Thân mời bạn đọc phần Phụ lục sách tại đây nhé.
Site: | Earth Is My Home Land |
Course: | Địa Cầu Quê Tôi |
Book: | Thân mời bạn đọc phần Phụ lục sách tại đây nhé. |
Printed by: | Guest user |
Date: | Saturday, 19 July 2025, 2:38 AM |
Table of contents
- 1. Trang 317
- 2. Trang 318
- 3. Trang 319
- 4. Trang 320
- 5. Trang 321
- 6. Trang 322
- 7. Trang 323
- 8. Trang 324
- 9. Trang 325
- 10. Trang 326
- 11. Trang 327
- 12. Trang 328
- 13. Trang 329
- 14. Trang 330
- 15. Trang 331
- 16. Trang 332
- 17. Trang 333
- 18. Trang 334
- 19. Trang 335
- 20. Trang 336
- 21. Trang 337
- 22. Trang 338
- 23. Trang 339
- 24. Trang 340
- 25. Trang 341
1. Trang 317
Phụ lục
THƯ GỬI ĐẠI HỘI ĐỒNG
LIÊN HỢP QUỐC
Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam,
ngày 8 tháng 5 năm 2023
Kính gửi: Đại Hội đồng Liên hợp quốc!
Thưa quý vị!
Là một người dân sống trong một nước phải gánh chịu nhiều đạn bom bậc nhất trong lịch sử nhân loại, trải qua nhiều đau thương mất mát nhất bởi chiến tranh; là người - từ thuở ấu thơ - đã phải chứng kiến và bị ám ảnh những nỗi đau thương tột cùng do bom đạn mang lại; là nhà sáng lập một tập đoàn xây dựng mang tên Hòa Bình (PEACE), tôi yêu quý hòa bình và vô cùng căm ghét chiến tranh! Tôi - Lê Viết Hải - nguyện sẽ tìm ra mọi giải pháp ngăn ngừa để: trong tương lai chiến tranh không còn hiện diện trên hành tinh này nữa.
Vì vậy, tôi thiết tha thỉnh cầu Chính phủ Nước Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam, chuyển tâm thư của tôi đến Đại Hội
đồng Liên hợp quốc để kiến nghị một giải pháp mà tôi tin chắc
rằng sẽ mang lại hòa bình vĩnh cửu cho nhân loại.
2. Trang 318
Bằng nhiều trăn trở qua thời gian dài hơn 50 năm qua, đến bây giờ tôi mới nhận thấy rất rõ những điều sau đây:
1/ Nhân loại đang đứng trước một khúc quanh lịch sử, cần chọn một đích đến và một con đường mới ưu việt hơn nữa.
Đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến làm chao đảo cả thế giới và ngay sau đó là chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra ngày càng khốc liệt. Từ lúc nền văn minh nhân loại bắt đầu phát triển đến nay mới có một trận đại dịch làm ngưng trệ mọi sự dịch chuyển của con người như thế. Cũng từ Đệ nhị Thế chiến đến năm 2022 mới có một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở châu Âu như cuộc chiến Nga - Ukraine hiện nay.
Có nhiều dấu hiệu khác nữa cho chúng ta thấy có gì đó đang rất nghiêm trọng trên con đường phát triển nền văn minh của nhân loại. Chúng ta đang đi rất nhanh với quá nhiều hiểm nguy phía trước mà không ai có thể dự báo được. Tương lai có thể sẽ bất định và thật u ám, mịt mờ chứ không rực rỡ như chúng ta đã từng mơ ước. Chúng ta đã phát triển khoa học - kỹ thuật và công nghệ như vũ bão nhưng chính những thành tựu đó đã đưa chúng ta đi quá nhanh, nhanh đến độ khiến cho chúng ta có thể sẽ mất kiểm soát, mất cả phương hướng. “Bạo phát ắt bạo tàn”, có thể nói là một quy luật chúng ta cần quan tâm, đối chiếu - khi nhìn lại sự phát triển nền văn minh với một gia tốc vĩ đại (kỷ nguyên Anthropocene).
Những dấu hiệu nguy hiểm nhắc chúng ta cần phải có sự thay đổi trong lối đi. Đây có lẽ là một khúc quanh lịch sử của loài người. Tìm một con đường và quyết định lựa chọn một ngã rẽ nào đó tại khúc quanh lịch sử này là một việc làm vô cùng quan trọng. Hướng đi cho loài người trong thời đại mới cần xác định rõ. Theo tôi, đó chính là con đường dẫn đến hòa bình vĩnh cửu cho
3. Trang 319
nhân loại. Hòa bình vĩnh cửu chính là cái đích đến. Hòa Bình là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Không có hòa bình thì mọi nỗ lực cho sự phát triển bền vững sẽ trở nên vô nghĩa. Hướng đến cái đích hòa bình con người sẽ biết phải làm gì. Chúng ta sẽ yêu thương nhau hơn; biết đau cho nỗi đau của đồng loại nhiều hơn; biết cách tránh việc gây thêm hận thù; biết xa lánh việc nghiên cứu, sản xuất và chứa chấp vũ khí hủy diệt; biết cách bỏ đi ý định tiêu diệt lẫn nhau; ngược lại, loài người sẽ dồn mọi nỗ lực bảo vệ cho môi trường sống của chính mình, phát triển nền văn minh trong một mức độ an toàn và có sự kiểm soát hiệu quả.
