2. Trang 78

cũng sẽ chọn giải pháp không dùng vũ lực. Mỗi cuộc chiến đều có một diễn ngôn và thậm chí ẩn đằng sau đó là những nỗi đau. Ở chương 3, tôi sẽ tìm cách lý giải một đặc điểm tư tưởng chung của các nhà cầm quyền tại các xứ sở được coi là “cường quốc trên thế giới” đã dẫn họ đến việc sử dụng hình thức chiến tranh (hay tham gia một cuộc chiến) để giải quyết xung đột quốc tế và vì sao tư tưởng này cần được loại bỏ để thay thế bằng một tư tưởng khác dẫn loài người đến kỷ nguyên hòa bình bền vững. 

Có thể trở lại lịch sử một chút, tôi sẽ kể một câu chuyện có ý nghĩa thức tỉnh như thế này để hiểu thêm về giá trị của Hòa bình và càng thêm sợ Chiến tranh. 

Holocaust là một thảm sát diệt chủng có hệ thống do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành, dẫn đến cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái, bao gồm 3 triệu nam giới, 2 triệu phụ nữ và 1 triệu trẻ em. Chương trình khủng bố chống người Do Thái của Đức Quốc xã bắt đầu ngay sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào năm 1933. 

Thực tế, ban đầu, Đức Quốc xã chỉ dùng luật pháp và tuyên truyền ác ý để tạo ra một nền văn hóa phân biệt chủng tộc và thù địch chứ chưa có kế hoạch giết hại người Do Thái hàng loạt. Từ năm 1933 đến năm 1939, cuộc sống của người Do Thái ở Đức vô cùng khốn khổ dưới sự cai trị của Đức Quốc xã. Người Do Thái không được phép làm một số ngành nghề nhất định, họ không được phép xuất hiện ở những nơi công cộng như quán rượu hay công viên. Năm 1935, khi Luật chủng tộc Nuremberg có hiệu lực, người Do Thái bị cấm kết hôn với những người không phải người Do Thái. Họ cũng mất quyền công dân, trở thành công dân hạng hai ở Đức. Những ngôi nhà, giáo đường Do Thái và các cửa hàng bị phá hủy và hàng nghìn người Do Thái bị giam cầm trong các trại tập trung. Khi Chiến tranh thế giới thứ Hai nổ ra, khoảng 250.000 người Do Thái đã bỏ trốn khỏi Đức vì bạo lực và phân biệt đối xử.