5. Trang 284
Vương, lấy tên nước là Văn Lang. Nước ấy, đông giáp Nam Hải, tây giáp Ba Thục, bắc đến Động Đình, nam đến nước Hồ Tôn (nay chính là nước Chiêm Thành). Chia nước ra làm mười lăm bộ, là Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, (nay chính là tỉnh Nam Ninh), Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Y Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em chia nhau cai trị. Dưới vua, có đặt ra các chức tướng văn tướng võ. Tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mỵ nương. Tư mã gọi là Bồ chính. Nô bộc gọi là Trâu, nô tỳ gọi là Tinh, các quan gọi là Khối. Đời đời cha truyền con nối gọi là Phụ đạo. Các vua truyền ngôi cho nhau lấy hiệu là Hùng Vương mà không thay đổi.
Thời bấy giờ, dân ở miền núi xuống đánh cá ở dưới nước thường bị loài giao xà gây thương tổn, bèn tỏ bày việc ấy với vua. Vua nói: “Giống sơn man khác với giống thủy tộc; giống thủy tộc vốn ưa những cái giống mình và ghét những cái khác mình, cho nên ta bị chúng gây hại”. Bèn ra lệnh cho ai nấy đều lấy mực xăm vào người thành hình thủy quái, từ đó không còn lo xà long cắn bị thương nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu từ đấy.
Vào buổi đầu dựng nước, đồ dùng của dân chưa đủ, phải lấy vỏ
cây làm áo, dệt cỏ ống làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quáng
lang làm thức ăn, lấy cây tung lư làm giường nằm, lấy cầm thú cá tôm
làm mắm, lấy củ gừng làm muối. Cày bằng dao, trồng bằng lửa. Đất
sản xuất nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi gạo ấy. Gác gỗ làm nhà để
tránh hổ lang làm hại. Cắt tóc ngắn để tiện vào rừng. Con mới đẻ ra,
lấy lá chuối lót cho nằm. Có người chết thì giã cối cho láng giềng nghe
tiếng để kéo nhau đến cứu giúp. Con trai con gái khi hôn thú, trước
hết lấy gói muối làm lễ hỏi, rồi sau đó mới giết trâu giết dê để thành
vợ thành chồng. Đem cơm nếp vào buồng cùng ăn xong, vợ chồng mới
thành thân. Vì hồi bấy giờ trầu cau chưa có. Trăm người con trai chính
là tổ tiên của dân Bách Việt vậy”.