54. Trang 199

đồ gốm được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác, xen lẫn với “chất liệu đặc trưng Indus” như vòng đeo tay và hạt màu xanh lam, được tìm thấy khắp vùng Indus. Điều này cho thấy bản sắc địa phương mạnh mẽ đã bổ sung cho một nền văn hóa Indus rộng lớn hơn. Việc di cư giữa các ngôi làng và thành phố là phổ biến, vì vậy có khả năng người dân ở thung lũng Indus xem mình như một phần của nền văn minh bao trùm. Nhưng bằng chứng cho thấy rõ ràng đó là một xã hội đa văn hóa, nghĩa là cũng có rất nhiều sự khác biệt về văn hóa ở cấp địa phương. “Có lẽ chính khía cạnh đa văn hóa này đã giúp cư dân Indus tồn tại và sống sót trước biến đổi khí hậu. Thay vì phụ thuộc vào một loại hệ thống quản lý nước hoặc một vài loại cây trồng chủ lực, nền văn minh Thung lũng Indus được xây dựng dựa trên các thực hành đa dạng. Các quần thể Indus ở một số vùng đã thích nghi tốt với việc sống trong các điều kiện môi trường và sinh thái đa dạng do đó có đủ khả năng để đưa ra các quyết định linh hoạt khi đối mặt với sự thay đổi của môi trường”, các nhà nghiên cứu kết luận trong công bố khoa học trên tạp chí Current Anthropology. 

***

Nếu có một điều tôi muốn ngụ ý xuyên suốt các câu chuyện ở Chương 5, từ cách làm nông thuận tự nhiên của lão nông Masanobu Fukuoka, công ước Ramsar về chim nước và vùng đất ngập nước, dòng sông Mekong đến sáng kiến Half Earth của Wilson, thì đó chính là nhận thức trái đất là ngôi nhà chung của muôn loài mà loài người chỉ là một loài trong hàng triệu loài sinh vật sống trong ấy. Sự sống trên trái đất là một thể thống nhất toàn vẹn, mỗi sinh vật xuất hiện - như lời Masanobu Fukuoka - đều có sứ mệnh của riêng mình. Khi nhìn vào thành tựu của Công ước Ramsar, thách thức của các quốc gia trên dòng sông Mekong hay những sáng kiến như Half Earth, điều chúng ta nhận ra là các quốc gia phải từ bỏ khái