28. Trang 307

Lý Hải Nha vì tham lập công biên giới, làm trái thánh chỉ. Do vậy tiểu quốc sinh linh một phương phải chịu lầm than. Tham chính Ô Mã Nhi nói với người trong nước truyền báo cho thần rằng: Mày chạy lên trời, tao theo lên trời. Mày chui xuống đất, tao theo xuống đất. Mày trốn trong núi, tao vào núi tìm. Mày chạy xuống biển, tao xuống biển theo… Tham chính Ô Mã Nhi lâu ngày nắm binh thuyền, riêng ra ngoài biển, bắt hết biên dân vùng biển. Lớn thì giết chết, nhỏ thì bắt đi, cho đến treo trói, xẻ mổ, mình đầu khắp chốn. Trăm họ bị bức tới chỗ chết, bèn dấy cái họa của con thú cùng đường… Còn việc làm của Ô Mã Nhi tàn khốc bạo ngược thì chính đại vương mắt thấy. Vi thần chẳng dám nói dối”. 

Chiến thuật ngoại giao qua ngòi bút của Trần Nhân Tông đã tế nhị giữ thể diện cho Hốt Tất Liệt, tuy quy tội cho các tướng ngoài biên ải nhưng ý đồ ngầm chứa trong bài biểu là lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa do Hốt Tất Liệt chủ mưu. Lời lẽ mềm mỏng nhưng trong các bức thư, Trần Nhân Tông đã đưa ra những lý lẽ rất sắc bén nhằm buộc tội kẻ thù. Vì “trăm họ bị bức bối tới chỗ chết, bèn dấy họa của con thú cùng đường” vì thiên triều quá o ép nên chúng tôi đành phải phản kháng lại với tâm thế là sự phản kháng của “con thú cùng đường” mà thôi. 

Vào cuối năm 1283, khi vua Nguyên sai Triệu Chữ sang đòi nhà Trần phải giúp binh lương cho việc đánh Champa, Trần Nhân Tông đã cho người đưa thư sang từ chối với lý do vô cùng chính đáng. “Thân của kẻ cô tử này đã kế thừa chí cha. Từ khi cha tôi quy thuận thiên triều đến nay là 30 năm, đối với vũ khí can qua, không cần dùng lại, quân lính bỏ về làm dân đinh, một lòng cống hiến thiên triều, trong lòng không có mưu đồ gì khác, mong các hạ thương xót mà soi xét cho. Về việc giúp lương thì địa thế tiểu quốc tiếp giáp với biển, ngũ cốc sản xuất không nhiều. Từ khi đại quân đi rồi, trăm họ lưu vong, thêm vào đó bị lụt lội hạn hán. Sớm no chiều đói, ăn uống vẫn không đủ”. Với cách lập luận như vậy, Hốt Tất Liệt đành ngậm tăm, không có cớ để trả thù khi Đại Việt từ chối không giúp binh lương.