2/ Trong kỷ nguyên mới loài người, cần xác định một cách rất dứt khoát: chiến tranh dưới bất kỳ hình thái nào, vì bất cứ lý do gì đều là phi pháp, phi nghĩa và không thể chấp nhận được bởi những rủi ro quá lớn cho sự tồn vong của chính chúng ta.
Trong thời đại này, chiến tranh phải được xem là một tội ác xấu xa bậc nhất trong tất cả các tội ác, là một việc làm đáng sợ nhất, đáng lên án nhất trong tất cả mọi việc đáng sợ và đáng lên án. Chúng ta cần dứt khoát loại bỏ hoàn toàn chiến tranh ra khỏi xã hội loài người trong kỷ nguyên mới. Đây là một kỷ nguyên hoàn toàn khác với thời xa xưa khi con người chỉ biết đến cái làng, cái xã của mình và hằng tưởng rằng nơi ta sinh ra là trung tâm của vũ trụ.
Ngày nay loài người đã bay ra ngoài không gian, đã có những
bức ảnh chụp trái đất từ khoảng cách lên đến 6 tỷ kilomet, chúng
ta cần phải có cái nhìn khác đi về trái đất. Nhìn từ vũ trụ, trái đất
của chúng ta vô cùng nhỏ bé, nhỏ bé ví như là một hạt bụi trong
bầu trời bao la. Nhưng hạt bụi vô cùng nhỏ bé đó lại có thật nhiều
điều diệu kỳ mà chúng ta cần biết trân quý và bảo vệ. Chúng ta cần
nhớ rằng trái đất là hành tinh duy nhất trong thái dương hệ sau
4. Trang 320
hơn 4 tỷ năm hình thành cộng với hàng loạt sự kiện vô cùng may mắn mới hình thành nên sự sống vô cùng quý giá. Vậy mà chưa đầy 300 năm qua (kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất), chính con người chúng ta đã tự phá hoại đất mẹ; tranh giành khai thác đến cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại nghiêm trọng môi trường, đẩy trái đất đến bờ vực của sự diệt vong trong một tương lai không xa. Nhưng có một điều còn đáng sợ hơn gấp trăm lần đó là chiến tranh hạt nhân. Nếu xảy ra “mùa đông hạt nhân” thì môi trường sống có thể bị hủy hoại hoàn toàn ngay lập tức. Chưa bao giờ trái đất bị tổn thương, mong manh và dễ tan vỡ như bây giờ.
Đó là một nguy cơ có thực và chúng ta không thể xem thường được. Chúng ta cần có biện pháp ngăn ngừa từ căn nguyên. Loài người là một sinh vật cực kỳ thông minh, chúng ta đã đạt được những thành tựu tuyệt đỉnh về khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhân loại tiến bộ nhất định phải biết tìm ra giải pháp ngăn ngừa chiến tranh nhằm tránh thảm họa xảy ra cho chính mình.
3/ Chủ nghĩa quốc gia, dân tộc lỗi thời, lạc hậu là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến các cuộc chiến tranh thảm khốc; cần thay đổi bằng một nhận thức mới về vấn đề này trên phạm vi toàn cầu.
Khi một cuộc chiến đã nổ ra thì không bên nào thừa nhận
mình có lỗi. Mỗi bên đều có lý khi cho rằng việc sử dụng vũ lực và
leo thang chiến tranh là cần thiết hoặc bất đắc dĩ và rất chính đáng
để bảo đảm quyền lợi, sự an toàn cho quốc gia, cho dân tộc của
mình trước một mối đe dọa nào đó của đối phương. Loài người
văn minh nhất định phải tìm ra một giải pháp hữu hiệu ngăn chặn
nguy cơ đó.
