4. Trang 149
“Thế thì ông hãy chỉ cho tôi một con đường tốt hơn đi?”, mọi người thường phản bác khi nghe ông nói về xã hội loài người. “Đó là văn hóa và cộng đồng thuận tự nhiên”, Fukuoka đáp. Văn hóa thuận tự nhiên là cách sống đơn giản trong đó con người với trái tim đầy tự do, leo núi, chơi đùa trên đồng cỏ, tắm trong những tia nắng ấm áp, hít thở không khí trong lành, uống thứ nước trong vắt như pha lê và trải nghiệm niềm vui sống thực sự. “Xã hội mà tôi đang mô tả là một xã hội trong đó con người sẽ tạo một cộng đồng tự do và hào phóng. Nếu loài người có thể tìm lại được quan hệ gốc gác nguyên thủy của họ với tự nhiên, chúng ta sẽ sống trong hòa bình và thịnh vượng. Chúng ta phải nhận ra rằng cả trong quá khứ lẫn hiện tại, chỉ có duy nhất một lối đi bền vững khả dĩ: chúng ta phải tìm đường quay về với tự nhiên. Chúng ta phải đặt cho mình nhiệm vụ tái sinh sự sống trên trái đất này. Tái phủ xanh trái đất, gieo những hạt mầm trên sa mạc - đấy là con đường xã hội phải tuân theo”.
Fukuoka có quan điểm khác biệt hầu như với mọi triết lý khoa
học mà thuyết tiến hóa là điển hình trong số đó. Dưới góc nhìn
của ông, Đấng tạo hóa đã vê hạt giống của mọi sinh vật vào trong
các viên đất sét và trao cho các thiên sứ đi rải bừa khắp nơi. Một số
hạt giống được lập trình để trở nên hoạt hóa ngay sau khi đất đai
hình thành. Những hạt khác được lập trình để sống tốt trong nước.
Một số thì thích hợp với núi non, một số lại thích hợp với sa mạc.
Các hạt giống được chỉ định thành con người thì được lập trình
để chào đời trong các kỷ sau này của trái đất. Hàng triệu hạt giống
được tung ra vào cùng một lúc và những sinh vật trên trái đất nhận
lấy các hình dạng khác nhau. Một số trở thành vi sinh vật, một số
trở thành cây xanh và một số trở thành các loài động vật biết chạy
nhảy, đi lại. “Xét về mặt khoa học thì chúng ta có thể nói rằng những
hạt giống này đã nảy mầm khi các điều kiện thích hợp cho sự nảy mầm
của chúng đã hội tụ đủ và chỉ những loài có kiểu dáng phù hợp với môi
trường sống của chúng thì mới phát triển và sống sót”.