền học về dân số và tiến hóa Elizabeth
Atkinson của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston cùng
các cộng sự đã mở rộng nghiên cứu năm 2002 khi tiến hành phân
tích lại gen FOXP2 trong hàng trăm bộ gen thu thập trên toàn cầu
- số lượng mẫu cao hơn nghiên cứu cũ hàng trăm lần (lượng mẫu
trong nghiên cứu cũ là 20 cá thể). Kết quả đăng trên tạp chí Cell
cho thấy: họ không tìm thấy bằng chứng nào về “quá trình quét
chọn lọc” diễn ra gần đây tại gen FOXP2, khi kiểm tra gen của
người châu Phi riêng biệt với người châu Âu và châu Á. “Kết quả
này phản ánh những gì đã xảy ra trong lịch sử loài người” nhà cổ sinh
vật học Johannes Krause thuộc Viện Max Planck giải thích. “Khi
con người di cư ra khỏi châu Phi, một số phiên bản gen nhất định đã
được mang theo người di cư trong khi các dạng khác bị bỏ lại ở châu
Phi. Phiên bản FOXP2 để lại cho người di cư trở nên phổ biến hơn khi
dân số di cư tăng lên. Nhóm của Atkinson đã xác định tín hiệu thống
kê đến từ sự gia tăng dân số, thay vì quá trình quét chọn lọc, bằng cách
21. Trang 300
xem xét những thay đổi ở những nơi khác trong bộ gen. Nếu FOXP2 bị quét, nó sẽ là gen duy nhất gửi tín hiệu thống kê. Thay vào đó, các phần khác của bộ gen đạt điểm tương tự như FOXP2 trong bài kiểm tra thống kê”.
Dù vai trò của FOXP2 đã suy giảm trong việc đem lại lợi thế tiến hóa cho con người nhưng các nhà nghiên cứu cũng đồng tình rằng: phát hiện này không có nghĩa là những thay đổi trong FOXP2 không quan trọng đối với sự tiến hóa ngôn ngữ. Simon Fisher, giám đốc Viện Tâm lý học Max Planck ở Nijmegen, Hà Lan, đồng tác giả của nghiên cứu năm 2002, cho biết: ngay cả khi không có sự tiến hóa gần đây của FOXP2 vẫn có nhiều bằng chứng cho thấy gen này có liên quan đến ngôn ngữ. Các đột biến xảy ra tại FOXP2 gây ra rối loạn ngôn ngữ ở người và ở chuột chứng tỏ gen này rất quan trọng đối với giọng nói và cử động - cả hai chức năng đều quan trọng đối với lời nói của con người. “Ngôn ngữ rất phức tạp và sẽ không bao giờ được giải thích chỉ bằng một đột biến nào ở người hiện đại. Theo nghĩa đó, FOXP2 chỉ là một mảnh ghép của một câu đố phức tạp hơn cần được giải mã trong tương lai” - Fisher kết luận.
***
Dù cơ sở khoa học về nguồn gốc ngôn ngữ con người vẫn
đang được các nhà khoa học tự nhiên nghiên cứu nhưng tất cả mọi
người đều công nhận lợi thế tiến hóa của ngôn ngữ trong xã hội
loài người. Ngôn ngữ cho phép loài người truyền tải tri thức từ
thế hệ này sang thế hệ khác, là động lực mạnh mẽ trong việc phổ
biến các nền văn hóa và truyền thống cũng như là chìa khóa cho sự
phát triển xã hội và tiến bộ khoa học công nghệ. Là những sinh vật
xã hội, con người cần tương tác với người khác và ngôn ngữ cung
cấp cho loài người một phương thức mạnh mẽ để thực hiện việc
này. Ngôn ngữ nói riêng và giao tiếp nói chung vì vậy là bản chất
22. Trang 301
của đời sống con người. Trên thực tế, một người khó có thể làm được bất cứ điều gì nếu không có công cụ mạnh mẽ nhất của họ là ngôn ngữ. Điều này thể hiện tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc thông báo hành động của con người và có thể ảnh hưởng đến mong muốn của con người trong việc châm ngòi các cuộc khủng hoảng và xung đột. Điều nghịch lý và thú vị là ở chỗ ngôn ngữ khiêu khích có thể được dùng để gây ra một cuộc xung đột, thậm chí xa hơn là tạo ra một cuộc chiến, nhưng ngược lại, việc sử dụng ngôn ngữ ôn hòa và phù hợp lại có thể xây dựng hòa bình.
Đối thoại là con đường dẫn đến hòa bình và công cụ mạnh mẽ nhất được sử dụng trong cuộc đối thoại này chính là ngôn ngữ.