Muốn có giải pháp hữu hiệu phải làm rõ nguyên nhân gốc rễ
gây ra chiến tranh. Ngăn ngừa từ mầm mống thì mới không cho
5. Trang 321
“cây chiến tranh” mọc lên được. Vậy mầm mống, gốc rễ đó là gì? Từ bao đời nay người dân của mọi quốc gia trên thế giới đều được dạy rằng: quyền lợi của quốc gia, của dân tộc ta là trên hết, là quan trọng nhất, là thiêng liêng và bất khả xâm phạm nhất. Chúng ta và tất nhiên cả con em của chúng ta - dưới nền giáo dục như vậy - mặc nhiên xem đó là một chân lý. Vì thế chúng ta sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ quốc gia, bảo vệ lợi ích và những giá trị mà dân tộc mình tôn thờ. Chúng ta xem đó là một việc làm chính đáng, một nghĩa vụ thiêng liêng và nếu có phải hy sinh một phần thân thể hoặc cả mạng sống của mình cho điều đó thì cũng không tiếc nuối. Bởi chúng ta luôn nghĩ rằng: đó là một sự hy sinh và hy sinh cho tổ quốc là vô cùng cao quý.Điều đó đúng trong quá khứ, chúng ta tôn trọng các giá trị thiêng liêng cao cả đó. Nhưng sẽ không hoàn toàn đúng, khi mà trong thời đại mới, chúng ta vẫn có thể có cách khác để giải quyết vấn đề, mà không cần sự giết chóc, với bom đạn cùng sự phá huỷ xót xa. Hơn nữa, trong thời đại mới loài người đã có những vũ khí mang tính hủy diệt thì sự “hy sinh” để chấp nhận chiến tranh đó, còn có thể mang đến thảm họa hủy diệt cho cả loài người. Đó là thảm họa bị diệt vong bởi bom hạt nhân và nhiều vũ khí tinh vi khác (ví dụ vũ khí sinh học) mà sức huỷ diệt của nó ngày càng kinh khủng hơn.
Thế giới ngày nay đã có những thay đổi như vũ bão, những thay đổi đó khiến cho xã hội loài người trong kỷ nguyên này có nhiều tiến bộ vượt bậc so với vài chục năm trước - dĩ nhiên, càng khác “một trời một vực” so với vài trăm năm, vài ngàn năm trước. Sự khác biệt đó buộc loài người phải có một nhận thức mới, với mô hình tổ chức xã hội phù hợp hơn.
6. Trang 322
Con người thời đại này không còn sống bó hẹp trong một vùng lãnh thổ nào đó, suốt đời chỉ quanh quẩn gần nơi chôn nhau cắt rốn của mình, chỉ biết một văn hóa, chỉ nói một ngôn ngữ. Khi đó, đôi lúc, chỉ cách nhau một con sông, một ngọn núi mà không hề giao tiếp với nhau, văn hóa, ngôn ngữ cũng khác nhau. Bấy giờ, dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh… nơi này chẳng mảy may ảnh hưởng đến nơi kia. Thậm chí người ở châu Á còn không biết những trận dịch giết chết hàng chục, hàng trăm triệu người ở châu Âu. Ngày nay, chỉ với “một con vi rút bé nhỏ”, dịch bệnh đã bung ra khắp toàn cầu và tốc độ lây lan vô cùng nhanh chóng, không một hàng rào quốc gia nào có thể ngăn chặn được sự xâm nhập của nó. Ngày nay chỉ cần trong tích tắc người ta có thể giao tiếp với nhau dù cách nửa vòng trái đất. Con người không còn sống tách biệt nhau mà mọi dân tộc đã trở nên rất gần gũi với nhau. Trái đất đã thành một ngôi làng thậm chí có thể xem là một ngôi nhà chung của nhân loại. Sự thay đổi đó là vô cùng lớn lao.
Sự thay đổi to lớn về mọi mặt của xã hội đòi hỏi loài người cần có nhận thức mới, quan niệm mới, quan điểm mới về quốc gia, dân tộc và một mô hình tổ chức xã hội mới nhân văn và hợp thời hơn. Mô hình đó là gì chúng ta cần nghiên cứu một cách khoa học chứ không bị chi phối bởi những thế lực chính trị nào đó.
4/ Cần phải xóa bỏ hoàn toàn định kiến “lợi ích của quốc gia là trên hết” mà phải xác định rất rõ ràng, dứt khoát lợi ích của toàn nhân loại mới là tối thượng!
Có thể khẳng định rằng: sự xác định chuẩn mực giống nòi,
dân tộc dẫn đến sự phân biệt và tranh giành lợi ích cho riêng dân
tộc mình là tiền đề dẫn đến bao cuộc chiến trong quá khứ. Qua
nhiều thế hệ, nó đã được chuyển hóa lên cấp độ cao hơn, không
7. Trang 323
chỉ còn phân biệt giữa dân tộc với nhau mà giữa quốc gia này với quốc gia khác, khối này với khối khác, chủ nghĩa - ý thức hệ này với chủ nghĩa - ý thức hệ khác.
Thực tế hiện nay, mỗi quốc gia luôn tồn tại nhiều dân tộc nhưng các dân tộc thường cùng chung sống hòa bình với nhau và cùng nhau bảo vệ quyền lợi quốc gia của mình. Cũng vì thế chiến tranh thời nay là sự tranh giành quyền lợi của các cộng đồng dân tộc khác nhau sống trong cùng một vùng lãnh thổ mà chúng ta gọi là quốc gia. Sự phân chia quốc gia theo từng vùng lãnh thổ đã tạo nên những cộng đồng có sự chia sẻ cùng một số lợi ích đã tìm mọi cách tranh giành về mình nhiều quyền lợi nhất. Từ đó, đã sinh ra định kiến cho rằng: quyền lợi của quốc gia hay nói chính xác hơn là của người dân sống trong quốc gia đó là trên hết. Điều đó cũng có thể áp dụng cho những khối liên minh, liên kết lớn hơn. Khi sự tranh giành không làm cho một bên nào đó cảm thấy thỏa mãn và các bên không thể tìm được tiếng nói chung thì họ sẽ thay tiếng nói bằng tiếng súng. Đó là nguồn gốc dẫn đến những cuộc chiến trong thời cận đại.
