5. Trang 321

“cây chiến tranh” mọc lên được. Vậy mầm mống, gốc rễ đó là gì? Từ bao đời nay người dân của mọi quốc gia trên thế giới đều được dạy rằng: quyền lợi của quốc gia, của dân tộc ta là trên hết, là quan trọng nhất, là thiêng liêng và bất khả xâm phạm nhất. Chúng ta và tất nhiên cả con em của chúng ta - dưới nền giáo dục như vậy - mặc nhiên xem đó là một chân lý. Vì thế chúng ta sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ quốc gia, bảo vệ lợi ích và những giá trị mà dân tộc mình tôn thờ. Chúng ta xem đó là một việc làm chính đáng, một nghĩa vụ thiêng liêng và nếu có phải hy sinh một phần thân thể hoặc cả mạng sống của mình cho điều đó thì cũng không tiếc nuối. Bởi chúng ta luôn nghĩ rằng: đó là một sự hy sinh và hy sinh cho tổ quốc là vô cùng cao quý. 

Điều đó đúng trong quá khứ, chúng ta tôn trọng các giá trị thiêng liêng cao cả đó. Nhưng sẽ không hoàn toàn đúng, khi mà trong thời đại mới, chúng ta vẫn có thể có cách khác để giải quyết vấn đề, mà không cần sự giết chóc, với bom đạn cùng sự phá huỷ xót xa. Hơn nữa, trong thời đại mới loài người đã có những vũ khí mang tính hủy diệt thì sự “hy sinh” để chấp nhận chiến tranh đó, còn có thể mang đến thảm họa hủy diệt cho cả loài người. Đó là thảm họa bị diệt vong bởi bom hạt nhân và nhiều vũ khí tinh vi khác (ví dụ vũ khí sinh học) mà sức huỷ diệt của nó ngày càng kinh khủng hơn. 

Thế giới ngày nay đã có những thay đổi như vũ bão, những thay đổi đó khiến cho xã hội loài người trong kỷ nguyên này có nhiều tiến bộ vượt bậc so với vài chục năm trước - dĩ nhiên, càng khác “một trời một vực” so với vài trăm năm, vài ngàn năm trước. Sự khác biệt đó buộc loài người phải có một nhận thức mới, với mô hình tổ chức xã hội phù hợp hơn.