Trong lịch sử Việt Nam, có một nhân vật đặc biệt đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ để đem lại hòa bình cho dân tộc. Là vua của Đại Việt - một quốc gia nhỏ sống cạnh một quốc gia lớn và hùng mạnh như Trung Quốc quanh năm suốt tháng cứ muốn đem quân xâm lấn - Trần Nhân Tông và chính sách hòa giải của ông là một minh chứng cho thấy ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc xây dựng một nền hòa bình tốt đẹp cho cả hai dân tộc.
Trần Nhân Tông tên húy là Trần Khâm, con đầu của vua Trần
Thánh Tông, sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258). Theo
Đại Việt sử ký toàn thư, lúc sinh ra, Trần Nhân Tông có hình tướng
như “được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như
vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ,
gọi là Kim Tiền đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên
có thể cáng đáng việc lớn”.
Khi lớn lên, Trần Nhân Tông được vua cha đặc biệt quan tâm
giáo dục để chuẩn bị cho việc kế tục sự nghiệp lãnh đạo đất nước
sau này. Sử chép vua cha Trần Thánh Tông “chọn người Nho học
trong nước, người nào có đức hạnh sung vào hầu Đông cung”. Tuệ
Trung Thượng sĩ, Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ
23. Trang 302
Cố đều là thầy học của Trần Nhân Tông. Ngay cả bản thân vua
Trần Thánh Tông cũng soạn Di hậu lục để dạy con. Điều này cho
thấy ngay từ thuở thiếu thời, Trần Nhân Tông đã được hấp thụ một
nền giáo dục sâu rộng, cởi mở. Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Trần
Nhân Tông có dẫn chứng sự học của Trần Nhân Tông trong lời đề
từ cho bức tranh Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ, Trần Quang Chỉ cho
biết rõ ràng hơn về những gì mà Trần Nhân Tông đã được nuôi dạy
lúc còn trẻ. “Khi lớn, ngài học thông tam giáo và hiểu sâu Phật điển.
Ngay cả thiên văn, lịch số, binh pháp, y thuật, âm luật, không thứ gì là
không mau chóng nắm được sâu sắc”.
24. Trang 303
Năm Giáp Tuất (1274), vào năm 16 tuổi, Trần Nhân Tông được vua cha sắc phong làm Hoàng thái tử, có ý định truyền ngôi nhưng Trần Nhân Tông từ chối, muốn nhường ngôi cho em mình là Đức Việp nhưng không được vua cha chấp nhận. Cũng trong năm này, theo ý Thánh Tông, Trần Nhân Tông lấy con gái trưởng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm vợ nhưng lòng ông thì rất nhạt nhẽo chuyện vợ chồng. Thánh đăng ngữ lục - tập sách thuật lại hành trạng của năm vị vua đời Trần - ghi lại phản ứng của Trần Nhân Tông khi vua cha đề nghị truyền ngôi và cưới vợ. “Một đêm vào giờ Tý, vua bèn vượt thành mà đi, tìm vào núi Yên Tử. Đến chùa Tháp núi Đông Cửu thì trời đã sáng mà mình lại rất mệt, bèn vào nghỉ trong tháp. Vị sư chùa thấy diện mạo vua khác thường, bèn đem thức ăn dâng vua”. Việc Thái tử trốn khỏi hoàng thành để tìm đường xuất gia khiến cả hoàng gia lo lắng và đổ đi tìm kiếm. “Hoàng hậu đem tâu hết cho Thánh Tông nghe. Vua ra lệnh cho quần thần tung ra bốn phương tìm kiếm. Thái tử bất đắc dĩ tự trở về và lên ngôi. Tuy ở nơi cửu trùng sang trọng mà vẫn tự mình giữ thanh tịnh” - Thánh đăng ngữ lục viết.
Ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278), ở tuổi 20, Trần Nhân Tông lên ngôi, lấy hiệu là Thiệu Bảo. Tuy ở vị trí đứng đầu đất nước nhưng ông vẫn nuôi dưỡng chí tu hành, thực hiện trường trai đến nỗi thân thể trở nên ốm o, gầy guộc khiến vua Thánh Tông phải than khóc vì lo sự nghiệp nước nhà không biết sẽ đi về đâu. Kể từ ấy, vì thương cha, Trần Nhân Tông mới tập trung lo việc quốc gia đại sự.