Thực ra, việc chia cắt quốc gia, lãnh thổ do có một số sự khác
biệt nào đó chỉ có ý nghĩa tương đối. Bản đồ thế giới đã nhiều lần
“lập lại” bởi sự thay đổi ranh giới của các quốc gia. Nhìn trong
phạm vi hẹp: làng này có khác với làng kia, thành phố này với
thành phố nọ cũng có những sự khác biệt với nhau, quốc gia này,
quốc gia kia hoặc châu lục này, châu lục kia dường như có sự khác
biệt rất lớn, lớn đến mức tưởng chừng như không thể hòa nhập
với nhau được. Nhưng! Nếu chúng ta nhìn từ vũ trụ thì sự khác
biệt đó thật là bé nhỏ vô cùng. Sự khác biệt giữa các vùng miền có
thể khẳng định là không đáng kể nhìn từ góc độ so sánh với các
8. Trang 324
hành tinh khác (những nơi không có nước hay nhiệt độ âm vài trăm độ, hoặc nóng đến mức nung chảy cả sắt được). Tuy nhiên, với sự phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ như vũ bão, môi trường sống của hành tinh đang bị hủy hoại nghiêm trọng và ngôi nhà chung của loài người - trái đất này - có thể trở thành ngôi mộ chung cho 8 tỷ người.
Chúng ta cần nhìn thấy rõ nguy cơ đó, cùng tìm và thực thi giải pháp ngăn ngừa thảm họa xảy ra. Chúng ta cần xác định: mọi loài sinh vật trên trái đất này đang tồn tại và phát triển trên nguyên lý cộng sinh. Trái đất, vì thế, cần được xác định là quê hương của chúng ta, quê hương của tất cả con người (và muôn loài), chứ không phải quê hương của chúng ta chỉ là cái làng, cái xã, là thành phố, là quốc gia của mình. Trái đất này là quê hương ta. Ở góc nhìn nhỏ hẹp từ phạm vi quốc gia, tất nhiên người ta sẽ nảy sinh quan niệm lợi ích quốc gia là trên hết. Nhưng quan điểm này có nhiều điểm không còn hợp với thời hiện đại; mà nếu không thay đổi một cách hợp lý thì sẽ gây ra những hậu quả vô cùng thảm khốc cho loài người. Từ góc nhìn của một con người sinh ra trong vũ trụ bao la, xem cả vũ trụ đó là thế giới của mình, chúng ta sẽ nhận ra một chân lý: Trái đất là quê hương chung cho tất cả loài người. Từ đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng lợi ích chung của loài người mới là tối thượng. Vì lẽ đó, việc bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường trên trái đất - quê hương của mình - là nghĩa vụ thiêng liêng, cao đẹp nhất của tất cả chúng ta!
Chúng ta cần xác định rất rõ rằng: ngày xưa, lợi ích quốc gia là
trên hết dựa trên một chân lý: lợi ích chung luôn cần phải đặt lên
trên lợi ích riêng. Bởi vì khi ấy quốc gia còn thì ta còn, gia đình còn,
các cộng đồng của ta còn; quốc gia mất thì ta không còn, gia đình
không còn, các cộng đồng của ta cũng không còn. Ngày nay chúng
9. Trang 325
ta cần mở rộng khái niệm chung và riêng này ra phạm vi lớn hơn rất nhiều: phạm vi toàn cầu.
Sự sống trên trái đất còn thì loài người còn; sự sống trên trái đất bị huỷ hoại thì nhân loại không còn. Nhân loại không còn thì ta không còn, quốc gia cũng bị tiêu vong.
Cần thay đổi cái định kiến hẹp hòi lợi ích của quốc gia là trên hết; mà phải xác định rất rõ ràng, dứt khoát: lợi ích của toàn nhân loại mới là tối thượng.
5/ Một “Chương trình Giáo dục Công dân Toàn cầu” phù hợp cho thế hệ mới là chìa khóa mở ra cánh cửa hòa bình vĩnh cửu cho nhân loại.
Có một giải pháp đã được con người biết từ rất lâu nhưng lại chưa được dùng cho đúng, đó là một chiếc chìa khóa vàng quý giá nhưng qua thời gian đã bị nhiều lớp bụi làm cho lu mờ khiến chúng ta không nhận ra.
Chúng ta cần lau sạch, đánh bóng và
gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác chìa khóa ấy để mở ra cánh
cửa hòa bình vĩnh cửu cho nhân loại. Chìa khóa vàng đó chính
là giáo dục.
