73. Trang 275

Sáng kiến Nhà hát vì hòa bình (Theater for Peace) của Evelyne Tauchnitz được thực hiện tại những khu ổ chuột rộng lớn ở Ahmedabad, thủ phủ của Gujarat (Ấn Độ). Đây là nơi sinh sống của nhiều nhóm tôn giáo và sắc tộc khác nhau, chủ yếu là người theo đạo Hindu và đạo Hồi nhưng cũng có cả người theo đạo Cơ đốc và đạo Sikh. Xã hội hỗn hợp này đầy rẫy những căng thẳng, đặc biệt là giữa người theo đạo Hindu và đạo Hồi, người ta thường xuyên lo sợ rằng “bạo lực Gujarat” năm 2002 (gây ra cái chết của 1.000 người và 2.500 người khác bị thương) sẽ bùng phát trở lại. Để ngăn chặn sự bùng phát bạo lực trong tương lai, dự án của Evelyne không chỉ hướng đến giải quyết các nguyên nhân trực tiếp của bạo lực mà còn cả các khía cạnh cấu trúc và văn hóa của nó, đặc biệt nhắm vào đối tượng trẻ em vì các em là những đối tượng dễ bị tổn thương, không có khả năng tự vệ, đồng thời cũng là niềm hy vọng cho một thế giới tốt đẹp hơn. 

Dự án của Evelyne sử dụng phương pháp Forum Theater - lấy cảm hứng từ “Nhà hát của những người bị áp bức” - ý tưởng của nhà viết kịch người Brazil Augusto Boal - nổi lên từ những năm 1970 tại các khu ổ chuột ở Brazil. Mục tiêu của phương pháp này sử dụng sân khấu như một công cụ xã hội để giải quyết các xung đột đạo đức và xã hội một cách sáng tạo. Các tình huống xung đột cụ thể đang ảnh hưởng tiêu cực đến một nhóm người nào đó sẽ được thể hiện trong một vở kịch tương tác. Những cá nhân liên quan đến cuộc xung đột sẽ xuất hiện dưới tư cách là diễn viên trong vở kịch và họ thường xuyên được đổi vai: lúc thì đại diện cho kẻ áp bức, lúc khác lại đại diện cho nạn nhân của cuộc xung đột. Thông qua quá trình thay đổi nhân vật ảo này, khả năng đồng cảm, lòng khoan dung và sự hiểu biết lẫn nhau giữa họ được nâng cao. Vở kịch được thực hiện dưới sự giám sát của người điều hành, còn được gọi là người pha trò, sẽ can thiệp với tư cách là trọng tài