Thời gian trị vì của vua Trần Nhân Tông (1278 - 1293) gắn
liền với hai cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm
lược (1285 - 1288). Đây là những năm tháng rất cam go và ác liệt
đòi hỏi Trần Nhân Tông - vị tổng chỉ huy cuộc kháng chiến phải
vừa sắc sảo vừa linh hoạt trong việc xử lý rất nhiều tình huống
phức tạp trước, trong và sau cuộc chiến. Những bức thư, tấu, trạng
25. Trang 304
mà Trần Nhân Tông gửi cho nhà Nguyên chính là những tác phẩm văn xuôi thấm đẫm tinh thần hòa bình của một quốc gia Đại Việt nhỏ bé nhưng chứa đầy khí phách và sự kiên cường để giữ vững nền tự chủ của mình. Chính những bức thư này đã tạo ra thời kỳ hòa hoãn cần thiết để dân quân Đại Việt bước vào cuộc chiến một cách chủ động. Và cũng chính những bức thư này mà triều Nguyên đã bãi binh, tránh được cảnh chém giết lẫn nhau giữa hai nước. “Để đạt được mục đích ấy, các bức thư Trần Nhân Tông gửi cho triều Nguyên đã thể hiện sự khôn khéo mềm dẻo nhưng lại rất kiên quyết trong việc giữ vững chủ quyền của dân tộc. Sách lược đối ngoại của vua Trần Nhân Tông thể hiện trong các bức thư đó là: tránh va chạm, giữ hòa khí, thậm chí “nhún nhường” khi cần thiết nhưng lại rất cương quyết để bảo vệ chủ quyền của dân tộc” quyển sách Phật hoàng Trần Nhân Tông - Cuộc đời và sự nghiệp đúc kết.
Ngay từ khi Trần Nhân Tông mới lên ngôi, dù vua Nguyên Hốt Tất Liệt liên tục tạo áp lực, sai sứ bộ sang Đại Việt buộc ông thân chinh vào chầu nhưng Trần Nhân Tông luôn khôn khéo từ

chối yêu sách của vua Nguyên. Khi vua Trần Thánh Tông mất, Hốt Tất Liệt lấy cớ Trần Nhân Tông lên ngôi nhưng không xin phép thiên triều do vậy quyết đòi ông sang Bắc Kinh chầu thiên tử. Trần Nhân Tông nhất quyết không sang mà chỉ cho sứ đoàn đi ngoại giao.
Lê Mạnh Thát trong Toàn tập
Trần Nhân Tông có viết về bài biểu
mà vua Trần Nhân Tông đã dâng
Hốt Tất Liệt “Nhận được sắc đòi lễ
thân chinh phải đến Thiên triều. Tôi
sinh trưởng ở chốn thâm cung, không
quen cưỡi ngựa, không quen phong
26. Trang 305
thổ, sợ chết dọc đường. Các em tôi từ Thái úy trở xuống cũng đều như thế. Thiên sứ trở về, chúng tôi kính cẩn dâng biểu, để đạt thành ý, cùng dâng vật lạ. Từng nói “Tống chủ năm chưa đầy 10 tuổi cũng sinh trưởng ở chốn thâm cung, ở quanh quẩn Tập Hiền điện, hàng ngày làm sáng rõ lời dạy của tiên quân ở đời. Tôi thuở mới nối ngôi, thiên sứ sang mở thư chiếu dụ, khiến tôi vừa mừng vừa sợ, trong lòng hỗn loạn. Trộm nghe, Tống chủ lúc nhỏ, trời thương đã phong công tước. Vậy đối với tiểu quốc, tôi tất cũng được thêm lòng xương xót”.
Lời lẽ trong bài biểu vừa có tình vừa có lý, khiến cho Hốt Tất Liệt khó bề bắt bẻ. Lý lẽ ấy thể hiện rõ làm vua một nước dù là nước nhỏ nhưng quyền lợi và trách nhiệm cũng giống vua nhà Tống. Vua một nước thường sinh trưởng trong chốn thâm cung nên không quen nắng gió, do vậy việc đi sang Bắc Kinh để triều cống không thực hiện được. Việc từ chối không sang chầu thượng quốc được Trần Nhân Tông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài biểu, tấu. Điều này thể hiện sự kiên định trong đường lối ngoại giao của ông. “Ấy, bởi vì sinh trưởng ở nước Việt Thường, bẩm khí yếu đuối, thủy thổ không quen, nóng lạnh chẳng chịu. Dù xem được quang cảnh thượng quốc, sung làm khách của vương đình, thì vẫn sợ có chuyện trên đường, luống phơi xương trắng, đến nỗi lòng nhân của bệ hạ cũng tự cảm thấy xót thương, mà chẳng ích gì cho thiên triều trong muôn một”. Những luận điệu về lòng nhân của “thiên triều” Hốt Tất Liệt đã bị Trần Nhân Tông chất vấn trở lại: Nếu “thiên triều” có lòng nhân thì tại sao cứ bắt tôi phải vào chầu. Nếu vào chầu theo đúng lệnh (đường xa xôi hiểm trở, đi dài ngày) lỡ phơi xương trắng ở dọc đường há chẳng phải ảnh hưởng đến lòng nhân mà “thiên triều” từng khoe khoang đó sao. Trần Nhân Tông hiểu rất rõ vào chầu tức là đầu hàng giặc nên ông quyết không nhượng bộ.