Chúng ta cần có một chương trình giáo dục công dân toàn
cầu để thay đổi những nhận thức cố hữu và có nhiều nội dung sai
lệch xuất phát từ các chương trình giáo dục đã quá lạc hậu. Chúng
ta cần trang bị cho thế hệ trẻ những nhận thức mới. Trong chương
trình giáo dục công dân toàn cầu, điều quan trọng nhất là giáo
dục những quan điểm đúng đắn mà mỗi người sinh ra trên trái đất
ở thế kỷ 21 này đều cần phải có. Những công dân thế hệ mới cần
nhận biết các nguy cơ đe doạ chính mình và con cháu của chúng
ta; nguy cơ sự sống trên trái đất này bị hủy diệt hoàn toàn trong
phút chốc dưới bàn tay những kẻ “cực kỳ thông minh” nhưng đầy
10. Trang 326
lòng cao ngạo, tham lam và thù hận. Không chỉ giáo dục nhận thức mà chúng ta còn cần phải cảm hóa trái tim và cả tâm hồn trẻ thơ để tình yêu trái đất, tình yêu hòa bình thấm vào máu thịt của mỗi người. Chỉ có giáo dục đúng đắn, nhân văn nhất, mới có thể triệt tiêu được mầm mống, gốc rễ gây ra chiến tranh. Chúng ta cần nhận diện một kẻ thù vô cùng nguy hiểm xuất phát từ bên trong con người đó là lòng tham, sự sân hận, u mê, tính kiêu căng, ngạo mạn. Đây chính là mầm mống, là gốc rễ, là thủ phạm gây ra chiến tranh với những hậu quả vô cùng thảm khốc.
Vì lẽ tự nhiên đó, muốn có một thế giới hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng, chúng ta cần tìm thứ ánh sáng có thể soi rọi vào mọi ngóc ngách của tâm hồn giúp cho con người ngay từ lúc còn trẻ thơ có thể phát triển những tính tốt một cách toàn diện và tất nhiên, tính xấu sẽ không còn có chỗ để tồn tại. Tựa như ánh sáng xua tan bóng tối vậy.
Đúng như thông điệp của nhà giáo Maria Montessori đã viết: “Hòa bình là điều mà con người ai cũng muốn và hòa bình có thể đến được với nhân loại thông qua trẻ nhỏ”.
Tôi cũng tin một cách chắc chắn rằng cánh cửa hòa bình sẽ mở ra vĩnh viễn cho nhân loại nếu Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết với 3 nội dung chính yếu sau đây:
A/ Tổ chức soạn thảo một “Chương trình Giáo dục Công dân Toàn cầu” phù hợp với tất cả các quốc gia.
Thành lập một Hội đồng Soạn thảo bao gồm Ban Cố vấn tập
hợp những nhà giáo, triết gia, nhà khoa học xã hội, nhà chính trị,
ngoại giao, quân sự, luật sư, những nhà lãnh đạo tôn giáo, văn hoá…
yêu hòa bình và có uy tín nhất ở từng châu lục nhằm đảm bảo chúng
ta có được một chương trình giáo dục có chất lượng nhất phù hợp
11. Trang 327
với mục tiêu đặt ra: thế hệ mới có nhận thức đúng đắn về thế giới ta đang sống với tình yêu sâu sắc dành cho hòa bình.
B/ Thành lập một tổ chức có quy mô toàn cầu với một quy chế hoạt động phù hợp nhằm phổ biến “Chương trình Giáo dục công dân Toàn cầu” đến tất cả các quốc gia.
Cần có một tổ chức chịu trách nhiệm triển khai thực hiện “Chương trình Giáo dục công dân Toàn cầu” kể trên. Tổ chức này có thể độc lập hoặc trực thuộc UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc. Tổ chức này cần một quy chế hoạt động phù hợp nhằm đảm bảo thực thi việc phổ biến “Chương trình Giáo dục công dân Toàn cầu” một cách hiệu quả, đạt được sự đồng bộ trên toàn thế giới. Cần có một cơ chế hợp lý nhằm huy động được các nguồn tài trợ giúp tổ chức này làm thật tốt các công tác tuyên truyền, phổ biến, áp dụng, kiểm tra, giám sát… một cách hữu hiệu để chương trình giáo dục này đến được với từng trẻ nhỏ. Tức là tất cả trẻ em sinh ra trên trái đất đều được tiếp thu trọn vẹn chương trình giáo dục này.
C/ Nghiên cứu và thiết lập một mô hình quản lý điều hành mọi hoạt động của xã hội loài người một cách khoa học, văn minh, phù hợp với thời đại mới nhằm bảo đảm hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho nhân loại.
Mục tiêu cao nhất của mô hình này là bảo đảm không một
quốc gia nào có thể gây ra chiến tranh vì bất cứ một lý do gì. Chúng
ta trân trọng các cuộc chiến tranh vệ quốc chính đáng - với những
sự hy sinh cao cả và thiêng liêng trong quá khứ. Về cốt lõi, nghĩ cho
cùng, thời đại mới, chúng ta cần hiểu: không có một cuộc chiến
nào được xem là thật sự chính nghĩa cả. Tiến tới, chúng ta hành
động trên phương châm mới: mọi cuộc chiến tranh đều là phi
nghĩa, phi pháp và đều cần được xem là tội ác.
