14. Trang 127

Ví dụ: chúng ta đã biết về nhiều câu chuyện đau lòng với những vụ việc tàn bạo nhân danh Chúa Giê-su, như các cuộc Thập tự chinh (1096-1272), Tòa án dị giáo (1200-1800), và Cuộc chiến tôn giáo của Pháp (1562-98)… Các ví dụ “điển hình” và khá kinh hoàng này, nhìn lại, chúng đều vi phạm lời dạy Chúa Giê-su Christ. “Bình luận” về các sự kiện trên, một chuyên gia nói rất có lý: “Các cơ sở giáo hội của châu Âu phục vụ hỗ trợ các chính phủ chuyên chế (gây ra các cuộc chiến tranh nhân danh tôn giáo) không phải là tôn giáo của Cơ Đốc giáo mà là sự lạm dụng và phá hoại tôn giáo”. 

Bằng chứng là, theo lời dạy của Chúa Giê-su và giáo lý kiên định quan điểm sau này của đạo Thiên chúa, là các tín đồ phải có phẩm chất sống hòa bình với nhau. Thậm chí, giáo lý còn dạy rằng: “Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em; hãy chúc phước, chớ nguyền rủa… Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người”. Rồi nữa: “Đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên phải ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn”; “Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại, phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành”. Trong thông điệp được trân trọng trích dẫn ở nhiều tài liệu, nhân ngày Hòa bình 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết:“Hòa bình là một giá trị to lớn và quý giá, là đối tượng của niềm hy vọng của chúng ta và là khát vọng của cả gia đình nhân loại”. Trong các năm sau đó, lần lượt, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành các sứ điệp hàng năm với các chủ đề khiến nhân loại tiến bộ không thôi xúc động về một lối sống tốt đời đẹp đạo của tất cả các tín hữu tử tế khắp địa cầu: “Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn đến hòa bình”, “Không còn là nô lệ nhưng là anh chị em với nhau”, “Vượt thắng thờ ơ và giành lấy hòa bình”, “Bất bạo động: Một hình thái chính trị vì hòa bình”, “Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình”, “Chính trị tốt phục vụ hòa bình”…