Hốt Tất Liệt dùng chiêu bài dụ dỗ bằng lời đường mật không
được, liền hai lần xua quân tiến đánh Đại Việt với binh tướng hùng
27. Trang 306
mạnh nhưng quân Nguyên vẫn thất bại thảm hại. Hổ thẹn với dân chúng vì tư cách là người đứng đầu “thiên triều đại quốc” mà trong vòng bốn năm đã hai lần đại bại, ngày 18/11/1288, Hốt Tất Liệt tiếp tục cử phái bộ do Lý Tư Diễn cầm đầu mang chiếu đến Thăng Long buộc Trần Nhân Tông thân chinh vào chầu nếu không sẽ đem quân đánh lần nữa.
Vua Trần Nhân Tông đáp lại bằng cách dâng hai lá thư và một tờ trạng cùng phương vật cống phẩm để giảm nộ khí của Hốt Tất Liệt, tránh một cuộc xung đột lần nữa xảy ra. Tuy nhiên Hốt Tất Liệt vẫn chưa nguôi hẳn, trong chiếu thư chất vấn có viết: “Nếu quả có lòng thành thật thì sao không sang trình diện để phô bày?”. Trần Nhân Tông đã trả lời một cách mềm mỏng: “Thần há không muốn xem quang cảnh thượng quốc, thân mình được tắm gội ơn vua, mà đã vội trái mệnh để chuốc lấy họa ư? Trời trên soi tỏ. Thật tình vì thường tham sống sợ chết, thần xa cách thiên triều mà mắc tội ở góc trời thì sự che chở khoan dung chỉ cậy có bệ hạ sáng như trời trang, lượng như thiên địa. Nếu không dồn hết nước cả bốn biển cũng không đủ để rửa sạch tội của thần”. Trần Nhân Tông đã vận dụng lý lẽ thường tình của con người là “tham sống sợ chết” để giải thích về hành động không sang đất Bắc chầu thiên tử, nhưng vì sợ bỏ xác trên đường đi mà ảnh hưởng đến lòng nhân của thánh triều. Tuy nhiều lần ra chỉ dụ bắt Trần Nhân Tông vào chầu nhưng không được đáp ứng, Hốt Tất Liệt cũng khó kiếm cớ để hỏi tội trước lập luận của ông. Mục tiêu cuối cùng của Trần Nhân Tông đã đạt được, quân Nguyên không động binh lần nữa và mối bang giao giữa hai nước vẫn được thiết lập. Đó là một quyết sách ngoại giao mà Trần Nhân Tông đã vận dụng khôn khéo để tránh cảnh binh đao giết chóc tiếp tục nổ ra giữa hai nước.
Lời lẽ mềm dẻo trong thư của Trần Nhân Tông còn thể hiện
ở chỗ ông quy tội gây chiến cho các tướng lĩnh ngoài biên ải thay
vì trực tiếp chỉ trích vua Nguyên. “Đến năm 1286, Binh chương A
28. Trang 307
Lý Hải Nha vì tham lập công biên giới, làm trái thánh chỉ. Do vậy tiểu quốc sinh linh một phương phải chịu lầm than. Tham chính Ô Mã Nhi nói với người trong nước truyền báo cho thần rằng: Mày chạy lên trời, tao theo lên trời. Mày chui xuống đất, tao theo xuống đất. Mày trốn trong núi, tao vào núi tìm. Mày chạy xuống biển, tao xuống biển theo… Tham chính Ô Mã Nhi lâu ngày nắm binh thuyền, riêng ra ngoài biển, bắt hết biên dân vùng biển. Lớn thì giết chết, nhỏ thì bắt đi, cho đến treo trói, xẻ mổ, mình đầu khắp chốn. Trăm họ bị bức tới chỗ chết, bèn dấy cái họa của con thú cùng đường… Còn việc làm của Ô Mã Nhi tàn khốc bạo ngược thì chính đại vương mắt thấy. Vi thần chẳng dám nói dối”.
Chiến thuật ngoại giao qua ngòi bút của Trần Nhân Tông đã tế nhị giữ thể diện cho Hốt Tất Liệt, tuy quy tội cho các tướng ngoài biên ải nhưng ý đồ ngầm chứa trong bài biểu là lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa do Hốt Tất Liệt chủ mưu. Lời lẽ mềm mỏng nhưng trong các bức thư, Trần Nhân Tông đã đưa ra những lý lẽ rất sắc bén nhằm buộc tội kẻ thù. Vì “trăm họ bị bức bối tới chỗ chết, bèn dấy họa của con thú cùng đường” vì thiên triều quá o ép nên chúng tôi đành phải phản kháng lại với tâm thế là sự phản kháng của “con thú cùng đường” mà thôi.