12. Trang 328
Tôi xin gửi theo tâm thư này cuốn sách có tựa đề Trái đất là quê hương ta nhằm đưa ra những lý giải chi tiết để làm rõ hơn những luận điểm và những kiến nghị trên của tôi. Tuy đã được soạn thảo công phu, tâm huyết, nhưng cuốn sách này không thể tránh được nhiều thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý và phản biện của quý vị; để chúng ta thấy rõ hơn chân lý, tìm ra được hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất cho loài người trong thời đại mới.
Nếu có được sự đồng lòng và quyết tâm cao, nhất định chúng ta sẽ thành công trong việc xây dựng một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng trường cửu của nhân loại.
Xin chân thành cảm ơn quý vị đã quan tâm và ủng hộ kiến nghị này của tôi.
Trân trọng kính chào!
Kiến trúc sư Lê Viết Hải
(Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Việt Nam)
13. Trang 329
CHIA SẺ VỀ CUỘC TRÒ CHUYỆN
CỦA NGƯỜI VIẾT THƯ GỬI
ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HỢP QUỐC
VỀ SÁNG KIẾN HÒA BÌNH
Gần đây, tôi đã có nhiều cuộc trò chuyện với các nhà báo, các trí thức và bạn hữu về chủ thuyết “Trái đất là quê hương ta”. Trả lời phỏng vấn nhà báo sau đây của tôi về chủ đề này có thể mở ra một gợi ý để độc giả tham khảo.
Ám ảnh thuở thiếu thời đã giúp tôi hành động
Phóng viên: Thưa ông, câu chuyện về “chủ thuyết Hòa bình” của ông đã khởi phát như thế nào?
Ông Lê Viết Hải:
Mọi việc bắt đầu từ thuở ấu thơ, khi tôi còn sống ở tỉnh Thừa
Thiên Huế. Đang yên bình thì bỗng liên tiếp nhận hung tin từ bom
đạn: có gia đình đón tin dữ, người thân đi lính bị thiệt mạng; họ
đưa xác về, tiếng khóc rất là thảm thiết. Có lần, tôi tận mắt chứng
kiến xác thân bất toàn vẹn của người lính ấy được bọc trong một
chiếc túi nilon màu đen. Bốn bề, nói xin lỗi, mùi hôi thối bốc lên.
14. Trang 330
Người lính đó ở phía nào của cuộc chiến đi nữa, thì cảm giác ám ảnh nhất về chết chóc vẫn là rất đau thương. Bấy giờ là vào khoảng năm 1978. Mẹ tôi cũng không ăn ngủ được vì em ruột của tôi ở bên Campuchia. Nên bà đã ăn chay từ hồi đó, đã hơn 40 năm như vậy. Tôi càng nghĩ càng xót xa cho các nạn nhân của chất độc màu da cam; con cháu họ sinh ra không có một hình hài nguyên vẹn.
Tôi nghĩ là: không thể có một loài người tiến bộ, với những phát minh khoa học lừng danh rồi công nghệ phát triển tân tiến… mà lại tự sáng tạo ra các cỗ máy chiến tranh thảm khốc đến như vậy. Thật là vô lý!
Điều đó đã làm tôi phải suy nghĩ nhiều. Tôi đã viết cuốn Trái
đất là quê hương ta rồi nhiều bài viết khác trăn trở về chủ đề này,
là do những “ám ảnh đau thương” từ hồi còn bé như đã kể. Tại
sao lại không có một sự chung tay cứu rỗi nào xuất hiện hiệu quả
hơn nữa, để cho cả hai bên cùng ngồi lại với nhau. Để rồi cùng có
những giải pháp, giảm thiểu những nỗi đau từ chiến tranh. Để hòa
15. Trang 331
bình bền vững xuất hiện. Tôi tin vào việc chúng ta có thể đưa ra các biện pháp hiệu quả để chấm dứt chiến tranh, vì loài người rất là thông minh; các phát kiến của loài người đã giúp họ có sức mạnh nhiệm màu để làm được điều trên!
Rất nhiều tỷ phú sẵn sàng cống hiến tới 70%, thậm chí 100% tài sản!
Chắc chắn rằng không một lãnh đạo quốc gia nào có thể
chắc chắn được rằng: họ sẽ huy động được một nguồn
nhân lực hùng hậu phục vụ cỗ máy chiến tranh; nếu như bạn chắc
chắn được là “mọi trẻ em trên toàn thế giới đều hiểu rõ được chiến
tranh là một tội ác đáng lên án”!
16. Trang 332
Bài toán đơn giản: không có lực lượng tham gia, tiến hành chiến tranh thì sẽ không có chiến tranh. Cho nên, bằng mọi giá, dù khó, chúng ta phải xây dựng được mô hình xã hội không chiến. Cần có các nhà khoa học, họ nghiên cứu bài bản và có tính thực tế cao về những mô hình quản lý quốc gia để có thể điều hành tổ chức kể trên một cách hiệu quả nhất. Hiện nay, quy mô của Liên hợp quốc cũng phải nghiên cứu, thậm chí nâng cao năng lực hơn nữa để có thể đảm nhận vai trò quan trọng kể trên, tăng cường giám sát quản lý xã hội trên quy mô cả loài người.
