29. Trang 174

đầu mùa cuối tháng Tư, người ta có thể gieo đủ loại lúa giống trộn chung với các hạt rau quả: bầu bí, đậu bắp, lạc, khoai lang, đôi khi là bông vải. Suốt thời kỳ tăng trưởng của lúa, rẫy được chăm sóc bằng việc làm cỏ liên tục. Rẫy được dọn như vậy có thể được canh tác từ ba đến sáu năm liên tiếp tùy theo vùng. Hai năm đầu người ta chỉ gieo các loại lúa được thu hoạch bằng cách suốt bằng tay gọi là mdiê diâo, lúa sớm như hdrô hoặc bla hay lúa trễ như… Sau đó người ta gieo trên một phần rẫy các loại lúa nửa nếp nửa tẻ gặt bằng liềm: kê, san. Những năm cuối cùng người ta chỉ gieo những giống gọi là mdiê hliê luôn đi cùng một ít nếp vốn cũng có nhiều chủng loại. Rẫy được bỏ hóa ngay sau khi năng suất trở nên quá kém. Để đền bù vào khoảng năng suất bị mất đi do đất cằn kiệt, rẫy được mở rộng hàng năm bằng cách khai hoang một khoảnh rừng hay bãi tranh kế cận. Như vậy, nơi trồng trọt cứ di chuyển hàng năm và quay lại mảnh đất cũ theo một chu kỳ từ 10 đến 20 năm sau khi đã đi khắp lãnh thổ của làng. 

Diện tích rẫy không phải bao giờ cũng tỷ lệ với số thành viên trong gia đình mà nó phải cung cấp. Ít khi một rẫy vượt qua hai hecta. Khi nào rẫy không còn cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ cả gia đình, người ta phải làm rẫy thứ hai. Do chế độ đổi công, thường có khi chỉ một cặp vợ chồng có thể canh tác cả một cái rẫy lớn bằng rẫy của một gia đình sáu người, đương nhiên họ phải đi làm lại cho các gia đình láng giềng đã đến giúp họ, nhưng số thóc sản xuất dư so với mức tiêu thụ của hai vợ chồng có thể được “bán” để lấy trâu bò, tiền hay của cải có giá trị như chum ché hoặc cồng chiêng… của một gia đình đông người không tự cung ứng nổi nhu cầu. 

Mỗi gia đình trong làng của người Ê đê sở hữu một số gia súc được nuôi vì mục đích nghi lễ hơn là kinh tế: voi, trâu, bò, lợn và gia cầm. Voi rừng được người Mnong bắt và thuần dưỡng và được người Ê đê mua lại để sử dụng. Voi thường là của cải của người giàu và là nguồn phục vụ vô giá trong việc chuyên chở vật liệu xây dựng