Vào cuối năm 1283, khi vua Nguyên sai Triệu Chữ sang đòi
nhà Trần phải giúp binh lương cho việc đánh Champa, Trần Nhân
Tông đã cho người đưa thư sang từ chối với lý do vô cùng chính
đáng. “Thân của kẻ cô tử này đã kế thừa chí cha. Từ khi cha tôi quy
thuận thiên triều đến nay là 30 năm, đối với vũ khí can qua, không cần
dùng lại, quân lính bỏ về làm dân đinh, một lòng cống hiến thiên triều,
trong lòng không có mưu đồ gì khác, mong các hạ thương xót mà soi
xét cho. Về việc giúp lương thì địa thế tiểu quốc tiếp giáp với biển, ngũ
cốc sản xuất không nhiều. Từ khi đại quân đi rồi, trăm họ lưu vong,
thêm vào đó bị lụt lội hạn hán. Sớm no chiều đói, ăn uống vẫn không
đủ”. Với cách lập luận như vậy, Hốt Tất Liệt đành ngậm tăm, không
có cớ để trả thù khi Đại Việt từ chối không giúp binh lương.
29. Trang 308
Để xoa dịu đối phương, dù đã đánh thắng quân Nguyên nhưng vị vua Đại Việt vẫn thể hiện sự nhún nhường, nối lại tình hòa hiếu bằng cống phẩm và những bức thư mừng thọ, dâng biểu ngợi ca. Năm 1286, ngay sau trận chiến thắng quân Nguyên lần thứ hai, để làm vơi đi nỗi hận vì thua trận của Hốt Tất Liệt, Trần Nhân Tông đã dâng thư và cống phẩm vật. Đây là lần cống phẩm vật nhiều nhất. Trong bức thư đã liệt kê ra 52 hạng mục với đầy đủ các loại vật dụng quý giá từ đồ ngự dựng có khảm vàng bạc đến sừng linh dương, sừng tê giác, chim ó, chim trĩ, rái cá, cá sấu, lông chim trả, voi thuần, lụa là gấm vóc… Bài biểu viết ngày 4/3/1293, năm năm sau khi cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần 3 thắng lợi, Trần Nhân Tông tiếp tục thi hành chính sách bang giao mềm dẻo với nhà Nguyên.
“Bề tôi Nhật Tôn thật mừng, thật vui cúi đầu, dập đầu kính nghĩ:
Hiếu Thiên Thuật Đạo Nhân Văn Nghĩa Vũ Đại Quang Hiếu hoàng
đế hạ thông minh sánh trời, trí dũng thiên phú, vì một giận mà yên
thiên hạ, đem năm phước mà ban tới thứ dân, lấy trọn bốn phương là
việc từ Hán Đường chưa từng có. Thế mà không bỏ sót tiểu quốc, đem
tấm lòng Nghiêu Thuấn ra dùng, có bắt thì có tha, được danh tất được
thọ. Bề tôi Nhật Tôn, đất Nam ngồi giếng, mặt Bắc ngóng sao, ba mươi
năm chăm chăm khuyển mã, một tấc lòng trời cao, cúi bày gương vàng,
luống mong cửa khuyết xem soi”.
30. Trang 309
Trong bài biểu, vua Nguyên được khen là người thông minh sánh ngang trời, trí dũng song toàn do bẩm sinh, uy vũ lẫy lừng thiên hạ bởi một cái giận đã dẹp yên thiên hạ, bao quát tứ phương, ban phúc cho thứ dân, những sự việc này từ thời Hán Đường chưa từng thấy. Những câu từ đã làm dịu đi nỗi căng thẳng giữa Đại Việt và quân Nguyên, làm dịu bớt nỗi đau của một “đại quốc” mà lại thua “tiểu quốc”. Có lẽ thất bại của ba cuộc chiến tranh xâm lược đã làm nguôi bớt phần nào ý đồ bành trướng của quân Nguyên. Nhưng chính quyết sách ngoại giao mềm mỏng của Trần Nhân Tông, cùng cống phẩm và những lời lẽ ngọt ngào có tình có lý trong các bài biểu đã khiến mối hận thù của Hốt Tất Liệt nguôi ngoai rất nhiều.