Phóng viên: Như ông đã nói và viết, “Thời buổi này, khi trái đất
đứng trước quá nhiều nguy cơ đáng sợ (thậm chí có thể bị huỷ diệt!), cần
bỏ chủ nghĩa vị kỷ dân tộc để sống chan hòa “Trái đất là quê hương ta”.
Ông cũng viết, Việt Nam ta trải qua quá nhiều mất mát do chiến tranh,
suốt cả nghìn năm qua, các thế hệ đã vì quốc gia dân tộc mà ngã xuống
để có hôm nay. Vậy, chúng ta làm sao để “thực hiện chủ thuyết mới” mà
không làm mếch lòng hay phụ công các thế hệ đã vì non sông ngã xuống?”.
17. Trang 333
18. Trang 334
Ông Lê Viết Hải:
Về vấn đề này thì tuyệt đối tôi không lên án những cuộc chiến tranh mà ông cha của chúng ta (và thế hệ trước, ở các quốc gia có chiến tranh vệ quốc xứng đáng khác) đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Vì nhiệm vụ, cha anh chúng ta thậm chí đã vị quốc vong thân, đã buộc phải tiến hành những cuộc đấu tranh không mệt mỏi, kéo dài và tổn thất lớn lao. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả.
Tôi chỉ muốn nói ở góc độ khác nữa.
Thời đại chúng ta đang sống ở đây, đã có những sự thay đổi
khá tích cực. Chúng ta cần phải bước thêm những tiến bộ quan
trọng nữa về nhận thức tích cực. Chỉ khi cả thế giới được trang bị
đầy đủ về giáo dục hòa bình toàn cầu, thì chúng ta mới có thể xa
rời được chiến tranh. Đó là lò thuốc súng, là quả siêu bom nguyên
tử với nút bấm sinh tử đang treo trên đầu tất cả chúng ta.
19. Trang 335
Sự thay đổi về nhận thức trong thời đại mới cần được phổ biến đầy đủ tới tất cả trẻ em sinh ra trên toàn cầu. Chỉ khi có được nền giáo dục hòa bình toàn cầu (được thể hiện trong 8 nội dung bức tâm thư tôi đã gửi tới Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gần đây), thì lúc đó chúng ta mới có quyền tin vào việc loài người sẽ xa rời chiến tranh.
Phóng viên: Ông có nói về việc Liên hợp quốc sẽ đứng ra tổ chức, sẽ bắt đầu bằng một nền giáo dục vì hòa bình chung nhân loại: Mô hình xã hội không chiến tranh, Chương trình giáo dục công dân toàn cầu. Nếu làm được như trên thì thật đáng ước mơ. Nhưng đâu là lý do để ông tin rằng Liên hợp quốc sẽ dành công sức, tiền của cho dự án nhân văn vĩ mô này? Tìm nguồn tài chính, tuyển chọn nhân tài, nhân sự đích thực cho chương trình sáng kiến này quả là một thách thức. Ông có nghĩ vậy không?
Ông Lê Viết Hải:
Có rất nhiều tỷ phú sẵn sàng cống hiến 50%; 70% thậm chí là
toàn bộ tài sản của họ cho việc làm đóng góp cho sự nghiệp phát
triển cho hòa bình và sự phát triển bền vững cả thế giới, cho việc
bảo vệ sự sống trên trái đất này để chống lại những nguy cơ, hiểm
họa mà loài người đang gặp phải.
20. Trang 336
Nếu chúng ta chứng minh được một cách thuyết phục - thông qua các giải pháp, sáng kiến của mình - rằng: cách làm mới sẽ mang lại hòa bình, đem lại an toàn, an ninh, một thế giới phát triển bền vững cho toàn nhân loại, thì không khó để tìm kiếm một nguồn tài trợ đủ lớn. Tương tự như các chương trình đã và đang hoạt động, tôi tin chắc, sẽ có nhiều người họ làm việc làm này không vì lợi ích cá nhân. Có những nhà xã hội, nhà văn hóa - lịch sử - tộc người, họ đóng góp cho chương trình này mà không đòi hỏi bất kỳ thù lao nào.
Tất nhiên, chúng ta sẽ không thể thực hiện một chương trình lớn như thế này mà không được sự ủng hộ, với sự quyết tâm cao độ một tổ chức quốc tế uy tín như Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Khi chương trình được khởi động thì được rất nhiều tập đoàn, chủ doanh nghiệp lớn (và nhiều thành phần xã hội khác) sẵn sàng tài trợ cho chương trình này. Thực tế các chương trình khác dạng này đã được sự ủng họ lớn về tinh thần và vật chất của thế giới, càng giúp tôi tự tin hơn nữa.
