Tất cả các đấu pháp trên chiến trường về sau của dân du mục đều phản ánh dạng thức chăn nuôi đàn gia súc mà họ đã thành thạo trong hàng trăm năm. “Họ biết cách chia nhỏ đàn gia súc thành những nhóm dễ quản lý, họ biết cắt đường thoái lui bằng cách vòng qua bên sườn, cách dồn đàn thú tản mát thành bầy sát nhau, cách ly những con đầu đàn, chế ngự số lượng áp đảo của đàn gia súc bằng sự đe dọa, giết chọn lọc một số con trong khi khiến những con khác bất động và chịu bị kiểm soát”. Các học giả châu Âu và Trung Hoa đều cho rằng người Hung, người Thổ, người Mông Cổ - những người du mục - thường chiến đấu mà không lập nên các trận tuyến và cũng không cương quyết tấn công. Thay vì thế họ tiến đến quân địch với một đội hình vòng cung lỏng lẻo, đe dọa các đối thủ ít động cơ với cách bọc quanh hai bên sườn. Nếu bị kháng cự mạnh ở bất kỳ điểm nào, họ sẽ mở cuộc tháo lui, mục tiêu là dụ kẻ thù vào một cuộc truy đuổi sai lầm vốn sẽ phá tan đội ngũ của địch. Họ chỉ xáp vào cận chiến khi trận đánh rõ ràng có lợi cho họ và khi xáp trận như thế, họ dùng vũ khí cực kỳ sắc bén để sát thương, thường là chặt đầu hay chặt tay chân. 

Lý lịch mờ mịt của những nhà cai trị đi xe chiến mã là một dấu hiệu về tính cách chính của họ: họ là những kẻ hủy diệt hơn là những nhà sáng tạo và trong chừng mực tự khai hóa, họ tiếp thu các cung cách, thiết chế và đức tin của các dân tộc bị họ thống trị hơn là qua việc phát triển một nền văn hóa cho chính mình. Nhà Thương của Trung Quốc có lẽ đã kế tục một nền văn hóa đã có từ trước ở miền Bắc Trung Hoa hơn là mang đến một nền văn hóa của riêng mình. Những văn bản khắc chữ cho thấy họ là những người đi săn trên xe chiến mã, giết những con mồi lớn như hổ và bò có sừng bằng cây cung đa vật liệu và họ thực hiện việc giết người để hiến tế, có lẽ người bị giết là nô lệ, mà cũng có thể là tù binh chiến tranh. Đồ tùy táng tìm thấy trong các cuộc khai quật cho thấy họ sử dụng độc quyền đồng thau, trong khi những người trồng trọt