Tinh thần hòa giải của Trần Nhân Tông không chỉ thể hiện
trong những bức thư ngoại giao với vua Hốt Tất Liệt mà còn
trong hành động của ông sau khi quân Nguyên thua trận. Trước
một đội quân vừa mới đốt phá xóm làng, thành quách, dinh thự,
bắt giết nhân dân, thậm chí “treo trói, mổ cắt, vứt mình một nơi
đầu một ngả” đối với dân lành liên tiếp ba lần (1258, 1285, 1287
- 1288), lẽ ra tội ác của quân Nguyên phải bị căm thù rồi trừng
trị nhưng Trần Nhân Tông đã quyết định dùng tình yêu thương
xóa bỏ hận thù, ông cho thả hàng nghìn tù binh bị bắt trong hai
cuộc chiến. Trong lá thư gửi Hốt Tất Liệt năm 1288, Trần Nhân
Tông đã viết: “Lại thấy bách tính đưa đến một người là đại vương
Tích Lệ Cơ, nói là bậc quý thích của đại quốc. Thần từ hôm đó đã lấy
lễ đối đãi rất mực tôn trọng, kính hay không kính thì đại vương tất
rõ. Còn những hành vi tàn bạo của Ô Mã Nhi, đại vương trông thấy
tận mắt, vi thần không dám nói dối. Tiểu quốc thủy thổ độc, viêm
chướng nhiều, thần lo ở lại lâu ngày sinh ra bệnh tật, tuy vi thần có
hết sức phụng dưỡng cũng không khỏi bị những kẻ tham công ngoài
biên cương vu tấu đặt điều cho nên tội. Vi thần kính xin sắm đủ lễ vật
31. Trang 310
đi đường sai người đến biên giới đưa đại vương về nước… Ngoài ra đại quân rơi rớt còn lại hơn nghìn người, thần đã ra lệnh cho trở về hết, sau này nếu còn tìm được người nào thần cũng sẽ cho về”.
Sau cuộc kháng chiến Mông Nguyên lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287 - 1288) thắng lợi, dưới thời Trần Nhân Tông thanh thế Đại Việt đã lừng lẫy khắp cõi Đông Á. Lúc này, giới quân sự Đại Việt đã gây sức ép cho triều đình trong chiến sách mở nước về phương Nam, điều mà các triều trước đã từng thực hiện thành công nhưng cũng không ít máu xương đã phải đổ xuống. Trần Nhân Tông lúc này đã nhường ngôi cho con trai Trần Anh Tông và trở thành Thái Thượng Hoàng lại một lần nữa “xông pha trận mạc”. Dù đã rời xa triều chính, nhưng ông vẫn trung thành với con đường hòa bình mà mình đã gây dựng từ thời trai trẻ.
Tháng 3/1301, với tư cách là một tăng sĩ, Trần Nhân Tông mở
cuộc vân du Champa kéo dài đến tháng 11 cùng năm ấy mới trở
về Đại Việt. Thời gian ở Champa, Trần Nhân Tông đã được vua
Chế Mân đón tiếp nồng hậu bởi trong cuộc chiến tranh chống
xâm lược Mông - Nguyên vừa mới kết thúc không lâu, Đại Việt và
Champa là đồng minh của nhau. Trong cuộc chiến tranh xâm lược
Champa của triều Nguyên năm 1283, Trần Nhân Tông không chỉ
không đồng ý cho Hốt Tất Liệt mượn đường Đại Việt xâm lăng
Champa, mà ngược lại đã gửi 2 vạn quân và 500 chiến thuyền chi
viện cho nhân dân Champa chống Nguyên - Mông góp phần giúp
nhân dân Champa giành thắng lợi. Chắc chắn, trong thời gian ở
Champa, giữa Trần Nhân Tông và Chế Mân đã có những cuộc
đàm đạo ngoạn mục. Sử liệu không ghi đầy đủ những cuộc đàm
đạo này trừ việc Chế Mân đồng ý dâng hai châu Ô và Lý cho Đại
Việt để được kết duyên với công chúa Huyền Trân, người con gái
của Trần Nhân Tông.
32. Trang 311
Trở về Thăng Long, Trần Nhân Tông thông báo với triều thần về kết quả chuyến đi, trong đó có nội dung quan trọng nhất là việc gả công chúa Huyền Trân cho hoàng đế Champa để hai châu Ô và Lý sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Tháng 2/1305, Chế Mân sai sứ là Chế Bồ Đài và hơn 100 người cùng đi, đem vàng bạc, hương quý và vật lạ đến Thăng Long để dâng sính lễ. Cuộc hôn nhân này đã thắt chặt mối quan hệ Việt - Chiêm, tránh đi cuộc tương tàn giữa hai quốc gia mà đồng thời, Đại Việt vẫn có thể mở rộng bờ cõi trong hòa bình.