Theo tôi, mọi người cần nhận thức được (và hành động theo):
giá trị quan trọng trong việc gìn giữ bình an cho trái đất còn là việc
bảo vệ sự sống của hành tình trước nguy cơ không kém phần đáng
sợ khác, như: ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, các yếu tố
bệnh tật và suy đồi đạo đức... Đó cũng là những giá trị vô song mà
nền giáo dục toàn cầu sẽ đem lại cho thế hệ tương lai.
21. Trang 337
Lẽ sống phụng sự vì các giá trị chung nhân loại
Phóng viên:
Tôi hiểu rằng, “Sáng kiến Hòa bình” kể trên là một tâm nguyện lớn của đời ông. Ông nói gì với thế hệ trẻ Việt Nam, khi nỗi lo chung, gánh nặng chung toàn cầu đang thách thức nền văn minh của chúng ta như bây giờ?
Ông Lê Viết Hải:
Để giải pháp giáo dục có hiệu quả thật sự và trên diện rộng
như mong muốn, phải ít nhất là phải mất một thế hệ để thay đổi.
Tức là khoảng 18 - 20 năm, chúng ta phải đào tạo từ một trẻ sơ
sinh cho tới khi chúng trưởng thành và có nhận thức đúng về “trái
đất không có chiến tranh”. Thế nên, nếu chiến tranh xảy ra bây giờ
hoặc vài năm nữa, thì giải pháp giáo dục kia không bao giờ theo kịp
và có tác dụng ngăn chặn được. Trong giai đoạn này, song song với
mối quan tâm về giáo dục trẻ nhỏ thì vẫn cần phải thực hiện những
giải pháp trước mắt để ngăn ngừa chiến tranh.
22. Trang 338
Trước tiên, chúng ta phải vận dụng giải pháp ngoại giao đối thoại để chấm dứt chiến tranh, ví dụ như xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine chẳng hạn. Cần phải giải quyết những mầm mống của chiến tranh bằng những giải pháp truyền thống.
Sáng kiến về chương trình giáo dục công dân toàn cầu cũng là một giải pháp để chúng ta có tiếng nói trọng lượng hơn trong giải quyết vấn đề của những cuộc xung đột/chiến tranh trước mắt. Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm, đã có nhiều đóng góp quan trọng cho việc giữ hòa bình trên thế giới, tôi tin, các hoạt động này sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Đối với thế hệ trẻ Việt Nam, tôi mong muốn, các bạn cần có
những nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển, kinh tế xã
hội của đất nước, với tinh thần “Trái đất là quê hương ta”. Nghĩa là
họ phải biết khao khát có những đóng góp cho một “Quê hương lớn
hơn nữa”, bên cạnh quê hương đích thực của con Lạc cháu Rồng.
Tức là sự đóng góp ấy cần to lớn hơn, làm giàu và giữ bình yên cho
cả loài người.
23. Trang 339
Văn hóa kinh doanh của thế hệ trẻ Việt Nam là phải hướng tới các giá trị chung toàn cầu hơn nữa. Khi đạt mục tiêu đó thì các bạn trẻ sẽ thấy một thị trường rất rộng lớn để mình có thể tận tâm phục vụ. Thế rồi, cách họ tiếp cận và tiến hành triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng sẽ khác.
Chủ thuyết của chúng tôi về hòa bình đã được gửi đi, nếu điều đó được Đại Hội đồng Liên hiệp quốc ủng hộ và thiết tha thực hiện thì quả là niềm vui lớn của chúng tôi, một quả phúc lớn cho hòa bình chung nhân loại. Tôi tin tưởng một cách sâu sắc và nguyện đem hết sức mình ra để phụng sự cho điều đó, dù thế nào đi nữa… Với tôi, đó là một lẽ sống.
Phóng viên:
Chân thành cảm ơn ông Lê Viết Hải đã chia sẻ. Chúng tôi thật sự cảm kích về tấm lòng của ông với cộng đồng Nhân loại.
Đỗ Doãn Hoàng
(Bài đăng trên tạp chí Văn hóa Doanh nhân)
24. Trang 340
Ca khúc
TRÁI ĐẤT LÀ QUÊ HƯƠNG TA
(Nhạc và thơ của tác giả Lê Viết Hải)
Chúng ta không ngại chi xông pha
Sát vai nhau cùng ra khơi xa
Có lắm khi đường đi nhiều gian khó
Nắm tay nhau, nắm tay nhau, nắm tay nhau vượt qua sóng gió
Chúng ta thề cùng nhau xông pha
Quyết ra khơi vì yêu quê ta
Quyết ra khơi vì yêu thế giới
Quyết ra khơi, Quyết ra khơi, Quyết ra khơi tìm nhiều đường đi mới
Quyết ra khơi, Quyết ra khơi, Quyết ra khơi tìm nhiều người bạn mới
Trái đất là quê hương ta
Thái dương này hỏi đâu hơn quê ta
Cùng chung tay xây đắp quê hương
Nhà nhà xinh đầy ắp tiếng yêu thương
Đại dương kia đường ta đi tới
Màu xanh tươi ta tưới nơi nơi
Bình minh lên cây lá thêm tươi
Người người vui ấm thêm tiếng cười.