Như trên đã phân tích, thực tế, con người và các cộng đồng đã vận động chống lại vũ khí hạt nhân ngay cả trước khi quả bom đầu tiên được chế tạo. Ngay từ năm 1914, tác giả H. G. Wells đã gợi ý trong quyển tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Thế giới được trả tự do (The Word Set Free) rằng chỉ có chính phủ thế giới mới có đủ sức vượt qua sức mạnh hủy diệt tiềm tàng khổng lồ của năng lượng hạt nhân. Dẫu vậy phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu chỉ thật sự nổi lên mạnh mẽ sau khi hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản. 

Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) được thành lập năm 1946 bởi các nhà khoa học từng làm việc trong dự án Manhattan (dự án chế tạo bom nguyên tử Mỹ) - với mục đích giáo dục về các vấn đề hạt nhân và thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân - là tổ chức đầu tiên trên thế giới vận động giải trừ vũ khí hạt nhân. Lần lượt sau đó là sự ra đời đông đảo các chiến dịch, tổ chức, hội nhóm hướng đến mục tiêu một thế giới không vũ khí hạt nhân, như tổ chức Pugwash (ra đời năm 1957) thường tổ chức các hội nghị thường niên trên toàn thế giới để giải quyết các mối đe dọa an ninh toàn cầu, bao gồm giải trừ vũ khí hạt nhân; tổ chức Hòa bình xanh (Greenplace, ra đời năm 1969/1971) được thành lập sau khi Mỹ công bố kế hoạch tiến hành các “vụ thử hạt nhân hòa bình” ở đảo Amichitka, Alaska; Diễn đàn giải trừ vũ khí hạt nhân châu Âu (END, hoạt động năm 1983 - 1993); Chiến dịch quốc tế bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN, ra đời năm 2007)… 

Phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân thế giới trải qua hai thập kỷ phát triển đã có một vị thế vững chắc trong các chương trình nghị sự quốc tế và cuộc tranh luận của giới học giả toàn cầu. Vị thế vững mạnh này mà nhân loại có được, một phần nhờ công của bốn cựu quan chức cấp cao của Mỹ: Henry Kissinger, Sam Nunn, William Perry và George Shultz đã thực hiện một bài báo xã luận phản biện đầy ấn tượng đăng trên tờ Washington Post vào tháng 1/2007 kêu