Dù đã rời nhân thế 700 năm, Trần Nhân Tông vẫn được hậu thế đánh giá là một đại diện tiêu biểu về tinh thần hòa giải. Vinh danh ông, đầu năm 2012 Đại học Harvard (Mỹ) đã thành lập Giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa giải. Đây là giải thưởng quốc tế do Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông của Đại học Harvard trao tặng hàng năm dựa trên cơ sở thẩm định của Ủy ban Giải thưởng của Viện. Nói về Trần Nhân Tông và sức lan tỏa cũng như tính thời đại của tư tưởng hòa giải của ngài, Đại sứ Phạm Sanh Châu, với tư cách là Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO cho biết: “Ngài lấy lòng vị tha, trí, đức của đạo Phật, lòng nhân hậu, tinh thần xem trọng con người và chấp nhận sự đa dạng của người khác, tính đoàn kết truyền thống của người Việt làm nguồn cho tư tưởng hòa giải. Tư tưởng hòa giải của Trần Nhân Tông không chỉ là của riêng Phật giáo mà đã “nhập thế - nhập tục” vào dân gian. Có lẽ vì vậy mà dù trải qua nhiều triều đại, nhiều thời kỳ, tư tưởng này vẫn còn có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ”.
Bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh là một phương thức
ngoại giao mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã kế thừa từ di sản
vua Trần Nhân Tông. Kể từ khi gia nhập tổ chức Liên hợp quốc
năm 1977, Việt Nam không chỉ bình thường hóa quan hệ với
Trung Quốc (1991), Mỹ (1995) mà còn gia nhập nhiều tổ chức
33. Trang 312
quốc tế lớn, từng bước trở thành một thành viên có trách nhiệm tích cực trong cộng đồng quốc tế: tổ chức ASEAN (1995), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (1998), WTO (2007), trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008 - 2009, 2020 - 2021)… Về phương diện ngoại giao, Việt Nam đến nay đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao với 190/200 quốc gia trên toàn thế giới trong đó có 30 đối tác chiến lược và toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội (Việt Nam) được chọn trở thành nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019. Sự kiện trên là một minh chứng rõ nét cho vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Một đất nước đã trải qua 1.000 năm bị đô hộ, hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, một đất nước đã hứng chịu số bom Mỹ thả xuống cao gấp 3 lần số bom bị sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ Hai; một đất nước phải gánh chịu 4 cuộc chiến tranh liên tiếp từ sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, có thể nói không sợ quá lời rằng: Việt Nam mang trong mình khát vọng hòa bình tha thiết hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Việc Việt Nam cung cấp địa điểm lý tưởng để tổ chức một hội nghị bàn về vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên không chỉ là một kỹ thuật ngoại giao khéo léo của Chính phủ mà còn khẳng định Việt Nam đang đóng góp ngày càng chủ động và tích cực vào các vấn đề quốc tế nhằm hướng tới hòa bình và phát triển.
Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa
học Quân sự thuộc Viện Chiến lược Quân sự đã lý giải bốn lý do
thúc đẩy Mỹ và Triều Tiên thống nhất chọn Hà Nội của Việt Nam
làm nơi tổ chức cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và
nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở thời điểm đó.
34. Trang 313
Một là, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới có mối quan hệ hữu nghị thân thiện và tin cậy cả với Mỹ và Triều Tiên - hai quốc gia từng có quan điểm thù địch mà mới gần đây thôi còn đe dọa chĩa tên lửa hạt nhân nhắm vào nhau. Vì thế, Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia có thể đóng vai trò hòa giải tin cậy vì hòa bình và hợp tác trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng.
Hai là, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đảm bảo mọi mặt cho một cuộc gặp quan trọng, có ý nghĩa quốc tế rất lớn, như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Khả năng này của Việt Nam đã được thể hiện rõ ràng và sinh động trong các lần đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế như: 2 lần Hội nghị cấp cao APEC, vào năm 2006 tại Hà Nội và Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2017 tại Đà Nẵng; hay Diễn đàn kinh tế thế giới - ASEAN vào năm 2018.
Ba là, Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi nhậm chức đã có chuyến thăm Việt Nam tới Hà Nội và gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam. Còn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng rất muốn nhân cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ thăm chính thức Việt Nam để được chứng kiến các thành tựu của Việt Nam trong quá trình đổi mới mà Triều Tiên đang muốn tham khảo và học tập.
Do đó, Hà Nội là địa điểm lý tưởng để nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được các mục tiêu đó.
Bốn là, đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Việt
Nam không chỉ là mô hình đổi mới thành công dưới sự lãnh đạo
của một chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, tương
tự như vai trò của Đảng Lao động ở Triều Tiên, mà còn là quốc
gia rất thành công trong việc biến quan hệ với cựu thù địch trong
Chiến tranh lạnh là Mỹ thành quan hệ đối tác toàn diện vì sự hợp
tác cùng phát triển. Do đó, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm
35. Trang 314
với Triều Tiên trong việc chấm dứt lệnh cấm vận của Mỹ, mở cửa và hội nhập thành công vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Có thể nói việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ sau chiến tranh là một kỳ tích mà chính phủ Việt Nam đã đạt được và là bài học để các quốc gia khác học hỏi. Một ngày trước khi diễn ra sự kiện kể trên, Thủ tướng Việt Nam bấy giờ, trong cuộc phỏng vấn với kênh CNN đã đưa ra thông điệp:“Chúng ta không quên quá khứ, lịch sử của mình, nhưng chúng ta cần khép nó lại để hướng đến tương lai. Vì hòa bình của thế giới, vì sự kết nối và phát triển, chúng ta hãy bắt tay”.
