33. Trang 312

quốc tế lớn, từng bước trở thành một thành viên có trách nhiệm tích cực trong cộng đồng quốc tế: tổ chức ASEAN (1995), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (1998), WTO (2007), trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008 - 2009, 2020 - 2021)… Về phương diện ngoại giao, Việt Nam đến nay đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao với 190/200 quốc gia trên toàn thế giới trong đó có 30 đối tác chiến lược và toàn diện trên mọi lĩnh vực. 

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội (Việt Nam) được chọn trở thành nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019. Sự kiện trên là một minh chứng rõ nét cho vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Một đất nước đã trải qua 1.000 năm bị đô hộ, hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, một đất nước đã hứng chịu số bom Mỹ thả xuống cao gấp 3 lần số bom bị sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ Hai; một đất nước phải gánh chịu 4 cuộc chiến tranh liên tiếp từ sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, có thể nói không sợ quá lời rằng: Việt Nam mang trong mình khát vọng hòa bình tha thiết hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Việc Việt Nam cung cấp địa điểm lý tưởng để tổ chức một hội nghị bàn về vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên không chỉ là một kỹ thuật ngoại giao khéo léo của Chính phủ mà còn khẳng định Việt Nam đang đóng góp ngày càng chủ động và tích cực vào các vấn đề quốc tế nhằm hướng tới hòa bình và phát triển. 

Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học Quân sự thuộc Viện Chiến lược Quân sự đã lý giải bốn lý do thúc đẩy Mỹ và Triều Tiên thống nhất chọn Hà Nội của Việt Nam làm nơi tổ chức cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở thời điểm đó.