15. Trang 160

một thực thể tương tự các vùng đất ngập nước, cũng cần được bảo tồn thông minh bằng một nỗ lực quốc tế. Quyển sách Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ của tác giả Brian Eyler kể về hành trình xuôi dòng Mekong từ rìa dãy núi Himalaya trên lãnh thổ Trung Quốc đến đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam cho thấy toàn cảnh về một dòng sông trên bờ vực lâm nguy như thế nào bởi những ứng xử phát triển ích kỷ của các quốc gia trong khu vực và sự cần thiết phải có một sự hợp tác quốc tế thế nào để cứu dòng sông vĩ đại này. 

Hãy bắt đầu từ Campuchia, quốc gia nằm ở hạ nguồn sông Mekong. Đồng bằng sông Cửu Long được cho là nằm hoàn toàn trong lòng đất Việt Nam nhưng quá trình hình thành đồng bằng này thực sự bắt đầu ở Campuchia, ngay phía dưới Stung Treng, rất xa trước khi con sông chảy vào Việt Nam. Hơn 5000 năm trước, dòng sông này đã góp phần chính tạo điều kiện cho sự phát triển của đế quốc Khmer và nhà nước Campuchia. Khu đô thị lớn nhất Campuchia, thủ đô Phnom Penh, nằm dọc theo sông Mekong nơi hai sông Tonle Sap và Bassac gặp sông Mekong. Điểm hội tụ này, được gọi là Chaktomuk hay “bốn mặt” trong tiếng Khmer bản xứ, tạo ra bốn dòng chảy của sông Mekong (Tonle Sap, Bassac, sông Mekong thượng nguồn và sông Mekong hạ nguồn). 5000 năm trước, sông Mekong dịch chuyển về phía tây, chia đôi Tonle Sap và Bassac. Sông Mekong không chỉ kết nối với Bassac biến nó thành chi lưu chính đầu tiên của sông Mekong chảy ra biển mà còn biến Tonle Sap từ chỉ chảy một hướng thành một chi lưu thường được cho là phép lạ của tạo hóa. Trong mùa mưa, sông Tonle Sap đảo ngược dòng chảy và lấy nước từ sông Mekong. Việc đưa nước ngược lên sông Tonle Sap bất ngờ làm cho bãi bồi ven sông Mekong tăng diện tích thêm một phần ba và quan trọng hơn là tạo ra hồ Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.