***
Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, người đã dành nhiều năm quan sát các dãy thiên hà trong vũ trụ, đã nhận định trái đất là một hành tinh đặc biệt. Hầu hết các hành tinh tồn tại song song với trái đất đều khô cằn, vô sinh, rất nóng, hoặc rất lạnh, duy chỉ có trái đất là có sự sống. “Một vũ trụ vô sinh thì chẳng có ý nghĩa gì. Con người đóng một vai trò nhất định khi tìm hiểu vũ trụ và đem đến cho nó một ý nghĩa. Sáng tạo ra tất cả những cái đẹp ấy, cái hài hòa ấy để làm gì nếu như không có ai để mà nhận thức? Tất nhiên, luận cứ của tôi cũng có thể áp dụng cả cho trí tuệ ngoài trái đất nữa. Nhưng, tới chừng nào chưa có những bước nhảy vọt mới, thì hiện nay chúng ta vẫn là hình thức duy nhất của ý thức được biết là hiện hữu trong vũ trụ và chúng ta có trách nhiệm phải đem đến cho nó một ý nghĩa” ông bày tỏ.
Tôi tán thành quan điểm của nhà khoa học Trịnh Xuân
Thuận. Từ chương khởi đầu đến những trang cuối cùng của quyển
sách, chúng ta đã đi qua lịch sử phát triển hàng nghìn năm của loài
người, một lịch sử đan xen những cuộc chiến tranh, những phát
minh, những tiến bộ và cả những sai lầm đáng tiếc. Dẫu vậy, đúng
36. Trang 315
như tên gọi Homo sapiens - người tinh khôn, loài người không chỉ
sở hữu thứ ngôn ngữ độc đáo mà còn dường như là loài động vật
duy nhất biết nghĩ về tương lai và có khả năng thay đổi tương lai.
Nếu con người có thể đem lại ý nghĩa cho trái đất như lời của nhà
khoa học Trịnh Xuân Thuận, thì đó chính là khả năng duy trì và
phát triển sự sống xinh đẹp, nhân văn và đa dạng trên hành tinh
quý báu này.
Tôi tin rằng: đại dịch Covid-19 là một dấu hiệu dẫn trái đất
đến một con đường khác, tốt đẹp hơn, mà nếu chúng ta hành động
phù hợp thì đó sẽ là một chương tươi sáng và bền vững trong lịch
sử loài người. Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng: Việt Nam là một
trong những quốc gia quan trọng, để cùng với nhân loại tiến bộ
nói chung, dẫn tất cả chúng ta đến sự thịnh vượng cho Kỷ nguyên
của châu Á. Và không chỉ cho châu Á, tôi muốn nói tới cả địa cầu.
37. Trang 316
Trong một nền văn minh châu Á rộng lớn, đa dạng và trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, chúng ta có quyền hy vọng vào một nền hòa bình mới mà Việt Nam là quốc gia sẽ cất tiếng nói tiên phong, đầy tâm huyết và trách nhiệm. Tôi tin rằng, lối nghĩ tích cực và bao dung: Trái đất là quê hương ta với mô hình xã hội không chiến tranh và chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của chúng ta gửi đến Liên hợp quốc… - tất cả sẽ là một giải pháp cho thế giới tương lai. Một tương lai xán lạn, nơi mà chủ nghĩa dân tộc sẽ nhường chỗ cho ý thức hệ mới: Trái đất là quê hương là mái nhà chung cần bảo vệ cẩn trọng của loài người. Một tương lai không còn chiến tranh sẽ mở ra. Hòa bình sẽ là con đường dẫn lối nhân loại vươn tới sự thịnh vượng chung và sự phát triển bền vững của hành tinh trái đất.
Chưa phải là quá muộn. Bất chấp các hiểm họa về sự tận diệt,
sự xóa sổ bởi thảm họa, chiến tranh hay “Mùa đông hạt nhân” như
đã nói ở các chương trước. Mẹ trái đất vốn bao dung. Đại dương
vốn rộng lớn và sẵn sàng tha thứ. Nếu chúng ta biết thay đổi tích
cực từ hôm nay, tương lai tươi sáng, sum vầy của quê hương trái đất
vẫn sẽ thuộc về tất cả chúng ta.