8. Trang 153

tĩnh lặng sáng sớm đưa Fukuoka vào trạng thái thức tỉnh. Tôi quan tâm đến loài chim diệc sau khi đọc quyển sách Kinh Dịch - Di sản sáng tạo của Việt Nam của nhà nghiên cứu Nguyễn Thiều Dũng. 

Trong quyển sách, Nguyễn Thiều Dũng cho rằng Khổng Tử - người được xem là đã soạn thảo và san định Ngũ Kinh (5 quyển sách kinh điển, nền tảng của Nho giáo: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu) - đã học Kinh Diệc từ Việt Nam, chứ không phải Kinh Dịch. Ông dẫn chứng ba bản sách Lỗ Luận ngữ, Tề Luận ngữ và Cổ Luận ngữ đều xác nhận câu nói của Khổng Tử “Gia ngã sổ niên, ngũ thập dĩ học Diệc, khả dĩ vô đại quá hỹ” (Thêm cho ta vài năm nữa, đến 50 tuổi học Diệc, thì có thể không mắc sai lầm lớn vậy). Tuy nhiên, từ Diệc trong các văn bản này đã bị đổi thành Dịch (Kinh Dịch) trong Sử ký Tư Mã Thiên - quyển sử phổ thông nổi tiếng của Trung Quốc. 

Vì sao lại là Kinh Diệc? Theo phát hiện của Nguyễn Thiều Dũng, người xưa khi dong thuyền ra biển để tế lễ hay bắt cá thường quen thuộc với hình ảnh những con cò, con diệc kiếm ăn trên bờ nước. Họ lấy kết quả của loài chim đó bắt được mồi hay không để chiêm nghiệm kết quả công việc mình làm. Chim bắt được cá họ nghĩ mình sẽ thành công, chim không bắt được cá họ liên tưởng đến thất bại, lâu ngày việc chiêm nghiệm này hình thành cách bói gọi là bói Diệc. Khi sáng tạo ra Kinh Dịch, tổ tiên người Việt gọi đó là Diệc. Khi Diệc du nhập vào Trung Hoa, có thể ban đầu đọc theo âm Diệc rồi dần dần Diệc phát triển thành âm Dịch. Chữ Dịch ( 剔) trong tiếng Hán có hình vẽ con cò, con diệc chính là thể hiện từ nguyên của Dịch chính là Diệc. 

Kinh Dịch ngày nay không chỉ là một bộ sách kinh điển của Trung Hoa mà đã trở thành di sản văn hóa chung của nhân loại, vì thế khi đọc thông tin về Kinh Diệc với tinh thần của một người không để chủ nghĩa dân tộc xen vào tư duy, tôi đã quyết định đi tìm hiểu về loài chim diệc để kiểm chứng những phát hiện của Nguyễn Thiều Dũng.